Tóm tắt:
Từ thực tế hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho thấy còn tồn tại một số bất hợp lý, hạn chế trong quy định pháp luật điều chỉnh, do đó chưa phát huy vai trò, cũng như quyền lợi của các bên khi tham gia vào hoạt động này. Tại bài viết này, tác giả xác định bản chất của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, từ đó làm cơ sở để áp dụng pháp luật liên quan. Đồng thời, bài viết chỉ ra các bất cập, mâu thuẫn trong quy định, để đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định, góp phần phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: doanh nghiệp bảo hiểm, dịch vụ bảo hiểm, giám định tổn thất, thị trường bảo hiểm.
Dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Hoạt động này góp phần hạn chế trục lợi bảo hiểm, tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường, tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), việc chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường cũng nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời hơn, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Các DNBH hiện nay sử dụng rất nhiều các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong hoạt động tư vấn, đánh giá rủi ro, tính phí, giám định tổn thất, hỗ trợ giải quyết bồi thường... Tuy nhiên, hiện nay, loại hình dịch vụ phụ trợ này chưa có quy định pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn hoạt động, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan... Việc quản lý, giám sát các hoạt động phụ trợ bảo hiểm liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa được thống nhất. Vì vậy, cần phải nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm trong những năm qua, nhu cầu sử dụng dịch vụ phụ bảo hiểm của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng lên rõ rệt, trong đó dịch vụ giám định tổn thất được sử dụng ngày càng nhiều. Chất lượng của dịch vụ giám định tổn thất ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ bảo hiểm nói riêng và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện hoạt động giám định tổn thất tại thị trường bảo hiểm nước ta còn một số hạn chế, nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong quy định của pháp luật về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trong đó có dịch vụ giám định tổn thất. Do đó, để góp phần hoàn thiện cơ chế luật điều chỉnh, bài viết này phân tích các hạn chế, thiếu sót còn tồn tại về khái niệm dịch vụ tổn thất bảo hiểm, quy trình giám định tổn thất và biên bản giám định tổn thất bảo hiểm. Từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn về dịch vụ tổn thất bảo hiểm.
Căn cứ theo Khoản 11 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15: “Giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất và tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm”.
Như vậy, hiểu giám định tổn thất bảo hiểm (GĐTTBH) là xem xét, kết luận về nguyên nhân và mức độ tổn thất của đối tượng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm đang tiếp cận ở góc độ nội dung hoạt động, cụ thể GĐTTBH bao gồm 4 nội dung: xác định hiện trạng, xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ tổn thất và tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm. Quy định này nhằm phù hợp với cam kết của Việt Nam được ghi nhận trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương về các hoạt động phụ trợ bảo hiểm.
Tuy nhiên, về bản chất, GĐTTBH là loại hình dịch vụ giám định thương mại được quy định tại Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Điều 254:“Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.”
Nội dung giám định: “Giám định bao gồm một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.”
GĐTTBH thường được sử dụng trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và DNBH, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó.
Như vậy, việc định nghĩa giám định tổn thất dưới góc độ nội dung là chưa hợp lý. Luật Giám định Tư pháp số 13/2012/QH13, sửa đổi bởi Luật số 56/2020/QH14, bổ sung một số điều của Luật giám định Tư pháp quy định: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
Khái niệm này vừa làm rõ được cách thức, phương pháp, nội dung hoạt động, vừa thể hiện được cơ sở và mục đích của hoạt động giám định tổn thất.
Về mục đích, GĐTTBH nhằm xác định tổn thất có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, mức độ bồi thường bao nhiêu? Ở đây nảy sinh vấn đề đó là Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm về GĐTTBH quy định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài hoặc người được DNBH, chi nhánh DNBH nước ngoài ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất”.
Như vậy, có ý kiến cho rằng, ngoài những nội dung trên của giám định tổn thất, bên giám định không có thẩm quyền xác định trách nhiệm bảo hiểm. Quy định này cũng có phần mâu thuẫn với định nghĩa về giám định tổn thất bảo hiểm được quy định tại Điều 4 nêu trên.
Trên thực tế, ta thấy việc xác định trách nhiệm bảo hiểm luôn là mục đích cuối cùng của DNBH, do vậy nếu bản thân DN tự giám định tổn thất không xác định được trách nhiệm hoặc xác định được nhưng khách hàng không đồng ý và các bên thỏa thuận thuê giám định viên độc lập thì theo yêu cầu của các bên, báo cáo giám định sẽ bao gồm nội dung xác định trách nhiệm bảo hiểm.
Về chủ thể thực hiện hoạt động giám định tổn thất, đây là dấu hiệu vô cùng quan trọng để phân biệt giám định là hoạt động phụ trợ bảo hiểm hay hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bởi theo quy định, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm GĐTTBH, không bao gồm việc DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm của chính tổ chức đó.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu GĐTTBH là hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải được thực hiện bởi chủ thể độc lập (bên thứ ba), không liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đang giao kết. Chủ thể này thực hiện giám định một cách độc lập, khách quan, trung thực, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, gian lận bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời.
Vấn đề ở đây là Luật Kinh doanh bảo hiểm lại quy định không rõ ràng cụ thể về chủ thể được thực hiện hoạt động GĐTTBH như thế nào. Do đó, trong nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm còn một số vấn đề bất cập như sau:
Thứ nhất, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ ra rằng, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động GĐTTBH phải có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định. Tuy nhiên, quy định này bất hợp lý ở chỗ, cùng là hoạt động GĐTTBH, xét về bản chất hoàn toàn giống nhau, nhưng do DNBH tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh thì pháp luật chưa có quy định điều kiện.
Thứ hai, thiếu khái niệm về tổ chức cung ứng dịch vụ phụ bảo hiểm, cụ thể là GĐTTBH. Luật chỉ nêu khái niệm hoạt động giám định tổn thất là loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, theo đó có thể hiểu hoạt động giám định tổn thất được thực hiện bởi tổ chức cung ứng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, thế nhưng tổ chức này là gì, ai, đơn vị nào đứng ra thực hiện thì Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa quy định cụ thể.
Thứ ba, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm về nội dung hoạt động của DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, DN môi giới bảo hiểm, có nội dung chỉ ra việc cho phép các DN này cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tuy nhiên dịch vụ phụ trợ bảo hiểm còn bao gồm các hoạt động khác như tư vấn, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường… Do đó, các quy định mang tính chất chung chung này không làm rõ được liệu DNBH có được cung ứng dịch vụ GĐTTBH hay không?
Tóm lại, từ các phân tích cho thấy dù Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra định nghĩa về dịch vụ GĐTTBH, nhưng nội dung chưa làm rõ và chưa đầy đủ được bản chất, cũng như các vấn đề liên quan về hoạt động GĐTTBH.
GĐTTBH là việc làm của các chuyên viên giám định, người bảo hiểm hoặc các công ty giám định được người bảo hiểm ủy quyền, nhằm xác định mức độ và nguyên nhân của tổn thất làm cơ sở để bồi thường. GĐTTBH được tiến hành khi hàng hóa bị tổn thất, hư hỏng, đổ vỡ, thiếu hụt, giảm phẩm chất tại cảng đến hoặc trên đường hành trình và do người được bảo hiểm yêu cầu. Những tổn thất do mất hàng, giao thiếu hàng hoặc không giao hàng thì không cần phải giám định và cũng không thể giám định được.
Sau khi giám định tổn thất, người giám định tổn thất sẽ cấp chứng thư giám định. Chứng thư giám định gồm 2 loại là biên bản giám định và giấy chứng nhận giám định, sẽ được gửi cho người được bảo hiểm trong vòng 30 ngày. Người được bảo hiểm có thể tham gia ý kiến với giám định viên để thống nhất về tỷ lệ tổn thất hàng hóa. Trong trường hợp đôi bên không nhất trí được về việc giám định tổn thất thì có thể mời một bên trung gian làm giám định viên độc lập. Biên bản giám định là chứng thư quan trọng trong việc đòi bồi thường, vì vậy khi hàng đến cảng nếu thấy có tổn thất phải yêu cầu giám định ngay, không được muộn hơn 60 ngày kể từ ngày dỡ hàng khỏi tàu.
Cơ quan giám định phải là cơ quan được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm hoặc cơ quan được người bảo hiểm ủy quyền. Ngay sau khi nhận được thông báo tai nạn, tổn thất, thiệt hại từ khách hàng qua bất cứ hình thức nào, công ty bảo hiểm phải cử nhân viên thu thập thông tin ban đầu liên quan về tổn thất và mở sổ theo dõi tổn thất, sổ nhận khai báo tổn thất.
Kết thúc quy trình GĐTTBH, công ty giám định tổn thất cần lập biên bản ghi nhận kết quả giám định tổn thất. Kết luận này có giá trị bắt buộc đối với các bên liên quan gồm DNBH và khách hàng được bảo hiểm tổn thất. Tuy nhiên, quy định này còn tồn tại một vài bất cập như sau:
Thứ nhất, để đảm bảo tính giá trị và ràng buộc các bên tham gia, Luật Kinh doanh đã có quy định về hình thức của hoạt động GĐTTBH phải được lập thành văn bản, tuy nhiên trong Luật này lại không quy định cụ thể như thế nào. Điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng luật khác nhau vì những mục đích khác nhau. Như đã phân tích, theo quy định tại Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, có thể hiểu GĐTTBH chỉ nhằm chú trọng đến hai nội dung chính là xác định nguyên nhân gây ra tổn thất và xác định mức độ tổn thất, nên ngoài 2 nội dung này, biên bản giám định không bao gồm nội dung xác định trách nhiệm bảo hiểm như thế nào.
Thứ hai, về giá trị pháp lý của biên bản GĐTTBH. Như đã trình bày, nếu biên bản giám định không đáp ứng điều kiện về nội dung (thừa hoặc thiếu) thì liệu có phát sinh giá trị ràng buộc các bên liên quan hay không? Ngoài ra, có phải tất cả các trường hợp kết luận giám định của giám định viên độc lập đều có giá trị pháp lý nếu bên giám định này do một bên hoặc các bên hoặc cơ quan tài phán yêu cầu trưng cầu giám định, Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa quy định cụ thể và chi tiết về nội dung vấn đề này.
Đối với trường hợp GĐTTBH được yêu cầu giám định bởi một bên hoặc các bên. Theo quy định của Luật Thương mại về giám định thương mại, về nguyên tắc chứng thư giám định chỉ có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định nếu bên yêu cầu giám định không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định đó có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định tổn thất. Như vậy, các bên yêu cầu GĐTTBH nếu không đồng ý với kết quả giám định có thể yêu cầu giám định lại phù hợp hơn. Trường hợp kết quả giám định lại khác với kết quả giám định ban đầu thì kết quả nào sẽ có giá trị pháp lý cuối cùng? Trong Luật chưa quy định rõ ràng về nội dung này.
Về vấn đề này, quy định của Luật Thương mại chưa thật sự hợp lý, bởi việc xác định sử dụng biên bản giám định nào làm kết quả giám định cuối cùng làm phát sinh giá trị pháp lý với tất cả các bên phụ thuộc vào việc thừa nhận kết quả của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu. Qua đó cho thấy, kết luận giám định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, còn công ty giám định chỉ bên làm thuê, bên thứ ba độc lập, do đó bên này trên thực tế ít hoặc không liên quan đến việc thừa nhận hay không thừa nhận kết quả giám định của các bên yêu cầu. Đối với trường hợp giám định tổn thất được trưng cầu giám định bởi cơ quan tài phán. Đối với cơ quan tài phán tư, Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 không có quy định hướng dẫn này.
Đối với cơ quan tài phán công, Luật Giám định tư pháp và Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định kết luận giám định vẫn có thể bị yêu cầu giám định lại nếu có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, không hợp lý hoặc chưa đủ thuyết phục. Trong trường hợp nếu có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai (lần sau) do người trưng cầu giám định (cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng) sẽ quyết định. Việc quyết định giám định lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện. Trong trường hợp đặc biệt, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định.
Vậy, hoạt động GĐTTBH nếu được thực hiện theo chỉ định của cơ quan tài phán công, trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định nào có giá trị pháp lý sẽ do cơ quan này quyết định. Quy định này phần nào hợp lý, rõ ràng hơn quy định trên.
Từ các bất cập đã phân tích ở trên, để giải quyết vấn đề cũng như hoàn hiện quy định pháp luật về giám định tổn thất bảo hiểm, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, cần bổ sung quy định làm rõ bản chất của hoạt động GĐTTBH là giám định thương mại, qua đó có thể dẫn chiếu Luật Thương mại làm quy phạm pháp luật điều chỉnh các nội dung liên quan đến giám định nếu trong Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa quy định rõ ràng.
Hai là, cần bổ sung quy định về hình thức và nội dung chi tiết rõ ràng của các biên bản giám định trong luật Kinh doanh bảo hiểm, qua đó đảm bảo điều kiện về hình thức, nội dung rõ ràng, làm tăng giá trị pháp lý của biên bản giám định tổn thất.
Ba là, cần bổ sung quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Trọng tài thương mại về các trường hợp được yêu cầu giám định tổn thất lại, cách giải quyết khi có sự khác nhau giữa các biên bản giám định lần đầu và giám định lại, kết quả giám định lần nào được lấy làm cơ sở pháp lý để giải quyết bảo hiểm thiệt hại tổn thất.
Bốn là, cần quy định hướng dẫn các tiêu chuẩn, nội dung, phương pháp chuyên biệt trong hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm làm cơ sở cho bên giám định tổn thất thực hiện hoạt động một cách khoa học, hiệu quả và chính xác hơn.
Năm là, cần bổ sung trong Luật Giám định tư pháp quy định giải thích về các căn cứ được cho rằng kết quả giám định là không chính xác để làm cơ sở yêu cầu trưng cầu giám định lại.
Sáu là, cần bổ sung khái niệm tổ chức cung ứng dịch vụ phụ trợ, theo đó làm rõ những tổ chức nào được pháp luật cung ứng dịch vụ GĐTTBH. Ban hành quy định hướng dẫn quy chế thành lập, hoạt động và các điều kiện đặt ra đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ GĐTTBH.
Cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm cần thực hiện kiểm tra chuyên đề, tiến hành rà soát hoạt động của các công ty giám định, đặc biệt liên quan đến GĐTTBH nhằm đảm bảo hoạt động giám định phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tính độc lập, công bằng, khách quan và trung thực nhằm phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam ngày một lớn mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Analysis of some legal issues related to insurance loss assessment in Vietnam’s insurance market
Master. Nguyen Van Ro
Ba Ria - Vung Tau University
Abstract:
The facts show that insurance businesses are facing some unreasonable and legal issues that hinder the development of parties in the insurance market. This paper determined the nature of insurance auxiliary services and presented the basics for applying relevant regulations to govern insurance auxiliary services. The paper also pointed out the inadequacies and contradictions in relevant regulations. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve these regulations, contributing to the development of Vietnam's insurance market in the coming time.
Keywords: insurance enterprises, insurance services, loss assessment, insurance market.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của dân trí tài chính số tới quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính số của GenZ tại Việt Nam do Nguyễn Quỳnh Anh - Nguyễn Huyền Anh (Trường Đại học Điện lực) thực hiện
Xem chi tiếtNghiên cứu phỏng vấn sự khác nhau về tâm lý khách hàng đối với ý định chuyển đổi sang mua online theo nhóm hàng do TS. Phan Duy Hùng* (Trường Đại học Điện lực) thực hiện
Xem chi tiếtĐề tài Khó khăn và thách thức khi áp dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam do ThS. Đỗ Ngọc Phương Anh (Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học viện Chính sách và Phát triển) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Thực trạng tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội do Phạm Mai Chi 1- Nguyễn Quang Chương1 (1Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiết