Tóm tắt:
Hiện nay, tình trạng di cư quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ những số liệu thực trạng di cư quốc tế, bài viết phân tích, đánh giá pháp luật quốc tế và Việt Nam về hoạt động di cư, qua đó, đưa ra một số kiến nghị gợi mở về vấn đề này.
Từ khóa: di cư quốc tế, pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam.
Tại Việt Nam, số lượng người di cư đến thấp hơn nhiều so với số lượng người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Tính đến giữa năm 2020, số lượng công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài khoảng 3,4 triệu người (trên tổng dân số khoảng 97,3 triệu dân), trong khi tỉ khối di cư (net migration)[1] của Việt Nam là - 992.[2] Người Việt Nam di cư ra nước ngoài có thể được phân chia theo các phương thức di cư và mục đích di cư, gồm có di cư lao động, di cư học tập, kết hôn hoặc đoàn tụ gia đình, là nạn nhân của tội phạm mua bán người hay một số ít các phương thức khác.[3] Trong đó, người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài ngày càng phổ biến. Theo thống kê chính thức, số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ riêng trong năm 2022 là 142.779 lao động; trong quý I năm 2023 là 37.923 lao động. [4] Thị trường lao động dành cho người Việt Nam ngày càng mở rộng (đến nay có 40 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam) trong đó có những thị trường có yêu cầu đối với lao động cao, điều kiện lao động tốt như Đức, Nhật Bản… Năm 2020, Việt Nam là nước đứng thứ 10 trên thế giới về lượng kiều hối tiếp nhận (khoảng 17 tỉ USD và chiếm khoảng 4,6% GDP quốc gia).[5] Tuy vậy, tình trạng di cư theo phương thức bất hợp pháp ra nước ngoài của công dân Việt Nam cũng được cho là phổ biến, và do đó, không nằm trong số liệu thống kê, trong đó có những trường hợp người di cư là nạn nhân của tội phạm mua bán người.[6]
Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế, thoả thuận về di cư quốc tế để nhằm quản lý hiệu quả hơn hoạt động này như gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người, các điều ước quốc tế về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người, ký kết các điều ước quốc tế song phương về giáo dục, lao động, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý biên giới… Cũng như khuôn khổ pháp luật di cư quốc tế, pháp luật về di cư quốc tế của Việt Nam cũng phân mảnh, bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể như:
- Pháp luật về bảo vệ quyền của người di cư, mà chủ yếu là lao động di cư quốc tế: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung các năm 2016, 2018 và 2019), Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Pháp luật về quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh: Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Căn cước công dân năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Pháp luật về phòng, chống tội phạm liên quan đến di cư quốc tế: Luật Phòng chống mua bán người năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, người di cư (không phân biệt đến hay đi khỏi Việt Nam) được hưởng các quyền con người theo quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan.
Nhìn chung, pháp luật về di cư quốc tế những năm gần đây ở Việt Nam thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Chẳng hạn như, chỉ trong 05 năm trở lại đây, Việt Nam đã liên tục sửa đổi các Luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Căn cước công dân, Bộ luật Hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính…. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều quy định và áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam đã di cư ra nước ngoài được hồi hương. Tuy nhiên, do đặc thù về di cư quốc tế ở Việt Nam là số người Việt Nam di cư ra nước ngoài cao số người di cư nước ngoài tới Việt Nam, các quy định pháp luật về di cư quốc tế ở Việt Nam không được chú trọng đồng đều giữa di cư đi và di cư đến; Các quy định về di cư quốc tế nói chung cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định.[7]
Dựa trên thực trạng khuôn khổ pháp luật và xu hướng phát triển của hoạt động di cư quốc tế, một số nhóm hoạt động sau nên được ưu tiên triển khai thực hiện:
Thứ nhất, pháp luật về người không quốc tịch. Tại Việt Nam, có tình trạng người không quốc tịch. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, từ ngày 01/7/2009 đến ngày 31/3/2017 (số liệu thống kê theo yêu cầu của Bộ Tư pháp tại văn bản số: 733/QĐ-BTP ngày 25 tháng 5 năm 2017), Chủ tịch nước đã quyết định cho phép 5.025 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, 71 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam; các Sở Tư pháp trong cả nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cấp 15.058 Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; 1.398 Giấy xác nhận gốc Việt Nam cho người có yêu cầu.[8] Năm 2018, Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn thống kê tại Việt Nam có khoảng 29.522 người không quốc tịch.[9] Người không quốc tịch ở Việt Nam được xác định gồm 4 nhóm là: (i) những người di cư tự do từ Campuchia đến sinh sống tại các tỉnh phía Nam; (ii) những người di cư tự do từ Lào sống dọc các tỉnh biên giới phía Tây; (iii) những người di cư tự do từ Trung Quốc sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc; và (iv) những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng không quốc tịch xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có các nguyên nhân về xung đột pháp luật về quốc tịch giữa các quốc gia, điều kiện về xin nhập quốc tịch chưa phù hợp thực tiễn. Người không quốc tịch sẽ chịu thiệt thòi trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản như cư trú, học tập, lao động… và khi di cư, họ thường gặp khó khăn và phổ biến là di cư không theo quy định do thiếu các giấy tờ đi lại cần thiết. Vì vậy, để đảm bảo hoạt động di cư quốc tế tại Việt Nam được thực hiện có trật tự, theo quy định và an toàn, cần thiết phải sớm có các quy định về người không quốc tịch bên cạnh các quy định xem xét cho nhập quốc tịch như quy định về cấp giấy tờ đi lại quốc tế, hộ tịch… tạo cơ sở thuận lợi cho việc gia nhập 02 công ước về tình trạng không quốc tịch như Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận GCM đã đề ra.
Thứ hai, pháp luật về phòng, chống đưa người di cư trái phép qua biên giới. Hiện nay, Kế hoạch thực hiện Thoả thuận GCM đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép. Việc sớm gia nhập Nghị định thư này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh người Việt Nam di cư ra nước ngoài theo các phương thức bất hợp pháp có tính phổ biến và tình trạng người nước ngoài di cư trái phép vào Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều.[10] Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu gia nhập Nghị định thư, một số hạn chế của pháp luật hiện hành trong công tác chống đưa người di cư trái phép qua biên giới đã được chỉ ra như pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm chính thức về “đưa người di cư trái phép”; pháp luật Việt Nam không quy định miễn trừ trách nhiệm đối với người di cư trái phép kể cả trong trường hợp họ bị cưỡng ép, nên về nguyên tắc họ vẫn có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép[11]… Những hạn chế này cũng là trở ngại đáng kể khi Việt Nam gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép do sau khi gia nhập, Việt Nam cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tại Nghị định thư.
Ngoài ra, quá trình quản lý di cư quốc tế tại Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy, một trong những điểm yếu của hoạt động quản lý di cư quốc tế là các thiếu hụt về số liệu thống kê phục vụ cho hoạt động hoạch định chính sách. Năm 2022, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố Báo cáo về Khoảng trống về số liệu thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam,[12] trong đó đánh giá số liệu thống kê về lao động di cư quốc tế do các bộ ngành khác nhau thu thập, còn rời rạc và thiếu đồng bộ, chưa phục vụ hiệu quả, đầy đủ cho việc hoạch định chính sách lao động di cư. Trong một số khía cạnh khác của di cư quốc tế, các số liệu thống kê tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ hoặc chưa được công bố chính thức. Vì vậy, song song với hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý di cư quốc tế an toàn, có trật tự, theo quy định, cần thiết phải bổ sung các quy định về thống kê dựa trên các tiêu chuẩn thống kê về di cư quốc tế của cộng đồng quốc tế để tạo thuận lợi cho hợp tác quản lý di cư quốc cũng như nhu cầu hoạch định chính sách trong nước./.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
1 Tỷ khối di cư (net migration) được hiểu là sự khác biệt giữa số người nhập cư (di cư đến) và số người di cư đi.
2 Migration Data Portal, Viet Nam Profile, https://www.migrationdataportal.org/international-data?i=stock_abs_&t=2020&cm49=704.
3 Bộ Ngoại giao (2012), Rà soát về người Việt Nam di cư ra nước ngoài, các trang 47-51.
4 Phạm Anh Thắng (2023), Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Những dấu ấn và vấn đề đặt ra trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản, 5/2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827319/dua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai--nhung-dau-an-va-van-de-dat-ra-trong-tinh-hinh-moi.aspx
5 Migration Data Portal, Viet Nam Profile.
6Thi Hong Yen Nguyen (2019), Challenges in Ensuring the Rights of Vietnamese Migrant Workers in the Globalization Context - The Two Sides of the Development Process, Asian Yearbook of International Law, số 25, các trang 154-184.
7 Le Kim Dzung (2020), Comparative study on Laws and Policies in the Management of Migrant Workers in ASEAN: National Report Viet Nam, EU/ASEAN, https://asean.org/wp-content/uploads/2022/01/National-Report_Viet-Nam_endorsed-4-Aug-2020.pdf
8 Bộ Tư pháp (2018), Bình luận về thực trạng người không quốc tịch ở Việt Nam hiện nay, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2303
9 UNHCR (2018), UNHCR welcomes steps by Viet Nam to tackle statelessness, https://reliefweb.int/report/viet-nam/unhcr-welcomes-steps-viet-nam-tackle-statelessness.11 Tạp chí Biên phòng (2023), Bắt quả tang đối tượng tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, https://www.bienphong.com.vn/bat-qua-tang-doi-tuong-to-chuc-cho-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-post463316.html
10 Tạp chí Công an nhân dân (2023), Vướng lao lý vì đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, https://cand.com.vn/Ban-tin-113/vuong-lao-ly-vi-dua-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-i683620/.
11 Tạp chí Quốc hội (2022), Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép, https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66353.
12 ILO, Tổng cục Thống kê (2022), Khoảng trống về số liệu thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2023/01/Data-gaps-report-vie-14h-30.12-web.pdf.
The current international laws on migration in Vietnam and some recommendations
Master. Pham Hong Nhat
Institute of State and Law
Abstract:
Currently, international migration is experiencing complicated developments that affect national, regional, and international security. Based on current data about international migration, this paper analyzes and evaluates international and Vietnamese laws on migration, thereby making some recommendations about this issue.
Keywords: international migration, international law, Vietnamese law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]
(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển logistics Vùng đồng bằng sông Cửu Long do ThS. Trần Thị Hoa Lý (Trường Đại học Điện lực) thực hiện
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Những xu hướng và thách thức trong lĩnh vực chuyển đổi số đối với nhà máy sản xuất" do Nguyễn Anh Vũ (Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiết