TÓM TẮT:
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế quan trọng trong hệ thống thuế của Việt Nam, là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN). Luật Thuế GTGT đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách quản lý thuế ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, các quy định về thuế GTGT cũng bộc lộ nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Nghiên cứu này phân tích một số hạn chế về đối tượng không chịu thuế (KCT), thời hạn nộp thuế, hoàn thuế GTGT và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: hoàn thuế, thời hạn nộp thuế, thuế GTGT.
Thuế GTGT được nghiên cứu từ những năm 1920 ở nhiều quốc gia khác nhau, áp dụng chính thức lần đầu ở Pháp năm 1954 (Thu và ctv., 2008). Do có nhiều ưu điểm trong việc góp phần chống thất thu thuế, tránh đánh thuế trùng lắp, huy động nguồn thu lớn,… nên thuế GTGT nhanh chóng phổ biến ở nhiều nước. Thuế GTGT có mặt ở hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm trên 30% tổng số thu thuế (Pessoa et al., 2021). Giai đoạn 2011-2020, thu thuế GTGT (trừ hoàn) chiếm 24,4% tổng thu NSNN (thu từ sản xuất, tiêu dùng trong nước chiếm 17%) (Tuấn, 2021). Thuế GTGT góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, hỗ trợ đầu tư, xuất khẩu qua quy định hoàn thuế GTGT đầu vào dự án đầu tư và hàng hóa, dịch vụ (HHDV) xuất khẩu, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp để đáp ứng các điều kiện khấu trừ, hoàn thuế. Tuy nhiên, qua quá trình hội nhập quốc tế, cùng những biến chuyển của đời sống, một số quy định về thuế GTGT đã bộc lộ hạn chế, chưa phù hợp với các nguyên tắc chủ đạo của thuế GTGT. Bài viết phân tích một số bất cập và đề xuất, kiến nghị góp phần hoàn thiện thuế GTGT.
Luật thuế GTGT quy định 25 nhóm HHDV thuộc đối tượng KCT thì không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào (trừ thuế suất GTGT 0%) (Quốc hội, 2008), trong đó có phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp,… (Quốc hội, 2014). Quy định này không làm giá thành sản phẩm giảm, mà còn tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Do thuộc đối tượng KCT GTGT nên doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đóng thuế GTGT khi mua HHDV để sản xuất nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm chi phí, giá thành tăng. Doanh nghiệp cũng thiếu động lực để đầu tư đổi mới, nâng cấp máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngược lại, sản phẩm nhập khẩu trước đây vừa chịu thuế nhập khẩu, vừa chịu thuế GTGT thì hiện nay không phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu nên giá thành sản phẩm nhập khẩu giảm.
Dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng KCT GTGT (Quốc hội, 2013). Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (Quốc hội, 2010), thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1606/TCT-DNL xác định kể từ ngày 01/01/2011, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thì L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, nên không thuộc đối tượng KCT GTGT (Tổng cục Thuế, 2020). Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác (Quốc hội, 2010). Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay,… bảo lãnh ngân hàng, cam kết phát hành dưới hình thức L/C và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác (Ngân hàng Nhà nước, 2019). Như vậy, khẳng định L/C là phương tiện thanh toán thuộc đối tượng chịu thuế GTGT chưa chính xác, mà L/C vừa là hoạt động cấp tín dụng, vừa là dịch vụ thanh toán (Bình, H. T., 2021).
Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm thuộc đối tượng KCT GTGT (Bộ Tài chính, 2015). Ví dụ, doanh nghiệp A nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp dây chuyền để vay vốn tại Ngân hàng B, thời gian vay 01 năm. Đến hạn, A không có khả năng trả nợ, bàn giao tài sản cho B. B bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thì tài sản bán ra thuộc đối tượng KCT GTGT (Bộ Tài chính, 2015). Như vậy, chưa có quy định nếu trong thời gian chờ xử lý bán tài sản bảo đảm tiền vay, ngân hàng cho thuê tài sản để thu hồi một phần nợ, hoạt động cho thuê tài sản bảo đảm tiền vay sẽ thuộc đối tượng KCT GTGT. Xét về bản chất, hoạt động cho thuê tài sản bảo đảm của ngân hàng trong thời gian chưa bán được tài sản bảo đảm tiền vay là để thu hồi một phần nợ vay và lãi để giảm rủi ro cho ngân hàng, do đó đây không phải là hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Hàng hóa nhập khẩu viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho Việt Nam thuộc đối tượng KCT GTGT (Quốc hội, 2008) nhưng chưa có quy định chính sách đối với bên nhập khẩu hàng hóa viện trợ là tổ chức, cá nhân trong nước. Khi Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức trong nước nhập khẩu thiết bị y tế tài trợ phòng, chống dịch nhưng khoản tài trợ này chưa được xem là viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại để được miễn thuế GTGT. Để khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tại, thảm họa,… cần có chính sách ưu đãi thuế GTGT dành cho tổ chức, cá nhân trong nước tương tự như tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam.
Hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng KCT GTGT (Quốc hội, 2013). Qua gần 10 năm áp dụng, ngưỡng doanh thu này không còn phù hợp với mức tăng lạm phát, biến động giá tiêu dùng, thu nhập, mức sống người dân.
Trường hợp NNT tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế (HSKT). Trường hợp khai bổ sung HSKT, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp HSKT của kỳ tính thuế có sai, sót (Quốc hội, 2019). NNT phải nộp tiền chậm nộp nếu chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định. NNT khai bổ sung HSKT làm tăng số thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp thêm kể từ ngày kế tiếp là ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp (Quốc hội, 2019). Thời gian tính chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thuế tăng thêm đã nộp vào NSNN (Điều 59 Luật Quản lý thuế) (Quốc hội, 2019). Ví dụ, kỳ tháng 5/2023, NNT phải nộp thuế GTGT là 10 tỷ đồng, thời hạn nộp HSKT và thời hạn nộp thuế là 20/6/2023. Đến ngày 22/6/2023, NNT nộp đủ tiền thuế GTGT vào NSNN, chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định nên phải nộp tiền chậm nộp. Khi đó, tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp (ngày phát sinh tiền chậm nộp là ngày 21/6/2023 nên tiền chậm nộp được tính bắt đầu từ ngày 22/6/2023) đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế đã nộp vào NSNN (nộp tiền vào NSNN ngày 22/6/2023 nên tiền chậm nộp sẽ được tính đến ngày 21/6/2023). Trường hợp này, NNT chậm nộp tiền thuế nhưng không phải nộp tiền chậm nộp hoặc NNT nộp tiền thuế vào ngày 21/6/2023 cũng không bị tính tiền chậm nộp. Điều này không công bằng giữa những NNT nộp thuế đúng hạn. NNT khai bổ sung HSKT giảm số tiền thuế đã được hoàn phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn từ NSNN (Quốc hội, 2019). Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đã được giải quyết hoàn, sau đó, hàng bán bị nước ngoài trả lại một phần hoặc toàn bộ phải khai bổ sung HSKT giảm số tiền thuế được hoàn, nộp lại NSNN tiền thuế GTGT đã hoàn, đồng thời phải nộp tiền chậm nộp tính kể từ ngày nhận được tiền hoàn. Tuy nhiên, tiền chậm nộp tính từ ngày doanh nghiệp nhận được tiền hoàn trả từ NSNN không phù hợp, vì rủi ro hàng xuất khẩu bị trả lại doanh nghiệp không mong muốn, không biết trước được hàng xuất khẩu bị trả lại, khi nào hàng bị trả lại về đến Việt Nam.
Trường hợp NNT đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT HHDV mua vào sử dụng cho đầu tư chưa được khấu trừ còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT (Quốc hội, 2016). Luật Thuế GTGT quy định hoàn thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới. Dự án đầu tư gồm nhiều hình thức như đầu tư mới, mở rộng,… (Quốc hội, 2020b). Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định hoàn thuế GTGT đầu vào dự án đầu tư cho cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư và đang hoạt động có dự án đầu tư mới tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi đóng trụ sở chính (Chính phủ, 2016). Thông tư số 130/2016/TT-BTC quy định hoàn thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư cho cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư; đang hoạt động có dự án đầu tư mới tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở chính; đang hoạt động có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố (không phân biệt dự án đầu tư mới hay mở rộng) (Bộ Tài chính, 2016). Như vậy, cùng vấn đề hoàn thuế GTGT đầu vào dự án đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật quy định không thống nhất. Thông tư cho hoàn thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mở rộng cùng tỉnh/thành phố vượt quy định của Luật Thuế GTGT (đầu tư mới).
Nghị định số 49/2022/NĐ-CP và Thông tư số 13/2023/TT-BTC quy định cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (bao gồm cả cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư) có dự án đầu tư mới (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư) theo quy định của Luật Đầu tư tại địa bàn cùng tỉnh, thành phố hoặc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính (trừ một số trường hợp) đang trong giai đoạn đầu tư, có số thuế GTGT đầu vào của HHDV phát sinh trong giai đoạn đầu tư lũy kế chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên được hoàn thuế GTGT. NNT kê khai thuế GTGT riêng đối với dự án đầu tư và phải bù trừ số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất - kinh doanh đang thực hiện (nếu có), sau bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào lũy kế chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT (Chính phủ, 2022; Bộ Tài chính, 2023). Các sửa đổi này phù hợp với quy định của Luật Thuế GTGT, khắc phục những bất cập của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Thông tư số 130/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, nhiều NNT sản xuất hàng xuất khẩu, có dự án đầu tư mở rộng, mua lại tài sản, máy móc thiết bị của doanh nghiệp khác để phát triển sản xuất - kinh doanh và có dự án đầu tư mở rộng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC đã kê khai thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện khấu trừ của dự án đầu tư mở rộng vào tờ khai 02/GTGT để xin hoàn thuế GTGT đầu vào dự án đầu tư mở rộng. Do bất cập trong quy định hoàn thuế GTGT dự án đầu tư nên thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mở rộng này chưa được giải quyết hoàn. Số thuế GTGT trên tờ khai 02/GTGT đủ điều kiện khấu trừ nhưng không được hoàn nên chỉ kết chuyển sang tờ khai 01/GTGT khấu trừ tiếp. Mặc dù NNT chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nhưng thuế GTGT của dự án đầu tư mở rộng khi kết chuyển sang tờ khai 01/GTGT không thể tính phân bổ để hoàn thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu vì không thuộc kỳ hoàn xuất khẩu. NNT sẽ rất khó khăn về vốn, vì thuế GTGT đầu vào đã nộp rất lớn ở giai đoạn đầu tư mở rộng, thuế GTGT đầu ra lại rất ít vì chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu (0%). Nếu không kê khai vào tờ khai 02/GTGT để hoàn đầu tư mở rộng (hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện khấu trừ) thì đã có thể kê khai vào tờ khai 01/GTGT để hoàn xuất khẩu (hoàn thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu trong kỳ).
NNT nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi doanh nghiệp có thuế GTGT nộp thừa hoặc thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết (Quốc hội, 2013). Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thành cổ phần, cổ phần thành TNHH một thành viên, cổ phần thành TNHH hai thành viên trở lên thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động, nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi (Quốc hội, 2020a). Công ty chuyển đổi kế thừa thuế GTGT nộp thừa hoặc thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết của doanh nghiệp bị chuyển đổi, trong khi Luật Thuế GTGT cho hoàn thuế GTGT nộp thừa, hoặc thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết cho doanh nghiệp bị chuyển đổi.
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng KCT GTGT theo hướng đối với HHDV không nhập khẩu, trong nước tự sản xuất, cung ứng tiêu dùng thì duy trì KCT GTGT; đối với HHDV nhập khẩu nên chuyển sang mức thuế suất GTGT phù hợp (Minh, 2023). Thu hẹp đối tượng KCT và chịu thuế suất GTGT 5%, tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT. Chuyển HHDV như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp,… từ KCT sang chịu thuế GTGT để NNT khấu trừ thuế GTGT đầu vào, không phải tính vào chi phí giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, giá thành giảm, tăng sức cạnh tranh. Đối với L/C, cần quy định L/C thuộc đối tượng KCT. Đối với trường hợp cho thuê tài sản bảo đảm tiền vay trong thời gian chờ xử lý bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay, cần có quy định về doanh thu cho thuê tài sản bảo đảm tiền vay thuộc đối tượng KCT GTGT trong trường hợp doanh thu này bằng hoặc thấp hơn khoản nợ tiền vay và lãi mà ngân hàng cần thu hồi. Trường hợp doanh thu cho thuê tài sản bảo đảm tiền vay lớn hơn khoản nợ tiền vay và lãi mà ngân hàng cần thu hồi thì phần chênh lệch vượt quá khoản nợ tiền vay và lãi thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Đối với hàng hóa do tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để tài trợ, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai,… cần bổ sung quy định các khoản tài trợ, ủng hộ này được miễn thuế GTGT. Ngưỡng doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng KCT GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung theo hướng không nên quy định cứng một ngưỡng doanh thu mà nên điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của từng giai đoạn.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định thời gian tính tiền chậm nộp theo hướng tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp HSKT đến ngày người nộp thuế (NNT) nộp số tiền nợ thuế, tiền thuế tăng thêm vào NSNN thay vì được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày tiền nợ thuế, tiền thuế tăng thêm đã nộp vào NSNN như hiện nay. Luật Quản lý thuế quy định NNT phải nộp tiền chậm nộp nếu có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn, trong khi thời gian tính tiền chậm nộp ít hơn so với quy định trước đây 02 ngày. Vì vậy, Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019 cần được sửa đổi để tạo công bằng cho những NNT chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế. Trường hợp NNT khai bổ sung, tự nộp lại số tiền thuế GTGT đã hoàn cho hàng xuất khẩu bị trả lại được xem là tiền chậm nộp nên được tính từ ngày hàng hóa bị trả lại về đến cửa khẩu ở Việt Nam thay vì được tính kể từ ngày NNT nhận được tiền hoàn trả từ NSNN như hiện nay, tức là không hồi tố thời gian tính tiền chậm nộp. Điều này góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho NNT theo hướng “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thứ ba, cần sớm có hướng dẫn cho NNT chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, có dự án đầu tư mở rộng, mua lại tài sản, máy móc thiết bị của doanh nghiệp khác. NNT này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư mở rộng, đã kê khai thuế GTGT đầu vào dự án đầu tư mở rộng trên tờ khai 02/GTGT nhưng chưa được hoàn thuế theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC thực hiện các thủ tục để kết chuyển số thuế GTGT đầu vào này sang tờ khai 01/GTGT để tính phân bổ hoàn thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu. Mặc dù số thuế GTGT được hoàn sẽ thấp hơn nhưng sẽ giải quyết được tình trạng số thuế GTGT HHDV đầu vào của dự án đầu tư mở rộng đang bị nhà nước chiếm giữ trên tờ khai 02/GTGT. Việc hoàn thuế GTGT giai đoạn đầu tư nên thực hiện đồng bộ cho cả doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng, và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ở cùng tỉnh/thành phố hoặc khác tỉnh/thành phố, miễn là đáp ứng điều kiện có số thuế GTGT đầu vào phục vụ cho đầu tư chưa được khấu trừ hết đạt tới một ngưỡng nhất định, đảm bảo các điều kiện khác về hoàn thuế. Việc này giúp nhà đầu tư cải thiện dòng tiền, khuyến khích tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu. Cần bỏ quy định hoàn thuế GTGT trường hợp NNT có thuế GTGT nộp thừa hoặc thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết khi chuyển đổi công ty TNHH thành cổ phần, cổ phần thành TNHH một thành viên, cổ phần thành TNHH hai thành viên trở lên để đồng bộ với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.
GTGT là sắc thuế gián thu có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Mặc dù qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nhưng thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn những bất cập, chưa phù hợp với các nguyên tắc của thuế GTGT về đối tượng KCT, thời hạn nộp thuế, hoàn thuế. Những bất cập này cần được hoàn chỉnh kịp thời để góp phần tháo gỡ khó khăn cho NNT, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, bình đẳng để ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao mức đóng góp của thuế GTGT cho NSNN. Việc sửa đổi, bổ sung thuế GTGT phù hợp với thông lệ quốc tế là yêu cầu cấp thiết để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của thuế GTGT trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế. Để đạt được mục tiêu hoàn thiện thuế GTGT, đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế, cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tổng kết kết quả đã đạt được trong việc thực thi thuế GTGT, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phân tích, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của thuế GTGT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
The Law on VAT in Vietnam: Some limitations and recommendations
Nguyen Minh Triet1
Tran Ai Tien2
1Student, ED2220X1 Accounting Class, Cooperative Training Center, Can Tho University
2Faculty of Accounting - Finance, Van Hien University
ABSTRACT:
Value-added tax (VAT) is a noteworthy levy and one of the prime sources of revenues for the Vietnamese state budget. The Law on VAT marked a turning point in Vietnam’s tax administration policy by addressing the needs for socio-economic development during the country’s industrialization, modernization, and global economic integration processes. However, after several amendments and supplements, the regulations on VAT have deficiencies that must be fixed. This paper analyzes the limitations of the Law on VAT in terms of non-taxable objects, tax payment deadlines, and refunds. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to strengthen Vietnam’s VAT legislative framework.
Keywords: tax refund, tax payment deadlines, VAT.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết