Quản lý rác thải sinh hoạt theo pháp luật hiện hành – trách nhiệm và giải pháp cho uỷ ban nhân dân cấp tỉnh


TÓM TẮT:

Bài viết phân tích về nội dung quản lý rác thải sinh hoạt và nghĩa vụ quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương của ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, từ đó đưa ra các giải pháp giúp UBND cấp tỉnh có thể triển khai tốt hơn nhiệm vụ quản lý rác thải sinh hoạt trong thời gian tới.

Từ khóa: rác thải sinh hoạt, quản lý rác thải sinh hoạt, UBND cấp tỉnh, phân loại rác thải sinh hoạt, thu phí đối với rác thải sinh hoạt.

1. Quản lý rác thải sinh hoạt theo pháp luật hiện hành

Rác thải sinh hoạt (chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.Đây là loại chất thải phổ biến nhất, có khối lượng thải ra môi trường nhiều nhất và mang tính thường xuyên, liên tục, gắn liến với đời sống sinh hoạt của con người. Loại chất thải này vừa là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và khu dân cư, vừa có thể là nguồn nguyên liệu rất giá trị cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nếu được quản lý, tái chế một cách hiệu quả. Chính vì thế, cần có chính sách, giải pháp quản lý phù hợp để kết hợp hài hòa giữa vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) và tận thu các giá trị kinh tế của rác thải sinh hoạt.

Quản lý rác thải sinh hoạt trong phạm vi bài viết này được nghiên cứu dưới góc độ các quy định cụ thể của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 trong mối liên hệ với thực tiễn ở các địa phương, nhằm mục đích làm rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quá trình quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp về mặt thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực này. Với cách tiếp cận đó thì quản lý rác thải sinh hoạt bao gồm các hoạt động: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao CTRSH; thu gom, vận chuyển CTRSH; xử lý CTRSH;2. Gắn liền với các hoạt động mang tính quản lý trực tiếp như trên thì quá trình quản lý rác thải sinh hoạt còn phải giải quyết các vấn đề liên quan, như: Điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH; chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH3. Đây là những nội dung đã được quy định cụ thể trong Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Có thể thấy, quá trình quản lý rác thải sinh hoạt được thực hiện với nhiều công đoạn khác nhau, ở mỗi công đoạn lại đặt ra các yêu cầu và nội dung cụ thể cho các chủ thể liên quan thực hiện. Ở công đoạn phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác thải sinh hoạt đòi hỏi phải phân loại thành rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải khác. Sau khi phân loại thì phải lưu giữ trong các thiết bị phù hợp và chuyển giao cho các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển rác thải. Ở hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải đòi hỏi các chủ thể này phải đáp ứng các quy định về năng lực hoạt động, về đấu thầu… để bảo đảm việc thu gom, vận chuyển rác thải được an toàn và hiệu quả. Còn ở công đoạn xử lý rác thải sinh hoạt thì đòi hỏi cơ sở xử lý phải có công nghệ, thiết bị, phương pháp, địa điểm xử lý phù hợp, với sự quản lý, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để vừa bảo vệ hiệu quả môi trường, vừa tận thu tốt nhất các giá trị kinh tế của rác thải sinh hoạt.

Quản lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm của nhiều chủ thể khác nhau, từ các cơ quan chức năng cho tới các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử rác thải sinh hoạt, các hộ gia đình, cá nhân… Trong phạm vi bài viết này, tác gi chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này trong quá trình quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương.

2. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương

Luật BVMT năm 2020 bằng các quy định cụ thể đã giao cho UBND cấp tỉnh trách nhiệm lớn trong quá trình QLNN về rác thải sinh hoạt tại địa phương. Trách nhiệm này đòi hỏi UBND cấp tỉnh phải cụ thể hóa, hướng dẫn các nội dung mang tính nguyên tắc về quản lý rác thải sinh hoạt được quy định trong Luật BVMT năm 20204

Thứ nhất: Trong quá trình phân loại, lưu giữ, chuyển giao rác thải sinh hoạt thì UBND cấp tỉnh phải quyết định việc phân loại rác thải sinh hoạt khác (trừ rác thải sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải sinh hoạt thực phẩm) trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, UBND cấp tỉnh, phải hướng dẫn việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh phát sinh trên địa bàn.

Thứ hai: Trong quá trình tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ ba: Trong quá trình thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thì UBND cấp tỉnh, UBND các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

Thứ tư: Trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý rác thải, giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Thứ năm: Trong quá trình xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt thì UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Thứ sáu: Trong quá trình xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt thì UBND cấp tỉnh bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH do Nhà nước quản lý và bãi chôn lấp CTRSH tự phát trên địa bàn.

Với trách nhiệm như trên, UBND cấp tỉnh có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương, có thể khẳng định rằng những quy định về quản lý rác thải sinh hoạt trong Luật BVMT năm 2020 chỉ thực sự đi vào đời sống và phát huy được giá trị khi có sự tham gia hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện của UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về quản lý rác thải sinh hoạt, hầu hết các địa phương đang còn lúng túng và gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải tìm giải pháp tháo gỡ. Những khó khăn, vướng mắc này chủ yếu tập trung ở các vấn đề sau đây:

- Đa số các nội dung được quy định trong Luật BVMT năm 2020 về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương là những nội dung mới mà UBND cấp tỉnh cần phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để có kế hoạch triển khai phù hợp.

- Những trách nhiệm cụ thể mà UBND cấp tỉnh phải thực hiện trong quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương đang tạo ra một số khó khăn, lúng túng nhất định đối với UBND cấp tỉnh, đó là: Chưa biết phải hướng dẫn phương pháp phân loại, thu phí đối với rác thải sinh hoạt theo khối lượng và thể tích ra sao; chưa có quy chuẩn về rác thải sinh hoạt cồng kềnh; chưa có quỹ đất cho việc trung chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; khó xác định cơ chế và cách tính phí BVMT đối với rác thải sinh hoạt; thiếu cơ chế thu hút các chủ thể tham gia vào quá trình quản lý rác thải; thiếu nguồn lực cho việc quản lý rác thải sinh hoạt nhất là xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, chưa có các giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý rác thải sinh hoạt.

- Giữa các địa phương đang có nhiều quan điểm khác nhau về hướng ban hành các quy định cụ thể trong quản lý rác thải sinh hoạt, vấn đề này nếu không có hướng dẫn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, sự phối hợp giữa các địa phương thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương mỗi quy định, điều này gây ảnh hưởng xấu tới tính hiệu quả của công tác BVMT.

Những khó khăn này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện các nghĩa vụ quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương của UBND cấp tỉnh, đặc biệt là nghĩa vụ hướng dẫn, cụ thể hóa một số quy định của Luật BVMT năm 2020, khi thời hạn phải hoàn thành các nội dung này đang đến gần (chậm nhất là ngày 31/12/2024).5 Vấn đề này nếu không được tháo gỡ, có giải pháp khắc phục phù hợp thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương nói riêng, hiệu quả công tác BVMT nói chung. Vì vậy, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương của UBND cấp tỉnh.

3. Một số giải pháp bảo đảm hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại địa phương cho UBND cấp tỉnh

3.1. Thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải

Trong hoạt động xử lý rác thải tại các địa phương, mấu chốt của vấn đề là nằm ở quy hoạch về khu xử lý rác thải (có thể là quy hoạch bãi chôn lấp rác thải, khu đốt rác thải, quy hoạch nhà máy xử lý rác thải). Quy hoạch này phải được lập một cách khoa học, tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng nói chung với lợi ích của những hộ gia đình, những người dân bị thu hồi đất hoặc sinh sống gần với khu vực xử lý rác thải, tránh tình trạng giải quyết được lợi ích môi trường cho cộng đồng, nhưng lợi ích của các hộ dân, người sống gần khu xử lý rác thải bị xâm hại, từ đó phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài (mà vụ việc người dân địa phương thường xuyên phát sinh tranh chấp, ngăn chặn các xe chở chất thải của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, Hồng kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội những năm gần đây là một điển hình).

Ngoài quy hoạch về khu xử lý rác thải là loại quy hoạch cần diện tích tương đối lớn, cách xa khu dân cư thì còn một số loại quy hoạch nhỏ hơn, gắn liền với khu dân cư và có vai trò cũng rất quan trọng trong quá trình xử lý rác thải, đó là quy hoạch về các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác thải. Những địa điểm này tuy diện tích không lớn, có thể không phải thực hiện lập và phê duyệt quy hoạch, chỉ cần xác định địa điểm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhưng cơ quan chức năng cần có sự tính toán, phân bổ, quy định các khu vực tập kết, trung chuyển rác thải phù hợp để vừa bảo đảm mỹ quan khu dân cư, vừa BVMT và tránh ảnh hưởng xấu tới các hộ dân sinh sống gần đó.

