Tập trung xây dựng Nghị định kết nối chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu


(CHG) Chiều 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN (AWS), cơ chế một cửa quốc gia (NWS) và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban 1899) đã chủ trì phiên họp lần thứ 8. Cuộc họp đã nhấn mạnh việc tập trung hoàn thành xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh người và hàng hoá, phương tiện vận tải "sớm nhất có thể".

Phiên họp của Uỷ ban 1899 lần thứ 8 nhằm tổng kết công tác năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan Thường trực của Ủy ban, tính đến ngày 30/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối hơn 55.000 doanh nghiệp thực hiện 249/261 thủ tục của 13 bộ, ngành với gần 4,95 triệu hồ sơ.

Toàn cảnh phiên họp lần thứ 8 của Uỷ Ban 1899

Toàn cảnh phiên họp lần thứ 8 của Uỷ Ban 1899

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; chuẩn bị thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật, thảo luận giải pháp lộ trình trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Với các đối tác ngoài ASEAN, đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm với Liên minh Kinh tế Á - Âu; đàm phán Nghị định thư trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử với Hàn Quốc; triển khai Thỏa thuận tạo thuận lợi thương mại Việt Nam - New Zealand.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước; đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân. 

Đối với vấn đề kiểm tra chuyên ngành, đã ban hành 51/60 danh mục hàng hóa kèm mã số hồ sơ, chiếm 85% kế hoạch; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc loại bỏ danh mục hàng hóa nhóm 2 và danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu cho 22/22 nhóm hàng.

Xây dựng kế hoạch Cơ chế một cửa ASEAN thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại

Xây dựng kế hoạch Cơ chế một cửa ASEAN thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại

Về phát triển thị trường logistics, theo Bộ Công thương, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Ngành logistics có đóng góp quan trọng trong việc giữ mức kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam tăng 17,4% trong giai đoạn 2017-2021, từ mức 1,38 tỷ tấn năm 2017 lên 1,63 tỷ tấn năm 2021.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng cục Hải Quan, đại diện Cơ quan thường trực Uỷ ban 1899 đã cho biết, về nhiệm vụ những tháng cuối năm, đối với thực hiện NSW và ASW, phấn đấu hoàn thành triển khai toàn bộ nội dung công việc theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban 1899.

Đồng thời xây dựng kế hoạch hành động triển khai ASW, NSW, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại.

Giải pháp trọng tâm đặt ra trong 6 tháng cuối năm là: Hoàn thành kết nối các thủ tục hành chính qua NSW, ASW theo kế hoạch; Tổng cục Hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối trong thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động triển khai NSW, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2022 - 2026...

Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện theo NSW.

Xây dựng và triển khai đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành trong triển khai ASW, NSW...

Đối với nhiệm vụ tạo thuận lợi thương mại và thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), triển khai đầy đủ các cam kết có lộ trình thực hiện đến hết 31/12/2023 và 31/12/2024. Cụ thể, xác định các khoảng cách về pháp lý giữa quy định trong nước và nội dung cam kết, sửa đổi/bổ sung (nếu có)... tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để triển khai cam kết...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, đơn vị là thành viên của Ủy ban 1899 trong việc thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành tích cực triển khai được 90% các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 với tinh thần tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, NN&PTNT, Công an, Công Thương sớm hoàn thành 10% nhiệm vụ còn lại được giao tại Quyết định trên; Bộ Công Thương chủ động rà soát, bố trí nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về logistics.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là phải hoàn thành việc xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải "sớm nhất có thể" làm cơ sở để tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là việc xây dựng danh mục thông tin bộ, ngành cung cấp, chia sẻ qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để rút các thủ tục hành chính phát sinh ít hồ sơ đăng ký hoặc không phát sinh hồ sơ đăng ký để rút các thủ tục này khỏi Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm kinh phí duy trì./.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 đánh giá chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam xếp thứ 39/160 nước và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên thứ 3 trong các nước ASEAN.

Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở nhóm đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quý một đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm.


Còn lại: 1000 ký tự
Hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số dưới góc nhìn của sinh viên

Đề tài Hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số dưới góc nhìn của sinh viên do TS. Nguyễn Ngọc Trang 1- CN Trần Trung Tín1 - CN Hoàng Sơn Hiếu1 - TS. Lê Ngọc Nương2 (1Viện Khoa học Xã hội Liên ngành - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - 2Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp hoàn thiện chính sách tín dụng phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam

CHG - Những năm gần đây, chính sách tín dụng phát triển chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu được hệ thống ngân hàng nước ta quan tâm, tích cực triển khai và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thời gian tới, cần tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Xem chi tiết
Quốc hội triệu tập họp bất thường về công tác nhân sự

Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều ngày 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Xem chi tiết
Đề xuất quy định mới về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xem chi tiết
Phát huy vai trò của phúc lợi doanh nghiệp trong bảo đảm và từng bước nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân

​CHG - Tiếp nối chủ trương “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”(1), Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội”(2); “Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân”(3)… Để thực hiện tốt những chủ trương này, bên cạnh vai trò của Nhà nước, cần phát huy sự tham gia của xã hội, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, thông qua phát triển phúc lợi doanh nghiệp.

Xem chi tiết
2
2
2
3