TÓM TẮT
Sau gần 10 năm thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ và hơn 5 năm thực hiện tự chủ đại học (TCĐH) theo Luật số 34/2018/QH14 cho thấy, TCĐH đã giúp các trường đại học công lập (ĐHCL) trực thuộc Bộ Công Thương chủ động quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, thực hiện TCĐH vẫn còn khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách cho đến triển khai thực hiện. Bài viết tập trung đánh giá thực tiễn TCĐH tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, làm cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện TCĐH ở Việt Nam.
Từ khóa: tự chủ đại học, giáo dục đại học, đại học công lập, trường đại học công lập thuộc Bộ Công Thương.
Trên thế giới, TCĐH là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với các cơ sở GDĐH theo hướng giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các cơ sở GDĐH. Ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Đức hay Nhật Bản, TCĐH được thực hiện cách đây nhiều thập kỷ và đã trở thành các quốc gia điển hình cho nền giáo dục mở, chất lượng trên thế giới.
Ở Việt Nam, TCĐH đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ hệ thống GDĐH vận hành theo mệnh lệnh và chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đến nay quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH được mở rộng thông qua việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực hiện TCĐH theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH ngày 19/11/2018 (Luật số 34/2018/QH14) vừa là mục tiêu, là động lực cho các cơ sở GDĐH phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
Đối với các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, tiền thân từ các trường công nhân, trung cấp, cao đẳng lâu đời ở Việt Nam được nâng cấp lên đại học giai đoạn 2004-2011. Vì vậy, nền tảng đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm quản trị đại học còn những hạn chế nhất định. Thực hiện TCĐH đã tạo cơ hội cho các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương chủ động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản hiệu quả và tăng nguồn thu ngoài NSNN. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện TCĐH vẫn còn vướng mắc, bất cập cả về pháp lý và năng lực của các trường. Với các lý do nêu trên, tác giả nhận thấy cần nghiên cứu sâu hơn về TCĐH và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thực hiện TCĐH tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện TCĐH thực chất và hiệu quả ở Việt Nam.
TCĐH là một khái niệm phát sinh cùng với sự ra đời của GDĐH, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với các cơ sở GDĐH theo xu hướng giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các cơ sở GDĐH. Thực tiễn cho thấy, có nhiều cách hiểu khác nhau về TCĐH tùy thuộc vào trình độ phát triển và nhận thức của mỗi quốc gia về vai trò của giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng. Theo Berdahl, Graham và Piper (1971), “TCĐH là quyền lực của nhà trường được tự điều khiển việc vận hành của mình mà không bị kiểm soát từ bên ngoài” [6]. Theo Anderson and Johnson (1998), “TCĐH là sự tự do của một cơ sở GDĐH trong việc điều hành các công việc của nó mà không có sự chỉ đạo hoặc tác động từ bất cứ cấp chính quyền nào” [7].
Hiệp hội Quốc tế các cơ sở GDĐH (International Association of Universities - IAU) trong tuyên bố về tự do học thuật, TCĐH và trách nhiệm xã hội (1998), cho biết, “TCĐH được hiểu là mức độ độc lập cần thiết đối với sự can thiệp bên ngoài mà cơ sở GDĐH cần có trong tổ chức và quản trị nội bộ, trong phân bổ nội bộ các nguồn lực tài chính và huy động thu nhập từ các nguồn ngoài ngân sách, trong tuyển dụng giảng viên, trong quy định các điều kiện học tập và cuối cùng trong việc tự do giảng dạy và nghiên cứu” [9]. Theo Phạm Phụ (2016), “TCĐH phản ánh mối quan hệ giữa cơ sở GDĐH và Chính phủ, mức độ can thiệp của Chính phủ vào những vấn đề khác nhau của cơ sở GDĐH” [4].
TCĐH thể hiện khả năng chủ động của các cơ sở GDĐH trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược của mình mà không bị ràng buộc bởi các quy định và quản lý hành chính của Nhà nước nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động, bao gồm các thành tố sau:
- Tự chủ học thuật: Là giá trị cốt lõi của TCĐH, các cơ sở GDĐH tự quyết định các hoạt động học thuật và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, nội dung chương trình, giáo trình; các chuẩn mực học thuật, tiêu chuẩn văn bằng, kiểm định chất lượng và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
- Tự chủ tài chính: Cơ sở GDĐH tự đảm bảo các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; tự quyết định và chủ động khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai; cân đối các nguồn tài chính nhằm đảm bảo hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật.
- Tự chủ tổ chức và quản lý: Cơ sở GDĐH tự quyết định và chủ động xây dựng chiến lược phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, tuyển dụng, bổ nhiệm và chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động.
Dựa vào mức độ kiểm soát của nhà nước đối với các cơ sở GDĐH, World Bank (2008) trong Báo cáo về xu hướng toàn cầu trong quản trị đại học đã đưa ra 4 mô hình TCĐH khác nhau, từ mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) ở Malaysia, đến các mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) ở Pháp và New Zealand, mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore và mô hình độc lập (independent) ở Mỹ, Anh, Úc.
Đối với mô hình Nhà nước kiểm soát, các cơ sở GDĐH vẫn được hưởng mức độ tự chủ nhất định vì những lý do tài chính và thực tiễn, Nhà nước không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở GDĐH. Ngược lại, mô hình độc lập vẫn có những mặc định về quyền quản lý của Nhà nước thông qua các công cụ gián tiếp như quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH, chính sách, chiến lược phát triển, yêu cầu các cơ sở GDĐH có trách nhiệm minh bạch thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình.
Thực tiễn cho thấy, TCĐH giúp cho các cơ sở GDĐH vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động GDĐH.
Trong giai đoạn 2015-2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014. Trong đó, có 05/09 trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, bao gồm: Đại học Công nghiệp TP. HCM, Đại học Công Thương TP. HCM, Đại học Điện lực, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội.
- Tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thành lập mới một số đơn vị thuộc, trực thuộc đáp ứng yêu cầu phát triển, sáp nhập, giải thể, đổi tên các đơn vị không còn phù hợp. Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý và chuyển đổi mô hình quản trị đại học theo hướng phân cấp mạnh cho các đơn vị thuộc, trực thuộc nhằm phát triển các chương trình đào tạo mới, đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
- Thúc đẩy các trường thành lập Hội đồng trường (HĐT) theo Luật số 34/2018/QH14, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (100% trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương đã thành lập HĐT). Kiện toàn chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐT, ban hành quy chế làm việc của HĐT. Ban hành hệ thống văn bản quản lý phù hợp với cơ chế TCĐH theo Luật số 34/2018/QH14, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
- Số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ tăng qua các năm. Trong giai đoạn 2018-2023, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ tăng từ 20,5% lên 31%. Ngoài ra, hình thành cơ cấu nhân lực của các trường phù hợp hơn, lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống. Tỷ lệ giảng viên trên tổng số viên chức, người lao động chiếm trên 70%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của mỗi trường.[A1] [Tổng hợp báo cáo năm học của các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương]
- Theo kết quả khảo sát, bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới theo hướng liên ngành, xuyên ngành, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong nước và ngoài nước, các trường đã tích cực rà soát, điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu của xã hội. Đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo bằng tiếng Anh và liên kết đào tạo với các cơ sở GDĐH ở nước ngoài.
- Bên cạnh đó, các trường chủ động quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả khoa học và công nghệ. Số lượng công bố khoa học trong nước và quốc tế, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng dần qua các năm. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của ngành công thương và đất nước.
- Ngoài ra, thúc đẩy các trường triển khai kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham gia kiểm định chất lượng quốc tế uy tín như tham gia vào các bảng xếp hạng đại học (Bảng xếp hạng QS hoặc THE) hoặc các chương trình kiểm định chất lượng uy tín của khu vực và quốc tế như AUN-QA, ABET...
- Mặc dù nguồn NSNN cắt giảm nhưng tổng doanh thu của các trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ vẫn tăng qua các năm. Kết quả khảo sát cho thấy, các trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ có quy mô nguồn thu sự nghiệp lớn, trên 700 tỷ VNĐ/năm và tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trước khi thực hiện TCĐH. Đây là cơ sở để các trường tăng cường cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho đội ngũ viên chức và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đối với các trường chưa tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ, quy mô nguồn thu sự nghiệp không lớn, dưới 100 tỷ đồng/năm và tăng trưởng không đáng kể qua các năm.
- Theo kết quả khảo sát cho thấy, so với trước khi thực hiện tự chủ, tổng chi của các trường đã tăng lên, tăng chi hoạt động chuyên môn thông qua việc triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng đào tạo như ABET, CDIO, kiểm định chất lượng, khảo thí, tiếng Anh…; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị… phục vụ hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động quản lý; tăng thu nhập cho viên chức, người lao động. Kết quả khảo sát cho thấy 85,6% ý kiến cho rằng thực hiện TCĐH đã tác động tích cực đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương.[A3]
Thực hiện TCĐH tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên việc triển khai còn gặp một số khó khăn, bất cập , cụ thể:
- Luật số 34/2018/QH14 đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện TCĐH. Tuy nhiên, do Luật số 34/2018/QH14 đồng thời và trực tiếp điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự… mà các quy định pháp luật chuyên ngành như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Viên chức… chưa được sửa đổi kịp thời, đồng bộ đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc và làm giảm hiệu quả thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH. Ví dụ: Điểm g khoản 2 Điều 16 Luật 34/2018/QH14 quy định thẩm quyền và trách nhiệm của HĐT “Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;…”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định đơn vị sự nghiệp công lập phải “Lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan người có thẩm quyền quyết định”, điều này dẫn đến sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện.
- Mô hình quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại song song HĐT và Đảng ủy cùng định hướng và giám sát toàn bộ hoạt động của các cơ sở GDĐH nhưng chưa có quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ giữa Đảng ủy, HĐT và Ban giám hiệu để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDĐH trong quá trình tổ chức thực hiện TCĐH. Vai trò giám sát thực hiện các quyết nghị của HĐT chưa hiệu quả, chủ yếu xem xét các báo cáo mà chưa đưa ra ý kiến phản biện hoặc thẩm định.
- Mức học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ các chi phí đào tạo cần thiết, đặc thù đào tạo của từng ngành, nghề và chưa gắn với chất lượng sản phẩm đầu ra, thương hiệu của cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, chính sách học phí và cơ chế phân bổ NSNN chưa có sự gắn kết để thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng sinh viên diện chính sách, sinh viên theo cơ chế đặt hàng đào tạo ở các ngành ít hấp dẫn, không thu hút được người học nhưng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các quy định về việc liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả NCKH của các cơ sở GDĐH còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Nguồn thu sự nghiệp của các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí chiếm tỷ lệ rất lớn, dao động từ 80-90%. Trong khi, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động chính, quan trọng của các trường nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. Ngoài ra, do các trường bị ràng buộc pháp lý trong quyền sở hữu của nhà nước nên việc sử dụng vốn, tài sản trở thành tài sản đảm bảo để tiếp cận vốn vay hoặc định giá góp vốn trong hoạt động liên doanh, liên kết mang lại nguồn thu còn hạn chế.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và các quy định pháp luật quan liên, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy TCĐH đi vào thực chất, nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương, như sau:
- Xây dựng hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước về TCĐH đồng bộ, rõ ràng: Thực tế hiện nay, chính sách, pháp luật về TCĐH chưa đồng bộ và cụ thể, khung pháp lý về TCĐH không chỉ quy định trong Luật số 34/2018/QH14 mà còn quy định trong các văn bản pháp luật liên quan khác dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Do đó, sớm xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập trong các lĩnh vực học thuật, tài chính, tài sản, tổ chức và nhân sự…
- Tách bạch quản lý nhà nước với quyền quản trị đại học của các cơ sở GDĐH: Xu hướng trên thế giới phân cấp quản lý rõ ràng giữa Nhà nước với các cơ sở GDĐH, các cơ sở GDĐH được mở rộng quyền tự chủ, không còn trực thuộc bộ chuyên ngành quản lý, vai trò quản lý nhà nước chỉ tập trung vào những vấn đề lớn như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GDĐH và phát triển hiệu quả hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH. Đối với các cơ sở GDĐH, mở rộng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng độc lập theo chuẩn quốc gia và quốc tế để bảo đảm lợi ích của xã hội, người học, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Xây dựng HĐT thực chất, đúng nghĩa: Cơ chế hội đồng quản trị trong các cơ sở GDĐH của các quốc gia có nền giáo dục phát triển đã chứng minh được tính hiệu quả, là do đã tách bạch quản trị (trách nhiệm của HĐT) ra khỏi quản lý (trách nhiệm của ban giám hiệu), tách việc quản trị ra khỏi những mối quan hệ về quyền lợi vật chất. Do vậy, việc thành lập và trao đầy đủ quyền lực cho HĐT thông qua hệ thống văn bản pháp lý cụ thể, rõ ràng, thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ bên trong và bên ngoài cơ sở GDĐH là điều cần thiết. Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển cho thấy, sự cần thiết phải đa dạng thành phần HĐT, thành viên ngoài trường nhiều hơn thành phần bên trong trường và đại diện cho những tiếng nói khác nhau để tạo ra cơ chế giám sát hợp lý, hạn chế việc lạm quyền và nâng cao trách nhiệm cá nhân của người quản lý, làm cho nhà trường gắn bó với lợi ích và nhu cầu của xã hội.
- Thực hiện sắp xếp lại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương: Thực hiện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “… chuyển đổi cơ sở GDĐH công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư…”. Thực hiện tốt nhiệm vụ này góp phần cơ cấu lại NSNN thông qua phương thức đặt hàng, đấu thầu và tập trung nguồn tài chính cho các cơ sở GDĐH công lập hoạt động hiệu quả.
- Tổ chức sắp xếp bộ máy, nhân sự của các đơn vị thuộc, trực thuộc các trường theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ tiền lương, tiền công, tiết kiệm các khoản chi hành chính. Đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chất lượng viên chức và người lao động, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng viên chức và người lao động theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, kết quả thực hiện công việc; áp dụng cơ chế tiền lương đặc thù để thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài. Tăng cường phân cấp quản lý tài chính cho các đơn vị thuộc, trực thuộc các trường, thực hiện cơ chế khoán chi thường xuyên để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản.
- Đổi mới cơ chế phân bổ NSNN cho các cơ sở GDĐH công lập: NSNN tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở GDĐH công lập và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng sinh viên diện chính sách, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ GDĐH ở các ngành ít hấp dẫn nhưng cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng khung học phí đa dạng, linh hoạt gắn với kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài. Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ về mức thu học phí cho các cơ sở GDĐH công lập, chính sách hỗ trợ tài chính sinh viên cần được thiết kế lại bảo đảm mức vay hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên đủ chi trả học phí, chi phí sinh hoạt học tập.
Thời gian qua, thực hiện TCĐH tại các trường ĐHCL trực thuộc Bộ Công Thương đã mang lại kết quả tích cực, vị thế của các trường được nâng cao và khẳng định vai trò là các cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện TCĐH đã và đang nảy sinh không ít bất cập, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan; cơ chế bộ chủ quản không còn phù hợp; năng lực quản trị của một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra... Nghiên cứu này đã đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy TCĐH đi vào thực chất tại các cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022), Báo cáo một số kết quả triển khai chính sách tự chủ đại học.
3. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (2016), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Tự chủ đại học - Cơ hội và thách thức.
5. Quốc hội (2018), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH ngày 19/11/2018.
6. Berdahl, R., Graham, J., & Piper, D. R. (1971), Statewide Coordination of Higher Education. Washington: American Council on Education.
7. Don Anderson và Richard Johnson (1998), “University Autonomy in Twenty Countries”, ISBN 0 642 23759 X, page 8.
8. Fielden, J. (2008), Global Trends in University Governance. Education Working Paper Series, number 9. Washington, D. c., World Bank.
9. World Bank (2020), Higher Education Sector Report Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options.
The university autonomy mechanism and practical issues arising during the implementation of this mechanism at public universities under the Ministry of Industry and Trade
Ph.D Nguyen Dong Anh Xuan
Hanoi University of Industry
Abstract:
After nearly 10 years of piloting the autonomy mechanism according to Resolution 77/2014/NQ-CP dated October 24, 2014 of the Government and more than 5 years of implementing the university autonomy mechanism in accordance with Law No. 34/2018 /QH14, it shows that the university autonomy mechanism has helped public universities under the Ministry of Industry and Trade proactively manage and effectively use financial resources to improve the quality of training and scientific research. However, the implementation of university autonomy still faces difficulties and obstacles, from mechanisms to policies. This study focused on evaluating the university autonomy mechanism implemented by public universities under the Ministry of Industry and Trade. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to improve the effectiveness of implementing the university autonomy mechanism in Vietnam.
Keywords: university autonomy, higher education, public universities, public universities under the Ministry of Industry and Trade.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Bài báo nghiên cứu "Phân tích tác động nhận thức môi trường của khách hàng đến xu hướng sử dụng thiết bị thông minh trên ôtô" do Phan Văn Nhựt (Khoa Công nghệ Động lực, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Phân tích tác động của quyền chọn thực đến hiệu quả dự án đầu tư do TS. Nguyễn Trung Trực ( Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện.
Xem chi tiếtẢnh hưởng các phương pháp sấy đến hàm lượng polyphenol, chlorophyll của bột lá cách (Premna Integrifolia L.) do ThS. Võ Văn Sim - Lê Thị Thanh Ngân - Võ Gia Huy - ThS. Bùi Thu Hà - ThS. Hồ Tấn Thành - ThS. Trần Nguyễn An Sa*(Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtKinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do ThS. Nguyễn Thị Bích Mai (Giảng viên, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Ảnh hưởng của tỷ lệ chừa lá và thời gian bao ngọn đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống cà phê Robusta TR4 trong vườn ươm" do Đặng Lê Thanh Liên - Nguyễn Thị Lan Thương (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) thực hiện.
Xem chi tiết