Không khoan nhượng trước tội phạm kinh tế
Hàng giả không đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là biểu hiện rõ nét của sự coi thường đạo đức kinh doanh, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Những sản phẩm làm giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân, làm méo mó môi trường đầu tư và làm suy giảm lòng tin vào hệ thống quản lý nhà nước.
Lực lượng chức năng thu giữ một số mẫu sữa kém chất lượng.
Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội và thương mại điện tử, hàng giả đã không còn gói gọn trong quy mô nhỏ lẻ mà ngày càng tinh vi, được tiếp thị một cách bài bản thông qua các kênh livestream, quảng cáo trá hình bởi những gương mặt nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng công an các cấp đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, nhất là các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại. Trong những năm gần đây, Bộ Công an và Công an các địa phương đã điều tra, triệt phá nhiều chuyên án quy mô lớn, có tổ chức, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Một trong những chuyên án đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc liên quan đến Tiktoker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và các cộng sự. Dưới vỏ bọc là các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, những cá nhân này đã lợi dụng sự tin tưởng của người xem để quảng bá, tiếp thị các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu làm giả, không công bố chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bộ Công an đã kịp thời vào cuộc, điều tra và triệt phá thành công đường dây này, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan, đồng thời thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm.
Những giọt nước mắt hối hận muộn màng của Tiktoker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em rọt.
Bên cạnh đó, một vụ án gây rúng động dư luận khác chính là vụ sản xuất và tiêu thụ gần 600 nhãn phẩm sữa giả trong vòng 4 năm với tổng giá trị hàng hóa đã bán ra thị trường lên tới gần 500 tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm, tung ra thị trường khắp các tỉnh thành. Sự việc bị phát hiện nhờ vào công tác trinh sát, điều tra kỹ lưỡng của lực lượng công an, thể hiện tinh thần quyết liệt và kiên cường của những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng.
Trước đó, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo triệt phá thành công một loạt các vụ sản xuất hàng giả, trong đó nổi bật là vụ việc tại Công ty Sữa Hà Lan (Hải Dương). Dưới danh nghĩa là doanh nghiệp hợp pháp, Công ty này đã tổ chức một dây chuyền sản xuất khép kín chuyên làm giả sữa bột trẻ em với nhãn mác nước ngoài, bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm tổn hại nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính. Qua điều tra, công an đã thu giữ hàng trăm bao nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hàng nghìn sản phẩm đóng gói sai quy cách, đồng thời làm rõ chuỗi cung ứng tiêu thụ kéo dài đến các đại lý ở miền Bắc và miền Trung.
Ở Thanh Hóa, lực lượng công an tỉnh cũng lập chiến công lớn khi bóc gỡ thành công một đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược giả. Điều đáng lo ngại là số thuốc này được tiêu thụ qua các nhà thuốc tư nhân, bệnh viện tuyến huyện, len lỏi vào tận tay người bệnh. Với tinh thần trách nhiệm và sự quyết đoán, lực lượng công an đã phối hợp với cơ quan y tế, tiến hành kiểm tra, giám định và khởi tố các đối tượng liên quan, góp phần chặn đứng nguy cơ lan rộng của loại “hàng hóa giết người” này.
Công an Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn.
Xây dựng “lá chắn thép” từ lòng tin nhân dân
Dưới góc độ pháp lý, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại đều bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều 192, 193 và 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, phân bón, hàng tiêu dùng… Người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo mức độ nghiêm trọng và hậu quả xảy ra.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng nhấn mạnh quyền được cung cấp thông tin trung thực, quyền được an toàn và quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm hại. Tuy nhiên, để các quy định này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền các cấp, cơ quan quản lý thị trường, ngành y tế, giáo dục, công thương... cũng như vai trò của người dân trong việc phát hiện và tố giác hành vi vi phạm.
Công cuộc đấu tranh với tội phạm kinh tế, gian lận thương mại không thể thành công nếu thiếu sự đồng hành của người dân. Mỗi người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không chạy theo tâm lý sính ngoại, sính rẻ, nên kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ trước khi mua hàng. Các doanh nghiệp chân chính cần chủ động phối hợp với cơ quan công an khi phát hiện hành vi làm giả, làm nhái thương hiệu của mình.
Lực lượng công an, với bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng và nghiệp vụ sắc bén, đã và đang ngày đêm âm thầm đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vi phạm pháp luật. Hình ảnh các chiến sĩ công an điều tra hiện trường, thu giữ hàng hóa, bắt giữ các đối tượng phạm tội chính là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” mà ngành Công an nhân dân đã và đang gìn giữ suốt hơn 70 năm qua.
Sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ là vấn nạn xã hội mà còn là “kẻ thù giấu mặt” của nền kinh tế quốc dân. Trong cuộc chiến này, lực lượng công an nhân dân chính là “tuyến đầu” quyết liệt, không khoan nhượng, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn trật tự kỷ cương thị trường, tạo môi trường đầu tư minh bạch và lành mạnh.
Cần khẳng định rằng, chỉ khi nào các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, người dân đồng lòng, doanh nghiệp hành xử tử tế thì “lá chắn” chống hàng giả mới vững chắc. Lực lượng công an, với những chiến công rực rỡ trong thời gian qua – xứng đáng là niềm tin, là điểm tựa trong hành trình xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững, văn minh, công bằng và hiện đại.
Bài báo: “Vai trò tích cực của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam” do Th.S. Nguyễn Bá Thanh - Trường Đại học Tài chính – Marketing thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Trong dòng chảy hào hùng của lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn là vũ khí sắc bén, là người bạn đồng hành trung thành của cách mạng. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và oanh liệt, từng trang báo, từng bài viết không chỉ là bản tin thông thường mà còn là những “viên đạn tư tưởng”, là lời hịch hiệu triệu cả dân tộc đứng lên giành độc lập, tự do.
Xem chi tiếtBài báo Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Lào Cai do ThS. Nguyễn Thị Thu Hương (Khoa Quản trị và Marketing - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Nhận thức của sinh viên về ngân hàng số tại Trường Đại học Văn Hiến" ThS. Đào Văn Hảo (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Văn Hiến) và ThS. Nguyễn Huỳnh An (Khoa Kinh doanh & Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn) thực hiện.
Xem chi tiết