(CHG) Thu hút đầu tư nước ngoài vào Hà Nội có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu.
Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI
Nhờ quán triệt quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58 của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp, trong đó có các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án FDI trên địa bàn, những năm qua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Hà Nội thu hút được 61,7 tỷ USD vốn FDI.
Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút vốn FDI với khoảng 61,7 tỷ USD, trong đó, trên 7.000 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký 39,9 tỷ USD; hơn 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD.
Cũng theo đại diện UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020, thu hút FDI của Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó: Năm 2018 và 2019 xếp thứ 1/63 tỉnh, thành với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD.
Trong 2 năm 2021 và 2022, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu hút FDI vào thành phố Hà Nội có sự giảm sút. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, hiện đã đạt gần 1,71 tỷ USD, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian gần đây, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết: Dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp, dự án hiện hữu.
“Điều này khẳng định tiềm năng thu hút của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung; nhưng đồng thời chỉ dấu về những vướng mắc nhất định đối với dòng vốn trực tiếp vào các dự án, trong đó có dự án sử dụng đất”, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Hà Nội đang xây dựng phương án phát triển khu, cụm công nghiệp để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Khắc phục 4 vướng mắc để thu hút FDI
Cũng theo đại diện UBND TP. Hà Nội, qua quá trình trực tiếp giải quyết, tháo gỡ khó khăn các dự án, nhận thấy còn 4 tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI.
Thứ nhất, về quy hoạch: Đa số các dự án phù hợp quy hoạch đã triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, không ít dự án phải kéo dài thời gian lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do điều chỉnh các quy hoạch cấp cao hơn; sau khi điều chỉnh quy hoạch, dự án thay đổi về quy mô, ranh giới và mục đích sử dụng đất... làm phát sinh vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đất đai, kéo theo vướng mắc khi thực hiện quy định pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng, nhà ở...
Thứ hai, về đầu tư: Quá trình giải quyết thủ tục về đầu tư, cơ quan chuyên môn của thành phố gặp khó khăn đối với những dự án quy mô lớn, thực hiện trong thời gian dài và trải qua các giai đoạn chuyển tiếp của quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản... xuất hiện những yếu tố chưa được quy định hoặc không thống nhất giữa các quy định pháp luật chuyên ngành.
Thứ ba, về tiến độ thực hiện dự án: Trên địa bàn thành phố còn tồn tại các dự án chậm tiến độ nhưng không đủ cơ sở điều chỉnh do không thuộc trường hợp gia hạn quá 24 tháng quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư. Mặt khác, việc thu hồi dự án gặp khó khăn do thiếu quy định chi tiết về xử lý các nghĩa vụ, quyền lợi của nhà đầu tư nhằm tránh phát sinh khiếu kiện và tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Thứ tư, về tiếp cận đất đai: Theo quy định pháp luật về đất đai, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai chủ yếu thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng danh mục dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng tiến độ thực hiện còn chậm do đa phần quỹ đất hiện tại đã và đang có dự án nhưng gặp vướng mắc, khó khăn và chưa thể thu hồi trong khi nhiều quỹ đất mới chưa hội đủ các điều kiện về quy hoạch, đất đai, nhà ở...
“Hiện nay, hình thức tiếp cận đất đai thuận tiện với nhà đầu tư nước ngoài là thông qua thuê đất đối với dự án trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư vốn trong nước sẽ gián tiếp tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài”, diện UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc nêu trên, TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo rà soát đồng bộ những nội dung chưa thống nhất giữa các quy định pháp luật, các tình huống dự án chưa có quy định để hướng dẫn thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy dự án tiếp tục triển khai, qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là tiếp cận đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đang xây dựng phương án phát triển khu, cụm công nghiệp để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô, đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện tiếp nhận quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung đẩy mạnh hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường Vành đai 4, hạ tầng điện lực, viễn thông, thông tin để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực phát triển đô thị, sản xuất, khoa học và công nghệ.
Các lĩnh vực Hà Nội thu hút nguồn vốn FDI lớn như: Bất động sản, chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư trên địa bàn; dịch vụ buôn bán hàng hóa, chiếm 9%; xây dựng và hoa học công nghệ chiếm 5%./.
Nguồn: https://congthuong.vn/thu-hut-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-vao-ha-noi-xuat-hien-xu-huong-moi-252602.html
0