(CHG) Trong thời gian gần đây, giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng. Lợi dụng tình hình trên, nhiều đối tượng đã sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhóm mặt hàng này để trục lợi bất chính. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như đảm bảo năng suất, chất lượng của cây trồng, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Lực lượng QLTT kiểm tra kho thuốc bảo vệ thực vật.
Truy quét thuốc bảo vệ thực vật giả
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã liên tục ra quân truy quét các đối tượng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả. Vụ việc đáng chú ý là Công an Long Xuyên - An Giang (ngày 24/7) đã bắt khẩn cấp đối tượng Vương Mạnh Giác về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật". Vương Mạnh Giác thuê căn nhà số 30/37, thuộc tổ 35, khóm Đông Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên để sử dụng làm nơi sản xuất thuốc thực vật giả. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Giác đang vận chuyển lên xe ô tô 80 chai thuốc bảo vệ thực vật hiệu Filia và 40 chai thuốc bảo vệ thực vật hiệu Amistar top.
Tiếp tục khám xét, lực lượng chức năng phát hiện thêm 232 chai thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm giả, dán nhãn hiệu của Công ty TNHH Syngera Việt nam cùng nhiều chai, nắp nhựa, tem nhãn và các công cụ, đồ dùng để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.
Trước vụ việc này, vào ngày 29/6, tại ấp Bình Hoà (xã Thái Bình, huyện Châu Thành), trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Châu Thành đã bắt quả tang đối tượng Đặng Vĩ Thanh đang chuyển 320 chai thuốc bảo vệ thực vật, nghi được làm giả lên xe ô tô đi tiêu thụ.
Khám xét nơi ở và kho chứa hàng của đối tượng Thanh, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 4.565 chai thuốc bảo vệ thực vật giả. Bước đầu, đối tượng khai nhận đã móc nối với một số người ở tỉnh, thành khác để nhập mua các loại thuốc bảo vệ thực vật giả do đối tượng là đầu mối cung cấp.
Đặc biệt tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 1 Cục QLTT TP. Hà Nội đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng triệt phá một kho thuốc bảo vệ thực vật giả mạo nhãn hiệu tại số 19, ngõ 785 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai, Hà Nội, do ông Phan Việt Anh (hộ khẩu thường trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn) là chủ sở hữu.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang các công nhân tại đây đang dán nhãn để "biến hoá" những nguyên liệu bán thành phẩm Trung Quốc thành thuốc trừ cỏ do Việt Nam sản xuất được bà con nông dân tin tưởng và hay lựa chọn như: LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480...
Qua kiểm đếm, phân loại, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 732 can và 12.015 chai thuốc trừ cỏ - tương đương với 17.900 lít. Theo hướng dẫn sử dụng, số lượng trên có thể sử dụng diệt cỏ cho hơn 12.000 ha.
Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Long Xuyên đã phát hiện một kho hàng có chứa 1 thùng phuy đựng trên 210 lít thuốc bảo vệ thực vật giả chưa kịp đóng chai; 71 chai và 99 gói thuốc bảo vệ thực vật giả thành phẩm nhãn hiệu nước ngoài, cùng các nguyên liệu, công cụ, phương tiện và số lượng lớn chai, nắp, bao bì, tem nhãn nước ngoài để làm thuốc bảo vệ thực vật giả. Được biết, từ đầu tháng 11/2022, các đối tượng đã thuê địa điểm này để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. Nguồn nguyên liệu sản xuất được các đối tượng đặt mua trôi nổi trên mạng. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng tuồn ra thị trường từ 1 đến 3 thùng phuy thuốc bảo vệ thực vật giả.
Theo phản ánh từ bà con nông dân, thuốc bảo vệ thực vật giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông sản mà còn khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân.
Các cơ quan chức năng lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật đi kiểm định chất lượng.
Tăng cường kiểm soát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Để kiểm soát thị trường đối với hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngay từ đầu năm 2022, Tổng Cục Quản lý thị trường đã ra văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh ban hành các kế hoạch (kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên đề), để thực hiện công tác giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý, thu thập thông tin, theo dõi các biến động của thị trường, kịp thời phát hiện và kiểm tra ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng… kết hợp hoạt động kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn được giao quản lý.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 3/10/2022, trả lời báo chí về việc tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng được phát hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nguyên, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho biết, trong những năm gần đây, tình hình phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã được kiểm soát, số lượng vụ việc đã giảm đi nhiều.
Để có được kết quả trên, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra… đồng thời liên tục có các văn bản chỉ đạo hệ thống trồng trọt và bảo vệ thực vật địa phương kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhanh nhất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, các địa phương cũng đã triển khai đồng loạt tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương. Sau khi các cấp cơ sở tổ chức kiểm tra đối với lĩnh vực này, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã yêu cầu những địa phương phát hiện cơ sở phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng áp dụng xử phạt hành chính và chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra những vụ việc cần thiết. Hiện nay, đã có 3 vụ được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo pháp luật.
Cục Bảo vệ thực vật đang trong quá trình rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã loại bỏ gần 200 nhà máy không đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Dự kiến cuối năm nay, Cục Bảo vệ thực vật sẽ công bố công khai số lượng phân bón được lưu hành, các nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ông Hoàng Trung cho biết thêm.
Cùng với rà soát, kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất tiết giảm việc sử dụng vật tư đầu vào, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm góp phần bình ổn giá, tăng trưởng xanh trong nông nghiệp. Đây cũng được coi là một giải pháp mang tính hiệu quả đối với việc sản xuất nông sản sạch, góp phần hạn chế sự lệ thuộc của bà con nông dân đối với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, cũng là việc làm hạn chế hoạt động sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trên thị trường.
(Còn tiếp)
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết