Vai trò của mạng xã hội đối với học tập cộng tác


Đề tài Vai trò của mạng xã hội đối với học tập cộng tác do ThS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt - ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng (Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, đặc biệt là với bộ phận học sinh sinh viên. Trong những năm gần đây, mạng xã hội đang ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, là một công cụ giao tiếp, học tập hữu ích của học sinh, sinh viên cũng như giảng viên. Bài viết nhằm làm rõ vai trò của mạng xã hội trong lĩnh vực học tập cộng tác, dưới các khía cạnh cung cấp nền tảng giao tiếp trực tuyến; gia tăng mức độ tương tác giữa thành viên nhóm, tăng cường kết nối với giảng viên; hỗ trợ gắn kết cộng đồng học tập cũng như thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu.

Từ khóa: mạng xã hội, học tập cộng tác, học tập tích cực.

1. Đặt vấn đề

Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, đặc biệt là với bộ phận học sinh sinh viên. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích mạng xã hội mang lại với những tính năng vô cùng đa dạng cho phép những người đã đăng ký tài khoản sử dụng có thể kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin mọi lúc, mọi nơi, với bất cứ ai, bất cứ khi nào họ muốn. Tất cả các tin tức, hình ảnh, video, sự kiện dù nhỏ, dù lớn, từ trong nước đến quốc tế luôn được cập nhật liên tục, được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng trên các trang mạng xã hội.

Trong những năm gần đây mạng xã hội đặc biệt phổ biến ở Việt Nam, thu hút một lượng lớn người dùng ở hầu hết các lứa tuổi. Mạng xã hội có rất nhiều hình thức nhưng có thể phân chia thành 2 đặc trưng là: mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân (Facebook, Zalo, Instagram, MySpace...) và mạng chia sẻ tài nguyên (Youtube, Flickr, Scribd…).

Trong lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng, mạng xã hội đã và đang trở thành môt trong những công cụ hỗ trợ đắc lực trong giao tiếp, cộng tác học tập. Mạng xã hội không chỉ là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các sinh viên mà còn có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tương tác giữa sinh viên với giảng viên, mang lại những hiệu ứng tích cực trong hoạt động giảng dạy và học tập. Phương thức học tập hiện đại, người học đóng vai trò là người học số, người dạy đóng vai trò là người dạy số, tài liệu học tập là tài liệu số, học chủ động, học cộng tác đang dần thay thế phương thức học tập truyền thống. Điều này cho thấy việc đặt trọng tâm nghiên cứu về mạng xã hội như là một công cụ, phương tiện dạy và học có thể là một hướng đi phù hợp để có thể làm rõ vị trí, vai trò, những tác động tích cực của mạng xã hội đến giáo dục hiện đại nói chung và cụ thể hơn là trong học tập cộng tác trong môi trường giáo dục đại học.

2. Các khái niệm

2.1. Học tập cộng tác

Học tập cộng tác là một phương pháp học tập tích cực đã và đang được triển khai áp dụng tại nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Theo Gerlach (1994), "học tập cộng tác dựa trên ý tưởng rằng học tập là một hành động xã hội tự nhiên, trong đó những người tham gia tương tác, nói chuyện với nhau, qua đó, hoạt động học tập mới xảy ra"1.

Khác với phương pháp học tập truyền thống, học tập cộng tác đòi hỏi các cá nhân trong nhóm cộng tác phải thường phải xuyên tương tác nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, thống nhất ý tưởng về một nhiệm vụ học tập, nghiên cứu. Mỗi cá nhân trong nhóm học tập cộng tác trước tiên phải tự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện phần công việc được giao, bước tiếp theo là chia sẻ lại nội dung thực hiện được với cả nhóm. Phương pháp học tập cộng tác hướng tới việc đòi hỏi đạt được sự thống nhất của tất cả các thành viên về nội dung, ý tưởng, quan điểm, cách thức giải quyết vần đề đối với nhiệm vụ của từng cá nhân trong nhóm để đạt được kết quả học tập nghiên cứu tốt nhất.

Theo Nguyễn Bích Nguyệt (2022), kết quả của học tập cộng tác phụ thuộc vào 3 nhóm nhân tố: nhóm nhân tố đầu tiên thuộc về cá nhân của từng thành viên nhóm học tập cộng tác, nhóm nhân tố thứ hai thuộc về môi trường học tập cộng tác và nhóm nhân tố thứ ba là nhóm nền tảng hỗ trợ. Trong nhóm nhân tố thuộc về nền tảng hỗ trợ, mạng xã hội được đánh giá là một trong những công cụ cực kỳ hữu ích phục vụ cho hoạt động học tập cộng tác.

2.2. Mạng xã hội

Mạng xã hội là một thuật ngữ quen thuộc, phổ biến trong xã hội hiện đại, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Theo Boyd và Ellison (2007), mạng xã hội là “các dịch vụ dựa trên web cho phép các cá nhân tạo hồ sơ công khai hoặc bán công khai trong hệ thống giới hạn, nêu rõ danh sách những người dùng khác với người mà họ chia sẻ kết nối, đồng thời xem và đi qua danh sách kết nối của họ và những kết nối được tạo bởi những người khác trong hệ thống"2.

Hiểu một cách đơn giản, mạng xã hội là một trang web hay một nền tảng trực tuyến giúp kết nối dễ dàng tất cả mọi người từ bất cứ nơi đâu, với nhiều dạng thức và tính năng khác nhau và người dùng có thể truy cập vào bất cứ một mạng xã hội nào một cách dễ dàng thông qua các phương tiện như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Các mạng xã hội có số lượng người dùng lớn nhất Việt Nam hiện nay có thể kể đến là Youtube, Facebook, Instargam, Linkedin và Zalo. Trên các nền tảng này, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ với những người dùng khác đang sử dụng mạng xã hội, những người có chung tính cách, sở thích, nghề nghiệp, định hướng, quan điểm sống hay đơn giản chỉ để theo dõi, cập nhật thông tin của một người nổi tiếng mà không phân biệt không gian hay thời gian. Tùy vào từng nền tảng mạng xã hội khác nhau, nhưng về cơ bản các thành viên có thể liên hệ với bất kỳ thành viên nào khác hoạt động trong mạng đó, trong một số trường hợp khác, các thành viên có thể được gợi ý kết nối với bất kỳ ai mà được cho là có thể có mối liên hệ chung nào đó.

3. Vai trò của mạng xã hội đối với học tập cộng tác

Kể từ khi xuất hiện, mạng xã hội đã không ngừng mở rộng, phát triển rộng khắp và nhanh chóng thay đổi thế giới, thay đổi cách thức con người giao tiếp, tương tác với nhau. Mọi người đang sử dụng mạng xã hội để kết nối lại với những người bạn cũ, duy trì những người bạn hiện tại và xây dựng những mối quan hệ mới. Có thể thấy mạng xã hội đã và đang tác động đến hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, quốc phòng... và giáo dục cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Trong một vài năm trở lại đây, mạng xã hội đang ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, là một công cụ giao tiếp, học tập cực kỳ hữu ích đối với bộ phận học sinh, sinh viên cũng như giảng viên. Sự xuất hiện và phổ biến rộng khắp khiến mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cách thức người học, người dạy tương tác, học hỏi và hợp tác với nhau trong môi trường giáo dục.

Mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là một kho tài nguyên học tập, lưu trữ lượng thông tin khổng lồ

Đây là nguồn học liệu số vô cùng dồi dào và cực kỳ hữu ích cho công tác nghiên cứu, dạy và học. Hơn nữa việc truy cập, tham vấn thông tin chỉ cần thông qua một vài thao tác đơn giản nên người dùng có thể tra cứu một cách dễ dàng ngay lập tức, qua đó góp phần thúc đẩy cá nhân hóa việc học tập, giúp người học chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, chọn lọc, tích lũy, trau dồi kiến thức, cải thiện kỹ năng sống, đặc biệt thông qua những học liệu mở được chia sẻ trên các trang mạng xã hội và trên internet. Khi tham gia vào nhóm học tập cộng tác, việc chủ động nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi của mỗi thành viên trong nhóm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của cả nhóm. Với nguồn tài liệu số sẵn có, việc tìm hiểu không còn gặp quá nhiều trở ngại, khi gặp những vấn đề chưa rõ, nhóm hoàn toàn có thể tra cứu tìm hiểu từ rất nhiều nguồn khác nhau từ sách điện tử, bài giảng điện tử, những bài nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế được chia sẻ trên hệ thống mạng xã hội. Mạng xã hội luôn cập nhật những thông tin mới nhất về tất cả các chủ đề, lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, người đọc cần cân nhắc, sáng suốt để lựa chọn cho mình được nguồn tài liệu khoa học chính xác, tin cậy.

Mạng xã hội cung cấp nền tảng giao tiếp trực tuyến, gia tăng tương tác

Các ứng dụng sẵn có trên nền tảng thường được sử dụng chủ yếu phục vụ cho tương tác trực tuyến như chatbox, messenger, livetream, call, video call, group chat... đã giúp ích rất nhiều cho người dạy và người học. Các nhóm sinh viên nghiên cứu có thể tương tác trực tuyến mà không cần mất thời gian di chuyển đến cùng một nơi hay một địa điểm. Các thành viên có thể trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ nghiên cứu của từng thành viên trong nhóm nghiên cứu bất cứ lúc nào, dù đang ở bất cứ đâu thông qua các ứng dụng được nhà mạng cung cấp. Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng kể từ khi ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người chúng ta tương tác với nhau. Khi sử dụng mạng xã hội, mối quan hệ giữa người dạy và người học có nhiều thay đổi đáng kể. Mạng xã hội giúp rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và người học, cảm giác gần gũi thân thuộc đẩy người học tự chủ động, mạnh dạn hơn, tự nhiên hơn khi bày tỏ quan điểm cá nhân trước các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu. Đặc biệt trong tương tác với giảng viên, ngược lại thông qua mạng xã hội, người dạy cũng có nhiều hơn cơ hội để lắng nghe, tư vấn, hướng dẫn sát sao hơn tới từng thành viên một, có nhiều thời gian để cùng đồng hành với sinh viên trong học tập, nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng, kết quả học tập nghiên cứu của sinh viên hoặc của nhóm nghiên cứu, học tập cộng tác.

Mạng xã hội thúc đẩy sự hợp tác

Khi tham gia vào một nhóm học tập, nghiên cứu, đòi hỏi các thành viên trong nhóm cần phải thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin cũng như báo cáo tiến độ công việc. Việc có thể trao đổi một cách thường xuyên và nhanh chóng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi cả đội, nhóm làm việc cùng nhau trực tuyến thông qua các ứng dụng có sẵn trên các mạng xã hội. Việc thường xuyên tương tác với những thông tin có thể là thông tin cá nhân hay liên quan đến công việc được cập nhật từ các thành viên khác trên mạng xã hội cũng sẽ mang lại những lợi ích nhất định, đặc biệt sẽ giúp các thành viên trong nhóm thêm hiểu nhau hơn vì thế mà hợp tác chặt chẽ hơn, giúp các thành viên phối hợp công việc nhịp nhàng tránh những mâu thuẫn không cần thiết ảnh hưởng đến kết quả hoạt động học tập cộng tác, nghiên cứu.

Mạng xã hội giúp kết nối, gắn kết cộng đồng

Mạng xã hội giúp kết nối những người có cùng chung sở thích, chung lĩnh vực quan tâm thông qua những đề xuất, gợi ý kết bạn, gợi ý tham gia vào nhóm học tập, nghiên cứu nào đó khi chúng ta sử dụng công cụ tìm kiếm để tra cứu thông có tin liên quan, từ đó có thể lan tỏa tri thức, chia sẻ tinh thần học tập, nghiên cứu đến cả cộng đồng cũng như tạo cơ hội hợp tác trong các chương trình, dự án học tập cộng tác trong tương lai.

4. Một số vấn đề đặt ra và đề xuất phương pháp khắc phục

Để phát huy hiệu quả việc sử dụng mạng xã hội trong học tập cộng tác, theo nghiên cứu và nhìn nhận của tác giả, còn một số vấn đề và cần có giải pháp khắc phục. Cụ thể:

- Nhận thức về những hạn chế của mạng xã hội: Bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại, trên thực tế có không ít bộ phận sinh viên vẫn chủ quan, chưa có nhận thức đúng đắn về những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Nhiều nội dung không được kiểm duyệt trên mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, hành vi cũng như lối sống của mỗi cá nhân. Do vậy, các cơ sở giáo dục cần lên kế hoạch, tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình với nội dung chia sẻ với sinh viên về những ảnh hướng xấu của mạng xã hội, song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn các bạn sinh viên cách ứng xử văn minh, kiểm soát hành vi lời nói, khai thác sử dụng mạng xã hội một cách thông minh sáng suốt.

- Thay đổi tư duy, thói quen sử dụng MXH: Mặc dù các trang mạng xã hội có rất nhiều tính năng phục vụ cho việc trao đổi thông tin, tạo nhóm thảo luận, hay cách kênh chia sẻ tài nguyên học tập, hệ thống video bài giảng, lớp học cộng đồng được chia sẻ rất hữu ích tuy vậy số lượng sinh viên thường xuyên sử dụng mạng xã hội cho mục đích học tập nghiên cứu vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Thêm vào đó, không phải người dùng mạng xã hội nào cũng biết cách khai thác các chức năng đó một cách hiệu quả. Việc tra cứu, tìm kiếm thông tin liên quan đến các kiến thức môn học, kiến thức chuyên ngành cần được tiến hành tìm kiếm đúng cách, đúng thuật ngữ, đúng từ khóa mới tìm được nguồn thông tin chính xác. Ngoài ra, để lựa chọn được nguồn tài liệu tin cậy, chính thống hay tìm kiếm được cộng sự, nhóm nghiên cứu cũng là một trong những khó khăn của nhiều sinh viên khi bắt đầu sử dụng công cụ tìm kiếm này. Do đó, để giúp cho sinh viên có thể tận dụng nguồn học liệu mở này một cách hiệu quả nhất, nên chăng cần có những buổi chia sẻ, định hướng, giới thiệu, hướng dẫn từ giảng viên, các nhà nghiên cứu hay từ các cựu sinh viên có kinh nghiệm. Đây cũng là một hoạt động bổ ích, qua đó góp phần giúp cho các bạn sinh viên nâng cao tính chủ động trong học tập và nghiên cứu, rèn luyện khả năng tự tìm hiểu, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu.

- Đảm bảo tín hiệu Internet và trang bị hệ thống máy tính đảm bảo chất lượng: Đường truyền internet là một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả làm việc, học tập của sinh viên cũng như của giảng viên khi phương pháp học tập tích cực mới thường xuyên yêu cầu truy cập vào hệ thống lớp học. Tình trạng thiếu trang thiết bị máy tính, hệ thống thu phát internet, trường truyền yếu, mất kết nối, thường xuyên gián đoạn trong khi sử dụng là tình trạng chung không chỉ ở riêng các cơ sở giáo dục. Do đó, công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị mới, duy trì tính ổn định vận hành của hệ thống sẵn có nên là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở giáo dục đang tiến hành công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nhu cầu về phòng học được trang bị máy tính để phục vụ cho các học phần yêu cầu người học phải thực hành, thao tác trực tiếp trên máy tính, chạy các ứng dụng trực tuyến để xây dựng, thiết kế, xử lý nhiện vụ học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, hệ thống máy tính tại các thư viện phục vụ công tác tự học, tra cứu cũng cần được bổ sung, nâng cấp thay mới, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng thiết bị, tránh lãng phí. Và một điều quan trọng nữa, đó là khi áp dụng các phương pháp học tập mới, học tập kết hợp (Blended learning), nhà trường cần ưu tiên hỗ trợ những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tự trang bị phương tiện máy tính, điện thoại thông minh... để đảm bảo tất cả sinh viên trong lớp đều có thể tiếp cận được bài giảng cũng như nguồn học liệu được chia sẻ trong lớp học.

- An toàn, bảo mật thông tin cá nhân

Sử dụng mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân. Các thông tin, hình ảnh, hoạt động, bình luận trên mạng xã hội được người dùng chủ động chia sẻ công khai dẫn đến nguy cơ bị rò rỉ, tạo cơ hội cho những người có ý đồ, mục đích không tốt lợi dụng, xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như đời sống ngoài đời thực của chủ tài khoản mạng xã hội. Do đó, bên cạnh những cảnh báo của nhà cung cấp mạng xã hội, Nhà trường và các tổ chức liên quan cần phối hợp truyền thông, hướng dẫn cách thức thiết lập chế độ bảo mật để, chuẩn bị trước những phương án ứng phó khi có những tình huống bất ngờ xảy đến. Và quan trọng nhất là các bạn sinh viên cũng như người dùng mạng xã hội cần chủ động cân nhắc những nội dung, hình ảnh chia sẻ công khai lên mạng xã hội.

5. Kết luận

Có thể thấy ngoài chức năng giải trí đơn thuần, mạng xã hội hoàn toàn có thể trở thành một công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác nghiên cứu, học tập cộng tác. Mạng xã hội là nguồn học liệu phong phú đa dạng, thường xuyên được cập nhật; dễ dàng đăng ký sử dụng và truy cập; thông tin được chia sẻ đến cộng đồng người sử dụng chỉ sau một cú click chuột; chất lượng âm thanh hình ảnh trong ứng dụng tương tác trực tuyến ngày càng được nâng cao cải tiến về chất lượng, qua đó góp phần thúc đẩy những hợp tác, tăng cường kết nối giữa các cá nhân, tổ chức ở bất cứ đâu. Mạng xã hội không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục mà thực sự rất hữu ích trong tất cả các lĩnh vực.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu là một phần của Đề tài T2021-PC-057. Xin chân thành cảm ơn Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Kinh tế và Quản lý đã hỗ trợ tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt

  1. Đỗ Thị Anh Phương (2021), Nâng cao tính tích cực của mạng xã hội cho giới trẻ. Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-tinh-tich-cuc-cua-mang-xa-hoi-cho-gioi-tre-79778.htm
  2. Nguyễn Lan Nguyên (2020), Tác động của mạng xã hội facebook đến sinh viên hiện nay: Thực trạng và đề xuất chính sách, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Chính sách và Quản lý.
  3. Nguyễn Thị Bích Nguyệt (2022), Các nhân tố ảnh hưởng và lợi ích của phương pháp học tập cộng tác trong trường đại học, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-va-loi-ich-cua-phuong-phap-hoc-tap-cong-tac-trong-truong-dai-hoc-88923.htm
  4. Nguyễn Thị Lan Hương (2019). Thực trạng sử dụng mạng xã hội của thanh, thiếu niên ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Văn học Nghệ thuật số 407, tháng 5. Truy cập tại http://vanhoanghethuat.vn/thuc-trang-su-dung-mang-xa-hoi-cua-thanh-thieu-nien-o-viet-nam-hien-nay.htm
  5. Trần Thị Hương (2012), Dạy học tích cực, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Tài tiệu tiếng Anh

  1. Aysun Bozanta, Sona Mardikyan. (2017). The effects of socical media use on collaborative learning: A case of Turkey.
  2. Boyd, D.M. and Ellison, N.B. (2007). Social Network Sites: Definition, History, and Scholarship. Journal of Computer-Mediated Communication, 13, (2) 210-230.
  3. Ebner, M., Lienhardt, C., Rohs, M., & Meyer, I. (2010). Microblogs in Higher Education - A chance to facilitate informal and process-oriented learning? Computers & Education, No. 55.
  4. Gerlach, J.M. (1994). Is this collaboration? In Bosworth, K. & Hamilton, S.J. (Eds.), Collaborative Learning: Underlying Processes and Effective Techniques, New Directions for Teaching and Learning, No. 59. (1) (pp.5-14).
  5. Hung, H. T., & Yuen, S. C. Y. (2010). Educational use of social networking technology in higher education. Teaching in higher education. No. 15.
  6. R. Arteaga Sánchez, V. Cortijo, U. Javed (2014). Students' perceptions of Facebook for academic purposes.
  7. Wiid, J., Cant, M. C., & Nell, C. (2013). Open Distance Learning Students' Perception of The Use of Social Media Networking Systems as An Educational Tool. International Business & Economics Research Journal.

The role of social networks in collaborative learning

Master. Nguyen Thi Bich Nguyet

Master. Nguyen Thi Thuy Hang

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

The Internet in general and social networks in particular have become indispensable parts of young people's lives, especially students. In recent years, social networks have become a useful communication and learning tool for students as well as lecturers. This paper clarifies the role of social networks in collaborative learning in terms of providing an online communication platform; increasing the level of interaction between group members; strengthening the connection with lecturers; supporting the cohesion of the learning community; and promoting collaboration in doing research.

Keywords: social networking, collaborative learning, active learning.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3