Báo cáo tài chính được xem là nguồn cung cấp thông tin về tình hình tài chính và kinh doanh quan trọng cho nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đối tượng quan tâm khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiện tượng gian lận trong trình bày thông tin trên báo cáo tài chínhcủa các công ty niêm yết xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới sự thiếu tin tưởng của những người sử dụng báo cáo tài chính để ra quyết định kinh doanh. Do vậy, việc xác định các phương pháp để đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế cần được chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có lộ trình bắt buộc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - IFRS sau năm 2025.
Hiện nay trên thế giới, khái niệm cũng như việc đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính được các nhà nghiên cứu nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu đều đo lường chất lượng báo cáo tài chính một cách gián tiếp thông qua các hành vi như: quản trị lợi nhuận (Earning Managenent), công bố lại báo cáo tài chính (Financial Restatement), hành vi gian lận báo cáo tài chính (Financial Statement Fraud). Tuy nhiên, chất lượng thông tin báo cáo tài chính ở đây chỉ xem xét chủ yếu ở góc độ các thông tin tài chính. Trong khi đó, thông tin báo cáo tài chính hiện nay không chỉ dừng lại ở ý nghĩa truyền thống, mà được hiểu theo khái niệm rộng hơn. Bên cạnh các thông tin tài chính, nhằm hướng đến sự hữu ích cho quá trình ra quyết định của người sử dụng thông tin báo cáo tài chính, đặc biệt là các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, báo cáo tài chính còn phải cung cấp những thông tin phi tài chính, như: báo cáo và phân tích của nhà quản lý, báo cáo kiểm toán và các báo cáo khác.
Phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính thông qua đặc điểm chất lượng nhằmđánh giá các khía cạnh, kích thước của thông tin tài chính và thông tin phi tài chính, từ đó xác định tính hữu ích của thông tin. Trong phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo đặc điểm chất lượng, chất lượng báo cáo tài chính được đánh giá dựa trên các thang đo được xây dựng dựa trên các đặc điểm chất lượng của Hội đồng tiêu chuẩn Kế toán Tài chính (FASB), đó là 2 đặc điểm cơ bản: thích hợp và đáng tin cậy; và 2 đặc điểm thứ yếu gồm nhất quán và có thể so sánh được. Còn theo Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), các đặc điểm chất lượng trên báo cáo tài chính gồm: có thể hiểu được, thích hợp, đáng tin cậy và có thể so sánh được. Theo Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13 và Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01, những thuộc tính của chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính là trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, có thể so sánh và kiểm chứng được. Riêng đối với doanh nghiệp niêm yết, báo cáo tài chính cần phải rõ ràng, đầy đủ các thông tin đặc thù như phân phối lợi nhuận, thặng dư vốn cổ phần, cổ phiếu quỹ và lãi cơ bản trên cổ phiếu.
Ưu điểm của phương pháp này là đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính một cách trực tiếp. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là việc khó xác định thang đo cho các đặc điểm chất lượng; mặt khác, đánh giá dựa trên cơ sở thang đo dẫn đến kết quả thu thập được có độ tin cậy không cao, mang tính chất cảm tính cao vì phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đánh giá, không phản ánh đúng thực trạng chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính mà các công ty đã công bố.
Có nhiều nghiên cứu trước đây đã sử dụng phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo đặc điểm chất lượng như trên. Các nghiên cứu này xoay quanh những vấn đề như đánh giá các đặc điểm chất lượng, các nhân tố ảnh hưởng đến đặc điểm chất lượng hay các đặc điểm chất lượng trên khía cạnh quan điểm của người sử dụng nói chung hay kiểm toán viên, nhà đầu tư nói riêng…
Nghiên cứu đầu tiên tác giả muốn đề cập đến là nghiên cứu của Beest và các cộng sự (2009). Nghiên cứu này đánh giá định lượng các đặc điểm chất lượng của báo cáo tài chính dựa trên các đặc điểm cơ bản và các đặc điểm bổ sung. Nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu từ 231 báo cáo tài chính của các công ty niêm yết ở các sàn chứng khoán ở Mỹ, Anh và Hà Lan năm 2005 - 2007, sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá 21 chỉ tiêu chất lượng chi tiết. Các đặc điểm chất lượng được ước lượng mức độ thông qua các chỉ tiêu cấu thành dựa trên thang đo năm mức độ Likert. Hơn nữa, nghiên cứu của Beest và các cộng sự còn tiến hành xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính. Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy nhằm kiểm định các hệ số hồi quy, phương trình hồi quy, hiện tượng đa cộng tuyến giữa các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính. Nghiên cứu này cũng góp phần cải thiện việc đánh giá các đặc điểm chất lượng của thông tin và đưa ra các giải pháp cần thiết.
Beest và Braam (2011) tiếp tục có một nghiên cứu về đặc điểm chất lượng, nhưng lần này nghiên cứu tập trung vào sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của Anh và Mỹ. Nghiên cứu được xây dựng trên 31 nhân tố dựa trên các đặc điểm chất lượng và tiến hành lấy mẫu khảo sát từ 71 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ở Anh và 71 báo cáo khác ở Mỹ trong năm 2009. Kết quả cho thấy: nhìn chung, báo cáo của Anh thích hợp, trình bày trung thực và dễ hiểu hơn so với báo cáo của Mỹ. Tuy nhiên, các báo cáo của Mỹ có khả năng so sánh được cao hơn các báo cáo của Anh.
Tiếp cận theo một hướng khác, nghiên cứu của Saheli & Nassirzadeh (2012) chỉ ra sự khác nhau giữa các quan điểm về đặc điểm chất lượng trên nhiều khía cạnh tiếp cận. Nghiên cứu cung cấp những thống kê thực nghiệm từ việc khảo sát các nhà đầu tư ở Iran về các đặc điểm chất lượng - những người có hiểu biết về kế toán và không có hiểu biết về kế toán.
Cùng cách tiếp cận, Terzungwe (2013) đã nghiên cứu ý kiến về chất lượng báo cáo tài chính ở Nigeria của các đối tượng liên quan đến báo cáo tài chính. Terzungwe (2013) lấy kết quả thống kê từ 100 bảng khảo sát và phân tích thống kê về ý kiến đã được cung cấp. Các nhà nghiên cứu không chỉ nghiên cứu các đặc điểm theo cách nhìn của đối tượng liên quan nói chung mà còn trên những của góc nhìn riêng của các đối tượng như kế toán viên, kiểm toán viên, các nhà đầu tư,...
Tasios (2012) đã thực hiện nghiên cứu của mình thông qua việc tiếp cận ý kiến từ 10 kiểm toán viên đối với các đặc điểm chất lượng. Quá trình thu thập ý kiến được tiến hành rất cẩn thận từ việc xây dựng bảng câu hỏi đến việc xử lý số liệu. Nghiên cứu đã khẳng định tầm quan trọng của các đặc điểm chất lượng đối với kiểm toán viên ở Hy Lạp. Kết quả cho thấy, tất cả các đặc điểm chất lượng đều ảnh hưởng đến các quyết định và tồn tại sự khác nhau trong ý kiến của kiểm toán viên, nhà đầu tư về mức độ quan trọng của các nhân tố chất lượng.
Như vậy, không nhằm vào các mục đích đo lường chất lượng lợi nhuận, đánh giá các yếu tố chi tiết của báo cáo tài chính, mục đích hướng đến của phương pháp trên là đánh giá mức độ hữu ích của thông tin thông qua các đặc điểm chất lượng. Lợi ích có được từ phương pháp là sự tập trung nghiên cứu vào các đặc điểm chất lượng, trong khi các mô hình khác tập trung vào các khía cạnh của việc quản trị lợi nhuận hay giá cả của cổ phiếu. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là khó xác định thang đo cho các đặc điểm chất lượng, đồng thời, chính vì đánh giá này dựa trên cơ sở thang đo nên có hạn chế là kết quả thu thập được không có độ tin cậy cao, vì nó phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người đánh giá và mang tính cảm tính cao như người đánh giá này cho điểm chỉ tiêu này đối với báo cáo tài chính cao, nhưng có thể theo quan điểm của người khác là chưa cao.
Phương pháp này đo lường chất lượng báo cáo tài chính thông qua việc đánh giá kết quả phân tích các thông tin về lợi nhuận trên các báo cáo tài chính đã được công bố của các công ty niêm yết (các thông tin thứ cấp). Để thực hiện đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo chất lượng lợi nhuận, các nghiên cứu trước đây thường phân tích dựa trên biến kế toán dồn tích và dựa trên giá trị thích hợp của thông tin kế toán.
Theo Chuẩn mực kế toán số 01 - Chuẩn mực chung, nguyên tắc cơ sở dồn tích được định nghĩa như sau: “Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai”. Kế toán doanh nghiệp dựa trên cơ sở dồn tích nên lợi nhuận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là lợi nhuận dồn tích. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo cơ sở tiền - nghĩa là nhà quản trị chỉ được ghi nhận khi có số tiền thực thu và thực chi, không thể điều chỉnh thời điểm ghi nhận giao dịch. Chính vì vậy, hai biến này có độ chênh lệch. Độ lệch này chính là biến kế toán dồn tích. Hay nói cách khác, biến kế toán dồn tích là phần lợi nhuận kế toán không bằng tiền được trình bày trong báo cáo tài chính.
Trong khi đó, giá trị thích hợp của thông tin kế toán được hiểu theo các quan điểm khác nhau bao gồm: quan điểm phân tích cơ bản, quan điểm dự đoán, quan điểm thông tin và quan điểm đo lường để tiếp tục làm rõ ý nghĩa của các khái niệm giá trị thích hợp. Nếu diễn giải theo quan điểm phân tích cơ bản, thông tin kế toán được cho là có giá trị thích hợp nếu nó gây ra những thay đổi trong xu hướng giá cổ phiếu thông qua giá trị vốn có của nó trong một cách tương tự và ở cùng hướng với giá thị trường. Còn nếu theo quan điểm dự đoán, thông tin có giá trị thích hợp nếu nó có những giá trị được xem là phù hợp cho việc đánh giá giá trị tương lai của các doanh nghiệp và tiên đoán lợi nhuận của những năm tới. Theo quan điểm thông tin và đo lường, thông tin kế toán là thích hợp nếu có tồn tại một mối quan hệ thống kê giữa các thông tin tài chính với giá hoặc tỷ suất sinh lợi. Các cách giải thích thứ ba và thứ tư cho rằng thông tin kế toán có giá trị thích hợp khi nó có mối quan hệ thống kê giữa các thông tin kế toán công bố trong báo cáo tài chính và giá thị trường hoặc lợi nhuận của cổ phiếu.
Ưu điểm của phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo chất lượng lợi nhuận đó là thông tin có thể thu thập trực tiếp trên báo cáo tài chính của các công ty niêm yết hoặc các website của các công ty. Việc đánh giá chất lượng báo cáo tài chính theo chất lượng lợi nhuận đem lại kết quả có độ tin cậy cao hơn so với phương pháp đo lường chất lượng báo cáo tài chính theo đặc điểm chất lượng nói trên, ít phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đánh giá, bám sát theo thông tin trên báo cáo tài chính thực tế đã được công bố. Tuy vậy, phương pháp này có hạn chế chỉ tập trung vào lợi nhuận để đánh giá về chất lượng thông tin báo cáo tài chính mà bỏ qua các thông tin khác như thuyết minh báo cáo tài chính và các thông tin phi tài chính khác.
Trên thế giới, nghiên cứu “Audit committee, board characteristics and quality of financial reporting: An empirical research on Chinese securities market” của Qinghua et al. (2007) đã nghiên cứu mẫu gồm 1192 công ty trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2002 để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính. Các tác giả nghiên cứu chất lượng báo cáo tài chính thông qua quản trị lợi nhuận được đo lường bằng mô hình Jones điều chỉnh, sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả và hồi quy đa biến để phân tích các nhân tố. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Tính độc lập của Ban Giám đốc (BGĐ) là nhân tố chính có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính, Ban Giám đốc có tính độc lập càng cao thì báo cáo tài chính càng có chất lượng cao; (2) Các nhân tố thuộc nhóm đặc điểm chuyên gia của Hội đồng Quản trị là rất cần thiết cho việc giám sát hiệu quả và chất lượng của báo cáo tài chính; (3) Các nhân tố đặc điểm hành vi của Hội đồng Quản trị (HĐQT), tính thường xuyên các cuộc họp, không có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng báo cáo tài chính của các công ty được nghiên cứu.
