​Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giao danh mục, mức vốn dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội


(CHG) Chiều 21/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phân bổ vốn chậm so với yêu cầu của Quốc hội
Để phân bổ, giao chi tiết số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã có các Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, do không bảo đảm về thời hạn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023 theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội và khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội, qua xem xét các Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận để Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 là do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ giao kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; thu hồi vốn ứng trước Ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; phân bổ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép thực hiện việc điều hòa linh hoạt giữa Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 3), tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao danh mục, mức vốn với tổng số vốn là 161.848,315 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là: 14.151,685 tỷ đồng. Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số là 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Về phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng. Đến nay, số vốn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ là 2.440.007,683 tỷ đồng. Số còn lại chưa phân bổ là 279.992,317 tỷ đồng. Chính phủ trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội. 
Làm rõ sự cần thiết phải tiếp tục bố trí vốn cho các nhiệm vụ dự án, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn của 21 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương, nếu được Quốc hội cho giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để triển khai, thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt Quyết định đầu tư, dự kiến có thể giao vốn và giải ngân ngay trong năm 2023.
Đối với các dự án đang được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, hoàn thiện phương án phân bổ do phát sinh yếu tố quan trọng quốc gia hoặc để xử lý những nhiệm vụ, nội dung quan trọng như các dự án đường cao tốc, các dự án bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân, tín nhiệm của Việt Nam đối với quốc tế. Trong đó dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa — kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La; dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) của tỉnh Bình Phước và 56 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong tổng số vốn còn lại chưa được phân bổ có 26,2% các dự án thuộc lĩnh vực y tế; 71,6% các dự án thuộc ngành giao thông và còn lại là dự án đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội. Nếu được hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như Kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị. Trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung, không được tiếp tục phân bổ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ, dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Rà soát kỹ cơ sở pháp lý, sự cần thiết và phương án bố trí vốn
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình về phương án phân bổ vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đúng thẩm quyền của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chỉ mới đề cập đến tình hình khó khăn, nguyên nhân chung dẫn đến không thể kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023, chưa đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư và phương án phân bổ vốn theo quy định tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội dẫn đến chậm trễ. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng trên và báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định xử lý những tồn tại, vướng mắc trong triển khai phân bổ, giao vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu được Quốc hội giao, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, phương án phân bổ để trình Quốc hội.
Trong đó lưu ý, không phân bổ tiếp số vốn 782,217 tỷ đồng còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư cho các dự án dự kiến phân bổ; đưa vào dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 số vốn 15.746,187 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và số vốn  37.303,015 tỷ đồng Chính phủ đề nghị thu hồi về dự phòng.
Chính phủ tiếp tục quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43 và Luật Đầu tư công; việc thực hiện điều hòa vốn của Chương trình thực hiện nghiêm theo Nghị quyết số 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không đặt vấn đề giao cho các bộ, ngành, địa phương được quyết định điều hòa vốn của Chương trình với Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Về vốn ứng trước ngân sách trung ương phát sinh ngoài số đã báo cáo Quốc hội và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, chịu trách nhiệm về số liệu cụ thể và xác định rõ khoản vốn nào chưa có kế hoạch thu hồi do nguyên nhân khách quan để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; các trường hợp cố tình che giấu, không báo cáo chính xác, đầy đủ khi lập, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì kiên quyết không bố trí vốn của trung ương để thu hồi vốn ứng; đồng thời kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đối với số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị rà soát, hoàn thiện nghiêm túc theo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuyết minh cụ thể chi tiết có căn cứ, lý lẽ thuyết phục cho việc đề nghị bố trí vốn để trình Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về thực trạng, tình hình, số liệu và các nội dung đề xuất; rà soát kỹ cơ sở pháp lý, sự cần thiết và phương án bố trí vốn, hiệu quả và tính khả thi đầu tư các dự án để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tiết kiệm, hiệu quả./.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-giao-danh-muc-muc-von-du-an-thuoc-chuong-trinh-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-i329630/

Còn lại: 1000 ký tự
Phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến giám định tổn thất bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến giám định tổn thất bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam" do ThS. Nguyễn Văn Rõ (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện.

Xem chi tiết
Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Phan Thiết

Bài báo nghiên cứu "Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Phan Thiết" do ThS. Lương Quốc Vũ - TS. Võ Khắc Trường Thanh - TS. Võ Khắc Trường Thi - ThS. Đỗ Thị Minh Quyền - Lương Hoài Trinh (Trường Đại học Phan Thiết) thực hiện.

Xem chi tiết
Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024

​Tối 26-3, UBND thành phố tổ chức khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024. Đến dự có Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng; Trưởng Ban Dân vận Thành Uỷ Lê Văn Trung; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường.

Xem chi tiết
Khai mạc và trao thưởng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

​Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng thành phố (29/3/1975 - 29/3/2024) và hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), UBND thành phố phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng.

Xem chi tiết
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau các biến động kinh tế toàn cầu: Xu hướng chuỗi cung ứng tuần hoàn

Bài báo nghiên cứu "Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau các biến động kinh tế toàn cầu: Xu hướng chuỗi cung ứng tuần hoàn" do Đinh Thu Phương (Khoa Kinh tế biển - Logistics, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3