Tóm tắt:
Ở Việt Nam hiện nay, các tổ chức xã hội đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng đối với xây dựng và phản biện chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực thi vai trò của các tổ chức xã hội trên thực tiễn đang còn những khó khăn, vướng mắc. Bài viết nhằm đưa ra vai trò của tổ chức xã hội đối với xây dựng, phản biện chính sách của Nhà nước, đồng thời đưa ra những bất cập còn tồn tại và đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Từ khóa: tổ chức xã hội, Việt Nam, xây dựng và phản biện chính sách, chính sách nhà nước.
Tổ chức xã hội có thể được xem như một hình thức liên kết của con người với nhau, nhằm mục đích phục vụ cho một hoặc nhiều mục đích xã hội và là một trong những phương thức tổ chức đời sống xã hội quan trọng, hợp lý trong lĩnh vực "phi nhà nước", nhằm thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, tự giác, tự quản của cộng đồng dân cư. Tổ chức xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng giữa nhà nước và cá nhân, các cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội. Trong bối cảnh sự phát triển kinh tế thị trường, tổ chức xã hội có sự phát triển đa dạng với nhiều loại hình và tên gọi khác nhau, bao gồm cả liên hiệp, hiệp hội, hội, liên đoàn, câu lạc bộ, quỹ, viện, trung tâm, hội đồng, ủy ban, nhóm tình nguyện và các tổ chức khác. Cùng với sự phát triển đó, các tổ chức xã hội đã và đang khẳng định vai trò trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt vai trò của các tổ chức xã hội càng ngày càng trở nên quan trọng đối với tham gia xây dựng chính sách phát triển, phản biện các chính sách của Nhà nước.
Hiện nay, vai trò của tổ chức xã hội đóng một vị trí quan trọng trong việc tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến phát triển xã hội, đồng thời giám sát và phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách, pháp luật này. Những tổ chức xã hội này đóng góp quan trọng vào việc xây dựng môi trường thực hành dân chủ và hoàn thiện hệ thống nhà nước pháp quyền. Các tổ chức xã hội tham gia trực tiếp vào việc giám sát và kiểm tra hoạt động của bộ máy công quyền và hành vi của đội ngũ cán bộ và công chức nhà nước, góp phần ngăn chặn và khắc phục các tình trạng quan liêu, tha hóa và lạm quyền trong các cơ quan nhà nước.
Với vị thế độc lập về tổ chức bộ máy và nguồn tài chính, các tổ chức xã hội có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá và kiến nghị cho Nhà nước nhằm bảo đảm quyền dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân và đấu tranh phòng chống các tình trạng quan liêu, tham nhũng, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh. Các tổ chức xã hội cũng đã chú trọng đến việc đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực và ngành nghề. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được các tổ chức này đóng góp ý kiến và phản ánh ý kiến của người dân. Nhà nước cũng đã giao cho một số tổ chức xã hội xây dựng các dự án luật, ví dụ như Hội Luật gia xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý kiến, Hội Chữ thập đỏ xây dựng Dự án Luật Chữ thập đỏ. Nhiều tổ chức xã hội lớn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tư vấn, phản biện chính sách đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở nước ta trong tiến trình phát triển và quản lý đất nước.
Tổ chức xã hội tiêu biểu tham gia trong việc xây dựng chính sách phát triển và phản biện chính sách đó là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội chính là: “Chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng”. Đến nay, Liên hiệp Hội đã thực hiện nhiều tư vấn, phản biện quan trọng đối với các chính sách của Nhà nước từ cấp Trung ương tới cơ sở. Đơn cử như:
Liên hiệp Hội Sơn La đã triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất, tổ chức tư vấn, phản biện được 32 vấn đề với tỉnh và các sở, ngành bằng nhiều hình thức, như: hội thảo khoa học, hội nghị tư vấn, viết bài nghiên cứu trao đổi gửi tới các cơ quan dự thảo các văn bản cần tư vấn, phản biện. Nổi bật trong số đó có, 11 vấn đề quan trọng đã được góp ý vào dự thảo văn kiện phục vụ cho 3 kỳ Đại hội lần thứ XIII, XIV và XV của Đảng bộ tỉnh cùng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị; kế hoạch số 27-KH/TU ngày 17/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, đã có sự tổ chức tư vấn và phản biện nhiều dự thảo văn bản do các ngành chuẩn bị trình UBND tỉnh như Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ Thành phố Sơn La, Đảng bộ tỉnh Sơn La, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2021-2026; Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi thực hiện hoạt động sáng kiến, Hội thi, Cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Sơn La” do Sở Khoa học và Công nghệ dự thảo và Đề án “Đánh giá về tổ chức và hoạt động của hội, các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của hội sau cấp phép” do Bộ Nội vụ dự thảo. Điều này cho thấy việc chuẩn bị và thực hiện các văn bản pháp lý, kế hoạch và chương trình hành động là cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của các cơ quan và doanh nghiệp. Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn tư vấn tham gia ý kiến đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tư vấn “Những vấn đề đặt ra trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La và trung tâm các huyện”; tư vấn mô hình chế biến phân hữu cơ vi sinh trong trồng trọt kết hợp chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững ở nông hộ trên địa bàn miền núi và vùng cao tỉnh Sơn La; tham vấn xây dựng dự án “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”;…
