Tác động của xung đột vũ trang trên Biển Đỏ tới kinh tế chính trị trên thế giới và những ảnh hưởng tới Việt Nam


Bài báo nghiên cứu " Tác động của xung đột vũ trang trên Biển Đỏ tới kinh tế chính trị trên thế giới và những ảnh hưởng tới Việt Nam " do Ngô Quế Lân - Khoa Lý luận Chính trị - Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Tóm tắt:

 Xung đột vũ trang trên Biển Đỏ phản ánh mâu thuẫn trong quan hệ địa kinh tế - địa chính trị trên thế giới. Nghiên cứu từ lý luận của Mã-Lenin và các học giả hiện đại để phân tích và hiểu đúng bản chất vấn đề. Trên cơ sở đó, đưa ra khuyến nghị với các quốc gia về tầm nhìn chung là phát triển bền vững, tôn trọng lịch sử, văn hóa, tôn giáo của các dân tộc, chứ không phải biện pháp quân sự. Đồng thời, Việt Nam cần dựa vào các sự tự chủ, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững và kiên định đường lối độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Từ khóa: Xung đột vũ trang, Biển Đỏ, địa chính trị, địa kinh tế, vận chuyển hàng hải.

1. Đặt vấn đề

Biển Đỏ (Red Sea) nằm trên là tuyến đường biển nối với châu Âu qua kênh đào Suez, rồi đổ ra Ấn Độ Dương qua vịnh Aden mà không cần vòng xuống qua châu Phi ở gần cực Nam. Do vị trí địa lý chiến lược nhiều lợi thế, Biển Đỏ trở thành một trong những tuyến đường giao thương nhộn nhịp nhất thế giới. Vì vậy, khu vực Biển Đỏ luôn thu hút sự quan tâm của thế giới về kinh tế và chính trị. Từ đó, tạo nên các quan hệ địa kinh tế - địa chính trị đa dạng và phức tạp, đặc biệt gắn liền với sự tham dự của các cường quốc kinh tế và quân sự.

Từ tháng 11/2023, lực lượng Houthi (tổ chức đang kiểm soát lãnh thổ phía Bắc của Yemen) đã mở các cuộc tấn công, làm mất an toàn tuyến vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ. Nhiều tuyến tàu chở hàng đã phải thay đổi lộ trình, gây phát sinh chi phí và gia tăng thời gian vận chuyển, tạo nên khó khăn cho hệ thống logistic và kinh tế toàn cầu. Bên cạnh vấn đề về kinh tế, những diễn biến trên Biển Đỏ cũng làm nóng lên các vấn đề chính trị tại khu vực.

Như vậy, xung đột vũ trang trên Biển Đỏ cần được phân tích một cách hệ thống từ cơ sở lý luận, lịch sử để làm rõ những mâu thuẫn kinh tế và chính trị, cùng với tác động toàn cầu mà sự xung đột này tạo ra. Từ đó, gợi mở phương hướng giải quyết vấn đề với tầm nhìn chiến lược dài hạn. (Hình 1).

Hình 1: Các quốc gia xung quanh Biển Đỏ

Description: red sea

Nguồn: Tập đoàn Giáo dục Sanchhaya, 2024 (Ấn Độ)

2. Cơ sở lý luận để phân tích các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự trong khu vực Biển Đỏ

2.1. Lý luận của Karl Marx về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng

Cơ sở hạ tầng là tổng hợp các quan hệ sản xuất, tạo thành cơ cấu kinh tế của một xã hội. Kiến trúc thượng tầng là hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội, cùng với các thiết chế xã hội và thể chế, tương ứng với một sơ sở hạ tầng kinh tế nhất định. Cơ sở hạ tầng (bao hàm các quan hệ kinh tế) sẽ quyết định kiến trúc thượng tầng (bao hàm các quan hệ chính trị). Mặt khác, kiến trúc thượng tầng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại cơ sở hạ tầng kinh tế [1].

Theo cơ sở lý luận đó, xung đột vũ trang trên Biển Đỏ cần được nhìn nhận từ mâu thuẫn chính trị giữa các quốc gia liên quan, xuất phát từ các mâu thuẫn kinh tế, rồi tác động trở lại vào quá trình điều hòa các quan hệ kinh tế. Như vậy, việc giải quyết vấn đề phải dựa trên hệ thống giải pháp từ kinh tế cho đến chính trị, không đơn thuần là vấn đề quân sự và an ninh.

2.2. Lý luận của Lenin về sự phân chia thị trường và lãnh thổ thế giới

V.I. Lenin chỉ ra rằng thời kỳ tự do cạnh tranh đã kết thúc, để chuyển sang thời kỳ thống trị của độc quyền [1]. Các tập đoàn tư bản độc quyền phân chia với nhau về phạm vi ảnh hưởng trên thị trường thế giới. Các nhà nước đại diện cho các cường quốc có sức mạnh kinh tế - chính trị - quân sự thì phân chia với nhau về phạm vi ảnh hưởng tới các vùng lãnh thổ và lãnh hải trên thế giới.

Theo cơ sở lý luận đó, xung đột vũ trang trên Biển Đỏ cần được nhìn nhận từ vấn đề cục diện toàn cầu giữa các cường quốc, chứ không phải câu chuyện của một tổ chức chính trị - quân sự đơn lẻ. Như vậy, việc giải quyết vấn đề phải dựa trên nỗ lực quốc tế, trong đó trách nhiệm cao nhất thuộc về các cường quốc, vì lợi ích của cộng đồng quốc tế và cũng vì tương quan lợi ích giữa các cường quốc với nhau.

2.3. Lý luận của phương Tây về địa chính trị - địa kinh tế

Phạm trù “địa chính trị” (Geo-politics) phản ánh mối liên hệ chi phối của điều kiện địa lý, tài nguyên, môi trường tự nhiên đối với các đặc điểm về chính trị, quân sự, kinh tế. Từ đó, góp phần định hình văn hóa xã hội, bản sắc và lịch sử của mỗi quốc gia [3].

Phạm trù “địa kinh tế” (Geo-economics) phản ánh mối liên hệ chi phối của địa lý, tài nguyên, môi trường tự nhiên đối với các quan hệ kinh tế. Địa kinh tế là một phần thuộc phạm trù địa chính trị. Các quan hệ kinh tế thúc đẩy mục tiêu địa chính trị, đồng thời các vấn đề chính trị - xã hội tác động trở lại vào nền kinh tế, tất cả đều dựa trên điều kiện địa lý của mỗi quốc gia [3].

Theo cơ sở lý luận đó, cần phải nhìn nhận các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự tại Biển Đỏ đều phụ thuộc vào điều kiện địa lý của khu vực. Như vậy, việc giải quyết vấn đề không thể thoát ly các yếu tố lịch sử và đời sống của các dân tộc trong khu vực. Nếu có điều kiện cho sự phát triển phù hợp với lịch sử, văn hóa và hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực thì mới có sự ổn định và an toàn lâu dài trên Biển Đỏ (Hình 2).

Hình 2: Mô hình mối liên hệ địa chính trị - địa kinh tế [3].

 

Description: Picture1

 

3. Thực trạng xung đột vũ trang và những mâu thuẫn chính trị - xã hội tại khu vực Biển Đỏ

3.1. Mâu thuẫn trong quan hệ địa chính trị - địa kinh tế tại khu vực

- Về địa kinh tế, Biển Đỏ là tuyến hàng hải trọng yếu của thương mại quốc tế, nhưng các quốc gia xung quanh có nền kinh tế - xã hội bất ổn

Biển Đỏ là vùng biển có hình thế dài và hẹp nằm giữa châu Á và châu Phi, với chiều dài 2.250 km và chỗ rộng nhất 355 km. Về phía Bắc, Biển Đỏ tiếp giáp vịnh Aqaba, vịnh Sinai và kênh đào Suez, nối với Địa Trung Hải vào châu Âu. Về phía Nam, Biển Đỏ tiếp giáp vịnh Aden rồi đổ ra Ấn Độ Dương để sang châu Á và phía Đông của châu Phi.

Lộ trình qua Biển Đỏ là tuyến vận chuyển hàng hải thuận tiện nhất để kết nối châu Á với châu Âu, cũng như kết nối Nam Á với Bắc Mỹ vì 2 lý do: (1) khoảng cách địa lý ngắn và thời tiết ổn định; (2) lộ trình di chuyển gần bờ, thuận tiện cho hậu cần kỹ thuật.

Theo thống kê của Thông Tấn xã Việt Nam, trong bối cảnh bình thường, về khối lượng vận chuyển, tuyến hàng hải Biển Đỏ chiếm gần 15% thị trường dịch vụ vận tải quốc tế, giá trị khoảng 1.000 tỷ USD/năm. Lưu lượng trên tuyến có khoảng 1.500 tàu thương mại hàng tháng, với khoảng 33% lưu lượng container toàn cầu.

Về ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, có khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu với 8,8 triệu thùng mỗi ngày và 8% nguồn cung khí đốt toàn cầu được vận chuyển qua Biển Đỏ [5].

- Về địa chính trị, tồn tại mâu thuẫn giữa các quốc gia quanh Biển Đỏ về tôn giáo và chính trị, dưới ảnh hưởng của các cường quốc

Địa chính trị trong thế giới Hồi giáo tại khu vực Trung Đông chứa đựng mâu thuẫn giữa các quốc gia theo Hồi giáo với người Israel theo đạo Do Thái, đồng thời chứa đựng mâu thuẫn giữa dòng Shia với dòng Sunni trong nội bộ thế giới Hồi giáo. Sự hình thành và hoạt động của tổ chức Houthi tại Yemen cũng phản ánh những mâu thuẫn đó.

Năm 2014, lực lượng của Houthi (vốn theo dòng Hồi giáo Shia) phát động cuộc nội chiến, kiểm soát được miền Bắc Yemen, còn chính quyền hợp pháp của Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi (theo dòng Hồi giáo Sunni) chỉ kiểm soát miền Nam Yemen. Đồng thời, trong cuộc nội chiến, tổ chức Houthi được Iran (đại diện cho dòng Shia) hỗ trợ, còn chính quyền thì được Arab Saudi (đại diện cho dòng Sunni) hỗ trợ [4].

3.2. Diễn biến xung đột vũ trang trên Biển Đỏ từ tháng 11/2023

- Houthi chọn lọc tàu chở hàng để tấn công bằng vũ khí công nghệ

Năm 2023, cùng với sự bùng phát xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas với chính quyền Israel thì tổ chức Houthi cũng phát động tấn công vũ trang vào tuyến vận chuyển hàng hải Biển Đỏ lựa chọn tấn công các tàu chở hàng có mối liên hệ với công ty của Israel, Anh, Mỹ. Tháng 3/2024, họ khẳng định “không tấn công các tàu chở hàng của Nga và Trung Quốc”, trong khi vẫn gia tăng tấn công bằng tên lửa hoặc bằng thiết bị bay không người lái (drone) rẻ tiền nhưng hiệu quả.

- Mỹ và liên quân hành động đáp trả quân sự nhưng xung đột không giảm

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ra nghị quyết lên án các cuộc tấn công của tổ chức Houthi đe dọa tự do hàng hải. Chiến dịch “Người bảo vệ Thịnh vượng” do Mỹ dẫn đầu đã tập hợp lực lượng hải quân của nhiều quốc gia, sẵn sàng tấn công phủ đầu để bảo vệ tuyến vận chuyển hàng hải. Không quân Mỹ - Anh tấn công vào các cơ sở của Houthi trên khắp Yemen, cùng với hệ thống phòng không hiện đại đã bắn hạ nhiều thiết bay không người lái và tên lửa tấn công.

Hình 3: Diễn biến tương quan xung đột vũ trang tại Biển Đỏ từ tháng 11/2023

 Description: Houthi-Attacks-Red-Sea-shipping

Nguồn: Jim Krane, Arab Center Washington DC (2024) [2]

Tuy biện pháp quân sự đã làm suy giảm kho vũ khí và năng lực của Houthi, nhưng không ngăn chặn được các cuộc tấn công vào tàu chở hàng. Thậm chí, các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Yemen còn tạo nên những bất bình mới, kích thích sự đáp trả của Houthi, mở rộng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ như biểu đồ thống kê đã cho thấy. (Hình 3)

4. Tác động của xung đột vũ trang trên Biển Đỏ đến kinh tế chính trị trên thế giới và Việt Nam

4.1. Tác động đối với kinh tế thế giới

- Tổn thất do tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm và thời gian cung ứng

Trước những rủi ro trên Biển Đỏ, nhiều hãng vận chuyển hàng hải lớn trên thế giới đã phải thay đổi lộ trình lưu thông giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Lộ trình vòng qua Mũi Hảo Vọng để đến Bắc Đại Tây Dương hoặc châu Âu sẽ dài hơn khoảng 4.575 hải lý (tăng 29%), với thời gian kéo dài 12-14 ngày. Khoảng cách xa hơn, thời tiết bất ổn hơn và thiếu hệ thống hậu cần kỹ thuật bởi lộ trình xa đất liền, nên thời gian vận chuyển và mọi chi phí đều gia tăng.

Vì xung đột vũ trang, lượng hàng container vận chuyển qua Biển Đỏ chỉ đạt 35% như dự kiến. Sự gián đoạn đột ngột đối với chuỗi giá trị quan trọng đã buộc nhiều công ty phải tạm dừng dây chuyền sản xuất hoặc tạm thời đóng cửa các nhà máy. (Hình 4)

Hình 3: Sự suy giảm khối lượng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ

Description: Giảm số container qua biển đỏ

Nguồn: Báo cáo Kinh tế thế giới 2024 của Viện Kiel, Hãng Reuter công bố ngày 11/01/2024

- Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn là các nền kinh tế châu Âu và Ấn Độ

Ngành công nghiệp ô tô và điện tử... phải gánh chịu thiệt hại lớn, do tính chất kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng linh kiện và vật liệu giữa châu Âu và châu Á. Giao thương giữa châu Âu và Ấn Độ, Trung Quốc về hàng nông sản, dệt may, bón, tư liệu sản xuất, dầu khí cũng rất lớn. Gần 80% khối lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ vào châu Âu mỗi năm là vận chuyển qua Biển Đỏ [5]. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc gặp ít khó khăn hơn, do Houthi khẳng định không đe dọa các mục tiêu gắn với Nga và Trung Quốc.

4.2. Tác động đối với chính trị thế giới

- Xuất hiện tình hình mới khi một chủ thể phi nhà nước gây tác động vào quan hệ địa chính trị - địa kinh tế trên thế giới

Tổ chức Houthi cũng tương tự như Hamas hay Hezbollah, hoàn toàn không phải là chính thể nhà nước đại diện cho một quốc gia. Tuy nhiên, Houthi đang gây nên những tác động vào cục diện giữa các cường quốc, gây nguy hiểm cho các tàu chở hàng liên quan đến Mỹ và Tây Âu, nhưng lại khẳng định không tấn công các tàu chở hàng của Nga và Trung Quốc. Bằng hành động vũ trang với sự hỗ trợ của Iran, Houthi gây áp lực lên Israel và thể hiện vai trò như một đồng minh chính thức của Iran, nhằm xác lập lại quan hệ địa chính trị trong khu vực.

Những diễn biến đó cho thấy chính trị thế giới đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Trật tự và luật pháp quốc tế thông qua các định chế chính thống đang bị thách thức, một thách thức an ninh phi truyền thống.

- Xuất hiện tương quan mới giữa các cường quốc trong thế giới đa cực

Về địa kinh tế, Houthi được sự hậu thuẫn của Iran, bày tỏ quan điểm sự tôn trọng lợi ích của Nga và Trung Quốc tại Biển Đỏ, trong khi đối đầu với Mỹ và Tây Âu. Về địa chính trị, xung đột trên Biển Đỏ kết hợp với xung đột Hamas - Israel và xung đột Nga - Ukraine, tạo thành chuỗi mâu thuẫn chính trị - quân sự mà có sự tham dự của các cường quốc.

Những thiệt hại kinh tế và nguy cơ mất an ninh trên thế giới là khá rõ ràng, yếu tố phân cực ngày càng sâu sắc. Như vậy, tương quan trật tự thế giới mới đang trong quá trình định hình và thực tiễn cho thấy biện pháp quân sự chưa thể giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn.  

4.3. Tác động đối với Việt Nam

- Trong ngắn hạn chưa gặp thách thức lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Như vậy, trong ngắn hạn, tác động của xung đột trên Biển Đỏ vào nền kinh tế là chưa đáng ngại. (Hình 5)

Hình 5: Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam quý I/2024

Description: image007-1

Nguồn: Tổng cục Thống Kê

Điều đó do 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu thường bán theo giá FOB (bên mua tự tìm dịch vụ vận chuyển rời Việt Nam), còn hàng nhập khẩu thường mua theo giá CIF (bên bán cung cấp dịch vụ vận chuyển đến Việt Nam). Như vậy, trong hoạt động xuất nhập khẩu, phí doanh nghiệp Việt Nam thường không chịu trách nhiệm liên quan đến vận chuyển và bảo hiểm. Do đó, rủi ro về vận chuyển và bảo hiểm sẽ sẽ ít tác động đến doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu trong quý I có thể đã được giao kết hợp đồng trước 3 - 4 tháng, tức là trước khi nổ ra xung đột vũ trang trên Biển Đỏ.

Thứ ba, những chỉ đạo, ứng phó kịp thời của Bộ Công Thương và sự nhạy bén của doanh nghiệp trong việc tìm đối tác cung cấp dịch vụ.

- Trong dài hạn, cần đề phòng rủi ro suy giảm thị trường châu Âu

Một số tác động tiêu cực có thể thấy là việc kinh tế châu Âu gặp khó khăn, dẫn đến suy giảm sức mua, khiến cho áp lực cạnh tranh gia tăng. Kết hợp với tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu.

5. Một số khuyến nghị để ứng phó với diễn biến phức tạp của các mâu thuẫn và xung đột trên thế giới

5.1. Về chính sách điều hành kinh tế - xã hội

- Thúc đẩy các chính sách chuyển đổi xanh nền kinh tế cho phát triển bền vững

Tuy có mâu thuẫn, xung đột và mục tiêu cụ thể khác nhau, nhưng mọi quốc gia trên thế giới đều hướng đến mục tiêu tổng thể là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là xu thế tất yếu trên thế giới. Xây dựng những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường là giải pháp để vừa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, vừa củng cố nền tảng cho phát triển bền vững.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển các ngành kinh tế số

Quá trình chuyển đổi số đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn bứt tốc của chuyển đổi số, để góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu suất quản trị và năng suất lao động.

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế số, bao gồm công nghiệp bán dẫn (phần cứng) và công nghiệp nội dung sẽ là điểm tựa cho nền kinh tế. Đây cũng là lĩnh vực không hoặc rất ít chịu tác động bởi sự gián đoạn của các tuyến vận chuyển hàng hóa.

- Thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Việt Nam đang có lợi thế khi tham gia nhiều Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới. Cần khai thác lợi thế đó, tạo bước đột phá thể chế, tạo môi trường thu hút đầu tư đi trước so với các quốc gia khác trong khu vực.

Khi có vị thế quốc tế vững chắc, trở thành điểm đến mà mọi đối tác đều muốn kết nối, thì đó là sự ứng phó hiệu quả nhất trước mọi mâu thuẫn và xung đột trên thế giới.

5.2. Về chính sách đối ngoại

Từ thực tiễn cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đỏ và các cuộc xung đột khác hiện nay, có thể khẳng định rằng biện pháp quân sự không thể giải quyết căn bản vấn đề.

Vì vậy, Việt Nam cần kiên định đường lối “ngoại giao cây tre”, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, sẵn sàng làm cầu nối để các bên cùng nhau tìm giải pháp điều hòa các mâu thuẫn.

Tuy nhiên, luôn tồn tại khả năng xung đột lan từ khu vực này sang khu vực khác, gần Việt Nam. Vì vậy, sự cảnh giác và sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống vẫn là yêu cầu thường xuyên để bảo vệ hòa bình.

6. Kết luận

Bằng phân tích trên cơ sở lý luận của Marx-Lenin và giới học giả phương Tây, có thể thấy được cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đỏ là sự phản ánh mâu thuẫn kinh tế, chính trị và sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Vì vậy, biện pháp quân sự không phải là cách thức giải quyết vấn đề tận gốc, mà phải dựa trên tầm nhìn chung về phát triển bền vững, tôn trọng lịch sử, văn hóa, tôn giáo của các dân tộc.

Việt Nam cũng gặp những tác động nhất định từ sự gián đoạn của tuyến vận chuyển hàng hải quan trọng trên Biển Đỏ, nhưng đã nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong quý I/2024. Tuy nhiên, trước những rủi ro đến từ mâu thuẫn và xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới, cần dựa vào các sự tự chủ, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững và kiên định đường lối độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin, NXB Chính trị Quốc gia 2021, ISBN 978-604-57-6588-3.

2. Ngô Quế Lân (2023). Xu thế chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất tại châu Á - Thái Bình Dương sau đại dịch Covid-19. Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương số tháng 4, ISSN: 0868-3808.

3. Thương Nguyệt (2024). Houthi: Từ phong trào tôn giáo đến mối đe dọa Biển Đỏ. Truy cập tại https://hanoimoi.vn/houthi-tu-phong-trao-ton-giao-den-moi-de-doa-bien-do-655931.html.

4. Duy Tùng (2024). Vận chuyển hàng hải toàn cầu "nghẽn" ở Biển Đỏ. Truy cập tại https://bnews.vn/van-tai-bien-toan-cau-nghen-o-bien-do/331442.html.

5. Jim Krane (2024). Houthi Red Sea Attacks Have Global Economic Repercussions. Available at: https://arabcenterdc.org/resource/houthi-red-sea-attacks-have-global-economic-repercussions/

Impacts of the armed conflict in the Red Sea on the world’s political economy and Viet Nam

Ngo Que Lan

Department of Political Theo ry, Hanoi University of Science and Technology

Abstract: 

The on-going armed conflict in the Red Sea reflects contradictions in economic and geopolitical relations in the world. Based on the theory of Marx-Lenin and modern scholars, this study  analyzed this armed conflict to understand this problem’s nature. The study’s finding suggest that countries should share a common vision of sustainable development, respecting the history, culture, and religion of peoples instead of using military measures. In addition, it is necessary for Vietnam to pursure sefl-reliance strategy strengthen institutions, and adop sustainable development policies for peace.

Keywords: armed conflict, Red Sea, geopolitics, geoeconomics, maritime transport

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3