Pháp luật về hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số kiến nghị


Bài "Pháp luật về hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số kiến nghị" do Nguyễn Anh Huy 1 - Nguyễn Quốc Khánh 2 (1 Trường Đại học Tây Đô, 2 UBND Thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) thực hiện

Tóm tắt:

Bài viết phân tích cơ chế hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo qui định pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong năm đối tượng ưu tiên cấp tín dụng theo chính sách hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, loại hình doanh nghiệp này còn được hỗ trợ tiếp cận tín dụng thông qua hai cơ chế đặc thù là Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở các địa phương. Với thực trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay, bài viết cho rằng các Quỹ bảo lãnh tín dụng nên ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng thông qua thẩm định phương án sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hơn là dựa trên tài sản đảm bảo chỉ vì lo ngại yếu tố rủi ro.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ ưu đãi tín dụng, Quỹ bảo lãnh tín dụng.

1. Đặt vấn đề

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Như các loại hình tổ chức kinh tế khác, DNNVV luôn có nhu cầu cao về vốn sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên, quy mô hoạt động và điều kiện luật định chưa cho phép loại hình doanh nghiệp này tiếp cận vốn một cách đa dạng. Kết hợp với một số điểm yếu về quản trị doanh nghiệp và minh bạch sổ sách - thông tin, DNNVV càng khó khăn hơn khi tự huy động vốn thông qua các kênh tư nhân. Nhận thức được vấn đề này, khung pháp lý về hỗ trợ DNNVV ngày càng hoàn thiện dần mà nền tảng là Luật Hỗ trợ doanh Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã đề cập đến cơ chế hỗ trợ ưu đãi tín dụng đối với DNNVV. Ở đây, Nhà nước chủ động tạo ra các chính sách hỗ trợ chủ yếu thông qua vai trò của Ngân hàng Nhà nước.

Trung tâm của chính sách hỗ trợ DNNVV là ưu đãi cấp tín dụng và cơ chế bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, thực tiễn tiếp cận tín dụng thông qua các cơ chế ưu đãi luật định còn khó khăn, chưa bao quát cả về số lượng DNNVV được tiếp cận và quy mô gói tín dụng. Vai trò của Quỹ Phát triển DNNVV chưa thật sự hiệu quả khi mà chỉ gần 25% vốn điều lệ của Quỹ được giải ngân cho hỗ trợ tín dụng trong giai đoạn 2020-2022. Quy trình tiếp cận bảo lãnh tín dụng chưa thật sự đứng về phía DNNVV, chưa đồng bộ ở các địa phương, dẫn đến DNNVV chưa quan tâm đến cơ chế ưu đãi này. Bài viết tập trung phân tích quy định pháp luật về ưu đãi tín dụng đối với DNNVV thông qua hai cơ chế nêu trên và đưa ra một số kiến nghị nhằm khắc phục bất cập của quy định pháp luật hiện hành.

2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân. Loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo,v.v... Tính đến năm 2022 số lượng các DNNVV chiếm 97% trong tổng số các DNNVV, trong đó nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93,7%, đóng góp tới 45% GDP và 31% vào tổng thu ngân sách, giải quyết khoảng 36% tổng số việc làm trong các doanh nghiệp.[1] Trong thời gian tới, khối DNNVV vẫn là một trong những động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia đàm phán, kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với quan tâm nhiều hơn đến vấn đề phát triển và hợp tác thể chế[2], thì vai trò của khối DNNVV ngày càng càng trở nên quan trọng.[3]

Hiện tại các quốc gia trên thế giới chưa có một khái niệm thống nhất để xác định DNNVV. Điểm khác biệt cơ bản ở đây chủ yếu là việc lựa chọn giữa các tiêu chí đánh giá như quy mô doanh nghiệp, đặc điểm ngành nghề kinh doanh, mô hình kinh doanh, sự phát triển và đóng góp cho nền kinh tế… Tùy thuộc vào trình độ phát triển trong từng thời kỳ mà mỗi quốc gia có thể lượng hóa và đưa ra các tiêu chí cụ thể khác nhau như tổng số lao động, tổng giá trị tài sản hoặc tổng doanh thu trong năm.[4] Ở Hàn Quốc, để được coi là DNNVV thì giá trị tổng tài sản tối đa là 500 tỷ KRW (tương đương 463 triệu USD) và doanh thu trung bình của doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất không vượt qua mức trần của ngành mà doanh nghiệp này đang hoạt động; mức trần này có thể dao động từ 40 tỷ KRW đến 150 tỷ KRW tùy thuộc vào ngành nghề đang hoạt động.[5] Theo Ngân hàng Thế giới, các DNNVV là những doanh nghiệp có tối đa 300 nhân viên, doanh thu hàng năm không quá 15 triệu USD và tài sản không quá 15 triệu USD.[6] Có thể thấy tiêu chí xác định DNNVV theo Ngân hàng Thế giới là “vừa sức” hơn đối với các quốc gia đang phát triển về quy mô vốn của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, hiện nay theo điều 4 Luật Hỗ trợ doanh Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các tiêu chí, đặc điểm của DNNVV được xác định như sau: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ”. Tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/8/2021, Chính phủ cũng đã quy định chi tiết cho từng quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như trình bày tại Bảng 1.

Bảng 1. Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa

hỗ trợ tín dụng

Nguồn: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP

3. Đặc trưng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNNVV mang đầy đủ yếu tố pháp lý của một doanh nghiệp theo Điều 4(10) Luật Doanh nghiệp 2020, đó là: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.” Ngoài ra DNNVV còn có một số đặc trưng về mặt kinh tế - quản trị doanh nghiệp như:

Thứ nhất, về quy mô, DNNVV có quy mô vốn nhỏ và số lượng lao động ít, doanh thu thấp hơn, trình độ quản lý doanh nghiệp và chất lượng nhân sự, người lao động của doanh nghiệp cũng như chi phí đào tạo lao động chưa cao khi so sánh với các doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn khác. Tuy nhiên, sự phân loại doanh nghiệp theo quy mô vốn hay số lao động thường chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Đơn cử như một doanh nghiệp có 400 lao động đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam không được coi là DNNVV nhưng lại được tính là DNNVV ở CHLB Đức.[7] Ở Việt Nam việc xác định tiêu chí đánh giá DNNVV cũng có sự khác biệt giữa các thời kỳ, phụ thuộc vào quy mô nền kinh tế và điều kiện sản xuất - kinh doanh hay nhằm khuyến khích phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực nào đó. 

Thứ hai, về tính đa dạng, DNNVV là loại doanh nghiệp được hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, lĩnh vực thương mại, dịch vụ… Đồng thời, quy mô DNNVV cũng cho phép lựa chọn mô hình doanh nghiệp hoạt động phù hợp; và điều đó cho phép DNNVV linh hoạt, uyển chuyển dễ thích ứng với các thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc điểm này đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý của các nhà quản lý trong doanh nghiệp, vì các chủ doanh nghiệp thường phải vừa quản lý, vừa tham gia trực tiếp vào sản xuất nên mức độ chuyên môn trong tổ chức, quản lý không cao.[8]

Thứ ba, về tính dễ bị tổn thương, thường xuất phát điểm của các DNNVV là vốn ít và để đầu tư mở rộng sản xuất thì đa phần doanh nghiệp cần vay vốn từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc vay vốn hầu hết là cần có tài sản thế chấp nên cơ chế tiếp cận vốn này là một rào cản đối với các DNNVV. Bên cạnh đó, do nguồn vốn ít nên các chủ DNNVV không đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc đầu tư vào máy móc công nghệ hiện đại, cũng như thuê những người lao động có tay nghề cao. Bản thân người lao động có thể cũng không thường xuyên được đào tạo, đào tạo lại do kinh phí hạn hẹp vì vậy trình độ tay nghề và kỹ năng của người lao động trong DNNVV là tương đối thấp.[9]

Thứ tư, DNNVV có khả năng linh hoạt hơn trong khởi nghiệp, do có thể thực hiện các quyết định nhanh chóng và thử nghiệm các ý tưởng mới mà không gặp quá nhiều rào cản từ các quy trình nội bộ. Điều này cũng cho phép họ thúc đẩy sự đổi mới và linh hoạt trong việc thích ứng với thị trường và nhu cầu khách hàng. Với cấu trúc tổ chức nhỏ gọn, doanh nghiệp có khả năng nhạy bén trong việc nhận biết thay đổi trong nhu cầu thị trường và điều chỉnh hướng kinh doanh một cách nhanh chóng. Điều này giúp họ phát huy sự sáng tạo, độc lập và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ một cách nhạy bén. Đặc tính linh động này cho phép doanh nghiệp dễ dàng thích nghi với những biến động của nền kinh tế thị trường.

Tóm lại, ngoài mang những dấu hiệu pháp lý chung của một doanh nghiệp, DNNVV còn có những đặc trưng kinh tế và quản trị về quy mô doanh nghiệp, tính đa dạng trong lĩnh vực hoạt động, tính linh hoạt và tính dễ tổn thương. Trong đó, khả năng tiếp cận vốn từ nguồn lực bên ngoài là một yếu điểm mà pháp luật cần phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

4. Quy định về hỗ trợ tín dụng đối với doang nghiệp nhỏ và vừa

Trên cơ sở cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh, Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 đã được Quốc hội thông qua. Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp tại Việt Nam. Cùng với Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, đây là lần đầu tiên sau hơn 35 năm đổi mới và hơn 20 năm từ khi bắt đầu công tác hỗ trợ DNNVV, Việt Nam có một khung pháp luật áp dụng thống nhất cho các DNNVV thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ tín dụng được quy định tại Điều 8 của Luật này. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và Nghị định số 39/2019/NĐ-CP thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển DNNVV thông qua phương thức bảo lãnh tín dụng, cho vay gián tiếp hoặc cho vay trực tiếp. Việc hỗ trợ này sẽ thay đổi theo từng thời kỳ tùy vào tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của khu vực DNNVV.

Về cấp tín dụng

Trên nguyên tắc, hoạt động cho vay tại các tổ chức tín dụng[10] là thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức đi vay với tổ chức tín dụng cho vay, tuy nhiên, để đáp ứng nhiệm vụ điều hành nền kinh tế thì Chính phủ từng thời kỳ sẽ có những lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ, nhằm giúp nền kinh tế vận hành đúng hướng và thực hiện các mục tiêu chính sách. Theo Điều 13(2) Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã quy định 5 lĩnh vực hỗ trợ lãi suất khi cấp tín dụng, trong đó có việc phục vụ kinh doanh của DNNVV. Việc hỗ trợ cấp tín dụng cho DNNVV được thực hiện chủ yếu thông qua 3 kênh tiếp cận vốn, đó là: (1) chính sách hỗ trợ tín dụng từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; (2) chương trình ưu đãi tín dụng của địa phương; và (3) Chương trình, gói vay ưu đãi lãi suất được triển khai bởi các tổ chức tín dụng. Hiện tại,  DNNVV có thể tiếp cận tín dụng theo gói hỗ trợ chung ưu đãi lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 hay tiếp cận tín dụng ưu đãi ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên.[11] Các chương trình và gói vay ưu đãi từ phía ngân hàng thương mại thì khá đa dạng và một số được thiết kế dành riêng cho DNNVV.[12] Đặc biệt, ngân sách nhà nước sẽ được dùng để cấp bù mức chênh lệch lãi suất tín dụng cho các khoản vay của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng với mức tối đa là 2%/năm.[13] Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất đối với 1 phương án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn.[14]

Vay vốn ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển DNNVV là một kênh dành riêng cho DNNVV, thể hiện rõ nét nhất chính sách hỗ trợ đối với DNNVV. Theo hướng dẫn tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP thì DNNVV được tiếp cận vốn bằng hình thức cho vay trực tiếp (áp dụng từ cuối năm 2021) và gián tiếp thông qua một số ngân hàng thương mại được lựa chọn[15], với lãi suất ưu đãi bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại.[16] Tuy nhiên, không phải tất cả DNNVV nào cũng có thể tiếp cận ưu đãi tín dụng loại này mà chỉ có DNNVV khởi nghiệp sáng tạo hoặc tham gia cụm liên kết ngành hoặc tham gia chuỗi giá trị được xem xét vay vốn của Quỹ với điều kiện phải tuân thủ các điều kiện cho vay khác theo quy định.[17] Ngoài ra,  DNNVV còn có thể được hỗ trợ bằng cơ chế tài trợ vốn (không phải cho vay) đối với các hạng mục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên số tiền tài trợ bị giới hạn bởi điều kiện là không quá 1 tỷ đồng cho một dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh nhưng không quá 50% số tiền vốn đầu tư cho xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị.[18]

Sau hơn 3 năm thực hiện cho thấy hiệu quả tiếp cận tín dụng theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP còn khá hạn chế (425 tỷ đồng chấp nhận cho vay/2000 tỷ đồng vốn điều lệ), quy định đã bộc lộ một số bất cập và phát sinh nhu cầu thống nhất với các văn bản gần đây nhằm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV 2017.[19] Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện tại đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2019/NĐ-CP (dự thảo đến ngày 19/6/2023) với kỳ vọng “nâng cấp” tính hiệu quả của văn bản này.[20]

Về bảo lãnh tín dụng

Bảo lãnh tín dụng được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP là cam kết của Quỹ Bảo lãnh tín dụng với tổ chức cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh được quy định tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng và quy định của pháp luật. Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng số tiền đã được Quỹ Bảo lãnh tín dụng trả nợ thay.[21] Theo đó, việc cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thực hiện bởi Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV - là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.[22] Để được cấp bảo lãnh tín dụng, doanh nghiệp phải thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP và thỏa mãn tất cả 5 điều kiện như sau:[23]

  • Có dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay;
  • Dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh được Quỹ Bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định;
  • Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh tại thời điểm Quỹ Bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh;
  • Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên theo Luật Quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Nếu trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp;
  • Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định.

Về phạm vi, Quỹ Bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Đây có thể nói là mức trần mà Quỹ Bảo lãnh tín dụng có thể cấp bảo lãnh cho DNNVV đối với khoản vay. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều được xem xét mà còn phải căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ để xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho doanh nghiệp. Việc cấp bảo lãnh tín dụng được xem xét dựa trên cơ sở là tài sản đảm bảo hoặc phương án sản xuất kinh doanh hoặc xếp hạng tín nhiệm DNNVV.[24] Đối với bảo lãnh vốn vay đầu tư thì tổng mức bảo lãnh tín dụng không được vượt quá 15% (đối với một khách hàng) và 20% (đối với một khách hàng và người liên quan) vốn điều lệ thực có của Quỹ. Đối với bảo lãnh vốn vay lưu động, giới hạn bảo lãnh không vượt quá vốn chủ sở hữu của khách hàng thể hiện tại báo cáo tài chính của doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế của năm trước liền kề.[25]

5. Bất cập và kiến nghị

Về quy định pháp luật, tại Điều 3(1) Nghị định số 34/2018/NĐ-CP định nghĩa “Bảo lãnh tín dụng là cam kết của Quỹ Bảo lãnh tín dụng với tổ chức cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh được quy định tại hợp đồng bảo lãnh tín dụng và quy định của pháp luật. Cụm từ “và quy định pháp luật” ở đây có thể hiểu là ngoài hợp đồng bảo lãnh tín dụng thì các quy định pháp luật như quyền sở hữu tài sản, giao dịch đảm bảo hay hoạt động tín dụng cũng được xem xét đến vì có liên quan đến hợp đồng bảo lãnh tín dụng. Do đó, khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng thì thêm vào đó là cần phải tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng này. Nếu không, Quỹ Bảo lãnh tín dụng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên nhận bảo lãnh thay cho bên được bảo lãnh. Có thể vì khó có thể xác định đâu là quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo lãnh tín dụng nên Điều 3(1) sử dụng cụm từ “và quy định pháp luật” như một giải pháp an toàn. Tuy nhiên, nên chăng bổ sung từ “liên quan” để câu từ văn bản trở nên rõ nghĩa hơn (“và quy định pháp luật liên quan”), và trong trường hợp này là pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo lãnh cho vay.

Về mặt thực tiễn, như chúng ta đã biết, DNNVV có xuất phát điểm là “yếu”, vì lẽ đó các tổ chức tín dụng thường đặt thêm một số yêu cầu và ràng buộc khiến cho quá trình vay trở nên khó khăn hơn. Tài sản đảm bảo thường có giá trị không lớn, đôi khi không phải là của riêng chủ doanh nghiệp mà có thể là tài sản chung vợ chồng hoặc là tài sản chung hộ gia đình nên các tổ chức tín dụng có thể e ngại rủi ro khi cho vay. Theo quy định, để thực hiện bảo lãnh tín dụng thì cần điều kiện là doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo; tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã có tài sản đảm bảo có lẽ không cần thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng khi vay vốn vì phải trả phí bảo lãnh lại mất thêm thời gian.

Ngoài ra, việc miễn tài sản bảo đảm được quy định tại khoản 2, điều 25, Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, nhưng phải đáp ứng các tiêu chí được quy định tại khoản 4 điều này và “các tiêu chí khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Điều này dẫn đến việc áp dụng một cách tùy nghi do mỗi địa phương sẽ có tiêu chí khác nhau và khả năng việc áp dụng quy định về hỗ trợ DNNVV cũng sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4, Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng thì Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn” và với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thì có khả năng làm cho người đứng đầu cơ quan này “chùn tay”. Mặc dù đây có thể là quy định để tăng tính chịu trách nhiệm khi thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng, tuy nhiên, việc gán ghép trách nhiệm cá nhân như thế có thể sẽ không khuyến khích người đứng đầu của Quỹ đưa ra quyết định bảo lãnh tín dụng tín chấp đáp ứng nhu cầu của DNNVV. Cho nên, Quỹ Bảo lãnh tín dụng nên cân nhắc dựa vào uy tín, thâm niên, thành tích trong thời gian hoạt động hoặc kế hoạch, phương án sản xuất - kinh doanh để xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV trong khi chờ đợi quy định về xếp hạng tín dụng đối với DNNVV phát huy hiệu quả. Để hạn chế rủi ro khi đưa ra quyết định bảo lãnh thì quy định hiện hành nên cho phép Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng được phép tham vấn ý kiến của bên thứ ba độc lập có chuyên môn thẩm định mức độ “tín nhiệm” của DNNVV và chi phí thẩm định sẽ do DNNVV chi trả nếu quyết định bảo lãnh tín dụng được cấp. Có như thế, chức năng bảo lãnh tín dụng sẽ hiện thực và phù hợp hơn với bối cảnh của DNNVV ở nước ta như hiện nay.

6. Kết luận

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng là chính sách đúng đắn và phù hợp đối với DNNVV trong bối cảnh khả năng huy động vốn bên ngoài của nhóm doanh nghiệp này còn hạn chế. Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng dành phần lớn quy định cho loại hỗ trợ này. Hiện tại DNNVV là một trong năm đối tượng ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các gói tín dụng ưu đãi của một số ngân hàng thương mại. Hai cơ chế tiếp cận tín dụng đặc biệt chỉ dành cho DNNVV là thông qua Quỹ Phát triển DNNVV và Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV được thành lập ở một số địa phương. Theo đó, một số DNNVV được tiếp cận vốn bằng hình thức cho vay trực tiếp và gián tiếp thông qua một số ngân hàng thương mại được chỉ định cũng như được tài trợ bởi Quỹ Phát triển DNNVV Việt Nam. Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương sẽ xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV với các điều kiện và giới hạn theo quy định pháp luật. Tuy nhiên việc cấp bảo lãnh tín dụng dựa trên điều kiện về tài sản đảm bảo có thể thiếu tính thực tiễn, vì thế, việc cấp bảo lãnh tín dụng thông qua đánh giá phương án sản xuất kinh doanh nên được khuyến khích. Ngoài ra, định nghĩa bảo lãnh tín dụng theo Điều 3(1) Nghị định số 34/2018/NĐ-CP cần bổ sung “và quy định pháp luật liên quan” để văn bản được rõ nghĩa hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO :

[1] Tổng cục Thống kê, Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp nhiều cho doanh nghiệp hỗ trợ (đăng ngày 22/5/2023), truy cập tại https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-khac/2023/05/doanh-nghiep-nho-va-vua-co-the-dong-gop-nhieu-cho-cong-nghiep-ho-tro/

[2] Đơn cử là Hiệp định Đối tác tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPPP) tại chương 24 (Doanh nghiệp vừa và nhỏ) và chương 25 (Hài hòa hóa các quy định).

[3] Bùi Bảo Tuấn, (2020). Pháp luật về hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay (Luận án tiến sĩ luật học). Trường Đại học luật Hà Nội, tr. 35.

[4] Lê Thị Mỹ Linh, Phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế (Luận án Tiến sĩ). Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tr. 66.

[5] Đào Thị Thu Giang, Nguyễn Thúy Anh & Cao Đinh Kiên, (2019). Hỗ trợ tài chính để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Tạp chí Khoa học Thương mại, số 136, tr. 63-72.

[6] Krzysztof Wach, (2015). Small and Medium-sized Enterprises in the Morden Economy, in “The Challenges of Management in Turbulent Times: Global Issues from Local Perspective” edited by Marcela Rebeca et.al. Universidad de Occidente, p.84.

[7] Bùi Bảo Tuấn, tlđd (3), tr. 40.

[8] Bùi Bảo Tuấn, tlđd (3), tr. 43.

[9] Đoàn Tranh. Đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Truy cập tại https://kqtkd.duytan.edu.vn/uploads/9e2d842b-8cb1-420a-86fc-9dbd25dd10c3_dacdiemcuasmedoantranh.pdf

[10] Điều 4(1) Luật Các tổ chức tín dụng 2010 định nghĩa các tổ chức tín dụng như sau: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.”

[11] Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

[12] Báo Nhân Dân, Thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Truy cập tại https://nhandan.vn/thuc-day-tin-dung-ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-post745555.html

[13] Điều 27(1), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

[14] Điều 26(2), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

[15] Đó là các ngân hàng BIDV, MBBank, SHB, HDBank và Bắc Á Bank.

[16] Điều 17 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP

[17] Điều 16 và Điều 23 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

[18] Điều 29 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP.

[19] Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự thảo Báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (ngày 19/6/2023). tr. 5.

[20] Chính phủ. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự thảo lần 2). Truy cập tại https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-39-2019-nd-cp-ngay-10-thang-5-nam-5736

[21] Điều 3(1) Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.

[22] Điều 9 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

[23] Điều 16 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.

[24] Điều 9(2) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

[25] Điều 19 (2,3) Nghị định số 34/2018/ NĐ-CP.

REGULATIONS ON CREDIT SUPPORTS FOR SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES AND SOME RECOMMENDATIONS

Nguyen Anh Huy1

Nguyen Quoc Khanh2

1Tay Do University

2Thu Ba Town People’s Committee, An Bien District, Kien Giang Province

Abstract:

This paper analyzes credit support mechanisms for small and medium-sized enterprises (SMEs) in accordance with Vietnamese law. SMEs are one of the five priority subjects for granting credit under the credit support policy of the State Bank of Vietnam. In addition, SMEs are also supported to access credit through two specific mechanisms, namely the Small and Medium Enterprise Development Fund under the Ministry of Planning and Investment and the Credit Guarantee Fund of localities. Given the current development of SMEs, this paper suggests that credit guarantee funds should give priority to considering credit guarantees through an appraisal of SMEs’ business plans rather than relying on collateral.

Keywords: small and medium-sized enterprises, credit support, Credit Guarantee Fund.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3