Giữ đúng cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Dự thảo quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện |
Cùng với đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”, đồng thời đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch”.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Cụ thể, hơn 16,5GW công suất điện mặt trời đã được kết nối vào lưới điện quốc gia (đạt 23,9% công suất lắp đặt toàn quốc); nếu tính cả 20,6 GW thuỷ điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã chiếm 55,17% công suất lắp đặt toàn quốc.
Bộ Công Thương cho biết, với mục tiêu thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng nhanh, hướng đến phát triển bền vững, giảm yếu tố tác động đến biến đổi khí hậu, mục tiêu phát triển NLTT tại Dự thảo quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045. Đặc biệt, ưu tiên hơn đối với điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng là chủ yếu, điện mặt trời nổi.
Tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng khẳng định, Bộ Công Thương đã thực hiện tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỉ lệ thực hiện nguồn điện không đạt so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP26, để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo đó, một số quan điểm lớn trong Quy hoạch điện VIII sẽ được điều chỉnh là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế, chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng.
Như vậy, với phiên bản Quy hoạch điện VIII trong tháng 11 được Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung, và được các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đã xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3/2021, tương đương giảm gần 800.000 tỷ đồng đầu tư. Nếu không tính điện mặt trời, hệ số dự phòng toàn quốc giảm từ hơn 69% xuống còn 43%, bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu.
Huy động mọi nguồn lực
Theo các tổ chức, chuyên gia năng lượng thế giới đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường. Điển hình, một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Australia cho thấy, Việt Nam có tiềm năng đạt trên 90% tỷ lệ điện từ gió và mặt trời kèm thủy điện tích năng, với chi phí hợp lý. Thành công ban đầu của Việt Nam trong phát triển điện mặt trời và điện gió là rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục phát huy. Đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi có tiềm năng đáng kể để cấp điện và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam được ước tính là 475 GW ở các vùng biển cách bờ 200km, gấp khoảng 8 lần tổng công suất đặt của cả nước năm 2020. Nếu thay điện than bằng 25 GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể giảm được 200 triệu tấn CO2 phát thải, gần 1/3 tổng dự báo phát thải trong kịch bản thông thường của ngành năng lượng đến 2030. Do đó, Quy hoạch điện VIII của Việt Nam cần tăng tỷ lệ điện gió và mặt trời.
Đại diện Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bà Virginia B.Foote đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26, việc xây dựng Quy hoạch điện VIII cũng như mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp. “Chúng tôi tán thành việc mở rộng các dự án năng lượng tái tạo trong những thập niên tiếp theo. Chúng tôi cũng thống nhất phương hướng hạn chế dần các dự án nhiệt điện than mới trong Quy hoạch điện VIII” - bà Virginia B.Foote bày tỏ.
Đồng thời, bà Virginia B.Foote cũng đề nghị, Việt Nam cần có giải pháp tiến cận nguồn vốn linh hoạt hơn, bởi các tiến bộ công nghệ diễn ra hằng ngày; có kế hoạch thu xếp vốn tài chính nhanh chóng vào các dự án. Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) góp ý cần có chính sách để mở rộng khả năng tham gia của tư nhân vào các dự án điện, như cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị về các giải pháp quan trọng khác của ngành điện như huy động mọi nguồn lực tham, tăng hiệu suất năng lượng, nâng cấp hệ thống truyền tải, dự trữ năng lượng, và xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Các mục tiêu và nhiệm vụ cần được thể hiện rõ trong các kế hoạch phát triển của ngành và địa phương, đặc biệt là Quy hoạch Tổng thể Năng lượng quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 đang sắp ban hành.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã và đang xây dựng các chính sách, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo hướng phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển nhằm thực hiện đúng cam kết tại hội nghị COP26, khi từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, bám sát để có lộ trình phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải các-bon, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn nguồn năng lượng mặt trời; có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện. Đề xuất, làm rõ thêm các phương án để điều hành, đảm bảo an toàn hệ thống điện.
Nguồn: Báo Công Thương
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết