Thực trạng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương


Đề tài Thực trạng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương do ThS. Phạm Đức Kiểm (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Hải Dương) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm mục đích đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương trong những năm gần đây. Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực còn bộc lộ một số bất cập như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu lao động có kỹ năng nghề, chất lượng đào tạo đại học, sau đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp,... Trên cơ sở phân tích, bài viết đưa ra một số đề xuất phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.

Từ khóa: nguồn nhân lực, phát triển, tỉnh Hải Dương.

1. Đặt vấn đề

Trong bất cứ thời đại nào, nguồn lực con người luôn là vốn quý giá nhất, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia nói riêng và thế giới nói chung luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực. Thế kỷ XXI, thế giới bước vào nền kinh tế tri thức, mở ra nhiều triển vọng phát triển cho tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển nếu tận dụng tốt thời cơ này. Việt Nam không phải một ngoại lệ. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực, coi đây là yếu tố cơ bản của sự phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra một trong ba khâu đột phá chiến lược là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung, của địa phương nói riêng thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Không nằm ngoài xu thế, tỉnh Hải Dương luôn coi vấn đề phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được xác định là khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực thời gian qua còn bộc lộ một số bất cập như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu lao động có kỹ năng nghề, chất lượng đào tạo đại học, sau đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và hết sức quan trọng.

2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương

2.1. Khái quát chung về dân số và lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh

Dân số tỉnh Hải Dương năm 2023 là 1.956.888 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 957.514 người. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng 52,3%; khu vực dịch vụ 31,4%.

Năm 2023, toàn tỉnh có 8.522 doanh nghiệp đang hoạt động (12 doanh nghiệp nhà nước, 8.149 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 361 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số lao động là 374.320 người. Trong đó, có 257 doanh nghiệp đang hoạt động trong 17 khu công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho trên 101.000 lao động [4].

Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp và lao động của tỉnh Hải Dương (tính đến ngày 30/12/2023)

Địa phương

Doanh nghiệp

Lao động (người)

TP. Hải Dương

3.755

130.703

TP. Chí Linh

543

22.120

Nam Sách

414

12.514

Kinh Môn

783

25.395

Kim Thành

463

24.554

Thanh Hà

251

12.535

Cẩm Giàng

770

67.537

Bình Giang

412

12.829

Gia Lộc

265

10.973

Tứ Kỳ

438

27.866

Ninh Giang

169

7.586

Thanh Miện

259

19.708

Tổng

8.522

374.320

           Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương (2023)

Theo địa giới hành chính, TP. Hải Dương có 3.755 doanh nghiệp, sử dụng 130.703 lao động; TP. Chí Linh có 543 doanh nghiệp, sử dụng 22.120 lao động; huyện Nam Sách có 414 doanh nghiệp, sử dụng 12.514 lao động; thị xã Kinh Môn có 783 doanh nghiệp, sử dụng 25.395 lao động; huyện Kim Thành có 463 doanh nghiệp, sử dụng 24.554 lao động; huyện Thanh Hà có 251 doanh nghiệp, sử dụng 12.535 lao động; huyện Cẩm Giàng có 770 doanh nghiệp, sử dụng 67.537 lao động; huyện Bình Giang có 412 doanh nghiệp, sử dụng 12.829 lao động; huyện Gia Lộc có 265 doanh nghiệp, sử dụng 10.973 lao động; huyện Tứ Kỳ có 438 doanh nghiệp, sử dụng 27.866 lao động; huyện Ninh Giang có 169 doanh nghiệp, sử dụng 7.586 lao động; huyện Thanh Miện có 259 doanh nghiệp, sử dụng 19.708 lao động. Toàn tỉnh có khoảng 63.420 là lao động ngoại tỉnh (chiếm 16,9% tổng số lao động) [4].

-  Về quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực: Lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế có sự tăng giảm qua các năm; Tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng, giảm hàng năm bình quân khoảng 0,2%. So với đầu giai đoạn tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 1,96% năm 2016 xuống còn 1,7% năm 2020, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 3,34% năm 2016 xuống còn 1,8% năm 2020. Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp chung 1,4%, tỷ lệ thiếu việc làm 2,9%; Tỷ lệ lực lượng lao động phổ thông, lao động giản đơn trong doanh nghiệp khoảng 67,8 % [4].

-  Về chất lượng nguồn nhân lực: Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS và THPT hàng năm tương đối cao trên 98%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ tăng đều qua các năm. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 32,5%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các Trung tâm GDNN - GDTX và các trường nghề là 21,9%; tỷ lệ học sinh trong các trung tâm GDNN - GDTX được đào tạo nghề song song với học văn hóa là 98,8%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 13,8%. Quy mô tuyển sinh đại học và trên đại học của tỉnh đạt 12.812 sinh viên. Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023 đạt 38.400 người; tỷ lệ người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo đạt từ 80 - 90% [4].

2.2. Những ưu điểm trong công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hải Dương

- Trong giai đoạn 2020 – 2023, được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng; cơ cấu lao động thay đổi theo hướng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

- Tỉnh có dân số đông, nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, khỏe. Đây là nguồn nhân lực để phát triển kinh tế địa phương. Trong những năm qua, số lượng lao động trên 15 tuổi ở địa bàn tỉnh Hải Dương tăng lên cả về quy mô và chất lượng. Bên cạnh đó việc thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư FDI góp phần tạo lực hút lớn đối với lao động nhập cư từ các địa phương khác.

- Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì, tích cực mở rộng ngành nghề và hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định tương đối cao, khoảng từ 70% đến trên 90% tùy theo từng ngành nghề và trình độ đào tạo.

- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương 5 năm qua không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ nguồn nhân lực hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT rất cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ tăng từ 19,1% năm 2016 lên 24,8% năm 2020, cao hơn của toàn quốc (24,1%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,7%.

- Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực và cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lao động của Hải Dương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản từ 18,4% năm 2020 xuống còn 16,3% năm 2023, tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng từ 50,82% năm 2020 lên 52,3% năm 2023 và lĩnh vực dịch vụ tăng từ 30,78% năm 2020 xuống 31,4% năm 2023 [4].

2.3. Những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hải Dương

- Công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chưa thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện bài bản, nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, sự phát triển của các trường còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo hiện đại cũng như nhu cầu học tập của nhân dân địa phương. Các ngành, nghề được đào tạo tại các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn dàn trải, chồng chéo do thiếu quy hoạch.

- Công tác tuyển sinh giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn; việc tuyển sinh, đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn không dựa vào nhu cầu ngành, nghề, tình trạng đào tạo tràn lan, chạy theo thị hiếu. Sinh viên tốt nghiệp ra trường với số lượng lớn, nhưng tỷ lệ không có việc làm, tỷ lệ sinh viên làm trái ngành, nghề còn cao, gây lãng phí, hiệu quả làm việc sau đào tạo không cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ công tác đào tạo còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, đặc biệt là các phòng học chuyên dụng cho đào tạo các ngành nhất là các ngành kỹ thuật còn yếu và thiếu nhiều. Các trường cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh quản lý chưa có ký túc xá dẫn đến tâm lý phụ huynh học sinh không muốn cho con em mình đi học xa nhà (chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp) khi không có người quản lý.

 - Công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chủ yếu đào tạo theo nguồn “cung” có sẵn, chưa đào tạo theo “cầu” của thị trường lao động. Quy mô đào tạo đại học của tỉnh còn nhỏ bé so với yêu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chất lượng đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặt ra trong giai đoạn. Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều, chưa tạo sự lan tỏa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế trên khiến cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không tạo được sức hút đối với người học.

- Các Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện sau sáp nhập chủ yếu chỉ thực hiện nhiệm vụ về giáo dục thường xuyên. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ là liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp. Các trung tâm GDNN - GDTX chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đặc biệt là các trung tâm GDNN - GDTX được thành lập do đổi tên từ trung tâm GDTX; một số trung tâm GDNN - GDTX vẫn chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ số lượng cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp; chất lượng và năng lực thực tế của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các trung tâm GDNN - GDTX còn nhiều hạn chế.

