(CHG) Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4691/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Cụ thể, sau khi xem xét Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội và UBND TP. HCM đã thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ, triển khai khởi công các dự án đúng tiến độ; phê bình các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên chậm triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, không bảo đảm tiến độ khởi công 02 dự án thành phần thuộc Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 30/6/2023 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục với địa phương để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng và triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục, phối hợp và hướng dẫn các địa phương triển khai các công việc để khởi công 03 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và 02 đường vành đai trước ngày 30/6/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Thái Bình đẩy nhanh tiến độ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dự án Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua Nam Định, Thái Bình.
Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa các dự án vào khai thác, hướng dẫn nguồn chi phí thanh toán cho nhà thầu nước ngoài do dừng chờ tại dự án Bến Lức - Long Thành; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong công tác công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các Dự án thành phần giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường Vành đai 4 Hà Nội; hoàn thành hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, đáp ứng tiến độ các dự án; hướng dẫn các địa phương việc đền bù, hỗ trợ các khu đất, công trình bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng và tổng hợp, kiểm tra, rà soát diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, thay mặt Chính phủ, thừa ủy Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức đấu thầu thành công gói thầu 5.10 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc liên quan đến nguồn vốn làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trở lại dự án Bến Lức - Long Thành; chỉ đạo VEC huy động nguồn lực để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Nam Định - Thái Bình.
UBND tỉnh Bình Phước sớm hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
UBND TP. Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 đường Vành đai 4 Hà Nội.
UBND tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2023.
UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Kiểm soát chặt chẽ tiến độ lựa chọn nhà thầu
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản 03 cao tốc trục Đông – Tây (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và 02 đường vành đai (Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. HCM) kiểm soát chặt chẽ tiến độ lựa chọn nhà thầu; tập trung, quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng bảo đảm bàn giao 70% diện tích, đáp ứng yêu cầu khởi công trước ngày 30/6/2023. Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh khẩn trương hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán Dự án thành phần 2.2 và 2.3 đường Vành đai 4 Hà Nội.
Các tỉnh, thành phố có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 quan tâm, hỗ trợ các nhà thầu triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu, bãi đổ thải; bảo đảm giải quyết kịp thời về vật liệu đắp nền.
Bám sát các mốc tiến độ yêu cầu
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM tổ chức triển khai dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên bám sát các mốc tiến độ yêu cầu.
UBND tỉnh Đồng Nai tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 6/2023, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TP. HCM để khởi công trong tháng 6/2023; xem xét phê duyệt đơn giá đất để hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Dự án thành phần 1A sử dụng vốn ODA) trong tháng 6/2023.
UBND các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương triển khai các thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác, giao các mỏ mới cho nhà thầu thi công dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau khai thác, bảo đảm trữ lượng cung cấp trong năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bổ sung Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài vào danh mục dự án quan trọng quốc gia
Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung Dự án đường bộ cao tốc TP. HCM - Mộc Bài vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương sơ kết 06 tháng tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải và phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để họp Ban chỉ đạo đồng thời với tổ chức Hội nghị sơ kết 06 tháng trước ngày 15/7/2023./.
(CHG) TS. Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự, Học viện Tư pháp, đã có những phân tích sâu sắc về hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như những “vùng trống” pháp lý còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Tạp chí trong công cuộc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết(CHG) Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM chiều 5/6/2025, câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy trăn trở của ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục phó Quản lý thị trường TP HCM đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận: “Nhiều tiểu thương coi tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”.
Xem chi tiết