Hiện trạng công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thời gian qua
Trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, các mặt hàng nguyên liệu và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng cao và ít thay đổi trong suốt giai đoạn vừa qua. Việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 16% GDP so với mức 26% của Thái Lan, 36% của Trung Quốc. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.
Công nghiệp hỗ trợ không phải là một ngành cụ thể được phân loại trong hệ thống ngành kinh tế. Do vậy, phạm vi của công nghiệp hỗ trợ được xác định rất khác nhau, tùy thuộc vào khái niệm và mục đích sử dụng của các nhà hoạch định chính sách. Phạm vi được xác định càng cụ thể thì việc hoạch định chính sách càng trở nên dễ dàng hơn và các chính sách đó cũng minh bạch và có tính khả thi cao hơn. Khái niệm và phạm vi của công nghiệp hỗ trợ được hiểu khác nhau ở các nước khác nhau. Trong khi Nhật Bản, Thái Lan xác định phạm vi công nghiệp hỗ trợ chỉ là các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cho các ngành ô-tô, xe máy, điện tử(1) thì ở Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ lần đầu tiên được định nghĩa cụ thể tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 24-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ”, là “các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”. Sau đó, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 3-11-2015, của Chính phủ, “Về phát triển công nghiệp hỗ trợ”, định nghĩa công nghiệp hỗ trợ là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”. Với định nghĩa này, xét trong tổng thể ngành công nghiệp từ thượng nguồn đến hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ chính là các ngành thượng nguồn và trung nguồn, cung cấp đầu vào để sản xuất sản phẩm cuối cùng ở khu vực hạ nguồn. Như vậy, công nghiệp hỗ trợ chính là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Nước nào có công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mới có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển dịch nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét đến các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, công nghiệp hỗ trợ bao gồm một số nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện - là đầu vào cho các sản phẩm hạ nguồn thuộc các ngành dệt may, da giầy, điện tử, ô-tô, cơ khí và công nghiệp công nghệ cao. Đây là căn cứ để xác định các mã ngành kinh tế tương ứng với phạm vi công nghiệp hỗ trợ trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ngày 6-7-2018.
Với cách xác định phạm vi công nghiệp hỗ trợ như vậy, số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê (năm 2018) cho thấy, cả nước có gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô-tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giầy. Về vị trí địa lý, các doanh nghiệp tập trung phần lớn tại đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Về lĩnh vực hoạt động, ngành cơ khí và dệt may, da giày có số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn so với các ngành khác. Xét về quy mô, 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có 300 lao động trở xuống). Số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phân theo ngành, vùng, thành phần kinh tế và quy mô lao động được tổng hợp trong các bảng 1, 2, 3.
Cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp. Trong khi các công cụ khác, như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM, số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1% - 2%.
Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hóa và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng rô-bốt trong dây chuyền sản xuất. Điều này cho thấy, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn khá thấp cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may, da giầy và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước vẫn còn khá thấp (17%), điều này cho thấy độ bao phủ của các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể là do các chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới được triển khai vài năm trở lại đây, hoạt động tuyên truyền về chính sách, chương trình này còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp chưa biết đến những chương trình, chính sách này.
Điểm đáng chú ý từ khảo sát đó là mặc dù các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều thừa nhận không có thế mạnh về khả năng ứng phó với sự thay đổi môi trường, khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm, tầm nhìn chiến lược sản xuất và hệ thống quản lý doanh nghiệp...; các doanh nghiệp cũng xác định khó khăn đối với sự phát triển là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường và nguồn nhân lực,... nhưng khi được hỏi mong muốn của doanh nghiệp về các giải pháp hỗ trợ, phần lớn doanh nghiệp muốn được hỗ trợ về thuế, thủ tục hành chính, vốn, mà không phải là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm yếu mà doanh nghiệp đã xác định trước đó. Đây chính là thách thức không nhỏ trong quá trình thiết kế và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp bởi sự khác biệt này.
Chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và cơ cấu công nghiệp của Việt Nam
Khái niệm chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị
Chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng thực tế hai khái niệm này không tương đương nhau. Trong khi chuỗi cung ứng chỉ bao gồm các liên kết đầu vào - đầu ra của các hoạt động sản xuất tạo ra chuỗi các sản phẩm thì chuỗi giá trị có phạm vi lớn hơn, bao gồm các hoạt động làm gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng và các dịch vụ bổ sung, bao gồm nghiên cứu và phát triển, thiết kế, marketing, logistics, hỗ trợ khách hàng...
Hình 1 chỉ ra sự khác biệt giữa chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng dựa trên thực tế là chuỗi cung ứng tập trung vào chuyển đổi vật lý và vận chuyển nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, trong khi chuỗi giá trị tập trung vào các hoạt động làm tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm ở từng giai đoạn nhưng không nhất thiết phải liên quan đến sản xuất hoặc logistics.
Đối chiếu định nghĩa, phạm vi công nghiệp hỗ trợ đã nêu ở trên với khái niệm chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị có thể thấy, định nghĩa và phạm vi công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang được giới hạn trong khái niệm chuỗi cung ứng, do đó, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ cũng chỉ giới hạn đối với các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, để tăng giá trị gia tăng trong nước, ngoài các hoạt động trong chuỗi cung ứng, còn có thể mở rộng ra nhiều hoạt động khác trong chuỗi giá trị, như các hoạt động thiết kế, nghiên cứu phát triển... nhưng hiện nay, những hoạt động này nằm ngoài phạm vi hỗ trợ của các chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho công nghiệp hỗ trợ.
Tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị
Sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ là phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu, vật liệu, là hàng hóa trung gian, đầu vào cho hoạt động sản xuất sản phẩm cuối cùng. Do vậy, bất kỳ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nào cũng đều được lắp ráp vào một sản phẩm cuối cùng, bất kỳ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào cũng đều phải tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của một hay một vài doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng thông qua những hình thức khác nhau, có thể trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, hoặc xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ở nước ngoài. Việc trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp nào (nội địa, có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, hay xuất khẩu) phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, 75% doanh nghiệp cung cấp hoàn toàn cho thị trường trong nước (trong đó cung cấp cho FDI chiếm khoảng 5%) và khoảng 8% doanh nghiệp cung cấp hoàn toàn cho thị trường xuất khẩu, 17% doanh nghiệp còn lại vừa cung cấp cho thị trường trong nước, vừa xuất khẩu. Như vậy, có thể nói khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Trong ngành dệt may, da giầy, 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; trong ngành cao-su, nhựa, hóa chất, số doanh nghiệp cung cấp cho trường trong nước chiếm 52% và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành cơ khí, ô-tô, 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Thị trường thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ gồm: Hàn Quốc (25%), Nhật Bản (18,5%), Trung Quốc (14,5%) và Đài Loan (Trung Quốc) (8,9%). Xét theo từng ngành, với dệt may, da giày, thị trường xuất khẩu có nhiều doanh nghiệp tham gia là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản; với cao-su, nhựa, hóa chất, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khá thấp (chưa đến 50%), thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc và Nhật Bản; với ngành điện tử, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chủ yếu, có đến 141 doanh nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc và 53 doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản; thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, ô-tô cũng chính là những thị trường truyền thống nêu trên, với thứ tự lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.
Để tính toán giá trị một nước tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xây dựng phương pháp đo lường giá trị gia tăng trong thương mại xác định mức độ tham gia liên kết ngược (đo bằng giá trị gia tăng của nước ngoài trong xuất khẩu) và liên kết xuôi (đo bằng giá trị gia tăng trong nước trong xuất khẩu) trong chuỗi giá trị toàn cầu của một ngành/một quốc gia. Số liệu cập nhật đến năm 2016 cho thấy, giá trị gia tăng trong nước (liên kết xuôi) mặc dù tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng ngày càng giảm về tỷ trọng; trong khi giá trị gia tăng nước ngoài (liên kết ngược), ngày càng tăng. Điều này cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu từ nước ngoài mỗi năm một tăng, có nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài, hay nói cách khác, tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng giảm dần trong thời gian vừa qua (Hình 2)(2).
Chỉ khi công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, các doanh nghiệp trong nước mới có thể tăng tỷ trọng thu mua phụ tùng, linh kiện và nguyên liệu trong nước, khi đó Việt Nam mới có thể cải thiện được giá trị đóng góp và nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyển đổi cơ cấu công nghiệp Việt Nam
Số liệu thống kê trong giai đoạn vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP đã tăng từ 12,9% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang có sự dịch chuyển cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao cả về giá trị gia tăng và về kim ngạch xuất khẩu. Nếu năm 2010, giá trị gia tăng ngành chế biến, chế tạo chủ yếu cấu thành từ các ngành khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động, như chế biến thực phẩm, dầu khí, dệt may, da giầy thì đến năm 2017, ngành điện tử đã vươn lên đứng đầu, với tỷ trọng đóng góp trong giá trị gia tăng ngành chế biến, chế tạo (MVA) là 25%. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự chuyển biến tích cực, với mức đóng góp của các mặt hàng chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ dưới 80% năm 2010 lên 87% năm 2020, trong đó, nội ngành chế biến, chế tạo chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành điện tử, với tỷ trọng tăng từ 12% năm 2010 lên 43% năm 2020. Kết quả này gắn liền với sự bùng nổ về đầu tư trong lĩnh vực điện tử sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Xét về mức độ ảnh hưởng của các ngành công nghiệp Việt Nam đến thị trường toàn cầu cũng có thể cho biết vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị và cơ cấu của ngành xét trên tổng thể thị trường toàn cầu. Số liệu thống kê về xuất, nhập khẩu cho thấy, Việt Nam có vị thế khá lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành da giầy, với thị phần gia tăng mạnh mẽ từ 4,1% năm 2010 lên 10,4% năm 2020. Vì có vị thế quan trọng như vậy, nên khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp da giày tại Việt Nam phải tạm thời đóng cửa, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam đã định vị được vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành nội thất, may mặc, điện tử, với thị phần toàn cầu của Việt Nam trong các ngành này đang ngày càng được cải thiện.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và cơ cấu lại công nghiệp
Những phân tích trên đây cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng gợi ý một số giải pháp cần thực hiện để giải quyết một số bất cập hiện nay.
Thứ nhất, cần có cách tiếp cận công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị, mở rộng phạm vi của công nghiệp hỗ trợ bao gồm các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì cách tiếp cận theo chuỗi cung ứng như hiện nay dẫn đến các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước không đến được với các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp.
Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để các doanh nghiệp có thông tin và tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, từ đó, dần dần thay đổi nhận thức và đồng hành cùng các mục tiêu chung của đất nước. Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các dịch vụ công cũng là một trong những giải pháp cần thiết đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba, để có thể nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý và thể chế hóa các biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp mang tính cốt lõi về kết nối kinh doanh, thông tin thị trường, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực... Những giải pháp này cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững, qua đó, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực sự chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể phát triển, vươn ra thế giới./.
------------------------
(1) Kenichi Ohno (Chủ biên): Xây dựng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Diễn đàn Phát triển Việt Nam, Hà Nội, 2007
(2) Cụ thể, tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước của Việt Nam đã giảm từ 58,2% năm 2005 xuống 52,5% năm 2016, trong khi Thái Lan tăng từ 55,7% lên 61,3% trong cùng giai đoạn
Nguồn: Tạp chí cộng sản
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết