(CHG) Để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu để có thể thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới với các giải pháp cụ thể và khả thi.
Sáng 16/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài “Hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Thị Hồng Yến và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo Ban chủ nhiệm Đề tài, kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai trò vô cùng quan trọng tại các nước trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã ban hành tương đối toàn diện và đầy đủ các quy định pháp luật thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó quan trọng nhất là Luật Hợp tác xã năm 2012. Hành lang pháp lý hiện có đã tạo điều kiện cho phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã Việt Nam trong những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua thực hiện cho thấy, nhiều quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, tính khả thi chưa cao, có nhiều chính sách khó triển khai.
Để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu để có thể thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới với các giải pháp cụ thể và khả thi. Chính vì vậy, việc thực hiện Đề tài là hết sức cấp thiết.
Cũng theo Ban chủ nhiệm Đề tài, mục tiêu nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất được giải pháp hoàn thiện pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển khi Việt Nam tham gia vào các FTA.
Toàn cảnh hội thảo.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài, nội dung báo cáo đã bám sát chủ trương, mục đích của Đề tài; các tài liệu được trích dẫn khá phong phú và làm rõ khái niệm, nguồn gốc, thách thức trong thực tế và những ưu, nhược điểm của chính sách pháp luật của Việt Nam về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Báo cáo được trình bày rõ ràng, có phân tích dữ liệu, so sánh, đồng thời sử dụng các phương pháp tọa đàm, thảo luận nhóm trong nghiên cứu, tạo được hiệu quả cao. Vì vậy, Đề tài có giá trị rất quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết và hữu ích cho các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, thẩm tra, xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Để Đề tài chất lượng và có thể nghiệm thu, các đại biểu kiến nghị, Đề tài cần lập luận làm rõ hơn hai phạm trù khái niệm hợp tác xã và kinh tế tập thể; chọn giải pháp thật sự xứng đáng và đúng với chủ đề của đề tài, chú trọng vào các giải pháp liên quan tới chính sách, pháp luật.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/thuc-day-khu-vuc-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-phat-trien-i318948/
0