(CHG) Ngày 17/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 (nhiệm vụ QHC thành phố Phú Quốc).
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị thẩm định. |
Trình bày trước Hội đồng thẩm định, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), đại diện đơn vị tư vấn, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường báo cáo về lý do, sự cần thiết, mục tiêu lập quy hoạch, tính chất khu vực quy hoạch, quan điểm quy hoạch.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Phú Quốc, rộng 589,27km2, bao gồm phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu và không gian biển của thành phố.
Thành phố Phú Quốc được quy hoạch với tính chất là đô thị biển đảo độc đáo, đặc sắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; là khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển đảo với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng.
Nhiệm vụ đưa ra dự báo sơ bộ quy mô dân số của thành phố Phú Quốc đến năm 2030 đạt khoảng 400.000 người; đến năm 2040 là khoảng 680.000 người; dự báo quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2030 là khoảng 10.000 - 12.000ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 250 - 300 m2/người; dự báo quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2040 là khoảng 15.000 - 18.000ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 220 - 265 m2/người.
Đại diện VIUP đồng thời đề cập đến một số yêu cầu chính về nội dung nghiên cứu và các nguyên tắc về tổ chức không gian, kiến trúc, kết nối hạ tầng kỹ thuật… đối với đồ án QHC thành phố Phú Quốc.
Tại Hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá cao nỗ lực, tính chuyên nghiệp của đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, nhiệm vụ QHC thành phố Phú Quốc đã có sự kế thừa so với đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó, có sự kế thừa nhiệm vụ QHC xây dựng khu kinh tế Phú Quốc, được Bộ Xây dựng thẩm định lần thứ nhất vào cuối năm 2020.
Tại lần thẩm định thứ 2 này, nhiệm vụ quy hoạch đã được điều chỉnh thành nhiệm vụ QHC thành phố Phú Quốc. Đồ án QHC lần này thực chất là đồ án 3 trong 1, bao gồm quy hoạch thành phố Phú Quốc, Khu kinh tế Phú Quốc và Khu du lịch quốc gia Phú Quốc.
Các thành viên Hội đồng bày tỏ sự đồng tình đối với quy mô nghiên cứu quy hoạch, quan điểm, tính chất quy hoạch mà tư vấn đề cập, đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch. Đơn cử như nhiệm vụ quy hoạch cần rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng. Trên cơ sở đó định hướng quy hoạch phát triển, khai thác hiệu quả quỹ đất, quỹ nước ngọt của Phú Quốc; xác định rõ ranh giới rừng để bảo vệ hệ sinh thái rừng phong phú, chiếm đến hơn 63% diện tích tự nhiên của Phú Quốc, hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng thành đất phát triển đô thị; xác định rõ ranh giới, khu vực bảo vệ an ninh quốc phòng.
Trong thiết kế đô thị phải xác định rõ các vị trí công trình biểu tượng điểm nhấn của Phú Quốc, khai thác hiệu quả quỹ đất của sân bay cũ…
Nhiệm vụ quy hoạch phải cập nhật, thống nhất quan điểm, nội dung với các quy hoạch quan trọng khác đang đồng thời được triển khai nghiên cứu trên địa bàn, như quy hoạch tỉnh Kiên Giang; cập nhật các số liệu thực tế và các quy phạm pháp luật mới được ban hành…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các thành viên hội đồng. |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thành phố có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch.
Những năm qua Đảng, Nhà nước cũng như Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kiên Giang rất quan tâm xây dựng, phát triển Phú Quốc và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội. Từ năm 2020, thu ngân sách của Phú Quốc chiếm hơn 50% tỉnh Kiên Giang
Về hạ tầng kỹ thuật, hiện Phú Quốc có cảng hàng không quốc tế và là một trong những cảng hàng không được khai thác hiệu quả, có tuyến vận tải thủy nhộn nhịp nhất cả nước. Giao thông đường bộ trên đảo đã hình thành trục chính Bắc – Nam, đường ven ven biển phía Tây và đang tiếp tục được đầu tư tuyến đường ven biển phía Đông…
Để thành phố Phú Quốc ngày càng phát triển, đồng thời khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, trong đó tập trung làm rõ cơ sở thực hiện quy hoạch; làm rõ phạm vi ranh giới lập quy hoạch, trong đó bao gồm không gian biển, ưu tiên bảo vệ diện tích, các giá trị của rừng.
Bộ trưởng đề nghị rà soát số liệu, rà soát hiện trạng sử dụng đất, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng thu hút đầu tư, các dự án đã, đang triển khai trên địa bàn..., trên cơ sở đó đánh giá, đề xuất các định hướng phát triển phù hợp, hiệu quả.
Quy hoạch Phú Quốc phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững. Phải xác định rõ đô thị Phú Quốc là đô thị biển đảo đặc sắc, là khu kinh tế có vị thế đặc biệt, là trung tâm du lịch dịch vụ thương mại, trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe có bản sắc, chất lượng cao; là đầu mối giao thông quan trọng; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ; trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học hấp dẫn…
Phú Quốc phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, điều dưỡng, giáo dục phù hợp với bối cảnh mới… nhưng đồng thời phải bảo vệ, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.
Phạm vi nghiên cứu QHC thành phố Phú Quốc. |
Bộ trưởng nhấn mạnh quy hoạch Phú Quốc cần kế thừa, phát triển các đồ án quy hoạch được phê duyệt trước đó; cập nhật và thống nhất nội dung với các quy hoạch đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Hài hòa giữa môi trường và phát triển, hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp.
Nhiệm vụ quy hoạch phải yêu cầu rõ các nội dung nghiên cứu, nguyên tắc về phát triển không gian, sử dụng đất đô thị và kết nối hạ tầng kỹ thuật… Phát huy tổng thể các giá trị sinh thái biển, đảo, rừng, núi, văn hóa, lịch sử… để phát triển du lịch và đô thị nhưng với quy mô và phương thức phù hợp, đảm bảo sự đặc sắc, phong phú, hiệu quả. Phải sử dụng quỹ đất hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất, có dự phòng cho tương lai.
Bộ trưởng lưu ý Phú Quốc chú trọng phát triển cảng hàng không, cảng biển, giao thông đường bộ, các dịch vụ cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tập trung… theo hướng hiện đại, xanh, thông minh, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tương lai.
Đặc biệt, Phú Quốc hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, tránh nguy cơ sụt lún nền đất và xâm ngập mặn; quan tâm phát triển cây xanh đô thị; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025…
Sau cùng, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc và đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ QHC thành phố Phú Quốc để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nguồn: Báo Xây Dựng
(CHG) TS. Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự, Học viện Tư pháp, đã có những phân tích sâu sắc về hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như những “vùng trống” pháp lý còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Tạp chí trong công cuộc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết(CHG) Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM chiều 5/6/2025, câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy trăn trở của ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục phó Quản lý thị trường TP HCM đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận: “Nhiều tiểu thương coi tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”.
Xem chi tiết