(CHG) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát đối với cá tầm nhập khẩu nhưng cơ chế quản lý hiện hành chưa đảm bảo để thực thi quy định pháp luật, không có cơ sở để kiểm tra, xác định chủng loại cá tầm. Vấn đề vướng kéo dài trong 2 năm qua dẫn đến nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm cũng như cơ quan Hải quan.
Tồn tại hiện nay trong giám định cá tầm là chưa có kết luận chính xác, chính thống về tên loài, kể cả tên loài thuần chủng và tên loài lai.
Vướng mắc ròng rã hai năm
Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nhập khẩu cá tầm.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021), Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì cá tầm nhập khẩu phải có Giấy phép CITES và phải thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Ngày 26/1/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn số 580/BNN-TCTS yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát mặt hàng cá tầm nhập khẩu; đồng thời, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng có phản ánh về tình trạng kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Hiệp hội kiến nghị cơ quan Hải quan siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm.
Từ tháng 3/2021 đến nay, các lô cá tầm nhập khẩu của doanh nghiệp đều lấy mẫu giám định để xác định chủng loại nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi nhập khẩu cá tầm không đúng quy định (không nằm trong Danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, không đúng với Giấy phép CITES).
Đã có tổng số có 294 tờ khai hải quan nhập khẩu cá tầm, trong đó có 108 tờ khai đã thông quan (trong giai đoạn từ ngày 1/12/2021 đến ngày 24/2/2022, các lô hàng thuộc các tờ khai này có kết quả giám định bằng phương pháp hình thái của Viện Nghiên cứu Hải sản kết luận thuộc loài Acipenser baerii Brandt 18692).
186 tờ khai chưa thông quan, bao gồm, 81 tờ khai đã lấy mẫu gửi giám định nhưng kết quả giám định của các cơ quan khoa học CITES do Bộ NN&PTNT chỉ định đều không đủ cơ sở để kết luận chủng loại cá tầm nhập khẩu; 105 tờ khai đã lấy mẫu nhưng chưa gửi giám định được do từ ngày 24/2/2022 không có đơn vị giám định nào tiếp nhận mẫu.
Những bất cập đó khiến cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm nhiều lần có công văn khiếu nại và yêu cầu cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại do hàng hóa không thông quan và bị hư hỏng.
Khó chồng khó
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm.
Đầu tiên là khó khăn trong việc xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu. Từ tháng 3/2021 đến nay, để kiểm soát giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng với Giấy phép CITES đã cấp theo đề nghị tăng cường kiểm soát của Bộ NN&PTNT, các lô hàng cá tầm nhập khẩu đều được cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa. Tuy nhiên, do đặc thù nhóm hàng, cơ quan Hải quan không đủ kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật để xác định chủng loài theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, cơ quan Hải quan đã đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ định các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện việc giám định, gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện nghiên cứu Hải sản. Tuy nhiên, kết quả giám định của các đơn vị này không kết luận giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu hoặc không tiếp nhận mẫu dẫn đến cơ quan Hải quan không đủ cơ sở pháp lý để thông quan hàng hóa hoặc xử lý vi phạm đối với 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm nêu trên.
Không chỉ vậy, cơ quan Hải quan đang gặp khó khăn trong việc bảo quản mẫu cá tầm để thực hiện giám định. Bên cạnh việc gửi mẫu vật giám định thì cơ quan Hải quan phải lưu giữ, bảo quản các mẫu vật để phục vụ kiểm tra, đối chiếu, tái giám định khi cần thiết (đặc biệt là trường hợp kết luận giám định không rõ ràng).
“Trung bình mỗi lô hàng, cơ quan Hải quan sẽ lấy mẫu từ 3 - 5 cá thể cá tầm, với tổng số lượng lớn và kích thước dài, các chi cục hải quan đã phải trang bị thêm 9 tủ đông để lưu mẫu; tuy nhiên, do số lượng mẫu quá lớn nên đối với các mẫu vật của các lô hàng mới phát sinh, chi cục hải quan giao cho người khai bảo quản mẫu các cá thể cá tầm phục vụ công tác giám định. Tuy nhiên, do thời gian bảo quản quá dài (từ tháng 3/2021), các tủ đông chi cục đã trang bị không phải là tủ chuyên dụng nên các mẫu lưu đã có hiện tượng phân hủy” báo cáo nêu rõ.
Việc lấy mẫu giám định, bảo quản mẫu vật cá tầm phục vụ việc giám định cũng đồng thời gây phát sinh nhiều chi phí cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp (trung bình 1 mẫu gửi giám định phát sinh khoảng 20 triệu đồng/lô chưa kể chi phí bảo quản mẫu).
Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế quản lý chưa rõ ràng đang gây khó khăn trong việc xử lý đối với các tờ khai hải quan cá tầm chưa có kết luận giám định xác định giống loài, chủng loại.
Bởi đặc thù hàng hóa nhập khẩu là cá tầm tươi sống việc nuôi nhốt phải đáp ứng điều kiện đặc biệt, không thể bảo quản tại cửa khẩu trong thời gian dài để chờ kết quả giám định. Do vậy, khi làm thủ tục hải quan, theo chỉ định của cơ quan kiểm dịch về việc đưa hàng về bảo quản phục vụ công tác kiểm dịch, hàng hóa được giao cho doanh nghiệp bảo quản chờ thông quan theo quy định. Tuy nhiên, với kết luận giám định không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan Hải quan thực hiện thông quan hoặc xử lý vi phạm dẫn đến 186 tờ khai nhập khẩu cá tầm giao cho doanh nghiệp bảo quản gặp nhiều khó khăn và phát sinh các vướng mắc mới trong việc đưa hàng về bảo quản.
Bộ Tài chính cho biết, trong suốt 2 năm (từ tháng 3/2021 đến nay), đã tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ NN&PTNT và nhiều lần có công văn đề nghị xử lý dứt điểm các vướng mắc, tuy nhiên đến nay các vấn đề chưa được giải quyết.
Kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc
Để đảm bảo việc minh bạch, thống nhất về cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát, thực thi các quy định pháp luật; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Hải quan khi thực hiện các quy; giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong suốt 2 năm qua, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu đã lấy mẫu và có kết quả giám định, phân tích nhưng kết luận không rõ ràng, giao Bộ NN&PTNT trước ngày 1/6/2023 chỉ đạo đơn vị có chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT căn cứ kết quả giám định, phân tích của các cơ quan khoa học CITES Việt Nam để ra kết luận cụ thể về giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu đúng hay sai so với Giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp và có thuộc Danh mục giống thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không để làm cơ sở cho cơ quan Hải quan xử lý theo quy định. Trường hợp cần thiết giám định lại thì đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn liên hệ cơ quan hải quan để được cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023.
Đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu chưa được các cơ quan khoa học CITES Việt Nam tiếp nhận mẫu để giám định, Bộ NN&PTNT khẩn trương chỉ định một đơn vị chuyên môn tiếp nhận mẫu, thực hiện giám định và có kết luận kết quả giám định cụ thể đối với các lô cá tầm nhập khẩu nêu trên trước ngày 1/6/2023.
Các mẫu cá tầm nhập khẩu đang được lưu tại cửa khẩu từ năm 2021 đến nay đã có hiện tượng phân hủy. Do vậy, trường hợp Bộ NN&PTNT không yêu cầu cung cấp mẫu trước ngày 1/6/2023 thì sau thời điểm trên, Bộ Tài chính đề xuất mời Chi cục Thú y phối hợp để tiến hành tiêu hủy các mẫu lưu.
Bên cạnh đó, đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu có thể phát sinh trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thực thi; phương pháp kiểm tra, xác định chủng loại cá tầm; đơn vị chuyên môn có chức năng giám định, xác định cụ thể, chính xác giống, loài của cá tầm nhập khẩu; hoàn thành trước ngày 1/6/2023.
Trường hợp có khó khăn vướng mắc trong việc hướng dẫn đối với công tác giám định cá tầm, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý để giải quyết các vướng mắc của Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua trước ngày 1/6/2023./.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/2-nam-keu-kho-co-che-quan-ly-ca-tam-nhap-khau-van-chua-dam-bao-de-thuc-thi-174489.html
4
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết