Thu phí không dừng: Sao Bộ Giao thông Vận tải mãi loay hoay?


(CHG) Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 100% các trạm thu phí đường bộ phải áp dụng phương pháp thu phí không dừng. Nhưng xem ra, Bộ Giao thông Vận tải vẫn còn đang loay hoay nhiều vấn đề.

Quyết tâm của Chính phủ

Ngày 22/2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Công điện số 155/CĐ-TTg của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đầu tư hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC) tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc theo đúng quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thu phí không dừng: Sao Bộ Giao thông Vận tải mãi loay hoay?
Liệu mục tiêu thu phí không dừng có "vỡ trận"?

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, số phương tiện dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp (đạt khoảng 50% số phương tiện trên toàn quốc), điều này chưa phát huy tốt hiệu quả của hệ thống thu phí theo hình thức ETC.

Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng yêu cầu:

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở T.Ư và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện (lưu ý công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ); có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh), đồng thời làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy, có thể thấy Thủ tướng Chính phủ đã rất kiên quyết loại bỏ hình thức thu phí thủ công. Mốc thời gian chấm dứt hình thức này đã định: 1/6/2022!

Là cơ quan đầu mối thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể thực hiện cho bằng được.

Mục tiêu có "vỡ trận"?

Vậy, thực tế, Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện như thế nào?

Theo báo cáo Thủ tướng mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó có 63 trạm thu phí không dừng 100%. Số còn lại vẫn "nửa nạc nửa mỡ", vừa thu phí thủ công, vừa thu phí tự động.

Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai do có tính chất đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới cần lắp thêm 126 làn thu phí. Trong đó, 42 làn thuộc các trạm do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, 84 làn thuộc các trạm do địa phương quản lý.

Đối với các trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, Bộ đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất phương án, lộ trình triển khai lắp đặt thiết bị ETC các làn thu phí còn lại, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.

Đối với các trạm thu phí do các địa phương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đôn đốc và làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai bảo đảm tiến độ.

Liên quan đến chỉ đạo đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí ETC vào tháng 6/2022, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy mạnh công tác dán thẻ. Tuy nhiên đến thời điểm nay mới có khoảng 2,4 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm hơn 50% tổng số phương tiện trên toàn quốc.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, do nhiều yếu tố đặc thù, khách quan, nhiều phương tiện không có nhu cầu dán thẻ như các phương tiện chỉ di chuyển trong thành phố, phương tiện thuộc vùng không có trạm thu phí hoặc các phương tiện ít đi qua các trạm thu phí dẫn đến mục tiêu hoàn thành 90% phương tiện dán thẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất khó khả thi. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với từng địa phương, căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng kế hoạch, lộ trình và mục tiêu dán thẻ đảm bảo phấn đấu trong năm 2022, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đạt từ 80 - 90%.

Thật đáng lo ngại! Cứ như báo cáo trên đây của Bộ Giao thông Vận tải với "hàng loạt lý do khách quan" đưa ra, nguy cơ mục tiêu 100% thu phí không dừng mà Thủ tướng yêu cầu khó thực thi được.

Thật khó hiểu! "Phấn đấu trong năm 2022, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đạt từ 80 - 90%" sẽ được hiểu như thế nào? Tại sao lại "phấn đấu" con số 80-90%? Tại sao không phải là quyết tâm đạt 100%?

Cứ thế này, liệu mục tiêu thu phí không dừng có "vỡ trận"?

Sở dĩ phải đặt ra nguy cơ "vỡ trận" là bởi 5 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải cứ mãi loay hoay, mãi lúng túng trong câu chuyện này.

Đến giờ phút này, lý do "công nghệ" lẫn "nhu cầu" sử dụng hình thức thu phí không dừng của chủ phương tiện vẫn được đưa ra thì thực sự cần xem lại quyết tâm hành động cũng như phương pháp thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải.

Điều dễ nhận thấy nhất là công nghệ. Làm sao có thể trôi chảy được khi việc dán thẻ ETC, mở tài khoản thu phí, nhận diện và cấn trừ tiền chỉ khu biệt, bó hẹp trong một số đối tượng? Với hàng triệu phương tiện, hàng triệu lượt di chuyển qua trạm mỗi ngày, hệ thống thu phí không dừng chưa được áp dụng công nghệ Blockchain, chưa tích hợp Bigdata thì sao có thể vận hành minh bạch, trôi chảy, làm sao không thể không mắc lỗi, không bị "đơ" hệ thống và không sai số?

Xin được nhắc lại lời của Đại biểu Quốc hội Ngô Anh Trí dịp tháng 6/2021: "Tôi vẫn nhớ lời hứa của Bộ trưởng Thể nhưng không muốn chất vấn nữa!"

Đây là lời phát biểu trên nghị trường khi đại biểu Nguyễn Anh Trí nói về kế hoạch hoàn thành trạm thu phí không dừng vào cuối năm 2019 bị phá sản.

Một lần nữa, lại phải suy ngẫm về những lời sau đây của Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Các đại biểu còn nhớ, khi Bộ trưởng Thể vừa mới lên, chính tôi là người chất vấn: Khi nào thì thu phí BOT bằng trạm tự động không dừng? Bộ trưởng Thể nói chắc như đinh đóng cột, hứa là cuối năm 2019. Thủ tướng mấy lần chỉ đạo rồi cũng không ăn thua, nên mình chất vấn thì đã là cái gì!

Nguồn: Theo Báo Công Thương

Còn lại: 1000 ký tự
Khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19

CHG - Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đất nước là vấn đề cấp thiết, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mọi quốc gia, ở mọi thời đại. Đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; để tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn hẹp, cần có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội cho quá trình này.

Xem chi tiết
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Đại hội XIII của Đảng

​CHG - Trước những thành tựu, thách thức và cơ hội phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. Thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp được Đại hội XIII của Đảng đề ra tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ hội viên nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xem chi tiết
Nghiên cứu về thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi sau đại dịch Covid-19

Đề tài Nghiên cứu về thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi sau đại dịch Covid-19 do ThS. Nguyễn Thị Thu Trang (Khoa Quản trị và Marketing, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn ở tỉnh Bình Thuận

​CHG - Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm của đất nước hiện nay. Đã có những tín hiệu tích cực cho thấy khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả và kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Là một tỉnh nằm “cận kề” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tiềm năng phát triển, Bình Thuận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững, nâng cao khả năng chống chịu cả về kinh tế, xã hội, môi trường và phát huy được các lợi thế, điểm mạnh của mình.

Xem chi tiết
Tỉnh An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

​CHG - Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh An Giang đã tạo điều kiện để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Trong đó, trọng tâm là xây dựng hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3