Báo cáo của công ty nghiên cứu Mordor Intelligence cho thấy, Việt Nam đứng thứ năm trong danh sách các nước sản xuất gạch men hàng đầu thế giới. Quy mô thị trường gạch men Việt Nam ước đạt 5,16 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 9,78 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 31,15% trong giai đoạn dự báo (2023-2028). Tổng công suất các nhà máy gạch men hiện đạt tới 500 triệu m2/năm.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạch men sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ và Australia, đặc biệt là sản phẩm gạch ốp lát. Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã liên tục tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý. Đa dạng hóa sản phẩm bằng cách pha trộn các đặc điểm truyền thống của Việt Nam hoặc châu Á với phương Tây là xu hướng cơ bản ở nhiều quốc gia.
Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, sản phẩm gạch men trong nước ngày càng trên đà tăng trưởng mạnh nhờ có lợi thế khi sang các thị trường nước ngoài,.
Dù vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu cũng đi kèm với rủi ro về việc bị điều tra phòng vệ thương mại, và ngành gạch men không phải ngoại lệ. Áp lực từ sản phẩm nhập khẩu buộc Chính phủ một số quốc gia phải sử dụng các công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có các biện pháp phòng vệ thương mại - là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.
Hơn 25 năm qua, ngành gạch men ốp lát Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với công suất sản xuất 750 triệu m2/năm; cung ứng cho thị trường nhiều chủng loại sản phẩm. Việc xuất khẩu ra thế giới là bước tiến lớn của ngành gạch men ốp lát Việt Nam, nhưng song hành với tăng trưởng xuất khẩu, mặt hàng này đã và đang đối diện với thách thức lớn trước các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu.
Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam
Đối với mặt hàng tủ gỗ, năm 2022, DOC đã lần lượt khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm và điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại Argentina, sản phẩm gạch men của Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá 31,15% từ năm 2018.
Năm 2019-2021, Philippines và Malaysia sau một thời gian điều tra đều đã quyết định dừng điều tra tự vệ đối với gạch ốp lát nhập khẩu do kết luận không có sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra và mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Trong khi đó, năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với gạch ốp lát có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Mức thuế được tính toán cho các doanh nghiệp Việt Nam dao động từ 2,23% đến 19,41%. Trong đó, có 6 doanh nghiệp được hưởng thuế chống bán phá giá 0%. Biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực trong 5 năm, tức sẽ kéo dài đến tháng 10/2026.
Cũng năm 2021, Indonesia khởi xướng rà soát cuối kỳ để xác định sự cần thiết của việc tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu đang được áp dụng từ năm 2019, trong đó có sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Sau rà soát, Indonesia quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ trong 3 năm đối với gạch ốp lát nhập khẩu, mức thuế tự vệ giảm dần từng năm: năm thứ nhất 17% (tháng 11/2021 - tháng 10/2022); năm thứ hai 15% (tháng 11/2022 - tháng 10/2023); năm thứ ba về 13% (tháng 11/2023 - tháng 10/2024). Như vậy, trong năm 2024 tới đây, khi biện pháp tự vệ hết thời gian có hiệu lực, Indonesia hoàn toàn có thể tiếp tục khởi xướng điều tra gia hạn để áp dụng thêm.
Đáng chú ý, gạch men là một trong những mặt hàng liên tục được Bộ Công Thương cảnh báo về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ tháng 7/2020.
Đối với gạch men (ceramic tile) xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4/2020.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạch men của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhanh, từ 269 nghìn USD năm 2018 lên tới 2,8 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 30,7 triệu USD, tăng 36,6% so với giai đoạn trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng kim ngạch của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ còn nhỏ, mới chỉ chiếm 1,4%.
Dự báo xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn tới trong bối cảnh xuất khẩu gạch men của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh vì bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu chính nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này.
Chuyên gia nhận định, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài hơn là một hệ quả tất yếu khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh và ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.
Thời gian qua, các doanh nghiệp gạch men đã có nhận thức tốt hơn về vấn đề phòng vệ thương mại, có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, hạn chế về nhân sự am hiểu lĩnh vực này, hạn chế về nguồn lực tài chính, cộng thêm những rào cản như về thị trường, ngôn ngữ,… vẫn là những thách thức lớn đặt ra cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: (i) cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; (ii) trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; (iii) tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; (iv) trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với Cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO); (v) xem xét khởi kiện các biện pháp phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO.
Các hoạt động trên đã đem lại những kết quả tích cực. Đơn cử như trong vụ việc với Đài Loan (Trung Quốc), có 6 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thuế 0% và các doanh nghiệp còn lại được hưởng mức thuế thấp hơn so với cáo buộc ban đầu, hay mức thuế mà Indonesia đưa ra cho giai đoạn 2021-2024 cũng thấp hơn so với mức thuế đã được áp dụng trong giai đoạn 2018-2021 trước đó.
Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ban đầu thường kéo dài ít nhất là một năm và biện pháp sau đó (nếu được áp dụng) sẽ được rà soát hành chính hàng năm/giữa kỳ hoặc cuối kỳ... Vì vậy, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phối hợp cùng các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng chủ động theo dõi các vụ việc, hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng cho rằng, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng.
Bên cạnh đó, việc ta tiếp tục thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, củng với những lợi thế của ngành gạch men như nguyên liệu dồi dào, dây chuyền sản xuất hiện đại, đội ngũ lao động có tay nghề,… sẽ giúp hàng hóa của ta có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu.
Do vậy, các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài.
Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của ngành gạch men trong nước, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp:
Một là, tích cực tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu.
Hai là, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để có hành động sớm, kịp thời và có chiến lược xuất khẩu phù hợp, đồng thời thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các Hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh;
Ba là, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là đối với các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hoặc đã từng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam;
Bốn là, nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, đồng thời chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp;
Năm là, hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; áp dụng hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá, không trợ cấp, không lẩn tránh khi bị điều tra;
Sáu là, hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi là đối tượng bị điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Bài: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên, Khánh Chi
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới, trong đó quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”.
Xem chi tiết(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết(CHG) Tại Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2024, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nhiều vướng mắc, khó khăn,… được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ.
Xem chi tiết(CHG) Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng do Cục thuế tỉnh Sóc Trăng chủ trì đã tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn kê khai, nộp thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Xem chi tiết