Thực trạng quy định của pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại


TÓM TẮT:

Trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, hoạt động tín dụng là chủ yếu và quan trọng nhất tuy nhiên, hoạt động này cũng đem lại nhiều rủi ro. Biện pháp cầm cố giấy tờ có giá được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm tiền vay. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cầm cố giấy tờ có giá vẫn tồn đọng những hạn chế và vướng mắc nhất định, khiến các bên tham gia giao kết hợp đồng còn e ngại khi xác lập. Bài viết nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại.

Từ khóa: cầm cố giấy tờ có giá, bảo đảm tiền vay, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Giấy tờ có giá (GTCG) nói chung, được hiểu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá nhân) xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thế khác. Tuy nhiên, đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, khái niệm GTCG được hiểu theo nghĩa rất hẹp, chỉ bao gồm các phiếu nợ do ngân hàng phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền chủ nợ của người sở hữu phiếu nợ và nghĩa vụ trả một số tiền nhất định của ngân hàng phát hành vào một thời điểm xác định ghi trên phiếu nợ.

Cầm cố GTCG để bảo đảm tiền vay là một trong những biện pháp các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động cho vay của mình, cụ thể là bảo đảm cho việc thu hồi vốn và lãi suất vay. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, tín dụng ngân hàng là hình thức tín dụng chủ yếu và đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển kinh tế. Do đó, việc nghiên cứu về cầm cố GTCG để bảo đảm tiền vay tại các NHTM là cần thiết, nhằm tìm ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

2. Thực trạng quy định của pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại

  Cũng như các loại tài sản bảo đảm khác, khi nhận tài sản bảo đảm là GTCG để bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả tiền vay của bên vay vốn, các NHTM phải thực hiện việc nhận tài sản bảo đảm theo một trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hoạt động của NHTM đó. Dựa trên cơ sở những quy định chung về việc nhận tài sản bảo đảm của của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP,... các NHTM đều tự xây dựng các quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục nhận cầm cố GTCG làm tài sản bảo đảm riêng. Vì vậy, mỗi ngân hàng đều sẽ thực hiện theo một cách riêng biệt nhưng hướng tới mục tiêu thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay bằng GTCG phù hợp với quy định của pháp luật và với tính chất, đặc điểm của từng loại GTCG cầm cố.

Thứ nhất, về yêu cầu hồ sơ pháp lý của GTCG cầm cố: NHTM nhận cầm cố sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp bản gốc GTCG cầm cố đối với các loại GTCG phát hành dưới hình thức chứng chỉ. Đối với GTCG phát hành dưới hình thức ghi sổ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm mà khách hàng phải cung cấp là Giấy chứng nhận quyền sở hữu GTCG/Xác nhận của đơn vị quản lý/đơn vị phát hành GTCG về số lượng, giá trị GTCG thuộc sở hữu của khách hàng tại thời điểm nhận hồ sơ hoặc sổ cổ đông/Xác nhận của đơn vị phát hành/đơn vị lưu ký về số lượng cổ phiếu, giá trị cổ phiếu khách hàng đang nắm giữ/sổ cổ đông, Xác nhận phong tỏa của công ty chứng khoán (đối với chứng khoán đã niêm yết) hoặc Đơn vị phát hành (đối với chứng khoán chưa niêm yết).

Thứ hai, về thẩm định GTCG cầm cố. Các nội dung thẩm định đối với GTCG cầm cố thường bao gồm:

(i) Thẩm định tính pháp lý của GTCG: Đối với GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức chứng chỉ (khách hàng giữ bản gốc), NHTM nhận cầm cố sẽ kiểm tra trực tiếp GTCG đảm bảo GTCG cầm cố còn nguyên vẹn, không bị rách, nhàu nát, sửa chữa, chắp vá,... đảm bảo GTCG không bị giả mạo và phù hợp với hồ sơ mà khách hàng cung cấp. Đối với GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ, trường hợp GTCG chưa được lưu ký thì NHTM nhận cầm cố thực hiện việc kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sở hữu GTCG tương tự như trường hợp GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức chứng chỉ. Trường hợp GTCG đang được lưu ký tại tổ chức lưu ký, NHTM nhận cầm cố liên hệ trực tiếp với tổ chức lưu ký GTCG đó để xác minh chủ sở hữu, số lượng, giá trị của GTCG. Đối với GTCG vô danh, NHTM nhận cầm cố xác minh trực tiếp với đơn vị phát hành về thông tin đợt phát hành GTCG vô danh.

(ii) Thẩm định tính khả mại của GTCG: NHTM nhận cầm cố căn cứ vào mặt sau của GTCG (đối với GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức chứng chỉ) hoặc căn cứ vào các quy định, quy chế phát hành GTCG của đơn vị phát hành để kiểm tra, xác nhận khả năng của GTCG có được tham gia vào các giao dịch cầm cố, chuyển nhượng,... hay không. Đối với GTCG là cổ phiếu, NHTM nhận cầm cố tìm hiểu thêm thông tin về thị trường chứng khoán trong thời gian gần với thời điểm nhận cầm cố và thông tin cập nhật về đơn vị phát hành để tính toán tính khả mại của cổ phiếu (nếu có).

Thứ ba, về thủ tục phong tỏa GTCG với đơn vị phát hành, lưu ký. Trước khi giải ngân khoản vay cho bên vay vốn, thủ tục cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay phải được hoàn tất bằng việc phong tỏa GTCG nhận cầm cố. Đối với các loại GTCG phát hành dưới hình thức chứng chỉ, NNTM nhận cầm cố thực hiện nhận trực tiếp GTCG đó để nhập kho quản lý. Đối với các loại GTCG phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ được lưu ký tại Tổ chức Lưu ký (điển hình là cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung), NHTM nhận cầm cố gửi đề nghị và yêu cầu tổ chức lưu ký ký xác nhận phong tỏa GTCG. Đối với các loại GTCG phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ được quản lý tại Đơn vị phát hành/Đơn vị quản lý, NHTM nhận cầm cố gửi đề nghị và yêu cầu Đơn vị phát hành/Đơn vị quản lý GTCG ký xác nhận đã phát hành và phong tỏa GTCG cầm cố.

Như vậy, việc thiếu những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay của các NHTM khiến việc cầm cố GTCG thiếu thống nhất, khiến các chủ thể lúng túng và mất nhiều thời gian nghiên cứu, áp dụng. Ở một khía cạnh khác, các NHTM có thể gặp khó khăn khi làm việc với khách hàng do quy định riêng về trình tự, thủ tục nhận cầm cố GTCG của ngân hàng này có phần “khó khăn”, “phức tạp” hơn ngân hàng kia. Do vậy, pháp luật cần ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về GTCG cũng như trình tự, thủ tục nhận bảo đảm bằng GTCG để biện pháp bảo đảm này phát huy hiện quả cao hơn và được các bên lựa chọn áp dụng nhiều hơn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại.

Thứ nhất, mặc dù hiện nay quy trình cho vay ở các NHTM đã có nhiều cải tiến với các thủ tục tinh giản hơn cho phù hợp với việc cải cách hành chính trong xu thế hiện nay, thế nhưng quy trình cho vay ở các NHTM vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Quy trình cho vay ở NHTM hiện nay vẫn còn được tiến hành qua nhiều giai đoạn, nhiều bước, điều này gây khó khăn cho bên đi vay trong trường hợp họ cần nguồn vốn nhanh để đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh. Với một số ngân hàng đã từng vay vốn ở NHTM theo phương thức cho vay từng lần một thời gian sau khi họ có nhu cầu vay vốn lại thì gặp nhiều khó khăn do phải tiến hành làm lại hồ sơ từ đầu và phải trải qua quy trình thẩm định, xét duyệt lại từ đầu, trong một số trường hợp dẫn đến không kịp đáp ứng nhu cầu về vốn cho khách hàng. Vì thế, quy trình cho vay ở NHTM hiện nay cần xây dựng một cách tinh giản và hạn chế các bước, thủ tục rườm rà không cần thiết gây mất thời gian nhưng cũng phải đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kì và đảm bảo an toàn cho hoạt động cho vay. Ví dụ, đối với những khách hàng thường xuyên của NHTM thì NHTM nên tiến hành nhanh quá trình thẩm định hồ sơ, giảm bớt một số thủ tục không cần thiết, không quan trọng hoặc để khách hàng bổ sung sau khi được giải ngân. Còn đối với khách hàng mới vay vốn lần đầu ở các NHTM. nên tích cực hỗ trợ khách hàng trong việc lập hồ sơ vay vốn hoặc tiến hành nhanh chóng quá trình kiểm tra, xét duyệt, giải ngân tại NHTM để khách hàng có thể sử dụng vốn một cách kịp thời, hiệu quả vào quá trình sản xuất - kinh doanh, đồng thời thông qua đó NHTM sẽ tạo được lòng tin đối với khách hàng.

Thứ hai, khâu thẩm định hồ sơ vay vốn ở các NHTM cũng là vấn đề được quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, phần lớn các khoản nợ xấu, nợ khó đòi ở các NHTM đều sai sót ở khâu thẩm định xét duyệt cho vay. Hiện nay các bước trong khâu thẩm định tại các NHTM phần lớn đều do các NHTM tự xây dựng và phân công trách nhiệm cho các cán bộ làm công tác thẩm định. Pháp luật chỉ quy định các NHTM cần xây dựng quy trình thẩm định, xét duyệt bảo đảm tính độc lập giữa khâu thẩm định xét duyệt cho vay mà không quy định một điều kiện cụ thể rõ ràng, cũng như không quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ thẩm định trong trường hợp thẩm định có sai sót làm ảnh hưởng đến hoạt động cho vay mà cụ thể là thu hồi nợ của NHTM. Do đó, pháp luật cần bổ sung các quy định cụ thể về các bước tiến hành thẩm định để đảm bảo được tính chính xác và an toàn. Như vậy, sẽ làm căn cứ cho các NHTM áp dụng vào trong hoạt động của mình nhằm hạn chế trường hợp quy trình thẩm định xét duyệt ở các NHTM không tốt, cán bộ tín dụng không hoàn thành trách nhiệm hoặc có trục lợi gây rủi ro cho hoạt động cho vay của các NHTM. Nếu làm tốt công tác thẩm định hồ sơ vay vốn, NHTM không chỉ hạn chế rủi ro mà còn tài trợ cho các khoản vay một cách hiệu quả, đồng thời gián tiếp giúp cho khách hàng vay sử dụng vốn vay có hiệu quả và đạt được lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để nâng cao quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn ở các NHTM phải chú ý đến một số vấn đề như sau: phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thẩm định hồ sơ bằng cách thường xuyên có kế hoạch đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cơ chế chính sách pháp luật, thẩm định dự án, phân tích hoạt động kinh tế, bên cạnh đó cần bồi dưỡng tư cách đạo đức lẫn tư cách nghề nghiệp. Việc NHTM có một đội ngũ cán bộ có năng lực và đạo đức nghề nghiệp tốt sẽ giúp cho hoạt động cho vay nói riêng và hoạt động của NHTM nói chung được phát triển.

Thứ ba, pháp luật cần ban hành quy định cụ thể hướng dẫn chủ sở hữu GTCG, đặc biệt là đối với GTCG vô danh. Tác giả cho rằng, để hạn chế các trường hợp người nắm giữ GTCG vô danh nhưng thực chất lại không phải là chủ sở hữu xác lập các giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch cầm cố đối với GTCG vô danh đó, pháp luật cần quy định người nắm giữ GTCG phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh mình là chủ sở hữu của GTCG, ví dụ như: hợp đồng tặng cho, hợp đồng chuyển nhượng GTCG,... Cần quy định thống nhất giữa pháp luật về hôn nhân gia đình với pháp luật về GCTG bảo đảm tiền vay bằng GTCG đối với việc phân định quyền sở hữu GTCG của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Trong đó,  cách xác định chủ sở hữu GTCG đối với những trường hợp khách hàng có lịch sử hôn nhân phức tạp, cư trú ở nhiều địa phương, không xuất trình được văn bản chứng minh đó là tài sản chung như hợp đồng tặng cho, văn bản thừa kế,... đó là những trường hợp rất khó để chỉ ra GTCG là tài sản chung hay riêng của vợ chồng. Đồng thời, pháp luật cần quy định rõ hậu quả pháp lý đối với trường hợp GTCG là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ vợ hoặc chồng xác lập giao dịch cầm cố GTCG. Việc quy định rõ hậu quả pháp lý trong trường hợp này giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật đối với các bên chủ thể khi tham gia xác lập và thực hiện giao dịch cầm cố, đặc biệt là đối với các NHTM nhận cầm cố trong việc phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây cũng là cơ sở pháp lý rõ ràng để tòa án ra bản án/quyết định khi xử lý tranh chấp nếu có phát sinh, tránh tình trạng kết quả xét xử phụ thuộc vào quan điểm riêng của từng Thẩm phán. Có như vậy, việc nhận cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay của các NHTM mới có cơ sở pháp lý thống nhất để thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia giao dịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Đức Giang (2018). Sửa đổi chế định cầm cố tài sản - Góc nhìn từ thực tiễn. Tạp chí Ngân hàng, số 5, tháng 3 năm 2018, tr.13-15.
  2. Trần Luyện (2018). Để quy chế chiết khấu, tái chiết khẩu giấy tờ có giá đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Tạp chí Ngân hàng, số 2, tr 18-19.
  3. Nguyễn Quốc Vinh (2018). Pháp luật về cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 2/2018.
  4. Hoàng Quốc Vĩnh (2019). Giao dịch bảo đảm, những kẽ hở và rủi ro. Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 1/2019, tr.25-26.

 

Current regulations on pledging valuable papers to secure loans at commercial banks

Pham Dieu Linh - Ngo Huu Phuc - Nguyen Giang Truong

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Credit activities are the main and most important activities of commercial banks. However, these activities are exposed to many risks. Pledging valuable papers is considered one of the effective measures to secure loans, but it still faces certain obstacles, making the parties hesitant to engage in this credit activity. This paper analyzes the current situation and proposes some solutions to improve regulations on pledging valuable papers to secure loans at commercial banks.

Keywords: pledging valuable papers, loan security, commercial banks.  

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3