Quy định về ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp phần mềm - Một số hạn chế và kiến nghị khắc phục


Đề tài Quy định về ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp phần mềm - Một số hạn chế và kiến nghị khắc phục do ThS. Nguyễn Đức Ngọc ( Giảng viên Đại học Luật Hà Nội) - Nguyễn Hoàng Luật (Sinh viên KT44 Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phần mềm. Tuy nhiên, trên thực tế, các ưu đãi này chưa có những tác động hiệu quả, hoặc còn nhiều vướng mắc khi triển khai. Bài viết làm rõ nội dung các quy định về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp phần mềm, những hạn chế của các quy định này và đưa ra một số kiến nghị khắc phục.

Từ khóa: doanh nghiệp phần mềm, ưu đãi thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp.

1. Khái quát về doanh nghiệp phần mềm

Phần mềm là một hệ thống các chương trình có thể thực hiện trên máy tính. Nhiệm vụ chính yếu của phần mềm là cho phép các nhà chuyên môn thực hiện các công việc của họ trên máy tính dễ dàng và nhanh chóng hơn so với khi thực hiện cùng công việc đó trong thế giới thực[1]. Như vậy, doanh nghiệp phần mềm hay sản xuất phần mềm là các doanh nghiệp tiến hành đầy đủ các quy trình chuyên môn như hoạt động nghiên cứu, xây dựng, lập trình,... nhằm tạo ra sản phẩm mang tính công nghệ là phần mềm giúp hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh hay các hoạt động mang tính cá nhân khác diễn ra trên máy tính.

Các doanh nghiệp phần mềm thường được ưu đãi thuế bởi những doanh nghiệp này thường mang lại những giá trị mới cho xã hội và phải đầu tư lớn vào nhân lực, công nghệ. Cụ thể:

Thứ nhất, đây là những doanh nghiệp yêu cầu cao về trình độ của người lao động trong công tác nghiên cứu khoa học hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp phần mềm là những doanh nghiệp mang tính chất về nghiên cứu phát triển cao, cần trình độ nhất định trong từng phân đoạn tiến hành hoạt động, bởi đây là những ngành nghề cần tới những kiến thức cụ thể, tiếp cận sâu với lĩnh vực khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như sản xuất - kinh doanh.

Thứ hai, những doanh nghiệp này có tính đổi mới cao, luôn tiếp cận nhanh đối với quá trình phát triển của công nghệ, quá trình đổi mới của trang thiết bị kỹ thuật nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị kinh tế. Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, sự đổi mới trong công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng cần thường xuyên cập nhật, đổi mới để có thể theo kịp bước đi của thời đại, không để doanh nghiệp mình bị tụt dốc, lạc hậu.

Thứ ba, chi phí vốn cao cũng là một trong những đặc điểm của loại doanh nghiệp này. Việc thường xuyên tiếp cận, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mang tính hiện đại, kỹ thuật cao dẫn tới các chi phí chi trả cho nguồn nhân lực, vật chất nhằm duy trì hoạt động của các doanh nghiệp này cũng tương đối cao so với các loại hình doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thông thường.

Thứ tư, doanh nghiệp phần mềm có thể nắm giữ lợi ích kinh tế lớn nhưng phải chấp nhận tính cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp phần mềm, công nghệ cao phải luôn đổi mới, cập nhật và như vậy sản phẩm phần mềm, công nghệ cao cũng cần thể hiện được tính vượt trội, tính hữu dụng với đối tượng khách hàng nhắm tới, thể hiện được sản phẩm đó là sự lựa chọn tốt nhất mà khách hàng cần.

2. Những hạn chế trong các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phần mềm

Thứ nhất, điều kiện hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) còn tiềm ẩn những tranh chấp giữa doanh nghiệp phần mềm và cơ quan thuế. Tiêu chí xác định doanh nghiệp phần mềm rất phức tạp, mang nặng tính chất kỹ thuật. Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm được tiến hành theo 7 công đoạn sau:

  • Công đoạn 1: Xác định yêu cầu.
  • Công đoạn 2: Phân tích và thiết kế.
  • Công đoạn 3: Lập trình, viết mã lệnh.
  • Công đoạn 4: Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm.
  • Công đoạn 5: Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm.
  • Công đoạn 6: Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm.
  • Công đoạn 7: Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm.

Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT có quy định là hoạt động sản xuất phần mềm tối thiểu phải thực hiện 1 trong 2 công đoạn xác định yêu cầu hoặc phân tích, thiết kế. Từ quy định này, thực tế phát sinh một số vướng mắc như sau:

Do yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp mới chỉ ký hợp đồng để thực hiện việc xác định yêu cầu cho khách hàng, nhưng theo cơ quan thuế việc thực hiện công việc này chỉ là hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên môn thuần túy, chưa có yếu tố định hình cho sản phẩm phần mềm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phần mềm, đây lại là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn và thực tế, và cũng đòi hỏi nhiều chi phí thời gian lao động.

Do đặc thù của ngành phần mềm, nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện các hợp đồng gia công phần mềm. Thực tế khi gia công, các doanh nghiệp vẫn phải tiến hành theo các quy trình của 7 công đoạn nói trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan thuế vẫn không chấp nhận cho các hợp đồng gia công phần mềm được hưởng ưu đãi thuế, với lý do là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ cho ưu đãi với sản xuất phần mềm chứ không phải là hoạt động gia công phần mềm.

Thứ hai, hình thức ưu đãi thông qua trích lập quỹ khoa học công nghệ còn chưa hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp phần mềm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng.

Việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp còn hạn chế. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015 - 2021, tỷ lệ doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp trên cả nước chỉ chiếm 0,02% và phần lớn là doanh nghiệp nhà nước. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp trích lập quỹ và tỷ lệ sử dụng quỹ cũng rất thấp. Trong tổng số hơn 23.000 tỷ đồng tiền quỹ, chỉ có 50,9% được sử dụng, một nửa số tiền còn lại vẫn tồn đọng trong quỹ. Theo Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi, đầu tư công và tư nhân vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam còn thấp so với mức trung bình toàn cầu, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP và tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đầu tư quy mô lớn vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.[2]

Thứ ba, các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phần mềm cao nói riêng chưa có sự phân tách rõ ràng theo tính chất, quy mô doanh nghiệp. Điều này có thể làm giảm hiệu quả tác động của ưu đãi thuế đối với sự phát triển và đầu tư của doanh nghiệp phần mềm vào những lĩnh vực phần mềm khó, có tính đột phá về kỹ thuật, công nghệ. Trong khi lĩnh vực công nghệ cao bao gồm nhiều ngành nghề có mức độ khó khăn trong công tác hoạt động nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh khác nhau. Sự khác nhau còn thể hiện cả ở chi phí nhằm tạo ra các sản phẩm phần mềm, công nghệ cao đối với từng loại hình khác nhau. Chẳng hạn như chi phí để nghiên cứu phát triển cũng như sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực AI hay Robot tiên tiến sẽ tốn nhiều hơn so với các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh mà đa số đã được kế thừa từ trước đó như sản xuất các linh kiện, vật liệu polymer tái chế.[3]

Hay về quy mô doanh nghiệp, hiện nay, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp phần mềm công nghệ cao có đầy đủ các nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản (ưu đãi thuế suất; miễn, giảm thuế;...) nhưng lại áp dụng chung cho tất các các quy mô doanh nghiệp. Lúc này, các doanh nghiệp phần mềm, công nghệ cao có quy mô nhỏ với nền tảng phát triển yếu và vừa lại được xếp ngang hàng với các doanh nghiệp quy mô lớn với nền tảng phát triển mạnh trong việc hưởng ưu đãi. Như vậy, dường như việc khởi nghiệp (start up) các doanh nghiệp phần mềm lại không được nhận những ưu đãi tương ứng theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì theo Điều 10 của Luật, Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục những hạn chế trên của các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp phần mềm, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, để tránh những tranh chấp giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp phần mềm về việc những hoạt động, công việc nào được ghi nhận là hoạt động sản xuất phần mềm, cần có cơ chế tham vấn với cơ quan chuyên môn kỹ thuật về phần mềm, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Thông tin và Truyền thông. Theo đó, doanh nghiệp phần mềm nên thực hiện cơ chế kê khai để thông báo các hoạt động sản xuất phần mềm của mình với cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước về phần mềm sẽ chủ động về dữ liệu để phản hồi sớm nhất khi cơ quan thuế có yêu cầu tham vấn về tính chất của hoạt động phần mềm. Bên cạnh đó, cũng nên làm rõ trách nhiệm tham vấn là của cơ quan thuế. Doanh nghiệp phần mềm chỉ có trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm về sự kê khai đó. Doanh nghiệp phần mềm không có nghĩa vụ phải giải thích về kỹ thuật cho cơ quan thuế đối với hoạt động sản xuất phần mềm của mình (trong nhiều trường hợp, do yêu cầu bảo mật thông tin theo hợp đồng ký kết với khách hàng, doanh nghiệp phần mềm không thể đưa ra những dữ liệu, thông tin chi tiết cho một sản phẩm phần mềm, nên rất dễ bị cơ quan thuế suy đoán là có thủ đoạn quanh co, che đậy thông tin).

Thứ hai, cần có cách hiểu đúng đắn, phù hợp về quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp phần mềm. Vì nghiên cứu phần mềm là quá trình phức tạp, có nhiều rủi ro, không thể đảm bảo chắc chắn về kết quả, nên nếu bắt buộc phải có sản phẩm nghiên cứu được nghiệm thu thì theo quy trình nghiệm thu của sản phẩm khoa học thông thường mới được hưởng ưu đãi thuế. Điều này  không thích hợp với đặc điểm của doanh nghiệp phần mềm. Thiết nghĩ, nên mở rộng tính chất của quỹ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp phần mềm, thậm chí các doanh nghiệp công nghệ cao nói chung theo hướng coi đây là một dạng quỹ có tính chất đầu tư mạo hiểm. Như vậy, sẽ khuyến khích doanh nghiệp phần mềm mạnh dạn đầu tư nghiên cứu vào những ý tưởng sáng tạo, táo bạo hơn.

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về mức hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thời gian tính, hưởng ưu đãi đối với doanh nghiệp phần mềm phù hợp với quy mô và mức độ phát triển của từng doanh nghiệp phần mềm. Cụ thể là:

- Nên quy định lựa chọn 1 trong 2 hình thức ưu đãi thuế là ưu đãi về thuế suất hoặc ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế để tránh tình trạng gian lận nhằm hưởng ưu đãi thuế nhiều lần, trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc sự chống chéo việc áp dụng ưu đãi trong thời gian đầu hoạt động của doanh nghiệp phần mềm, công nghệ cao như đã đề cập. Theo đó, nên áp dụng ưu đãi về thuế suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển trong nền kinh tế cạnh tranh cao hiện nay và ưu đãi về miễn giảm thuế có thời hạn nên được áp dụng cho các lĩnh vực công nghệ cao, cụ thể và địa bàn khó khăn cần khuyến khích đầu tư theo quy định để định hướng sản xuất.

- Tiếp theo, về thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên xem xét quy định về thời gian ưu đãi thuế một cách hợp lý. Bởi hiện nay thời gian ưu đãi thuế tương đối dài, tối đa có thể lên tới 30 năm. Việc áp dụng thời gian ưu đãi quá dài trước hết làm giảm thu ngân sách nhà nước trong nhiều năm, thứ hai làm cho các doanh nghiệp mang tâm lý trông chờ vào các chính sách ưu đãi thuế, chất lượng dự án của các nhà đầu tư sẽ không đảm bảo. Sự điều chỉnh về thời gian hưởng ưu đãi có thể tăng hoặc giảm tùy theo doanh thu, lợi nhuận hay mức độ đóng góp của doanh nghiệp đối với lĩnh vực công nghệ cao nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngoài ra, nên tiếp tục nghiên cứu, chia nhỏ quy định về thời gian ưu đãi thuế đối với các nhóm ngành nghề cụ thể, hoặc nhóm doanh nghiệp phần mềm có quy mô khác nhau.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Đông Á (2021). Bài giảng Công nghệ phần mềm. Truy cập tại http://dulieu.tailieuhoctap.vn/books/cong-nghe-thong-tin/kiem-thu-phan-mem/file_goc_782880.pdf 

[2] Thu Hằng, (2023). Tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ. Báo Hà Nội mới. Truy cập tại https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1051992/tang-cuong-dau-tu-cho-khoa-hoc-cong-nghe

[3] Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg về Ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Luật số: 04/2017/QH14 - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT Quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình.
  3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2014). Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT Quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2013). Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT Ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử.
  5. Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 96/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP.
  6. Vũ Thị Hồi, (2021). “Pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa” Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội.
  7. Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Đông Á (2021). Bài giảng Công nghệ phần mềm.
  8. Nguyễn Tiến Mạnh, (2019). Pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thị Ánh Vân, (1998). Ưu đãi về thuế và vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Tạp chí Luật học, Số 6/1998.

Regulations on tax incentives for software development enterprises – Some limitations and solutions

 Master. Nguyen Duc Ngoc1

Nguyen Hoang Luat2

1Lecturer, Hanoi Law University

2Student, Hanoi Law University

Abtract:

The Law on Corporate Income Tax has stipulated many incentives for software development enterprises. However, in reality, these incentives have not yet had effective impacts, and there are many obstacles to their implementation. This paper clarifies the content of the tax incentive regulations for software development enterprises, the limitations of these regulations, and suggests some solutions.

Keywords: software development enterprises, tax incentives, corporate income tax.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Cơ cấu lại ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị

CHG - Là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm… cho cả nước, vùng Đông Nam Bộ trở thành “đầu tàu” phát triển kinh tế của cả nước nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Thời gian tới, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là định hướng phát triển quan trọng để ngành công nghiệp của vùng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem chi tiết
Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn

Bài báo nghiên cứu "Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn" do Đỗ Huyền Linh (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Xem chi tiết
TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp kêu cứu vì bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua liên tục bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm kính mắt nhãn hiệu Phoenix.

Xem chi tiết
Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới (kỳ 2)

​CHG - Trong giai đoạn tới, tuy còn nhiều biến động về địa - chính trị, nhưng xu thế chung là khoa học - công nghệ trên thế giới sẽ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của các quốc gia. Các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong thương mại, đầu tư, nhân lực, khoa học - công nghệ. Tình hình này đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động và sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để lãnh đạo phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Xem chi tiết
Việc thừa nhận tư cách pháp lý cho luật sư robot - góc nhìn của các quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam

Đề tài Việc thừa nhận tư cách pháp lý cho luật sư robot - góc nhìn của các quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam do Thái Lâm Ngọc (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3