Như vậy, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng như các hội thành viên trong thời gian qua đã có những đóng góp lớn đối với hoạt động tư vấn, phản biện chính sách. Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá cao, đồng thời trao tặng Liên hiệp Hội Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý khác.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam. Trong thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước thôn, bản, làng, ấp, khu phố. Một số hoạt động tiêu biểu của Hội Luật gia Việt Nam như: phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các đầu cầu ở Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại; Góp ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi);…
Ở nhiều địa phương, Hội Luật gia đã trở thành một đối tác đáng tin cậy của lãnh đạo địa phương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của các cấp chính quyền, đồng thời hỗ trợ xây dựng các quy định và hương ước văn hóa ở cấp địa phương, đơn vị, cơ sở. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố đã ký kết thỏa thuận với Hội Luật gia Việt Nam để được tư vấn và hướng dẫn trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Đây được coi là một phương thức mới trong việc tìm kiếm và thể hiện vai trò và năng lực của Hội Luật gia Việt Nam. Một số hoạt động Hội Luật gia ở các địa phương Khánh Hòa, Thái Bình,... đã lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi),…
Cùng với đó, trong xây dựng Chiến lược Cải cách tư pháp hiện nay, Trung ương Hội đã chủ động tổ chức nghiên cứu sâu về các vấn đề cải cách tư pháp và Chiến lược cải cách tư pháp; đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, tổ chức hội thảo tại 3 khu vực Bắc, Trung và Nam về xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp. Quá trình nghiên cứu, tổ chức các hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các tỉnh thành, hội, nhiều chuyên gia của giới luật học, Hội Luật gia Việt Nam đã vận động, huy động phát huy trí tuệ của gần 70.000 hội viên tích cực tham gia xây dựng thể chế chính sách pháp luật, trong đó có chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng;…
Ngoài ra, các tổ chức xã hội khác cũng đóng góp vô cùng tích cực trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách, ví dụ như Hội Chữ thập đỏ xây dựng Dự án Luật Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tham gia xây dựng dự thảo Luật Đất đai,… Như vậy, đạt được những thành tựu quan trọng này, một phần lớn chính là nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao của các tổ chức xã hội. Việc các tổ chức xã hội tập hợp quần chúng nhân dân, đặc biệt đội ngũ trí thức giúp cung cấp một nhận thức sâu sắc, khách quan, toàn diện về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, từ đó giúp đưa ra những ý kiến đóng góp, xây dựng chính sách hiệu quả, thực tiễn. Bên cạnh đó, tính dân chủ trong hoạt động của Nhà nước Việt Nam cũng là một trong những nhân tố quan trọng, việc tôn trọng ý kiến của các tổ chức xã hội đã góp phần giúp Đảng và Nhà nước có được nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về tình hình thực tiễn, từ đó có những chính sách phù hợp với sự vận động, phát triển của xã hội.
Trong quá trình thực hiện vai trò tham gia xây dựng cũng như phản biện các chính sách của Nhà nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, các tổ chức xã hội cũng tồn tại một số hạn chế nhất định:
Thứ nhất, việc các hội thực hiện quyền "Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước” và “Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của hội theo quy định của pháp luật”, “Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển hội và lĩnh vực hội hoạt động" trên thực tế còn rất hạn chế, do chưa có chế tài cụ thể quy định rõ những loại dự án nào, công trình có quy mô lớn đến mức nào, giá trị đầu tư bao nhiêu tiền, hay liên quan đến đời sống của bao nhiêu dân cư,… thì bắt buộc phải có ý kiến tư vấn phản biện. Cũng theo cáo nghiên cứu tại hội nghị phản biện xã hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng không có một quy định nào về quy trình phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với các quy định hiện hành của luật, các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể bỏ qua việc lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trên thực tế những năm qua.
Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội đối với xây dựng, phản biện chính sách xã hội, việc xây dựng các quy chế phối hợp hành động giữa tổ chức xã hội và các cấp chính quyền là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng một quy chế phối hợp hành động giữa các tổ chức xã hội với nhau và với các cấp chính quyền, phải được tinh chỉnh và điều chỉnh theo từng thời điểm để phù hợp với hoàn cảnh thực tế và tiến bộ trong quá trình xã hội hóa. Cần thiết phải đưa quy chế này vào vận hành, kiểm tra đôn đốc, thường xuyên sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện quy chế. Để xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp này, cần phân biệt tính chất và đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ chức xã hội để cụ thể hóa cơ chế cho phù hợp, tránh áp dụng cứng nhắc. Điều này rất cần thiết đối với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, việc này cũng đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của các tổ chức xã hội và cấp chính quyền, góp phần vào việc xây dựng một nền văn minh xã hội chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng.
Trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật cũng cần xây dựng thống nhất các quy định về tổ chức xã hội, đảm bảo thực hiện thống nhất hoạt động lấy ý kiến của các tổ chức xã hội đối với các chính sách của Nhà nước. Cần quy định rõ đối với các dự án quan trọng của Trung ương và địa phương, chính sách pháp luật của Nhà nước là đối tượng bắt buộc phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các tổ chức xã hội; từ đó tránh được tình trạng áp dụng không thống nhất hay cố tình lách luật ở một số địa phương.
Thứ hai, các tổ chức xã hội đến nay đã phát triển vô cùng mạnh mẽ và đa dạng, nhưng các quy định về tổ chức xã hội còn sơ sài, tản mát trong nhiều quy định khác nhau, dẫn tới thực trạng áp dụng không đồng nhất, cố ý lách luật hay cố tình không áp dụng. Một số tổ chức chính trị xã hội lớn được dành sự quan tâm thì có quy định cụ thể về hoạt động như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, hay thấp hơn đối với một số tổ chức xã hội là điều lệ được phê duyệt bởi văn bản của Thủ tướng chính phủ như Hội Luật gia, Hội nhà báo,… Song đối với đa phần các tổ chức xã hội còn lại, quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý cũng như kinh phí còn lỏng lẻo, nằm trong nhiều Bộ luật khác nhau như Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015,… Một số quy định đã trở nên cũ chưa được cập nhật, sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động, tiêu biểu như Nghị định số 45/2010 đã được sửa đổi bởi Nghị định số 33/2012, nhưng vẫn còn bất cập như có 42 điều, nhưng trong văn bản Nghị định có tới 25 lần viết “theo (hoặc phù hợp với) quy định của pháp luật”, 2 lần viết “theo quy định của Nhà nước”. Người dân rất khó biết theo quy định của pháp luật, hay Nhà nước cụ thể là những quy định gì?
Do đó, cần có sự nghiên cứu, phối hợp với khảo sát thực tiễn để xây dựng một bộ luật thống nhất, làm rõ hơn nữa các quy định của pháp luật về việc thực hiện vai trò xây dựng chính sách cũng như phản biện chính sách của các tổ chức xã hội. Cần xây dựng các quy định một cách cụ thể, rõ ràng, hạn chế sử dụng các cụm từ chung chung, hoặc dẫn chiếu sang luật khác như “theo quy định của Nhà nước”, “theo quy định của pháp luật”. Đối với vấn đề kinh phí hoạt động của các tổ chức xã hội, cần có cơ chế hỗ trợ, giúp phát huy tính năng động, sáng tạo của các tổ chức xã hội, tự chủ trong các vấn đề tài chính. Các tổ chức xã hội có thể tự tổ chức các hoạt động gây quỹ, thực hiện các hoạt động kinh tế giúp phát triển tài chính của hội. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội có thể giúp đỡ hoạt động lẫn nhau; các tổ chức xã hội về kinh tế có thể thực hiện cố vấn cho các tổ chức xã hội khác về hoạt động tài chính, các tổ chức xã hội về luật học có thể cố vấn về hoạt động, quản lý của các tổ chức xã hội khác,… Điều này không chỉ giúp phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo của quần chúng nhân dân mà còn giúp các tổ chức xã hội chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động lấy ý kiến của quần chúng nhân dân hay nghiên cứu chính sách, những hoạt động cần kinh phí tương đối lớn.
Sự hình thành và phát triển của các tổ chức xã hội là một tất yếu khách quan trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, việc thành lập các tổ chức xã hội hoạt động trong đa dạng lĩnh vực đời sống xã hội, với mô hình và tên gọi phong phú đang ngày càng tăng lên. Những tổ chức này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò của mình, các tổ chức xã hội cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc về quy định, thể chế của pháp luật cần tháo gỡ. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức xã hội đối với xây dựng, phản biện chính sách nhà nước, cần có những nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước theo hướng phát huy hiệu quả sức mạnh quần chúng nhân dân trong các tổ chức xã hội thống nhất với sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, từ đó xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống của nhân dân, thực tiễn phát triển của xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
THE ROLE OF SOCIAL ORGANIZATIONS IN MAKING AND CRITICIZING STATE POLICIES
Nguyen Vu Duy Anh
Hanoi Procuratorate University
ABSTRACT:
Nowadays, social organizations are increasingly playing a crucial role in making and criticizing state policies in Vietnam. However, the actual implementation of this role still faces difficulties and obstacles. This paper highlights this role of social organizations and points out difficulties and obstacles facing the implementation of social organizations’ role in making and criticizing state policies.
Keywords: social organization, Vietnam, making and criticizing policies, state policies.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2023]
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết