​Sớm tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc cho nền kinh tế


(CHG) Đánh giá Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai từ sớm, từ xa, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra để sớm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam):

Khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế
Tôi đánh giá cao chương trình Kỳ họp thứ Năm đã được xây dựng công phu, khoa học và hợp lý. Thời gian kỳ họp đã được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa nhưng đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng các nội dung, phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: Hoàng Ngọc

Khối lượng công tác lập pháp tại Kỳ họp này rất nặng, các nội dung được trình Quốc hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó có những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tôi sẽ tham gia ý kiến vào các dự án luật, đặc biệt là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các dự luật này có nhiều nội dung liên thông chặt chẽ với nhau và có tầm quan trọng đặc biệt đối với đất nước, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Như chúng ta đã biết, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta nói riêng và thế giới trong năm 2022 và quý I/2023 đang rất khó khăn, có khả năng tiếp tục xấu đi vào những tháng cuối năm nay nếu không có giải pháp phù hợp. Theo các báo cáo của Chính phủ, hầu hết các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau đều rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, đình hoãn sản xuất dẫn đến người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Không ít doanh nghiệp đã phải sử dụng những đồng tiền cuối cùng để trang trải và trả lãi suất cao. Nhiều công nhân đã phải trải chiếu, mắc màn chờ suốt đêm để xin được rút những đồng tiền quý giá cuối cùng tại Bảo hiểm xã hội hoặc liều mình vay nặng lãi, tín dụng đen để trang trải cuộc sống.
Các chuyên gia nhận định, vừa qua nền kinh tế của nước ta gặp 2 cú sốc. “Cú sốc đầu tiên là cú sốc về dịch bệnh Covid-19, cú sốc thứ hai là giảm “cầu” từ bên ngoài. Nhưng theo tôi, có thêm 1 cú sốc khác được tạo nên bởi chính nội tại của chúng ta, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay. 
Vì vậy, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận sâu về các vấn đề liên quan để chỉ ra các tồn tại, hạn chế, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, cái nào thuộc về quy định của pháp luật, cái nào thuộc về khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Từ đó đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, vướng mắc cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân.
ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang):
Tập trung trí tuệ, phát huy trách nhiệm để quyết sách đúng và trúng

Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn tất các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo thẩm tra; cũng như đôn đốc các cơ quan nhằm hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm đáp ứng điều kiện, chất lượng trước khi trình ra Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thường xuyên đôn đốc các cơ quan của Chính phủ khẩn trương gửi báo cáo, hồ sơ, tài liệu để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, góp ý vào các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang).

Tôi tin rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để đóng góp các ý kiến thật sự chất lượng nhằm hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, đặc biệt là những dự thảo Luật sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết ngay tại kỳ họp này; tiếp tục có những ý kiến đóng góp quan trọng vào những dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần này, trong đó có dự án luật Đất đai (sửa đổi) đang được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như sự kỳ vọng của người dân. Cùng với đó, từ những tâm tư, nguyện vọng được cử tri gửi gắm, những đặc thù của địa phương và điều kiện, tình hình của đất nước hiện nay, các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ, thảo luận và đưa ra những quyết sách căn cơ, đúng đắn đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm. Tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra những câu hỏi thẳng thắn, khách quan, trúng những vấn đề nổi cộm trong xã hội và phần trả lời, trao đổi của các tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ sẽ trực diện, rõ ràng, rõ trách nhiệm và rõ các giải pháp với lộ trình và hành động cụ thể để thực hiện.
Tôi đặc biệt quan tâm đến phiên giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Đây là chuyên đề giám sát được đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và cả ngành y tế cũng như các địa phương rất quan tâm, nhất là sau giai đoạn đất nước ta gồng mình chống dịch vừa qua. Từ kết quả giám sát sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, đắt giá để từ đó Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết với những giải pháp căn cơ giúp tháo gỡ được các khó khăn, bất cập trong thực tiễn huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tôi cũng kỳ vọng rằng, Nghị quyết về giám sát chuyên đề này của Quốc hội sẽ xác định rõ các giải pháp về cơ chế, chính sách liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực trong các hoàn cảnh đột xuất, chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Bảo đảm chu đáo, kỹ lưỡng mọi công tác chuẩn bị Kỳ họp 

Qua theo dõi công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm, tôi đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, từ sớm, từ xa, không quản ngại vất vả với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ” để bảo đảm chu đáo, kỹ lưỡng mọi mặt công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm. Các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân, cử tri... để tổng hợp, kịp thời phản ánh đến Quốc hội, đưa tiếng nói của cử tri tới nghị trường.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Kỳ họp lần này được tiến hành theo hai đợt, đợt 1 từ ngày 22/5 - 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 – 23/6, khoảng thời gian giữa hai đợt họp từ ngày 11/6 - 18/6 sẽ dành để các cơ quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội. Với khối lượng công việc rất lớn, rất nặng nhưng việc sắp xếp dự kiến chương trình và thời gian kỳ họp như vậy sẽ tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua. 
Công tác lập pháp tại Kỳ họp này vừa nhiều về số lượng vừa yêu cầu cao về chất lượng. Cụ thể, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 8 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Những nội dung Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống hiện nay. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri. Dự thảo trình Quốc hội lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư, nhưng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ- TW đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất...
Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng qua thảo luận tại kỳ họp sẽ đưa ra các giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả của kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội./.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/som-thao-go-diem-nghen-vuong-mac-cho-nen-kinh-te-i329627/

Còn lại: 1000 ký tự
Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Đề tài Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 do ThS. Phạm Thị Tươi (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Đề tài Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững do ThS. Trần Phương Tâm An (Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Thủ tướng: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải dũng cảm và chấp nhận rủi ro

Sáng 12/5, tại Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

Xem chi tiết
Khẩn trương thực hiện ngay thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thị trường vàng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng.

Xem chi tiết
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới

​CHG - Thời gian qua, Học viện Kỹ thuật quân sự không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 08-NQ/TW) và đạt được những kết quả nổi bật. Để tiếp tục phát huy thành tựu đã có, Học viện cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đột phá hơn nữa, từ đó góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạnh mẽ ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam trong bối cảnh mới.

Xem chi tiết
2
2
2
3