Những kết quả nổi bật
Thành phố Đà Nẵng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là điểm cuối của Hành lang Kinh tế Đông - Tây và là đô thị trung tâm quốc gia, đầu tàu kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; điển hình cho sự năng động, sáng tạo, phát huy tốt nguồn lực tại chỗ, nhất là phát triển hài hòa giữa kinh tế và quản lý đô thị với văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 16-10-2003, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 43-NQ/TW) khẳng định vai trò quan trọng trong vùng cũng như quốc gia của thành phố Đà Nẵng. Sự phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay đã khẳng định chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người dân thành phố và yêu cầu phát triển của đất nước.
Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng có quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997 - 2022 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại với nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng; không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997(1). Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng; luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, thương hiệu riêng của thành phố Đà Nẵng, như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; đội ngũ cán bộ trưởng thành về nhiều mặt, luôn có ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế. Uy tín và vị thế của thành phố Đà Nẵng ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay đặt ra một số vấn đề cần được tích cực xử lý, cải thiện trong thời gian tới, như tăng trưởng kinh tế đang chững lại, dư địa để phát triển không còn nhiều; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, trong khi năng suất lao động chưa cao; cơ cấu kinh tế bộc lộ một số điểm chưa phù hợp, thể hiện rõ qua tác động của đại dịch COVID-19; kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế; thu hút đầu tư nước ngoài mới chủ yếu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn một số bất cập, nhất là trong quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai; chưa thể hiện rõ nét vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt.
Những định hướng chiến lược để xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Mục tiêu “đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW; đồng thời, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong khu vực, trở thành đô thị lớn của cả nước với chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao; khẳng định thương hiệu là một “thành phố đáng sống”, thành phố Đà Nẵng xác định:
Trước tiên, phát triển kinh tế trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt trước sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể thấy rằng công nghệ và con người là hai yếu tố then chốt, là chìa khóa để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc tận dụng được thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thành phố còn nhiều hạn chế. Do vậy, để cụ thể hóa định hướng chiến lược này, thành phố Đà Nẵng tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế hợp lý, như tỷ trọng của khu vực dịch vụ là 60 - 65%; công nghiệp và xây dựng là 25 - 30%; nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2 - 3%; bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế chủ lực, chuyển đổi từng bước, căn bản các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới gắn với ứng dụng công nghệ số, khởi nghiệp, sáng tạo, với 3 trụ cột: 1- Phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, phát huy thế mạnh về du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế; 2- Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và nền kinh tế số; 3- Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch, gắn với cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Hai là, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là định hướng chiến lược quan trọng cho mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng xanh và bền vững. Ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực quản lý chất thải rắn, nguyên liệu, năng lượng, khu công nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh, ứng dụng hiệu quả các mô hình sản xuất sạch, tập trung chủ yếu vào các ngành (nông nghiệp, công nghiệp chế biến thủy hải sản, các ngành công nghiệp phát sinh chất thải lớn), bảo đảm sự cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Ba là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; định kỳ rà soát, đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trên cơ sở đó khẩn trương điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, nhất là sớm ban hành chính sách xã hội hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, nhất là vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, thông qua tổ chức diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư với thị trường trọng điểm và quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư, gắn thu hút đầu tư với bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.
Bốn là, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, theo hướng khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, góp phần cải thiện năng suất lao động, đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm là, xác định phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học để thúc đẩy sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo cán bộ; bám sát chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học khu vực và quốc tế. Tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng, đại học, trong đó xây dựng Đại học Đà Nẵng thành Đại học quốc gia và có cơ chế gắn kết giữa Đại học Đà Nẵng, các viện, trung tâm nghiên cứu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ khoa học - kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao, lao động thiếu trình độ ngoại ngữ, tin học. Xây dựng cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, học đi đôi với hành để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp và du lịch. Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có trình độ quản lý, liên kết hoặc thành lập mới cơ sở đào tạo nguồn lực lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập; chú trọng dự án thuộc các lĩnh vực đào tạo nghề, kỹ năng mềm và phát triển khoa học - công nghệ. Đồng thời, có chính sách ưu tiên nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố: 1- Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; 2- Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; 3- Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; 4- Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; 5- Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, kết nối miền Trung - Tây Nguyên, phát triển Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng sông Mê Công.
Tập trung huy động nguồn lực thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 43-NQ/TW; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được ban hành. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện và hoàn thiện các công trình động lực, trọng điểm, như xây dựng bến cảng Liên Chiểu; nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đầu tư tuyến kết nối giao thông sân bay về phía Tây, đường hầm qua sân bay Đà Nẵng; di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị; công trình vượt sông Hàn; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14B, 14D, 14G... Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng và các cảng hàng không, cảng biển. Tập trung đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc, gồm cao tốc Bắc - Nam để kết nối toàn bộ địa phương trong vùng và đường cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Thứ tư, xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế.
Tập trung xúc tiến, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, thực hiện và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu trên các lĩnh vực; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng; thành lập khu phi thuế quan thành phố. Tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng những việc đã rõ, đã được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp, nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm với mục đích cuối cùng là xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các nước trên thế giới, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Công và ASEAN.
Thứ năm, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người, làm nền tảng cho thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”.
Xây dựng đời sống, môi trường văn hóa phong phú, bản sắc; thường xuyên quán triệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng về tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, văn minh đô thị; phát huy giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống của địa phương kết hợp với chuẩn mực giá trị mới. Đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, bồi dưỡng tài năng trẻ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, nhất là sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực. Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng.
Nâng cao hiệu quả chính sách xã hội trên địa bàn, đặc biệt là thực hiện hiệu quả hơn các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”. Hình thành giá trị, bản sắc phù hợp với truyền thống văn hóa người Đà Nẵng. Tiếp tục thực hiện tốt, đồng bộ chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm tất cả đối tượng yếu thế được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, quan tâm vấn đề dân cư, dân số với quy mô, kết cấu phù hợp, phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm y tế chuyên sâu của vùng.
Cùng với định hướng chiến lược trên, thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu; dám nghĩ, dám làm và quyết tâm khắc phục sai lầm, khuyết điểm để nỗ lực vươn lên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, đặt lợi ích người dân, Nhà nước lên trên hết, trước hết và phát huy được sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp./.
--------------------------
(1) Những thành tựu nổi bật thành phố Đà Nẵng đạt được như: xếp thứ nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) giai đoạn 2008 - 2010 và 2013 - 2016; xếp thứ nhất chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) giai đoạn 2012 - 2016 và liên tục nằm trong nhóm cao nhất giai đoạn 2011 - 2016 và 2018 - 2019 đối với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tháng 12-2021, lần thứ 2 liên tiếp, thành phố Đà Nẵng được vinh danh tại giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết