Trong kinh tế học và khoa học pháp lý, TTKT được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Có ba cách tiếp cận cơ bản: Một là, ở góc độ là quá trình gắn liền với việc hình thành và thay đổi của cấu trúc thị trường. TTKT được hiểu là quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập (theo nghĩa rộng) hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp (DN) trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất. Hai là, dưới góc độ hành vi của các DN, TTKT (còn được gọi là tập trung tư bản) được hiểu là tăng thêm tư bản do hợp nhất nhiều tư bản lại hoặc một tư bản này thu hút một tư bản khác. Ba là, dưới góc độ pháp luật, LCT năm 2018 (LCT 2018) không quy định theo hướng giải thích thế nào là TTKT mà chỉ liệt kê các hình thức được coi là TTKT cùng dấu hiệu cụ thể của từng hình thức. Theo đó, TTKT bao gồm các hình thức như sau: i) sáp nhập DN; ii) hợp nhất DN; iii) mua lại DN; iv) liên doanh giữa các DN; v) các hình thức tập trung khác theo quy định của pháp luật.
Dù được tiếp cận từ nhiều góc độ và xuất phát từ các mục đích khác nhau nhưng từ mục đích thống nhất của Nhà nước trong việc duy trì và bảo vệ cạnh tranh cũng như trật tự thị trường khi xây dựng các quy định kiểm soát hành vi TTKT, có thể hiểu: “TTKT là các hành vi tích tụ quyền lực thị trường của các DN với mục đích hạn chế cạnh tranh trên thị trường liên quan thông qua việc giảm bớt số lượng đối thủ cạnh tranh hoặc tạo ra liên kết giữa các đối thủ hoặc các chủ thể có mối quan hệ trong cùng chuỗi kinh doanh để hạn chế cạnh tranh”.
Trên phương diện pháp lý các hoạt động TTKT được nhận diện với 3 đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chủ thể của hoạt động TTKT là các DN. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 LCT 2018, DN là các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và cả các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, TTKT gồm các hình thức: sáp nhập DN, hợp nhất DN, mua lại DN, liên doanh giữa các DN hoặc hình thức khác do pháp luật quy định. Các hình thức TTKT cho thấy được tính toán của các DN với chủ đích tích tụ các loại nguồn lực kinh tế khác nhau, từ đó hình thành nên năng lực thống nhất tại một DN hoặc tạo ra liên kết hình thành nhóm DN, tập đoàn kinh tế, qua đó đạt được lợi thế cạnh tranh từ ưu thế về quy mô hoặc từ việc giảm thiểu áp lực cạnh tranh.
Theo đó, về hậu quả, TTKT dẫn đến sự hình thành các DN có năng lực cạnh tranh thống nhất và tổng hợp hoặc liên kết thành nhóm DN, tập đoàn kinh tế, từ đó dẫn đến cấu trúc thị trường bị thay đổi, độ tập trung của thị trường thay đổi và tương quan cạnh tranh hiện có trên thị trường giữa các DN vì vậy cũng bị thay đổi.
Ở Việt Nam, LCT 2018 dựng lên một “chốt chặn” với mục đích xác định những giao dịch TTKT nào nằm trong phạm vi kiểm soát và ngược lại thông qua quy định về ngưỡng phải thông báo. Điều này cho thấy LCT 2018 dù thiết lập sự kiểm soát đối với tất cả các giao dịch TTKT mà không phân biệt theo loại liên kết giữa các DN tham gia nhưng Luật này cũng đã tiên liệu về nguy cơ quá tải đối với cơ quan cạnh tranh. Đây là cách tiếp cận có thể nói rất “biết người, biết ta”.
Theo Điều 33 LCT 2018, các DN tham gia có nghĩa vụ phải nộp thông báo TTKT trước khi tiến hành nếu thuộc ngưỡng thông báo. Việc xác định ngưỡng thông báo dựa vào 4 tiêu chuẩn: (i) tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của DN tham gia;(ii) tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của DN tham gia; (iii) giá trị của giao dịch; (iv) thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của DN tham gia.
Tuy nhiên, 4 căn cứ nêu trên của LCT 2018 chỉ dừng lại ở mức độ định tính mà thiếu định lượng cụ thể, Điều 13 Nghị định số 35/NĐ-CP/2020 hướng dẫn định mức cụ thể cho từng tiêu chuẩn. Cần lưu ý, do đặc thù của lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh hoặc nơi DN tiến hành giao dịch mà có sự phân biệt về tiêu chuẩn xác định ngưỡng thông báo TTKT dành cho DN là tổ chức tín dụng, DN bảo hiểm, công ty chứng khoán, các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực này và các giao dịch ngoài lãnh thổ.
Về thủ tục, các DN tham gia TTKT chủ động xác định giao dịch dự định tiến hành có đạt đến ngưỡng thông báo TTKT hay không, để từ đó cùng chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG). Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, UBCTQG có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, UBCTQG có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để bên nộp hồ sơ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Kết thúc thời hạn trên mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì UBCTQG trả lại hồ sơ thông báo TTKT.
Với tư cách là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực thi pháp luật cạnh tranh, UBCTQG có trách nhiệm thẩm định hồ sơ thông báo TTKT và trả kết quả thẩm định bằng việc đưa ra quyết định: (i) cho phép thực hiện; (ii) cho phép thực hiện với các điều kiện nhất định và (iii) cấm TTKT. Thủ tục thẩm định được LCT 2018 quy định gồm thẩm định sơ bộ (TĐSB) và thẩm định chính thức (TĐCT) (Điều 36 và Điều 37). Tuy nhiên, vụ việc chỉ phải TĐCT khi kết thúc TĐSB mà chưa đủ cơ sở để ra quyết định do tính chất phức tạp của vụ việc.
Thời hạn cho thủ tục TĐSB với các nội dung được quy định tại Khoản 2 Điều 36 LCT 2018 là 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo TTKT hợp lệ. Kết thúc TĐSB, UBCTQG ra thông báo: vụ việc TTKT được thực hiện hoặc vụ việc TTKT phải TĐCT.
Thời hạn cho thủ tục TĐCT với các nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 là trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ra thông báo thực hiện thủ tục TĐCT. Đối với vụ việc phức tạp, UBCTQG có thể gia hạn thời hạn TĐCT nhưng không quá 60 ngày và phải thông báo bằng văn bản cho DN nộp hồ sơ thông báo TTKT. Kết thúc TĐCT, UBCTQG ra một trong các quyết định: (i) TTKT được thực hiện; (ii) TTKT được thực hiện có điều kiện; (iii) TTKT thuộc trường hợp cấm.
Để đảm bảo hiệu quả kiểm soát đối với vụ việc TTKT, quá trình thẩm định UBCTQG có thể tham vấn đối với các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà DN tham gia TTKT đang hoạt động hoặc các DN, tổ chức và cá nhân có liên quan. Việc tham vấn có ý nghĩa quan trọng đối với UBCTQG vì góp phần củng cố độ chặt chẽ của kết quả thẩm định. Thậm chí các thông tin nhận được từ tham vấn có thể xem là một dạng tiêu chuẩn “mềm” của việc kiểm soát TTKT.
Hiện nay, LCT 2018 kiểm soát các giao dịch TTKT được thực hiện cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam xuất phát từ diễn biến phức tạp của hoạt động đầu tư kinh doanh trong xu hướng hội nhập. Việc nhận diện được các giao dịch TTKT thực hiện ngoài lãnh thổ nhưng chịu sự kiểm soát của LCT 2018 có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát các giao dịch này.
Về căn cứ pháp lý, kiểm soát các giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ hình thành từ sự mở rộng phạm vi điều chỉnh về mặt không gian của LCT 2018. Theo Điều 1: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, TTKT gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”. Kết hợp với các quy định chung về kiểm soát TTKT, các giao dịch TTKT thực hiện ngoài lãnh thổ có các đặc trưng sau đây:
Thứ nhất, về không gian, các giao dịch này phải được tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nói cách khác, các giao dịch này thuần túy được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia khác. Đặc điểm này chi phối toàn bộ tính chất phức tạp của việc kiểm soát các giao dịch này từ phương diện điều chỉnh cũng như thực thi pháp luật cạnh tranh.
Thứ hai, về hình thức, các giao dịch này phải thuộc các trường hợp được nhận diện là hình thức TTKT theo pháp luật cạnh tranh. Phân tích chi tiết các hình thức này gắn với dấu hiệu được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì có một số khía cạnh pháp lý cần được quan tâm như sau:
- Một là, về chủ thể, các giao dịch này được thực hiện không chỉ bởi DN nước ngoài tức là các tổ chức, cá nhân kinh doanh được thành lập, đăng ký kinh doanh hoặc được công nhận bởi pháp luật nước ngoài mà còn có thể được thực hiện bởi DN Việt Nam. Xuất phát từ mục đích của việc kiểm soát, các giao dịch này đều có thể tạo ra sự tập trung về nguồn lực hoặc hình thành các liên kết giữa các DN, từ đó gây ra những tác động HCCT cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, cần lưu ý, không đánh đồng giữa “DN nước ngoài ” với “DN có vốn đầu tư nước ngoài” khi xác định chủ thể tham gia.
- Hai là, giao dịch phải đáp ứng các điều kiện cấu thành tương ứng với các hình thức TTKT mà LCT 2018 đã liệt kê. Yêu cầu này được xem là điều kiện cần để phát sinh quyền kiểm soát của cơ quan cạnh tranh Việt Nam, ngoài ra còn có ý nghĩa sàng lọc các giao dịch ngoài lãnh thổ mà Việt Nam cần kiểm soát, tránh kiểm soát quá rộng gây ra áp lực không đáng có cho cơ quan cạnh tranh và DN.
- Thứ ba, về hậu quả, các giao dịch TTKT này phải gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Tác động HCCT là tác động loại trừ, làm giảm, làm sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh. Về nguyên tắc, các giao dịch ngoài lãnh thổ phải có tính liên quan đến thị trường Việt Nam mới đem lại nguy cơ đe dọa cho thị trường. LCT 2018 không xác định một cách trực tiếp về nội dung này mà chỉ nhận diện một cách gián tiếp thông qua các tiêu chuẩn được áp dụng để xác địnhngưỡng thông báo hoặc thẩm định đối với vụ việc TTKT. Các giao dịch mà DN có tài sản, có doanh thu, doanh số hoặc thị phần trên thị trường Việt Nam mới được xác định là có liên quan, để từ đó đánh giá nội dung gây tác động hoặc có khả năng gây tác động HCCT của vụ việc.
Theo Khoản 2 Điều 33 LCT 2018 và Điều 13 Nghị định số 35/NĐ-CP/2020 quy định cụ thể các ngưỡng thông báo TTKT, có thể nhận thấy các quy định chi tiết về ngưỡng thông báo TTKT được áp dụng chung cho cả giao dịch trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, trừ tiêu chuẩn về giá trị giao dịch được loại trừ đối với trường hợp giao dịch ngoài lãnh thổ. Quy định hiện hành được đánh giá là khá rõ ràng, hợp lý khi từng tiêu chuẩn đã có định lượng cụ thể và được cân nhắc khá cẩn trọng với việc đưa ra các tham số nhằm đảm bảo không gây ra áp lực cho các DN và cơ quan cạnh tranh.
Tuy nhiên, thị phần kết hợp có thể là tiêu chuẩn phức tạp nhất trong việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn, nhất là đối với các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ. Theo LCT 2018, DN phải tự xác định thị phần của mình và thị phần kết hợp của nhóm DN tham gia giao dịch đồng thời cung cấp thông tin này cho UBCTQG khi thực hiện thủ tục thông báo. Với quy định này, thị phần của các DN tham gia giao dịch ngoài lãnh thổ được xác định như thế nào? Liệu có áp dụng cách xác định thị phần theo kiểu “xuyên biên giới” trong trường hợp này không?
Theo tác giả là không, bởi vì: một là, truyền thống kiểm soát TTKT gắn với tiêu chí thị phần kết hợp vốn được áp dụng cho hình thức TTKT theo chiều ngang, giữa các DN mang bản chất là đối thủ cạnh tranh với nhau xuất phát từ lo ngại liên kết ngang sẽ tạo thuận lợi cho việc phối hợp hành động giữa các doanh nghiệp và thường kéo theo sự hạn chế cạnh tranh về giá; hai là, các quy định của LCT 2018 về xác định thị trường liên quan gồm thị trường sản phẩm liên quan và địa lý liên quan để xác định thị phần cho thấy quá trình này gắn liền với các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các hoạt động kinh doanh đối với các sản phẩm nhất định ở một khu vực địa lý cụ thể tại Việt Nam. Do đó, tác giả cho rằng việc áp dụng tiêu chuẩn thị phần kết hợp đối với các giao dịch ngoài lãnh thổ là mang tính áp đặt, thiếu tính thực tế và không khả thi, cần được loại trừ giống như tiêu chuẩn về giá trị giao dịch TTKT đối với giao dịch ngoài lãnh thổ.
Nếu giai đoạn thông báo mang bản chất là cung cấp thông tin của DN cho cơ quan cạnh tranh thì thẩm định là giai đoạn thể hiện vai trò và dấu ấn của cơ quan cạnh tranh trong việc kiểm soát vụ việc TTKT.
Dựa vào hồ sơ thông báo TTKT với các thông tin chi tiết do các DN cung cấp đồng thời căn cứ Khoản 1 Điều 36 LCT 2018, Điều 14 Nghị định số 35/NĐ-CP/2020 quy định về nội dung TĐSB và định lượng chi tiết gắn với từng tiêu chuẩn, UBCTQG ra quyết định về việc TTKT được thực hiện hoặc TTKT phải thẩm định chính thức.
Xét các tiêu chuẩn được sử dụng trong giai đoạn TĐSB có thể đưa ra một số nhận xét như sau:
Một là, LCT 2018 tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài trong việc bổ sung chỉ số HHI, là chỉ số xác định mức độ tập trung trên thị trường được áp dụng khá phổ biến và hiệu quả ở nhiều quốc gia. Đây là bước tiến bộ đáng kể của LCT 2018 so với LCT 2004. Tuy nhiên, chỉ số HHI( Herfindahl-Hirschman Index - dùng để đo quy mô của doanh nghiệp trong một thị trường) được xác định dựa trên tham số thị phần của các DN, do đó, việc thẩm định theo tiêu chuẩn thị phần kết hợp và chỉ số HHI có giá trị hiệu quả trong việc đánh giá tác động HCCT gắn với giao dịch thực hiện trong nước nhưng có thể không mang lại hiệu quả đối với kiểm soát các giao dịch ngoài lãnh thổ.
Hai là, các tiêu chuẩn về tổng tài sản trên thị trường Việt Nam, doanh thu, doanh số trên thị trường Việt Nam, giá trị của giao dịch chỉ được sử dụng với ý nghĩa để sàng lọc các trường hợp TTKT thuộc diện kiểm soát mà không có ý nghĩa trong việc sử dụng để đánh giá về tác động HCCT của giao dịch. Điều này được lý giải ở chỗ nếu giao dịch TTKT mà thị phần kết hợp ở mức thấp, chỉ số HHI thấp thì dù giao dịch có dẫn đến sự tập trung nguồn lực lớn cũng ít có khả năng tác động đáng kể đến thị trường do bản chất thị trường lúc này tương đối hoàn hảo. Tuy nhiên, với các giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ, việc tích tụ về vốn, tài sản ở mức độ lớn về lâu dài vẫn có thể gây ra tác động HCCT trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, với các giao dịch ngoài lãnh thổ việc xác định thị phần, thị phần kết hợp và chỉ số HHI là một thách thức rất lớn đối với UBCTQG nhìn từ phương diện áp dụng luật và thực tiễn. Thất bại trong việc đánh giá thị phần hay thị phần kết hợp đồng nghĩa với việc kiểm soát giao dịch ngoài lãnh thổ sẽ đi vào “ngõ cụt”.
Ba là, việc đưa tiêu chuẩn: “các DN tham gia TTKT có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham TTKT là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan” để thẩm định TTKT thể hiện ý định rõ ràng của LCT 2018 về việc kiểm soát các giao dịch TTKT theo chiều dọc. Tuy nhiên, về câu chữ, tiêu chuẩn này còn có điểm chưa thật sự rõ ràng. Theo đó, tiêu chuẩn này có thể hình thành 2 cách hiểu khác nhau liên quan đến tiêu chí thị phần:
- Trường hợp thứ nhất tiêu chuẩn này được hiểu là sự lồng ghép của 2 tiêu chuẩn con là: (i) các doanh nghiệp tham gia TTKT có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan; hoặc (ii) ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia TTKT là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan.
- Trường hợp thứ 2, tiêu chuẩn này được hiểu là sự lồng ghép của 2 tiêu chuẩn con là: (i) các doanh nghiệp tham gia TTKT có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định; hoặc (ii) ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia TTKT là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan.
Tác giả cho rằng, nên nhận thức tiêu chuẩn này theo trường hợp thứ nhất, bởi lẽ, tiêu chuẩn này được thiết lập chủ yếu để kiếm soát đối với các giao dịch TTKT có hệ quả hình thành nên sự liên kết giữa các DN, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các DN trong việc phối hợp hành động nhằm tạo ra rào cản gia nhập hoặc mở rộng thị trường gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh, thậm chí có thể loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Nói cách khác, về bản chất, các DN có thể đang toan tính gây cản trở cạnh tranh. Do đó, tiêu chuẩn này thường được áp dụng cho các giao dịch gắn với hình thức là mua lại DN hoặc liên doanh giữa các DN. Để có sự chính xác khi đánh giá tác động HCCT của vụ TTKT làm căn cứ xác định thuộc trường hợp được thực hiện hay cần thẩm định chính thức thì với mỗi tiêu chuẩn con không nên chỉ dựa vào loại liên kết mà cần phải dựa vào thị phần của DN ở mỗi công đoạn để đánh giá thêm về khía cạnh quyền lực thị trường. Ngoài ra, do gắn với việc đánh giá về thị phần nên tiêu chuẩn này cũng không đem lại nhiều ý nghĩa đối với kiểm soát giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ.
Với tính chất là giai đoạn thẩm định chuyên sâu để đưa ra kết luận về việc TTKT thuộc trường hợp cấm hay TTKT có điều kiện hoặc được thực hiện TTKT, Điều 37 LCT 2018 và Điều 15 Nghị định số 35/NĐ-CP/2020 xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá khá đồ sộ với sự kết hợp nhiều tiêu chuẩn để phục vụ cho phương pháp đánh giá tổng hợp. Trên phương diện hệ thống, các tiêu chuẩn TĐCT là hệ thống tiêu chuẩn kép, gồm nhóm các tiêu chuẩn phục vụ mục đích đánh giá tác động HCCT đáng kể và nhóm các tiêu chuẩn đánh giá tác động tích cực của giao dịch TTKT, từ đó đánh giá tổng hợp khả năng tác động HCCT và khả năng tác động tích cực để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc TTKT.
Các tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá vụ việc trong giai đoạn TĐCT rất đa dạng xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ tác động của vụ việc đối với cạnh tranh trên thị trường, từ việc tích tụ về mặt quyền lực, quy mô kinh doanh, cho đến rào cản gia nhập thị trường, lợi thế cạnh tranh… Hệ thống các tiêu chuẩn này không chỉ ở trạng thái “tĩnh” mà hầu hết được đánh giá ở trạng thái “động”. Điều này thể hiện ở việc nếu trong giai đoạn TĐSB, các tiêu chuẩn chủ yếu được đánh giá dựa trên các tham số ghi nhận ở thời điểm trước hoặc tại thời điểm thẩm định vụ TTKT thì trong giai đoạn TĐCT các tiêu chuẩn được đánh giá với các tham số mang tính dự báo cho tương lai. Điều này cho thấy, việc nhận diện tác động hoặc khả năng gây tác động HCCT một cách đáng kể của vụ việc TTKT được nhìn nhận một cách đa chiều về không gian lẫn thời gian. Đây là cách tiếp cận khá phù hợp vì các tiêu chuẩn đã bám theo đúng định hướng về mục đích kiểm soát, góp phần giảm thiểu tối đa nguy cơ phiến diện hay áp đặt đối với từng trường hợp.
Mặc dù vậy, do thiếu tính định lượng nên ở thời điểm hiện tại việc áp dụng các tiêu chuẩn này vào thực tiễn có lẽ chỉ có thể trông chờ vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm cùng với tinh thần độc lập, khách quan của những người làm công tác thực thi pháp luật.
Dưới góc nhìn của mình, tác giả cho rằng cơ quan cạnh tranh cần sàng lọc các tiêu chuẩn theo từng nhóm từ đó nghiên cứu xây định mức (có thể dự liệu trong một khoản nhất định mà không phải cố định) áp dụng đối với các tiêu chuẩn này nếu điều đó có tính khả thi, ví như thị phần, thị phần kết hợp, mức độ tập trung thị trường, tỉ suất lợi nhuận… Bên cạnh đó, cần xây dựng nguyên tắc áp dụng đối với các tiêu chuẩn này (thể hiện xu hướng áp dụng, cách thức đánh giá của UBCTQG), nhất là đối với các tiêu chuẩn thuần túy có tính định tính. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình UBCTQG có thể thực hiện việc này dưới hình thức ban hành tài liệu hướng dẫn. Điều này vừa giúp ích cho UBCTQG ở góc độ phổ biến pháp luật, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp nhất là ở thời điểm xây dựng phương án phương án khắc phục khả năng gây tác động HCCT của việc TTKT, báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc TTKT và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc TTKT - là những tài liệu DN phải cung cấp cho UBCTQG khi thông báo TTKT.
LCT 2018 về cơ bản đã thiết lập khá thành công khung pháp lý về kiểm soát đối với các giao dịch TTKT nói chung và các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ nói riêng. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các quy định hướng dẫn rõ hơn đối các giao dịch này về mặt tiêu chuẩn kiểm soát.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Vietnam’s current regulations on controlling economic concentration and economic concentration deals done outside the territory of Vietnam
Master. Dang Quoc Chuong
Faculty of Commerce law, Ho Chi Minh City University of Law
Abstract:
The 2018 Law on Competition took effect on July 1, 2019 with many amendments and supplements abou the economic concentration control compared to the 2004 Law on Competition. Besides the process, procedures, and control standards, the expansion of control scope over economic concentration deals done outside the territory of Vietnam is worthy of attention. To provide a systematic perspective on the legal framework for controlling economic concentration, this paper presents, analyzes, comments and make suggestions to improve the 2018 Law on Competition’s regulations on controlling economic concentration in general and economic concentration deals done outside the territory of Vietnam in particular.
Keywords: economic concentration, threshold for notification of economic concentration, economic concentration outside the territory.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết