Di sản văn hóa là “tài nguyên” quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; được hun đúc và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn; là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Hệ thống di sản văn hóa không những tạo nên sự đa dạng, phong phú, bản sắc của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế mà di sản văn hóa còn là nhân tố, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển du lịch.
Hải Phòng là một trọng điểm quốc gia về phát triển du lịch với nhiều nguồn lực về tự nhiên và văn hóa. Trong đó, với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Hải Phòng đã sử dụng nguồn lực di sản văn hóa phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức, khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, đòi hỏi các cấp quản lý ở Hải Phòng cần phải có chiến lược, hệ thống chính sách quản lý khoa học, đúng đắn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển ngành kinh tế du lịch bền vững.
Di sản văn hóa thành tố cơ bản, nổi bật của nền văn hóa dân tộc Việt Nam; có vai trò rất quan trọng về mặt văn hóa, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Đối với du lịch, di sản văn hóa là nhân tố cơ bản để phát triển du lịch bền vững.
Di sản văn hóa là “nguồn tài nguyên” quý giá của dân tộc để phục vụ phát triển du lịch: Với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, thực sự là “nguồn tài nguyên” văn hóa, nhân văn mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, quốc gia. Để gây dựng hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, các bậc tiền nhân phải mất bao nhiêu tâm huyết, nỗ lực. Vì vậy, di sản văn hóa dân tộc chính là sự kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam. Nguồn tài nguyên di sản văn hóa với nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học giờ đây đã trở thành tài sản, nguồn lực cho đất nước ta; không chỉ đóng góp về giá trị tinh thần, mà còn có thể sử dụng để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Những quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hay những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam như: Hà Nội, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… đều là những nơi có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đóng góp to lớn cho sự phát triển du lịch của các địa phương này.
Di sản văn hóa là phương diện quan trọng thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch: Thông qua hệ thống di sản văn hóa của dân tộc, chúng ta sẽ thấy được bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi vì, di sản văn hóa là sản phẩm có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học; kết tinh từ trí tuệ, tính cách, tâm hồn con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Điển hình, qua các di sản văn hóa của nền văn hóa Đông Sơn, nhất là các bộ sưu tập trống đồng và các tục hèm, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, cho chúng ta có một cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về giá trị, bản sắc của dân tộc Việt Nam ở thời đại vua Hùng; qua đó, đối sánh với những di sản trong nền văn hóa đương đại, chúng ta có thể tìm ra các yếu tố gốc, sự biến đổi văn hóa qua các thời kỳ lịch sử để nhìn nhận đánh giá bản sắc dân tộc Việt Nam hôm nay. Thông qua các di sản văn hóa, du khách nước ngoài cũng như trong nước hiểu hơn về nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, thấy được diện mạo và những giá trị văn hóa tinh túy của dân tộc Việt Nam.
Di sản văn hóa là nguồn vốn quan trọng để hội nhập quốc tế về du lịch: Trong thời đại ngày nay, quá trình giao lưu và hội nhập kinh tế, văn hóa diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, di sản văn hóa còn trở thành một trong những “nguồn vốn” quan trọng của quốc gia để giao lưu và hội nhập tốt với thế giới. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đẩy mạnh việc hội nhập sâu, rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trên lĩnh vực văn hóa, “nguồn vốn” và “công cụ” quan trọng hàng đầu để Việt Nam hội nhập, giao lưu với thế giới chính là thông qua hệ thống di sản văn hóa. Nghĩa là, chúng ta hội nhập quốc tế, tham gia toàn cầu hóa bằng nguồn vốn văn hóa do cha ông để lại, mang cốt cách tinh thần Việt Nam. Trống đồng Ngọc Lũ (thời văn hóa Đông Sơn), chiếc áo dài Việt Nam… có giá trị biểu trưng cho văn hóa dân tộc. Vịnh Hạ Long, khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long… được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng… được ghi vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Những giá trị của các di sản văn hóa này giúp chúng ta tự hào, chủ động và tự tin trong giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.
