(CHG) Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vừa qua, các đại biểu khẳng định, những năm gần đây, hoạt động giám sát đầu tư công của Quốc hội đã có bước tiến lớn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, cần triển khai hiệu quả hơn các công cụ giám sát; tăng cường sự tham gia giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; chú trọng quy trình hậu giám sát góp phần khẳng định vai trò giám sát tối cao của Quốc hội.
Buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Bước tiến lớn trong giám sát và quản lý đầu tư công
Đầu tư công là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công được tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo… bảo đảm an ninh, quốc phòng và là động lực thúc đẩy phát triển đối với một số ngành và vùng kinh tế trọng điểm. Đầu tư từ Nhà nước không chỉ nhằm thực hiện chính sách công mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đầu tư công không chỉ bao gồm các dự án đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách công, không có khả năng thu hồi vốn, không vì mục tiêu kinh doanh mà còn bao gồm cả các dự án đầu tư vì mục tiêu kinh doanh. Với ý nghĩa quan trọng đó, chính sách phân bổ vốn đầu tư công cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, ở Việt Nam, trong bối cảnh yêu cầu phát triển rất cao, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nợ công có xu hướng tăng, nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả, vấn đề đầu tư công càng trở thành tâm điểm thảo luận của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân. Trong đó, cơ chế phân bổ vốn đầu tư công là một nội dung quan trọng để bảo đảm tính công bằng, trọng tâm, trọng điểm và quyết định đến hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đối với các cơ quan của Quốc hội, với thẩm quyền quyết định và giám sát về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn từng giai đoạn, việc quyết định cơ chế phân bổ vốn đầu tư công và hoạt động giám sát tình hình phân bổ vốn đầu tư công là những nhiệm vụ quan trọng.
Nêu thực trạng công tác tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội về đầu tư công thời gian qua, ThS. Đỗ mạnh Hùng, Vụ Tài chính - Ngân sách cho biết, đầu tư công đã được Quốc hội giám sát từ khâu lập kế hoạch đến khâu thực hiện và quyết toán. Các dự án đầu tư công lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển những lĩnh vực quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho quốc gia đều được Quốc hội thực hiện giám sát chặt chẽ, từ khâu thẩm định tờ trình đến phân bổ vốn, thực hiện đầu tư theo các giai đoạn và quyết toán công trình. Sự ra đời của kế hoạch đầu tư công trung hạn thể hiện một bước tiến lớn trong việc giám sát và quản lý đầu tư công của Việt Nam.
Các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội đối với lĩnh vực đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã góp phần hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật về đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương, từ đó tìm ra và tháo gỡ những vướng mắc, bất cập. Cùng với đó, các điểm nghẽn về quản lý đầu tư công của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhờ các kết luận, kiến nghị giám sát này.
Khẳng định vai trò giám sát tối cao của Quốc hội
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã nêu rõ, tính toàn diện trong giám sát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công còn hạn chế. Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công mặc dù đã được Quốc hội kiểm tra, giám sát, thảo luận cụ thể nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót, lỗ hổng dẫn đến hiệu quả đầu tư công có xu hướng giảm dần và thấp hơn khá nhiều so với các khu vực kinh tế khác. Quá trình xây dựng và thi hành các văn bản luật về đầu tư công còn thiếu tính chiến lược, dẫn đến việc đầu tư kém hiệu quả của khu vực nhà nước thời gian qua. Tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư không hiệu quả vẫn còn phổ biến và gây bức xúc trong dư luận xã hội, số tiền phải xử lý về mặt kinh tế sau thanh tra, kiểm tra là rất lớn.
Ngoài ra, còn thiếu sự đồng bộ giữa giám sát hệ thống văn bản quy phạm pháp luậtvề đầu tư công với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư tư nhân. Quy trình giám sát đầu tư công của Quốc hội còn thiếu logic và chưa khoa học; sử dụng các công cụ giám sát đầu tư công chưa hiệu quả; giám sát lập kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chưa kịp thời…
Do đó, để hoạt động giám sát đầu tư công của Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất, các đại biểu kiến nghị, trước hết cần triển khai hiệu quả các công cụ giám sát của Quốc hội. Một là, thông qua giám sát chuyên đề có thể giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy được bức tranh toàn cảnh về vấn đề cần giám sát. Với đầu tư công là lĩnh vực rộng, có tầm ảnh hưởng tới lợi ích chung của toàn xã hội thì cần quan tâm, tăng cường giám sát chuyên đề. Hai là, thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, có thể đánh giá việc đầu tư công ở từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Ba là, dựa trên giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác giám sát. Nguồn nhân lực và nguồn tài chính phục vụ hoạt động giám sát cũng cần được tính toán, chuẩn bị chu đáo để bảo đảm phục vụ đầy đủ, thông suốt trong quá trình thực hiện giám sát.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường sự tham gia giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, chú trọng quy trình hậu giám sát, bao gồm trách nhiệm của chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát trong từng lĩnh vực cụ thể; có các chế tài xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các kết luận giám sát của Quốc hội, hay báo cáo thiếu trung thực về nội dung cần giám sát. Xây dựng cơ chế kiểm tra việc thực hiện những kiến nghị, kết luận sau giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, được thực thi trong thực tiễn, khẳng định vai trò giám sát tối cao của Quốc hội.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tang-cuong-giam-sat-cua-quoc-hoi-ve-dau-tu-cong-i308903/
0