- Nguồn nhân lực nói chung, nhân lực làm việc trong doanh nghiệp nói riêng chủ yếu là lao động phổ thông và lao động giản đơn, chiếm 75,2%. Lực lượng lao động chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành sản xuất. Chất lượng và kỹ năng của nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Một bộ phận lao động còn thiếu kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật chưa cao.

- Lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương không đáp ứng số lượng theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động của các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… và một số tỉnh miền núi như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu…

3. Một số giải pháp nhằm triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Từ phân tích thực trạng như trên, bài nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương, như sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác quản lý phát triển nhân lực. Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành trong việc theo dõi, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân về sự cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực. Làm cho mọi người thấy rõ vai trò, trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực (số lượng đông, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp...) thành lợi thế (chủ yếu qua đào tạo), là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội: của các cấp lãnh đạo, của nhà trường, của doanh nghiệp và gia đình, cũng như bản thân mỗi người lao động.

Hai là, gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh với nguồn cung lao động trong và ngoài tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu lao động. Hàng năm tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu về nhu cầu tuyển dung, đào tạo, đào tạo lại của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó làm cơ sở để dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển biến căn bản bản nhận thức và nhanh chóng nâng cao năng lực chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng thị trường lao động công khai minh bạch, thuận tiện, để kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động thông qua ứng dụng chuyển đổi số. Xây dựng cổng thông tin việc làm với đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại của các doanh nghiệp để các cơ sở đào tạo và người lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh có thể dễ dàng tìm được nhu cầu đào tạo và việc làm cổng thông tin việc làm.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện tích hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nhằm hiện đại hóa, chuẩn hóa theo ngành nghề và trình độ đào tạo. Xây dựng chính sách ưu đãi cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, dạy nghề ngoài công lập. Đào tạo theo chuẩn đầu ra của khu vực và thế giới, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Bốn là, hỗ trợ đời sống cho người lao động. Quy hoạch phát triển các khu đô thị, dịch vụ trong và ngoài khu công nghiệp để thu hút các lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có các chính sách về y tế và chăm sóc sức khỏe phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao, dịch vụ... tại các khu, cụm công nghiệp.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực để từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh thông qua hợp tác liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề của tỉnh với các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề của các nước trong khu vực và quốc tế như: Thái Lan, Pháp, Úc, Singapore, Hàn Quốc... Xúc tiến hợp tác đào tạo nhân lực theo chuẩn khu vực và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lan Anh (2023). Đào tạo nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp Hải Dương, https://baohaiduong.vn/dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cho-cac-doanh-nghiep-hai-duong-362155.html.
  2. Hoài Nam (2023). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, https://vccinews.vn/prode/47719/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.html
  3. Trần Văn Phòng, Lê Thị Hạnh (2023). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, https://www.tapchicongsan.org.vn /web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/827302/view_content
  4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (2023). Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”, Số: 6266/BC-SLĐTBXH, Hải Dương.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2022). Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, số1584/QĐ-UBND, Hải Dương.

A study on the current quality of human resources in Hai Duong province

Master. Pham Duc Kiem

Faculty of Economics and Management, Hai Duong University

Abstract:

This study evaluated the current quality of human resources in Hai Duong province. In recent years, Hai Duong province has had mechanisms and policies to improve the quality of training activities and better attract and improve the quality of human resources in a multi-sectoral, multi-field, highly qualified manner to meet social and economic development requirements. However, Hai Duong province has still faced a number of shortcomings in human resource development. For example, the province has lacked high-quality human resources and skilled workers, both undergraduate, and postgraduate, and the quality of vocational training and education does not meet the needs of businesses. Based on the study’s results, some solutions are proposed to help Hai Duong province develop its human resources in the coming time.

Keywords: human resources, development, Hai Duong province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sạch trong công nghiệp

Đề tài Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sạch trong công nghiệp do ThS. Vũ Phương Lan (Khoa Công nghệ Hóa - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ) thực hiện.

Xem chi tiết
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Lê Thị Diễm Phương (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bài nghiên cứu "Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế

Đề tài Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế do ThS. Trần Thảo Vy (Giảng viên Khoa Nông nghiệp - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam

Đề tài Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam do TS. Đặng Thị Bích Ngọc (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3