Hải Phòng là thành phố cảng có vị thế quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quân sự, giao thông vận tải và văn hóa của cả nước. Những năm gần đây, Hải Phòng còn là một trung tâm trong tam giác phát triển các tỉnh phía Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh; là đô thị loại một cấp quốc gia. Mặc dù là một địa danh mới xuất hiện đến nay trên 1 thế kỷ, nhưng trong lòng đất, ngoài bờ biển hay trên đất liền, thành phố Hải Phòng đã và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc cũng như phản ánh những nét riêng của con người Hải Phòng được sản sinh, lưu giữ qua nhiều thế hệ, dọc theo chiều dài lịch sử dân tộc. Những di sản văn hóa phong phú này đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Thành phố. Trong đó, ngành Du lịch cũng đã tiếp cận khai thác phát huy giá trị từ những di sản văn hóa để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, di sản văn hóa Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung đã và đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị. Trên cơ sở những quy định của Nhà nước về công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết về: "Xây dựng và phát triển văn hóa Hải Phòng đến năm 2030" để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội. Trong đó, xác định những định hướng lớn, hoạch định toàn diện cho chiến lược bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Thành phố đã và đang tích cực tranh thủ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trùng tu tôn tạo các di tích có giá trị lớn về nghệ thuật. Các khu di tích tiêu biểu của Thành phố như Dương Kinh nhà Mạc (huyện Kiến Thụy); tháp Tường Long Đồ Sơn, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); di tích danh thắng Tràng Kênh Bạch Đằng, các di tích khảo cổ học và danh thắng trên đảo Cát Bà đang được gấp rút xây dựng quy hoạch tổng thể và có chiến lược đầu tư dài hạn nhằm bảo vệ và phát huy giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thành phố. Đồng thời, Thành phố dành một khoản ngân sách và tập trung chỉ đạo triển khai các công trình nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa lễ hội truyền thống, các bộ môn nghệ thuật dân gian. Một số vấn đề khác cũng đang được tích cực triển khai như hướng dẫn nhân dân tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thực hiện công tác xã hội hóa trùng tu di tích. Với sự phong phú, đa dạng của các di sản văn hóa, cũng như hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành du lịch của Hải Phòng. Nhiều tour du lịch ở trung ương và địa phương đã xây dựng những kịch bản du lịch văn hóa tại Hải Phòng.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Hải Phòng thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, cần phải điều chỉnh và hoàn thiện trong thời gian tới để giúp cho di sản văn hóa thực sự trở thành nhân tố quan trọng phục vụ phát triển du lịch địa phương. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, người dân địa phương và doanh nghiệp du lịch về vai trò của di sản văn hóa, vai trò công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vẫn còn hạn chế. Điều này làm cản trở đối với việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch cho công tác quản lý di sản văn hóa của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, Hải Phòng cần phải tập trung nhiều giải pháp khoa học và đồng bộ. Trong đó, địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính sau đây:
- Xây dựng bộ máy tổ chức, có chương trình hành động, có sự kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch về văn hóa truyền thống.
- Tiến hành các biện pháp bảo vệ di tích, chống xâm phạm đất đai, cảnh quan môi trường, bảo vệ tốt cổ vật trong di tích. Thường xuyên tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích. Quá trình tu bổ cần tôn trọng tính nguyên gốc của di tích. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa và tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
- Tổ chức nghiên cứu và đánh giá nguồn tài nguyên du lịch về di sản văn hóa, xem xét các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các nguồn nhân lực và nguồn khách có nhu cầu. Từ đó, vạch ra các chiến lược trước mắt.
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, sưu tầm tư liệu, hiện vật của từng di tích cụ thể để phục vụ du lịch. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có kiến thức, thành thạo về di sản văn hóa ở Hải Phòng, có khả năng tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn.
- Xây dựng kế hoạch khôi phục một số lễ hội và làng nghề truyền thống; lựa chọn một số làng cổ của một số địa phương, có định hướng bảo tồn.
- Hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tới các di tích trong lịch trình; cắm biển giao thông chỉ dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, tránh mất thời gian do chưa tìm thấy đường đi.
- Có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
- Tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn du lịch đi lại được thuận tiện, tránh hiện tượng chèo kéo khách.
Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đắp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” năm 2014 đã khẳng định vai trò của di sản văn hóa và công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện quan trọng để du lịch phát triển bền vững”. Do vậy, trong nhiều năm qua, Hải Phòng vẫn luôn giành những chính sách ưu tiên cho sự nghiệp bảo tồn những di sản văn hóa quý giá. Đồng thời, khuyến khích ngành Du lịch phối hợp đồng bộ, khai thác để tạo ra sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, trước những thách thức, khó khăn mới nảy sinh cần có sự chung tay, góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương ở Hải Phòng; để di sản văn hóa vừa thực sự góp phần thúc đẩy du lịch Hải Phòng phát triển, nhưng cũng vừa được bảo vệ, bảo tồn một cách bền vững. Qua đó, Hải Phòng có thể xây dựng được thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa uy tín trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
The current cultural heritage management of Hai Phong city and solutions for the city’s tourism development
Master. Hoang Thi Hue
Faculty of Tourism, Hai Phong University
Abstract:
Cultural heritage is a significant element of the traditional Vietnamese culture. The role of cultural heritage is reflected through different aspects of socio-cultural life. Besides creating the diversity of the cultural identity, cultural heritage contributes substantially to the socio-economic development of the country. Hai Phong city considers the tourism is the key industry and the city has a diverse system of cultural heritage which is being rich in cultural, historical and scientific values. The city has great potential for cultural heritage enhancement associated with tourism growth. By analyzing the city’s cultural heritage system, the city’s current cultural heritage management and the city’s tourism development, this study proposes some solutions to improve Hai Phong city’s cultural heritage management and promote the city’s tourism.
Keywords: management, cultural heritage, tourism, Hai Phong city, current situation, solution.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết