Pháp luật về thuế trong thương mại điện tử


TÓM TẮT:

Thương mại điện tử là sự phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù có những đặc trưng khác biệt, nhưng thương mại điện tử và thương mại truyền thống đều có bản chất là hoạt động thương mại. Chính vì vậy, pháp luật về thuế trong thương mại điện tử về nguyên tắc cũng tương tự như trong thương mại truyền thống. Tuy nhiên, do các đặc trưng của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống mà pháp luật về thuế trong thương mại điện tử gặp phải một số hạn chế, như: khó khăn trong việc xác định chủ thể nộp thuế, xác định doanh thu… Do đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về thương mại điện tử nói chung và pháp luật về thuế trong thương mại điện tử nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững thương mại điện tử ở Việt Nam.

Từ khóa: pháp luật, thuế, thương mại điện tử.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số của thế giới và Việt Nam, thương mại điện tử không chỉ là xu hướng, mà còn là sự phát triển tất yếu. Điều này được thể hiện thông qua doanh thu thương mại điện tử trên thế giới và ở Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, nếu doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) trên thế giới năm 2019 là 3.351 tỷ USD, thì dự kiến đến năm 2025 sẽ là 7.385 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 9,0% đến 25,7%. Còn ở Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2017 là 6,2 tỷ USD thì đến năm 2022 đã là 16,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 16% đến 30%.

thương mại điện tử
Thương mại điện tử không chỉ là xu hướng, mà còn là sự phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số của thế giới và Việt Nam

Mặc dù, có những đặc trưng khác biệt, nhưng thương mại điện tử và thương mại truyền thống đều có bản chất là hoạt động thương mại. Chính vì vậy, khi tiến hành các hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể cũng phải nộp thuế đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do các đặc trưng của thương mại điện tử có khác so với thương mại truyền thống, nên pháp luật về thuế trong thương mại điện tử cũng có sự khác biệt so với thương mại truyền thống.

2. Một số hạn chế của pháp luật về thuế trong thương mại điện tử

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử nói chung và pháp luật về thuế trong thương mại điện tử nói riêng đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, pháp luật về thuế trong thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay có một số hạn chế sau:

- Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định doanh thu, thu nhập để tính thuế. Thương mại điện tử bán lẻ (B2C) ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao so với thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại bán lẻ trên thế giới hàng năm từ 16,8% đến 25,7%, còn ở Việt Nam, con số này là từ 26% đến 30%. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, dự kiến đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 39 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Về công tác thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã có sự chuyển biến, nếu năm 2021 cơ quan thuế thu được 261 tỷ đồng thì hết tháng 8/2022 đã thu được 520,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thuế thu được từ hoạt động thương mại điện tử vẫn chưa tương xứng với quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Một trong các nguyên nhân là việc khó khăn khi xác định doanh thu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử. Điều này càng trở nên khó khăn khi tại Việt Nam trong năm 2021 có đến 73% ưu tiên thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) trong các giao dịch thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, 2022).

- Thứ hai, khó khăn trong việc thu thập thông tin của các giao dịch, của các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, do đó cơ quan thuế rất khó tiến hành công tác quản lý và thu thuế nếu các bên chủ thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử tiến hành mã hóa các giao dịch (ví dụ như hệ thống mã hóa RSA, mật mã lượng tử theo giao thức BB84…), thanh toán các giao dịch trong thương mại điện tử bằng tiền số (tiền ảo) như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB),… Hoặc đơn giản là các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các ứng dụng nhắn tin, gọi điện có độ bảo mật cao như: Signal, Telegram, Wickr… cũng tạo ra những khó khăn cho cơ quan thuế trong việc quản lý và thu thuế trong thương mại điện tử.

- Thứ ba, năm 2021 có 42% người dùng trực tuyến tiến hành mua hàng hóa trên các diễn đàn, mạng xã hội (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, 2022). Trong khi đó, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định chủ sở hữu các mạng xã hội, quản trị các diễn đàn phải cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh được thực hiện trên các mạng xã hội, các diễn đàn cho cơ quan thuế. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc quản lý và thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên mạng xã hội và các diễn đàn.

- Thứ tư, hạn chế của pháp luật liên quan đến chứng cứ. Trong quá trình tổ chức công tác quản lý và thu thuế, đặc biệt là trong quá trình đấu tranh phòng chống gian lận thuế trong thương mại điện tử, cơ quan thuế cần thiết phải xác minh, thu thập tài liệu làm chứng cứ. Mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ, nhưng giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo. Như vậy, cùng là thông điệp dữ liệu, nhưng nếu khác nhau một trong các yếu tố như cách thức khởi tạo, lưu trữ, truyền gửi; bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; xác định người khởi tạo... thì giá trị chứng cứ cũng khác nhau. Trong khi đó, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể để xác định giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu (được sử dụng làm chứng cứ) khác nhau, cũng như giữa thông điệp dữ liệu và các chứng cứ truyền thống khác. Ngoài ra, pháp luật của Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc thu thập chứng cứ trong thương mại điện tử mặc dù chứng cứ trong thương mại điện tử có sự khác biệt với chứng cứ trong thương mại truyền thống.

- Thứ năm, do hoạt động thương mại điện tử được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, nên trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ phát sinh các khoản chi phí mà thương mại truyền thống không có, hoặc có nhưng hoàn toàn không đáng kể, như: chi phí cho phần mềm, phần cứng, chi phí duy trì trang web, chi phí đường truyền... Pháp luật Việt Nam về thuế trong thương mại điện tử chưa có những quy định cụ thể về các khoản chi phí này, nên đã ảnh hưởng đến các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

- Thứ sáu, bên cạnh các hạn chế như đã nêu trên, còn có khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ thu nhập để làm cơ sở đánh thuế… của thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong thương mại điện tử xuyên biên giới rất khó phân biệt một số loại thu nhập như: phí bản quyền, phí dịch vụ… Ngoài ra, một chủ thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, hoặc cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử cũng gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng nộp thuế.

3. Kết luận

Trên cơ sở các hạn chế như đã được phân tích và để thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển bền vững, đạt được mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm; đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước vào năm 2025 như trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế của pháp luật về thuế trong thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam:

- Thứ nhất, hoạt động thương mại điện tử là các hoạt động thương mại được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử có kết nối mạng internet. Chính vì vậy, để công tác quản lý và thu thuế trong thương mại điện tử đạt hiệu quả cao, ngành Thuế cần tiếp tục thực hiện công tác hiện đại hóa việc quản lý và thu thuế, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ về công nghệ thông tin cho cán bộ ngành thuế. Ngoài ra, bên cạnh việc căn cứ vào các thông tin do tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử cung cấp theo Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, cơ quan thuế cần có cơ chế phối hợp với các ngân hàng thương mại, nhằm xác định dòng tiền giao dịch (đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới), nhằm xác định doanh thu, thu nhập của các cá nhân, tổ chức làm cơ sở cho việc quản lý và thu thuế.

- Thứ hai, để khắc phục các khó khăn trong việc thu thập các thông tin liên quan đến các giao dịch và các chủ thể thực hiện giao dịch thương mại điện tử, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ngành Thuế cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big data) và phát triển các ứng dụng có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản trị rủi ro trong công tác quản lý và thu thuế, cũng như công tác truy vết trong môi trường số.

- Thứ ba, để khắc phục khó khăn trong việc thu thập các thông tin của các giao dịch thương mại điện tử thực hiện trên các mạng xã hội, các diễn đàn, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng cần bổ sung nghĩa vụ báo cáo về các giao dịch thương mại điện tử thực hiện trên mạng xã hội do mình làm chủ sở hữu, hoặc các diễn đàn do mình làm quản trị giống như cách quy định nghĩa vụ báo cáo của các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, do có sự khác nhau giữa sàn giao dịch thương mại điện tử với các mạng xã hội, các diễn đàn, pháp luật Việt Nam cần có quy định về nội dung và thời gian gửi báo cáo cho cơ quan thuế phù hợp với thực tiễn.

- Thứ tư, thu thập và xác định các tài liệu làm chứng cứ. Trong quá trình tổ chức công tác quản lý và thu thuế, đặc biệt là trong quá trình đấu tranh phòng chống gian lận thuế trong thương mại điện tử, tài liệu làm chứng cứ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, trong thương mại điện tử, các tài liệu (tồn tại dưới dạng các thông điệp dữ liệu) thường được bảo mật (thông qua phần cứng, phần mềm), nên cần có các quy định về vấn đề giải mật (loại bỏ bảo mật) để tạo điều kiện cho cơ quan thu thập tài liệu làm chứng cứ. Bên cạnh đó, trong thương mại điện tử cũng tồn tại hiện tượng mâu thuẫn giữa các chứng cứ (giữa các chứng cứ điện tử với nhau, hoặc giữa chứng cứ điện tử và các chứng cứ truyền thống). Do đó, để tạo ra sự thống nhất, cần có quy định cụ thể về vấn đề giá trị pháp lý một cách cụ thể.

- Thứ năm, cần có quy định cụ thể về các khoản chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Mặc dù khi ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh thì có thể tiết kiệm được các chi phí thuê địa điểm, văn phòng... nhưng các chi phí mang tính đặc thù cho thương mại điện tử như: đầu tư cho phần cứng, phần mềm; chi phí cho máy chủ, tên miền, đường truyền... lại tăng cao.

- Thứ sáu, mặc dù hoạt động thương mại điện tử cũng có bản chất là hoạt động thương mại, nhưng thương mại điện tử được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử có kết nối mạng internet. Do đó, nếu so với thương mại truyền thống, thương mại điện tử cũng có một số đặc trưng nhất định. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp như đã nêu trên, cơ quan thuế của Việt Nam cũng xem xét để thành lập các đơn vị chuyên trách cho việc quản lý và thu thuế thương mại điện tử. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này từ một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2022). Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
  2. Chính phủ (2020). Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
  3. Bộ Công Thương - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2022), Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022.
  4. Đinh Trọng Thịnh (2023). Luật Thuế Thương mại điện tử phải cập nhật, sửa đổi. Truy cập tại: https://dttc.sggp.org.vn/luat-thue-thuong-mai-dien-tu-phai-cap-nhat-sua-doi-post102452.html
  5. Ban Thời sự (2022). Thu thuế thương mại điện tử: Làm thế nào để thu đúng, đủ? Báo Điện tử VTV News. Truy cập tại: https://vtv.vn/kinh-te/thu-thue-thuong-mai-dien-tu-lam-the-nao-de-thu-dung-du-20221025005254468.htm

LEGAL PROVISIONS ON TAX IN E-COMMERCE

Ph.D PHI MANH CUONG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

E-commerce is the inevitable development of traditional commerce in the current situation. Although e-commerce has different characteristics, e-commerce and traditional commerce are both commercial activities in nature. Therefore, the legal provision on tax in e-commerce is in principle similar to that in traditional commerce. However, due to the characteristics of e-commerce compared to traditional commerce, the legal provision on tax in e-commerce encounters a limitation such as: difficulty in identifying tax payers, revenue determination, etc. Therefore, completing the provisions of the law on e-commerce in general and the legal provision on tax in e-commerce in particular will contribute to promoting the sustainable development of e-commerce in Vietnam.

Keywords: legal provision, tax, e-commerce.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn bền vững trong bối cảnh hội nhập

Bài báo nghiên cứu "Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn bền vững trong bối cảnh hội nhập" do ThS. Từ Tuấn Cường (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Gia Định) thực hiện.

Xem chi tiết
Thực trạng thị trường dịch vụ kế toán hiện nay và những nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Bài báo nghiên cứu "Thực trạng thị trường dịch vụ kế toán hiện nay và những nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán" do ThS. Ngô Thị Mỹ Hạnh (Giảng viên Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng

Đề tài Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng do NGUYỄN TRUNG SƠN (Giám đốc Hợp tác xã Enna Glamping Suối Giàng) - TS. HOÀNG SĨ THÍNH (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - ThS. PHẠM XUÂN PHÚ (Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Đề tài Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 do ThS. Phạm Thị Tươi (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Đề tài Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững do ThS. Trần Phương Tâm An (Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3