Thực hiện tốt quy hoạch về quản lý rác thải sinh hoạt sẽ giải quyết được vướng mắc về địa điểm trung chuyển, tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng, chất thải nói chung tại địa phương, đồng thời cũng tránh sự hình thành các điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát gây mâu thuẫn, bức xúc trong các khu dân cư.

3.2. Tạo cơ chế xây dựng nguồn lực, phát triển các dự án tái chế, xử lý rác thải

Thứ nhất: Cần đưa nội dung về tạo cơ chế phù hợp để phát triển các dự án tái chế, xử lý rác thải vào Nghị quyết của kỳ họp HĐND tỉnh, để làm căn cứ xác định mục tiêu, nhiệm vụ của UBND các cấp và các cơ quan liên quan trong địa bàn tỉnh, bảo đảm có kế hoạch, chương trình hành động mang tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức cá nhân liên quan.

Thứ hai: Cần có cơ chế cụ thể về dành nguồn vốn ngân sách cho phát triển các dự án tái chế rác thải, kết hợp song song với cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hoá, bảo đảm rõ ràng, minh bạch quyền lợi của nhà đầu tư khi thực hiện dự án xử lý rác thải.

Thứ ba: Tạo cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn (Ngân hàng, Quỹ BVMT, các tổ chức tín dụng… cho vay vốn với lãi suất ưu đãi); hỗ trợ về cơ sở hạ tầng (giới thiệu địa điểm đầu tư là đất sạch đã được giải phóng mặt bằng, có đường điện, nước tới chân công trình…); ưu đãi, hỗ trợ về thuế đối với dự án (miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ dự án, miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện dự án xử lý rác thải…). Những nội dung này cần được cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể trên cơ sở các văn bản pháp luật liên quan, từ đó tạo động lực cho các chủ dự án đầu tư một cách hiệu quả vào các dự án tái chế, xử lý rác thải.

3.3. Hướng dẫn phân loại và thu phí đối với rác thải sinh hoạt

Theo chúng tôi, UBND cấp tỉnh nên tham khảo quy chuẩn về rác thải sinh hoạt cồng kềnh, từ đó xây dựng danh mục rác thải cồng kềnh một cách thống nhất ở địa phương. Việc thu phí BVMT đối với rác thải sinh hoạt chỉ nên tính theo khối lượng và thể tích đối với rác thải sinh hoạt cồng kềnh, còn đối với các loại rác thải sinh hoạt khác thì chỉ nên thu phí theo cách tính cũ, đó là thu phí tính theo số nhân khẩu của hộ gia đình. Cách thu này vừa đơn giản, dễ thực hiện, đỡ tốn kém chi phí cho cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt đồng thời vừa đỡ gây phiền hà cho người phải nộp phí.

4. Kết luận

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chính trong công tác quản lý rác thải sinh hoạt ở địa phương. Tuy nhiên việc thực hiện trách nhiệm này của UBND cấp tỉnh đang gặp phải những khó khăn vướng mắc nhất định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói riêng, BVMT nói chung. Những khó khăn, vướng mắc này cần phải được giải quyết tháo gỡ, kịp thời theo các giải pháp nhất định đã được đưa ra trong bài viết này, vừa để nâng cao hiệu quả hoạt động BVMT, vừa giúp cho UBND cấp tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

1Khoản 11, Điều 3, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Điều 75, Điều 77, Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Điều 76, Điều 79, Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Khoản 2, Khoản 6, Điều 75; Khoản 6, Điều 78, Khoản 6, Điều 79; Khoản 5, Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Khoản 7, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Management domestic waste according to current law -  the obligation and solutions for the provincial People's Committee

Master. Dang Hoang Son

Lecturer, Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

Abstract:

This paper analyzes the domestic waste management and the obligation of the provincial People's Committee to manage domestic waste. The paper points out the difficulties and obstacles facing the provincial People's Committee in the domestic waste management. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help the provincial People's Committee better manage domestic waste in the coming time.

Keywords: domestic waste, domestic waste management, provincial People's Committee, domestic waste classification, collection of domestic waste fees.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3