Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa


Đề tài Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa do ThS. Võ Thị Thường (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang) thực hiện.

TÓM TẮT.

Cộng đồng địa phương (CĐĐP) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch, vừa là nền tảng, vừa là động lực và mục tiêu cho phát triển bền vững. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích tình hình tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch Yang Bay. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch còn mang tính hình thức, tự phát và sao chép lẫn nhau. Với công tác hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch tại địa phương, cộng đồng tham gia tập trung chủ yếu ở mức độ khuyến khích và chức năng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu đã nhận diện các nhân tố thúc đẩy và những rào cản hạn chế sự tham gia của CĐĐP vào hoạt động du lịch. Một số hàm ý đã được đề xuất nhằm thúc đẩy sự tham gia của CĐĐP vào hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Yang Bay.

Từ khóa: sự tham gia, cộng đồng địa phương, du lịch sinh thái, Yang Bay, tỉnh Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Khu du lịch Yang Bay thuộc xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh cách Thành phố Nha Trang khoảng 45 km, nổi tiếng với nhiều thác nước tự nhiên, cùng với mạch nước khoáng nóng, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, các hang Chiến Khu rất phù hợp cho du khách khám phá và trải nghiệm. Những lợi thế về khí hậu, phong cảnh tự nhiên và tài nguyên du lịch khiến Yang Bay đang trở thành một điểm nhấn của du lịch tỉnh Khánh Hòa.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch tại điểm đến này đã có những chuyển biến tích cực, CĐĐP đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động du lịch. Bài báo này tập trung phân tích tình hình tham gia của CĐĐP, xác định mức độ tham gia vào công tác hoạch định chính sách, chiến lược phát triển du lịch và xác định các nhân tố thúc đẩy cũng như các rào cản hạn chế sự tham gia của họ. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển du lịch tại khu du lịch Yang Bay.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Mô hình các mức độ tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch

Zomorrodian và các cộng sự (2013) đã tổng quan các mô hình định lượng đánh giá mức độ tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch như ở Bảng 1.

cộng đồng

 

Nhìn chung, cả 3 mô hình của 3 tác giả trên đều có những điểm tương đồng nhau ở các mức độ tham gia của cộng đồng. Ở thang đo của Arnstein (1971), việc đánh giá mức độ tham gia của cộng đồng ở bậc 7 và 8 sẽ không rõ ràng, gây nhầm lẫn. Đối với thang đo 3 cấp độ của Tosun (1999), việc đánh giá mức độ tham gia của cộng đồng địa phương sẽ rất khó khăn khi phân loại và đánh giá chi tiết. Thang đo của Pretty (1995) là thang đo có tính phổ cập và được áp dụng nhiều do nó có sự phân chia rõ ràng giữa các mức độ tham gia. Do đó, tác giả quyết định chọn mô hình của Pretty (1995) làm công cụ cho những đánh giá của các mức độ tham gia của CĐĐP vào hoạt động du lịch tại khu khu du lịch Yang Bay.

2.2. Nhân tố thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch

- Nhận thức của cộng đồng về tài nguyên du lịch

Theo Attaallah và Al-Ehewat (2016): Nhận thức về du lịch chính là sự nhận biết tầm quan trọng và vai trò của hoạt động du lịch. Tầm quan trọng mà nhận thức du lịch đem lại đó là khả năng thu hút thêm nguồn vốn cho du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và tăng khả năng tiếp đón khách của cộng đồng tại điểm đến.

- Lợi ích kinh tế

Phát triển du lịch giúp tạo ra khối lượng việc làm đa dạng phù hợp từng nhóm đối tượng trong cộng đồng. Du lịch phát triển kéo theo các ngành liên quan phát triển tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho CĐĐP cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, CĐĐP còn được hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo địa phương theo hướng tích cực.

- Điều kiện về cơ chế và chính sách

Chủ trương, chính sách của Nhà nước tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch, hỗ trợ địa phương vay vốn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, miễn giảm thuế phí, hỗ trợ đào tạo về du lịch, cũng như chuyển đổi ngành nghề… sẽ thúc đẩy hơn sự tham gia tích cực từ phía cộng đồng. Sự ủng hộ của chính quyền địa phương thể hiện ở việc tạo điều kiện cho khách đến tham quan, khuyến khích, hỗ trợ CĐĐP làm du lịch cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hưởng ứng của cộng đồng.

- Nguồn lực của hộ gia đình

Nguồn nhân lực của hộ gia đình là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn sinh kế cho CĐĐP. Các nguồn lực của hộ gia đình bao gồm: nguồn vốn xã hội (mối quan hệ họ hàng, thân quen với cá nhân có tầm ảnh hưởng, nhà cung ứng); nguồn vốn tự nhiên (rừng, đất đai, diện tích mặt nước); nguồn vốn vật chất (cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện của hộ), nguồn vốn tài chính (vốn).

Ngoài ra, sự hỗ trợ giúp đỡ từ các tổ chức phi chính phủ, các công ty lữ hành về nguồn khách, tài chính và kinh nghiệm phát triển du lịch cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch.

2.3. Rào cản hạn chế sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch

Theo Tosun (2000), các rào cản hạn chế sự tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch bao gồm: Rào cản điều hành (tập trung hành chính công của ngành du lịch, thiếu sự phối hợp, thiếu thông tin); Rào cản cơ chế (thái độ của các chuyên gia, thiếu chuyên môn, sự thống trị/ kiểm soát từ bên ngoài, thiếu hệ thống pháp luật phù hợp, thiếu nguồn nhân lực, thiếu nguồn tài chính và chi phí duy trì sự tham gia); Rào cản văn hóa (sự hạn chế về năng lực của nhóm người nghèo, sự thờ ơ cũng như trình độ nhận thức thấp của cộng đồng).

3. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên khung lý thuyết đã tổng hợp ở trên, tác giả tiến hành xây dựng bảng hỏi để lấy ý kiến của CĐĐP. Do sự khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng điều tra bởi đa số người dân là dân tộc thiểu sổ, nên tác giả lựa chọn phương pháp phỏng vấn trực tiếp mẫu ngẫu nhiên thuận tiện.

Quy mô mẫu được tính theo công thức của Yamane, Taro (1967):

n = N/ (1 + N × e2)

Trong đó: n là quy mô mẫu tối thiểu, N là kích thước tổng thể, e: sai số.

 Với độ tin cậy là 95%, sai số cho phép giữa tỉ lệ mẫu và tổng thể là e = 0,1 (10%). Trong đó, N = 19.766 (số hộ dân tính đến năm 2021 tại địa bàn nghiên cứu). Từ đó tính được số lượng mẫu cần điều tra là gần 100 mẫu (99,5). Tuy nhiên, để tránh rủi ro do thiếu mẫu từ những phiếu không hợp lệ, tác giả gia tăng qui mô mẫu lên 150. Kết quả thu được 130 mẫu hợp lệ, được mã hóa và phân tích xử lý bẳng phần mềm SPSS 22.0.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thông tin chung về đối tượng điều tra

CĐĐP tham gia khảo sát có thời gian sinh sống trung bình từ 10 đến trên 20 năm chiếm tỷ lệ 75,4%. Điều này phần nào thể hiện sự gắn bó và liên kết chặt chẽ của CĐĐP và là điểm thuận lợi cho du lịch dựa vào cộng đồng phát triển. Tỷ lệ người dân có giới tính là nam tham gia khảo sát nhiều hơn nữ giới gần 16%, phần lớn ở trong độ tuổi từ 18 đến 50 chiếm 94,6%. Đây là nguồn nhận lực rất tiềm năng cho ngành Du lịch của địa phương trong tương lai. Về nguồn thu nhập chính, có đến 55,4% hộ dân có thu nhập chính từ hoạt động nông nghiệp; 24,6% hộ có nguồn thu nhập chính từ hoạt động du lịch, còn lại là từ những ngành nghề khác. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là trình độ học vấn chưa qua đào tạo của người dân, cụ thể có đến 17,7% người dân chưa qua trường lớp nào; ở cấp tiểu học và trung học khá nhiều, chiếm gần 46,2% và trình độ đại học, sau đại học chỉ chiếm 9,2%.

4.2. Mức độ tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở mức độ chủ động (bậc 7) - “Cộng đồng tự quyết định, tự đưa sáng kiến kinh doanh, chủ động liên hệ tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài” chủ yếu rơi vào nhóm cộng đồng đang là chủ doanh nghiệp. Do đó, tỷ lệ người dân tham gia ở mức độ này rất thấp chỉ 22%. Tiếp theo ở mức độ tương tác (bậc 6) - “Tham gia vào công tác hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch tại địa phương” thì tỷ lệ người dân tham gia cũng không cao, chỉ 30%. Tương tự, ở mức độ “Tư vấn” chỉ 22% người dân có tham gia. Nguyên nhân chính do đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nên trình độ học vấn không cao.

Đa số CĐĐP đang tham gia vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch Yang Bay ở mức độ “Khuyến khích” và “Chức năng”, với tỷ lệ tham gia lần lượt là 51% và 55%. Thực tế khảo sát cho thấy, CĐĐP đang tham gia vào các nhóm chức năng như: nhóm quản lý, nhóm biểu diễn phong tục truyền thống, nhóm hướng dẫn viên, nhóm phục vụ nhà hàng, nhóm bán hàng lưu niệm. Ngoài ra, CĐĐP cũng đã nhận thấy những lợi ích du lịch đem lại như tạo ra việc làm, tăng thêm thu nhập. Vì vậy, đã tạo động lực, khuyến khích họ tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải khát, vận chuyển. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đó là CĐĐP tham gia một cách tự phát, các sản phẩm du lịch dịch vụ mà người dân cung cấp đang bị trùng lặp.

Ở mức độ “Cung cấp thông tin” (bậc 2): tỷ lệ người dân tham gia là 49%. Tuy nhiên thông tin hiện mang tính một chiều từ trên xuống, ý kiến của họ chưa được tiếp thu và mang tính chi phối hay quyết định. Vì vậy, nó chỉ mang tính hình thức và chưa hiệu quả. Cuối cùng, ở mức độ “Thụ động” có 35% người dân cho biết họ không được biết các thông tin liên quan đến các dự án hay các chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Chính quyền địa phương cần phổ biến và thông báo rộng rãi hơn trên đa dạng các kênh thông tin đến CĐĐP.

4.3. Đánh giá các nhân tố thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch

4.3.1. Nhận thức của hộ gia đình về giá trị tài nguyên

Với thang đo Likert từ 1 - Hoàn toàn không đồng ý đến 5 - Hoàn toàn đồng ý, kết quả nghiên cứu cho thấy CĐĐP chưa đánh giá cao giá trị tài nguyên du lịch tại địa phương. Các tiêu chí “Giá trị tài nguyên du lịch của địa phương phong phú”, “Khai thác các tài nguyên du lịch của địa phương mang tính bền vững”, “Tài nguyên du lịch tại địa phương mang tính độc đáo” chỉ có GTTB dao động từ 3,43 đến 3,77. Kết quả này phản ánh người dân chưa thể nhìn nhận một cách rõ ràng giá trị tài nguyên của địa phương và khả năng kinh doanh dịch vụ du lịch từ việc khai thác các giá trị của tài nguyên du lịch tại khu du lịch Yang Bay.

4.3.2. Cơ chế, chính sách

“Chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tiễn của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch sau đại dịch Covid - 19” (GTTB =2,95) là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch Yang Bay. Với kết quả trên, yêu cầu đặt ra cho chính quyền địa phương cần cụ thể hóa, pháp lý hóa các chính sách, chiến lược phát triển du lịch một cách rõ ràng và minh bạch để hộ gia đình/người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng và công bằng. Đối với các tiêu chí còn lại như “Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của địa phương” (GTTB = 2,26); “Công bằng, minh bạch về việc chia sẻ lợi ích” (GTTB = 2,05); “Đối thoại gắn kết giữa các bên liên quan” (GTTB = 1,98) và “Cơ chế giải quyết khi có xung đột lợi ích xảy ra” (GTTT = 1,88) thì theo kết quả khảo sát không ảnh hưởng nhiều đến sự tham gia của người dân vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch Yang Bay.

(Chú thích thang đo: 1 - Không ảnh hưởng, 2 - Ít ảnh hưởng, 3 - Ảnh hưởng nhiều).

4.3.3. Đặc điểm của hộ gia đình

Kết quả nghiên cứu cho thấy “Tài chính” là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch Yang Bay với GTTB là 3,0. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với chính quyền/ Ban quản lý du lịch có các giải pháp hỗ trợ CĐĐP về mặt tài chính để thúc đẩy sự quay trở lại của họ vào các hoạt động du lịch tại địa phương.

Tiêu chí “Nguồn nhân lực của hộ (số lao động, kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ)” với GTTB = 2,58, có nghĩa CĐĐP cho rằng điều kiện của hộ gia đình cũng ảnh hưởng đến sự tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương. Do đó, chính quyền cần có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động du lịch của địa phương, nâng cao năng lực cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch.

Với 3 tiêu chí còn lại “Vốn tự nhiên”, “Nguồn vốn xã hội”, “Cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện của hộ” với GTTB lần lượt là 1,12, 1,12 và 1,14 cho thấy các yếu tố này không ảnh hưởng nhiều đến sự tham gia của họ vào các hoạt động du lịch tại địa phương.

(Chú thích thang đo: 1 - Không ảnh hưởng, 2 - Ít ảnh hưởng, 3 - Ảnh hưởng nhiều).

4.3.4. Đặc điểm về lợi ích kinh tế

CĐĐP sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương chỉ khi họ nhìn thấy rõ những lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch đem lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiêu chí: “Du lịch như là một sinh kế của hộ gia đình”; “Cơ hội việc làm từ du lịch” và “Cơ hội thu nhập từ hoạt động du lịch ở địa phương” được đánh giá cao nhất với GTTB lần lượt là 3,01; 3,00 và 2,97. Như vậy, đối với người dân địa phương, lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch mang lại đối với người lao động/hộ gia đình đóng vai trò có ý nghĩa quyết định đối với sự tham gia vào hoạt động du lịch. Tiêu chí “Du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương” với GTTB = 2,45 cho thấy CĐĐP chưa nhận thấy được lợi ích từ hoạt động du lịch đem lại cho nền kinh tế địa phương.

(Chú thích thang đo: 1 - Không ảnh hưởng, 2 - Ít ảnh hưởng, 3 - Ảnh hưởng nhiều).

5. Rào cản hạn chế sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch

“Chính sách phát triển du lịch của địa phương chưa hoàn thiện, chưa phù hợp”, “Thiếu khung pháp lý về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích”, “Các rào cản về tổ chức hoạt động kinh doanh” là những rào cản lớn nhất hạn chế sự tham gia của CĐĐP tham gia vào hoạt động du lịch với GTTB là 3,00. Từ kết quả trên yêu cầu đặt ra đối với chính quyền là cần phải xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, theo đó CĐĐP chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích thu được với bên liên quan.

Bên cạnh đó, tiêu chí “Thu nhập từ hoạt động du lịch thấp” chỉ đạt GTTB 2,92. Đây cũng là rào cản phổ biến, hạn chế sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch địa phương. Nguyên nhân chính do tính thời vụ của hoạt động du lịch. Tiêu chí “Nguồn lực của hộ gia đình (kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, vốn) chưa đủ điều kiện” và “Nguồn lao động sẽ thiếu hụt sau khi du lịch quay trở lại” cũng ảnh hưởng đến sự tham gia của họ vào các hoạt động du lịch với GTTB là 2,95 do sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nguồn lực địa phương. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rào cản “Thiếu đối thoại và gắn kết giữa các bên liên quan” (GTTB = 2,92) cũng đã ảnh hưởng đến sự tham gia của CĐĐP vào hoạt động du lịch.

(Chú thích thang đo: 1 - Không ảnh hưởng, 2 - Ít ảnh hưởng, 3 - Ảnh hưởng nhiều)

6. Kết luận và hàm ý quản lý

Du lịch hiện nay đã trở thành một nguồn thu cho nhiều cộng đồng để cải thiện sinh kế. Việc tăng cường sự tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Kết quả nghiên cứu đã phân tích cụ thể tình hình và mức độ tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch Yang Bay. Đồng thời xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân, trong đó nhân tố “Lợi ích kinh tế” được CĐĐP đánh giá là có ảnh hưởng lớn nhất đến sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch tại địa phương. Các rào cản hạn chế sự tham gia của CĐĐP khi tham gia vào các hoạt động du lịch tại khu du lịch này cũng đã được nhận diện.

Trên cơ sở đó, một số giải pháp tăng cường sự tham gia của CĐĐP vào các hoạt động du lịch đã được đề xuất, bao gồm cơ chế - chính sách, phát huy giá trị tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng nguồn lực hộ gia đình, chia sẻ lợi ích và gắn kết doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của CĐĐP trong quá trình ra quyết định cũng như hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch tại địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2005). Luật Du lịch - Điều 7.

2. Mai Lệ Quyên (2017). Các nhân tố tác động đến sự tham gia của người dân trong phát triển dịch vụ du lịch bổ sung tại các điểm di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển; Tập 126, Số 5D, 2017, Tr. 95-106.

3. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2016). Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu điển hình tại Sapa, Lào Cai, Luận văn tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

4. Sherry Arnstein (1971), The ladder of citizen participation, Journal of the Royal Town Planning Institute, 57(1), 176-182.

5. Pretty, J. (1995), The many interpretations of participation, World Development, 23(8), 1251-1253.

6. Tosun C (1999), Towards a Typology of Community Participation in the Tourism Development Process, Anatolia, 10(2), 113-134.

7. Zomorrodian, A. H. et al. (2013). Quantitative models for participation evaluation in community development: A theoretical review. World Applied Sciences Journal, 25 (2), 314-322.

8. Attaallah, F. A., & Al-Ehewat, N. I. (2016), Evaluating Study for Elements Affecting Tourism Awareness in Jordan: Applied on Aqaba and Wadi Rum Areas, International Journal of Heritage, Tourism, and Hospitality.

9. Tosun C (2000), Limits to community participation in the tourism development process in developing countries, Tourism Management, 21(6), 613-633.

10. Yamane, Taro (1967), Statictis: An Introductory Analysis, 2nd Edition, New York: Harper and Row.

The participation of local communities in ecotourism activities in the Yang Bay tourist area, Khanh Vinh district, Khanh Hoa province

Master. Vo Thi Thuong

Nha Trang Technical College of Technology

Abstract

Local communities play an important role in tourism development, acting as a foundation and a driving force towards sustainable development goals. This study analyzed the participation of local communities in tourism activities in the Yang Bay tourist area. The study found that community participation in tourism activities is spontaneous with low efficiency. Due to strategic planning and local tourism development plans, the participation of communities is focused mainly on the functional level. The study also identified factors and barriers that limit the participation of communities in tourism activities. Some implications were proposed to promote the participation of local communities in ecotourism activities in the Yang Bay tourist area.

Keywords: participation, local community, ecotourism, Yang Bay, Khanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3