Nghiên cứu “Board Characteristics and Financial Reporting Quality among Jordanian Listed Companies: Proposing Conceptual Framework” của tác giả Ebraheem Alzoubi (2012) đã sử dụng quản trị lợi nhuận để đánh giá chất lượng báo cáo tài chính và đưa ra khung nghiên cứu về mối liên hệ của các đặc điểm của BGĐ với quản trị lợi nhuận. Tác giả tóm tắt các nghiên cứu trước đây và đưa ra khung nghiên cứu gồm có các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận gồm có: Tính độc lập của BGĐ, sự kiêm nhiệm của CEO, chuyên môn tài chính của HĐQT, Quy mô HĐQT, Các cuộc họp của HĐQT.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về phương pháp đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính thông qua chất lượng lợi nhuận có thể kể đến như:
- Nghiên cứu của Nguyễn Phương Hồng & Dương Thị Khánh Linh (2014): trên cơ sở tổng quát các đặc điểm về chất lượng thông tin báo cáo tài chính được ban hành bởi IASB & FASB, nhóm tác giả đã tiến hành thực hiện 137 mẫu khảo sát. Thang đo chất lượng báo cáo tài chính của nghiên cứu bao gồm 6 thành phần: Thích hợp; Trình bày trung thực; Có khả năng so sánh; Có thể kiểm chứng; Kịp thời; Có thể hiểu được. Kết quả cho thấy các thành phần thuộc tính chất lượng thông tin báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trung bình từ 2,79 đến 3,45.
- Luận án của Nguyễn Trọng Nguyên (2016) tập trung khảo sát Báo cáo thường niên và báo cáo tài chính quý 4 của 195 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012. Để đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính, luận án sử dụng 16 thang đo chính thức, bao gồm 5 thang đo đặc tính thích hợp, 5 thang đo đặc tính trình bày trung thực, 3 thang đo đặc tính dễ hiểu, 2 thang đo đặc tính có thể so sánh và 1 thang đo đặc tính kịp thời. Luận án sử dụng thang đo Likert 5 bậc để đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính cho từng doanh nghiệp niêm yết với mức điểm thấp nhất là 16 và cao nhất là 80. Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm trung bình chất lượng thông tin báo cáo tài chính của 195 công ty niêm yết của năm tài chính 2012 là 35,9846, trong đó mức điểm thấp nhất là 20 và cao nhất là 66. Chỉ có 18 doanh nghiệp đạt mức khá, 19 doanh nghiệp đạt mức trung bình, còn lại 158 doanh nghiệp đạt mức yếu, kém.
Mục đích của việc lập và trình bày báo cáo tài chính để cung cấp thông tin tài chính hữu ích về đơn vị báo cáo cho các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, các bên cho vay và các chủ nợ trong việc ra quyết định về cung cấp nguồn lực cho đơn vị. Do đó, chất lượng thông tin báo cáo tài chính ảnh hưởng nhiều đến quyết định chiến lược của nhà quản trị, cũng như của nhà đầu tư. Bài viết này hệ thống lại các phương pháp đo lường chất lượng thông tin báo cáo tài chính đã được áp dụng cũng như phân tích ưu, nhược điểm của từng phương pháp, nhằm giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng quát và lựa chọn phương pháp phù hợp với mục đích của họ.
LỜI CẢM ƠN:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đề tài mã số: DT22-23.100.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
An overview on methods for measuring the information quality of financial statements
Master. Dinh Thi Thu Ngan
Faculty of Management - Finance, Vietnam Maritime University
Abstract:
The information quality of financial statements is always a matter of great interest to users. A quality financial statement would well meet the management requirements of business owners and state agencies, and provide useful information for stakeholders to make effective economic decisions. However, it is difficult to directly assess the information quality of financial statements. This paper presents methods measuring the quality of financial statements, pointed out the advantages and disadvantages of each method, and reviews both foreign and domestic studies on the methods for assessing the quality of financial statementss.
Keywords: information quality, financial reporting, quality measurement method.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết