TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu những thách thức trong pháp luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, như: xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền, quy trình đăng ký phức tạp, thực thi pháp luật chưa hiệu quả. Từ đó, bài nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: pháp luật sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ.
Ngày nay, sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự phát triển và cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Những tài sản trí tuệ như bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế, chỉ dẫn địa lý đang trở thành tài sản quý báu, giúp tạo ra giá trị kinh tế và định hình cuộc sống của con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sở hữu trí tuệ đã trở thành lực lượng thúc đẩy phát triển bền vững và sự đổi mới.
Với tiềm năng lớn và phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam không ngoại trừ khỏi xu hướng này. Sở hữu trí tuệ đang dần trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia, nhằm tạo điều kiện cho sự sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và tạo ra giá trị từ trí tuệ.
Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức và khó khăn. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền cùng những yếu kém trong hệ thống pháp lý và quản lý đã gây ra tổn thất lớn cho người sở hữu trí tuệ và quyền lợi kinh tế của quốc gia. Vấn đề nhận thức và giáo dục về sở hữu trí tuệ cũng cần được cải thiện để tạo sự nhất quán trong việc bảo vệ và tận dụng trí tuệ.
Chính vì vậy, mục tiêu của bài viết này nhằm phân tích sâu về tình hình sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Tác giả sẽ xem xét các thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong việc quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mục tiêu chính của nghiên cứu là cung cấp những kiến thức, thông tin chi tiết và đề xuất các chiến lược cụ thể để cải thiện tình hình, tối ưu hóa giá trị từ sở hữu trí tuệ.
Tác giả hy vọng nghiên cứu này sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn, là cơ sở lý luận cho việc quản lý, phát triển sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; đồng thời góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân
Theo Luật Sở hữu trí tuệ số: 42/2019/QH14 sửa đổi bổ sung số 07/2022/QH15: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Cũng như các quan hệ pháp luật dân sự khác, những tranh chấp liên quan đến việc xác lập quvền, sử dụng và chuyển giao các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ cũng thường phát sinh trong xã hội.
Sở hữu trí tuệ là một khái niệm phức tạp và đa dạng, bao gồm vô số các tài sản trí tuệ mà cá nhân, tổ chức, hoặc quốc gia sở hữu và tận dụng để tạo ra giá trị kinh tế và xã hội. sở hữu trí tuệ bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có:
Bản quyền (Copyright): Được quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Bản quyền áp dụng cho các tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc, phim ảnh và phần mềm. Nó đảm bảo quyền của tác giả hoặc người sáng chế và ngăn chặn việc sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự cho phép.
Nhãn hiệu (Brand name): Điều 4 khoản 16 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Quy định này nhấn mạnh đến chức năng và cũng là mục đích của nhãn hiệu, là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Sáng chế (Patent): được quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm thông qua hình thành một cơ cấu hoặc chất mới. Hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế là việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho một sản phẩm hoặc quá trình độc đáo, bảo vệ quyền độc quyền trong việc sử dụng, sản xuất và bán sản phẩm hoặc quá trình đó.
Bí mật kinh doanh (Trade Secret): là một đối tượng của sở hữu trí tuệ được quy định ở khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), là những thông tin, công thức, hoặc dữ liệu mà một công ty giữ kín để duy trì sự cạnh tranh. Các dữ liệu đó không được tiết lộ cho công chúng và được bảo vệ theo luật pháp.
Tài sản trí tuệ khác (Other Intellectual Property): ngoài các loại sở hữu trí tuệ trên, còn có các tài sản trí tuệ khác một số chủ thể khác theo quy định tại Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Mô hình lý thuyết về sở hữu trí tuệ: Có nhiều mô hình lý thuyết liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhưng mô hình phổ biến nhất bao gồm 3 yếu tố chính:
- Tạo ra (Creation): đây là quá trình tạo ra tài sản trí tuệ mới thông qua sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Điều này có thể liên quan đến việc viết sách, phát minh mới, hoặc thiết kế sản phẩm độc đáo.
- Bảo vệ (Protection): sau khi tạo ra, tài sản trí tuệ cần được bảo vệ để đảm bảo quyền độc quyền của người sở hữu, bao gồm việc đăng ký bản quyền, thương hiệu, hoặc sáng chế.
- Tận dụng (Exploitation): cuối cùng, tài sản trí tuệ cần được tận dụng để tạo ra giá trị kinh tế và xã hội, thông qua việc bán quyền sử dụng, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, hoặc thâm nhập vào thị trường mới.
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và tạo ra giá trị kinh tế. Tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, sở hữu trí tuệ đang trở thành một yếu tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý và quản lý sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần được giải quyết để tối ưu hóa giá trị từ sở hữu trí tuệ.
2.2.1. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền
Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2019 quy định rõ về các hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm: chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; mạo danh tác giả. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay tại Việt Nam sở hữu trí tuệ đang phải đối mặt là vấn đề về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền. Việc sao chép trái phép, sản xuất hàng giả, hoặc sử dụng sở hữu trí tuệ mà không có sự cho phép từ người sở hữu đã gây ra tổn thất lớn cho chủ sở hữu cá nhân, hoặc chủ sở hữu là công ty, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển và thúc đẩy sáng tạo trong quốc gia. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày một nhiều, trong đó nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Bởi lẽ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mang lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng vi phạm pháp luật. Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã bất chấp mọi thủ đoạn, sử dụng nhiều cách thức rất tinh vi để đưa những mặt hàng này ra thị trường.
Thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người kinh doanh thương mại, người tiêu dùng chấp nhận hàng giả, hàng xâm phạm quyền vì lý do giá trị của chúng phù hợp với điều kiện kinh tế của họ, lại thêm văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bài trừ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa phổ biến trong xã hội.
Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm dường như chưa đủ sức răn đe, khiến cho đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm không cảm thấy e ngại. Về phía chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đa phần vẫn chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền của mình, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự bảo vệ của Nhà nước trong khi chính họ là những người chỉ ra được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả để thông tin cho người tiêu dùng, bài trừ hàng giả, hàng xâm phạm quyền.
Các vấn đề liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc sao chép phần mềm trái phép. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho các công ty và cá nhân sở hữu trí tuệ, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
2.2.2. Quy trình đăng ký phức tạp
Một thách thức khác trong hệ thống pháp lý và quản lý sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là quy trình đăng ký phân loại đối tượng đăng ký phức tạp. Quy trình này đòi hỏi người sở hữu trí tuệ phải đối mặt với nhiều thủ tục phức tạp và thời gian chờ đợi dài. Điều này có thể gây trì hoãn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tận dụng giá trị.
Quy trình Đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2023 sẽ được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Phân loại đối tượng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ;
Bước 2: Xác định cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ;
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ;
- Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:
+ 02 bản tờ khai đăng ký của một trong các đối tượng sau: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp (theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ);
+ 05 mẫu nhãn hiệu đình kèm với kích thước 8cm x 8 cm (áp dụng đối với việc đăng ký nhãn hiệu);
+ 02 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp kèm theo bản chụp sản phẩm đăng ký - Áp dụng đối với đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
+ 02 bản mô tả sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có), yêu cầu bảo hộ sáng chế (trường hợp đăng ký sáng chế);
+ 02 bản mô tả giải pháp hữu ích, yêu cầu bảo hộ (trường hợp đăng ký giải pháp hữu ích);
+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền;
+ Tài liệu khác liên quan (nếu có).
- Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ áp dụng cho quyền tác giả và quyền liên quan tác giả
+ Đơn đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan tác giả theo mẫu của Cục bản quyền tác giả;
+ Giấy cam đoan của tác giả sáng tác ra tác phẩm;
+ Quyết định giao việc cho tác giả hoặc hợp đồng, văn bản chứng minh việc đi thuê bên khác sáng tạo ra tác phẩm;
+ Tuyên bố của tác giả về chủ sở hữu tác phẩm;
+ Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho đơn vị thứ 3 thực hiện việc đăng ký quyền tác giả;
+ Chứng minh thư nhân dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bản sao chứng thực);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết thành thành lập… (bản sao chứng thực và áp dụng trường hợp chủ sở hữu tác phẩm là pháp nhân)
+ Văn bản đồng ý của các tác giả trong trường hợp tác phẩm đăng ký có nhiều tác giả;
+ 02 bản tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký
Bước 5: Nhận giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ từ cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, với 5 bước tưởng chừng đơn giản, nhưng để phân biệt và chuẩn bị đúng như hướng dẫn không phải chủ đơn nào cũng hiểu và làm đúng, nhất là việc phân loại các đối tượng, thời gian đăng ký kéo dài, đặc biệt là khi cần thẩm định và xác minh đối với các sáng chế phức tạp hoặc thương hiệu toàn cầu. Đối với một số loại sở hữu trí tuệ, như sáng chế, việc bảo vệ thông tin và tránh rò rỉ thông tin quan trọng trong quá trình đăng ký là một thách thức lớn. Ngoài ra, khi đã thẩm định xong và nhận được chứng nhận sở hữu trí tuệ thì các sản phẩm hoặc quy trình đã lỗi thời. Cuối cùng, sau khi đăng ký, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc kiện cáo về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong việc xác định tính mới và độc đáo của một sáng chế hoặc một thương hiệu.
2.2.3. Thực thi pháp luật chưa hiệu quả
Một thách thức quan trọng khác là khả năng thực thi luật pháp không hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định rõ: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm bản quyền và xâm phạm sở hữu trí tuệ thường gặp khó khăn và trong thời gian dài, do lực lượng thực thi pháp luật không đủ nhân lực để theo dõi và kiểm soát vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ đã làm cho việc xác định và ngăn chặn vi phạm trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như việc sao chép trái phép, vi phạm bản quyền trực tuyến và vi phạm sáng chế, nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể xảy ra trên biên giới và liên quan đến nhiều quốc gia, gây ra khó khăn trong việc thực thi pháp luật ở một quốc gia cụ thể. Điều này làm giảm sự động viên sáng tạo và mất đi giá trị của sở hữu trí tuệ.
Thứ nhất, cải thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ. Luật số 07/2022/QH15 - Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung đã mở ra một bước tiến mới cho sở hữu trí tuệ Việt Nam trong thời kỳ 4.0. Tuy nhiên, một trong những bước quan trọng nhất để cải thiện tình hình sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là cải thiện hệ thống pháp luật liên quan, bao gồm việc sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc bảo vệ và thúc đẩy sở hữu trí tuệ; tăng cường bảo vệ cho các loại trí tuệ mới như phần mềm, ý tưởng và sáng chế.
Thứ hai, tăng cường công nhận giá trị sở hữu trí tuệ: Một phần quan trọng của việc cải thiện tình hình sở hữu trí tuệ là tăng cường công nhận giá trị của sở hữu trí tuệ trong xã hội. Cần có sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát triển kinh tế, tổ chức các chương trình giáo dục và tạo ra chiến dịch quảng cáo để giới thiệu cho công chúng về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Điều này giúp tạo ra sự nhận thức rộng rãi về giá trị của sở hữu trí tuệ. Như vậy, Chính phủ và các tổ chức cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bao gồm việc cấp tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ ba, hợp tác quốc tế: Hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Việc ký kết các thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ có thể giúp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi thông tin với các quốc gia khác. Ký kết các thỏa thuận về bảo vệ sở hữu trí tuệ với các quốc gia khác tạo ra một môi trường quốc tế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Đồng thời, tương tác với các quốc gia khác để chia sẻ kinh nghiệm, cũng như học hỏi từ các quốc gia khác có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc bảo vệ và thúc đẩy sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, tăng cường hệ thống thông tin và tra cứu: Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin hiệu quả để người sáng tạo và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cần tạo các cơ sở dữ liệu trực tuyến và công cụ tra cứu để hỗ trợ nhanh chóng và dễ dàng.
Sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế và sáng tạo tại Việt Nam. Để cải thiện tình hình sở hữu trí tuệ, chúng ta cần có một sự kết hợp của nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm cải thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công nhận giá trị sở hữu trí tuệ và hợp tác quốc tế, thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và tận dụng toàn bộ tiềm năng đang có.
Bài viết này đã phân tích các thách thức chính, tầm quan trọng của việc cải thiện sở hữu trí tuệ và có thể thấy rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển và tận dụng những cơ hội mà sở hữu trí tuệ mang lại.
Những hạn chế được nêu ra ở bài viết này như hệ thống pháp luật, sự chưa rõ ràng trong hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ đã tạo ra môi trường không thuận lợi cho bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sự thiếu hụt nhân lực trong việc thực thi pháp luật và giám sát đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và làm giảm giá trị của sở hữu trí tuệ. Công chúng và doanh nghiệp còn thiếu nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát triển kinh tế.
Cải thiện sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia, mà còn liên quan đến tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong quá trình phát triển toàn cầu. Để làm tốt vấn đề này, các giải pháp được nêu trong bài cần được xem xét, khuyến khích để tạo động lực cho việc sáng tạo, đổi mới và phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Tạo ra giá trị kinh tế thông qua việc bảo vệ và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai. Ngoài ra, một hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh mẽ sẽ nâng cao hình ảnh và uy tín quốc gia trên trường quốc tế, tạo ra cơ hội cho hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin với các quốc gia khác.
Mặc dù có những thách thức và khó khăn, Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan về tương lai của sở hữu trí tuệ trong nước. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết đối với việc cải thiện sở hữu trí tuệ thông qua việc sửa đổi và bổ sung pháp luật và các biện pháp khác. Bên cạnh đó, tiềm năng sáng tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với nhiều cá nhân và doanh nghiệp trẻ tiềm năng. Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế còn giúp Việt Nam học hỏi từ các quốc gia có kinh nghiệm và tận dụng kiến thức quốc tế để cải thiện sở hữu trí tuệ, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, tăng cường giáo dục và tạo nhận thức trong xã hội.
Trong tương lai, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sở hữu trí tuệ quốc tế, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và tạo ra giá trị lớn cho quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự nỗ lực liên tục từ Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc cải thiện sở hữu trí tuệ và thúc đẩy sáng tạo và phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
VIETNAMESE INTELLECTUAL PROPERTY LAW
- CURRENT CHALLENGES AND SOLUTIONS
• Lawyer, Master. THAI THANH VAN
Quan Nhan Law Company Limited
ABSTRACT:
This paper examined the current challenges in Vietnamese intellectual property law, such as intellectual property rights and copyright infringements, complex registration processes, and ineffective law enforcement. Based on the paper’s findings, the paper proposed some solutions to improve Vietnamese intellectual property law.
Keywords: intellectual property law, intellectual property.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 10 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết