Sóc Sơn, Hà Nội: Hàng chục cây xăng mini hoạt động không phép, trách nhiệm thuộc về ai?


(CHG) Theo nguồn tin từ Quỹ chống hàng giả, người tiêu dùng phản ánh về tình trạng cây xăng không phép hoạt động công khai trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hại tới tính mạng người dân khu vực xung quanh, đồng thời đang là nguy cơ tiếp tay cho nạn buôn lậu xăng dầu.



Những cây xăng “chui” hoạt động công khai

Nhận được phản ánh hàng loạt cây xăng không phép bỗng dưng “mọc” trên địa bàn huyện Sóc Sơn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân địa bàn, nhóm phóng viên (PV) đã tiến hành xác minh sự việc.

Trong vai người mua, PV đã tiếp cận một cây xăng tại thôn Thắng Hữu, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại điểm bán này, giá xăng RON95 có giá 28.860 đồng/lít, hoạt động mua - bán diễn ra nhanh chóng, đơn giản. Người bán hút xăng qua cột bơm, đồng thời, máy đo lập tức nhảy số lít xăng đã mua và số tiền phải trả. Mới nhìn qua, phương thức bán xăng này bài bản và chuyên nghiệp như những cây xăng đã được cấp phép của cơ quan chức năng. Thậm chí, chủ của một cây xăng tại thôn Thắng Chí, xã Minh Chí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội còn thừa nhận cây xăng của mình “là cây xăng nhỏ, gần khu dân cư đông, không giấy phép”.

Khi PV tiếp tục dạo một vòng quanh các xã của huyện Sóc Sơn, không khó để PV bắt gặp những cây xăng hoạt động với hình thức và thủ đoạn tương tự như trên. Điều đặc biệt, việc mua bán diễn ra công khai đến mức chỉ cần hỏi một người dân bất kỳ, PV sẽ được chỉ dẫn tới cây xăng gần nhất. Xăng được đựng trong một thùng phi 200 lít, đặt ngay phía sau hoặc phía dưới cột bơm. Giá xăng RON95 tại các địa chỉ này dao động từ 28.000 đến 29.000 đồng, tức xấp xỉ hoặc đắt hơn giá thị trường. Thậm chí, các thùng xăng và cây xăng này còn được gắn thêm bánh xe để đối phó với các cơ quan chức năng trong trường hợp bị kiểm tra đột xuất.

Chiếu theo quy định của pháp luật, xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, địa điểm kinh doanh phải được các cơ quan quản lý cấp phép, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn môi trường… Tuy nhiên, dùng mắt thường ta có thể thấy rõ với những “đại lý xăng dầu” này thì mọi quy chuẩn, tiêu chuẩn về cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường đều bị bỏ quên.

Đồng thời hình thức bán xăng dầu này ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người nếu cháy nổ xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Hình ảnh một cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại thôn Thắng Hữu, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Hình ảnh một cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại thôn Thắng Hữu, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 15/2020/TT-BCT Quy chuẩn quốc gia kỹ thuật về thiết kế cửa hàng xăng dầu của Bộ Công thương có quy định về Bể chứa xăng dầu; theo đó, việc lắp đặt bể chứa xăng dầu tại cửa hàng trên mặt đất phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Không được lắp đặt bể chứa xăng dầu nổi trên mặt đất.

- Không được lắp đặt bể chứa xăng dầu và hố thao tác trong hoặc dưới các gian bán hàng.

- Khi lắp đặt bể chứa xăng dầu phải tính đến khả năng bị đẩy nổi và phải có biện pháp chống nổi bể.

- Xung quanh bể chứa phải phủ cát hoặc đất mịn với chiều dày không nhỏ hơn 0,3 m.

- Bể chứa lắp đặt dưới mặt đường xe chạy phải áp dụng các biện pháp bảo vệ kết cấu bể.

- Đối với bể chứa bằng vật liệu không dẫn điện phải có biện pháp triệt tiêu tĩnh điện khi xuất, nhập xăng dầu.

Như vậy, việc xăng được chứa trong những thùng phi ngay cạnh cột bơm, đặt nổi trên mặt đất không chỉ đi ngược lại Quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế cửa hàng xăng dầu, mà còn vi phạm Khoản 3, Điều 24, Mục 7 về Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu: “Được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Điều đáng nói ở đây là những cây xăng này, dù hoạt động “chui” nhưng lại công khai xuất hiện, bày bán. Thậm chí, nhiều nơi PV tiếp cận vừa là địa điểm bán xăng kết hợp thêm bán hàng tạp hóa, sửa xe hay bán nhà đất. Biển quảng cáo “Xăng RON95”, “Petrolimex” cùng khu bán hàng được đặt công khai, ngang nhiên trên đường ở vị trí dễ thấy.

Người dân quanh khu vực thường xuyên mua xăng tại những cây xăng tự phát này.

Người dân quanh khu vực thường xuyên mua xăng tại những cây xăng tự phát này.

 “Hiệp hội xăng dầu mini” là thực trạng nhiều năm tại huyện Sóc Sơn

Sóc Sơn là một huyện ngoại thành phía Bắc Hà Nội với tổng diện tích là 306,5km2, tổng dân số là hơn 350.000 người (số liệu năm 2020). Cũng theo điều tra khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn toàn huyện hiện có gần 30 cây xăng dầu tự phát, hoạt động không phép, tức là trong phạm vi 10 km2 lại xuất hiện một cây xăng, phục vụ khoảng 12.500 người.

Đặc biệt, càng ở những khu vực đông dân cư của huyện Sóc Sơn như thôn Việt Long, Km6 Quốc lộ 2 Phú Cường, thôn Lập Chí, Thắng Chí, … thì mật độ các cây xăng tự phát này lại càng dày đặc. Qua khảo sát của chúng tôi trong tầm 15km thuộc Km6 Quốc lộ 2 Phú Cường, đã phát hiện ra khoảng 3 cây xăng hoạt động không phép, tức là cứ cách 5km, lại có một cây xăng mini mọc lên.

Một cây xăng tại Km6, Quốc lộ 2 Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội, nằm sát khu dân cư.

Một cây xăng tại Km6, Quốc lộ 2 Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội, nằm sát khu dân cư.

Theo Bảng 4, Điều 9, chương II Thông tư số 15/2020/TT-BCT Quy chuẩn quốc gia kỹ thuật về thiết kế cửa hàng xăng dầu của Bộ Công thương Quy định về khoảng cách an toàn từ bể chứa và cột bơm đến các công trình dân dụng là từ 5-20m tùy cấp độ cửa hàng.

Cũng theo thông tư 22/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, cửa hàng xăng dầu cố định đô thị phải tuân thủ khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn PCCC, có ghi: “Khoảng cách tối thiểu từ cửa hàng xăng dầu cố định đến nơi thường xuyên tập trung đông người (chợ, trung tâm thương mại, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, công sở) là 50m”.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra tại huyện Sóc Sơn lại trái ngược hoàn toàn. Các cây xăng được mở ra ngay cạnh, thậm chí ngay trong nhà dân. Dễ dàng nhận thấy các cửa hàng bán điện thoại, quầy thuốc, hiệu ăn…ngay sát nơi bán xăng. Địa điểm đặt các trạm xăng chui, đường rất hẹp, chỉ từ một tới hai làn xe. Những cây xăng này còn không tuân thủ quy định về PCCC, nếu xảy ra cháy nổ, thiệt hại về người và của sẽ rất lớn.

Cùng với đó, chất lượng xăng dầu cũng là một vấn đề đáng phải đem ra bàn luận. Bởi hoạt động không phép thì những cây xăng này lấy nguồn hàng từ đâu? Người bán hàng có biết pha trộn xăng theo tỷ lệ an toàn và đảm bảo? Điều gì bảo đảm cho chất lượng xăng dầu ở đây? Tất cả người bán đều khẳng định hàng hóa của mình không phải “xăng rởm”, nhưng chúng tôi vẫn nghi vấn về câu trả lời này.

Tình trạng này đã diễn ra được nhiều năm và trở thành vấn nạn “mắt thấy, tai nghe” trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, gây bức xúc trong đời sống nhân dân thời gian qua.

Câu hỏi đặt ra là phải lực lượng chức năng đã “lơ là” trách nhiệm của mình hay vì nguyên nhân gì khác?

Có hay không việc "làm ngơ" cho các vi phạm tồn tại? Và đặc biệt, trước vấn nạn trên, Đội quản lý thị trường số 10 - Cục quản lý thị trường Hà Nội và chính quyền địa phương có biết và có hướng xử lý ra sao đối với tình trạng trên?

Nếu không biết thì thật vô lý vì những cây xăng này đang công khai mở ra tại những nơi dễ thấy, đông dân cư. Còn nếu biết, thì tại sao “Hiệp hội xăng dầu mini” này vẫn thản nhiên hoạt động, bất chấp các quy định Nhà nước? Liệu ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước người dân và pháp luật khi có hậu quả xấu xảy ra tại khu dân cư?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3