(CHG) Đi liền với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, thời gian qua cũng đã xuất hiện những nguy cơ cho nhà đầu tư. Lợi dụng sơ hở, các hacker xâm nhập trái phép vào tài khoản để rút tiền hoặc bán cổ phiếu rồi trộm cắp tài sản, gây thiệt hại lớn cho chủ tài khoản. Thậm chí đã hình thành nhiều sàn chứng khoán giả mạo và nhiều người đã sập bẫy.
Cẩn trọng khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Hack tài khoản chứng khoán chiếm đoạt hàng tỉ đồng
Thời gian qua, bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm... thì chứng khoán đã trở thành một kênh đầu tư rất "hot". Số liệu mới nhất từ cơ quan chức năng cho thấy, hiện cả nước có gần 5 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương với 5% dân số.
Đầu tháng 3/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội nhận được yêu cầu từ một công ty chứng khoán lớn (Công ty D.) đề nghị vào cuộc điều tra vụ việc một khách hàng của công ty này bị hack tài khoản, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Theo đó, cuối tháng 2/2022, anh Phạm Văn S. (sinh năm 1975, hiện trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện tài khoản của mình bị xâm nhập trái phép. Đối tượng đã đặt lệnh bán toàn bộ hàng chục mã chứng khoán, với tổng số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng. Sau khi khớp lệnh, đối tượng tiếp tục thực hiện việc rút toàn bộ số tiền bán chứng khoán về một tài khoản ngân hàng không phải của anh S. Phát hiện sự việc, khổ chủ vội vàng liên hệ với Công ty chứng khoán D. (địa chỉ tại Hà Nội) để yêu cầu tra soát, làm rõ.
Tiến hành tra soát, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong vụ việc, Công ty chứng khoán D. đã có đơn đề nghị các phòng nghiệp vụ của Công an TP. Hà Nội vào cuộc điều tra. Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp chặt chẽ với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng ANM), áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm điều tra, khám phá vụ án trong thời gian ngắn nhất.
Tổ chức truy lùng theo những dấu vết mà hacker để lại, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn vì đối tượng sử dụng hàng loạt các thủ đoạn che giấu thông tin của bản thân cũng như xóa dấu vết trong quá trình gây án. Nhiều lần cơ quan điều tra ngỡ đã tìm ra chân tướng đối tượng, song rồi lại bị mất dấu. Sau khoảng một tháng kiên trì thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đến khoảng cuối tháng 3/2022, cơ quan công an đã dựng lên được chân dung của đối tượng, đồng thời có được các thông tin về địa chỉ, nhân thân của kẻ vi phạm pháp luật.
Một tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng An ninh mạng nhanh chóng có mặt tại tỉnh Vĩnh Long, phối hợp với công an tỉnh này bí mật tiếp cận đối tượng. Ngày 20/3/2022, hacker Nguyễn Trần Minh Hòa (sinh năm 1995, thường trú ấp Tân Phước, Tân Bình, Vĩnh Long) đã sa lưới pháp luật.
Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, để có thể phá được vụ án này, lực lượng điều tra đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hòa vốn là cử nhân Công nghệ thông tin, rất thạo về mạng máy tính cũng như những thủ thuật để hack tài khoản. Khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng cũng có những kế hoạch, tính toán rất chi tiết nhằm xóa dấu vết, khiến cơ quan chức năng khó có thể tìm ra.
Hiện cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Trần Minh Hòa về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", đồng thời điều tra mở rộng vụ án.
Ảnh minh hoạ.
Các chiêu trò của các ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo
Thời gian gần đây, hàng nghìn người dân tham gia vào các ứng dụng (còn gọi là app) đầu tư chứng khoán không chính thống trên không gian mạng, rồi sau đó không rút được tiền đã đầu tư, bị lừa đảo chiếm đoạt những khoản tiền rất lớn.
Bắt theo xu hướng người dân ngày càng quan tâm đến chứng khoán trong nước, các ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo đã có thêm các chiêu trò mới, đó là tạo dựng mô hình giống với sàn chứng khoán nội địa để thực hiện hành vi lừa đảo.
Để thực hiện được hành vi lừa đảo, các đối tượng đã dùng nhiều “cò mồi” để lôi kéo người chơi, với những lời quảng cáo đánh vào lòng tham như: Giao dịch T+0, được mua bán trong ngày; cam kết lợi nhuận “khủng”, đòn bẩy cao tới 10 lần; được đẩy lệnh trực tiếp vào sàn giao dịch không cần thông qua các công ty chứng khoán trung gian... thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Những lời quảng cáo theo kiểu như vừa nêu đã dụ dỗ được rất nhiều người và họ đã mạo hiểm đầu tư thử.
Một nhà đầu tư chứng khoán thành thạo đã tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán nội địa 4 năm, nhưng vẫn trở thành nạn nhân của app chứng khoán giả mạo, sau nhiều cuộc điện thoại mời gọi chèo kéo tham gia vào các hội nhóm đầu tư chứng khoán trên các nền tảng xã hội như Telegeam, zalo. Đối tượng “cò mồi” đã giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty chứng khoán Nhất Việt, cùng những lời mời chào vô cùng hấp dẫn như: Mở tài khoản nội bộ công ty và giao dịch trên app sẽ được hưởng lợi nhuận khủng từ 300-600%; được hưởng T+0 thay vì T+2,5 theo quy định... Đó là hai trong rất nhiều “ưu đãi khủng”, được những đối tượng cò mồi và chuyên gia giảng dạy đầu tư chứng khoán đưa ra để dụ dỗ các hội viên.
Có nạn nhân đã tham gia gần 4 tuần, mở một tài khoản nội bộ giao dịch T+0. Với sự ham lợi do những đối tượng lừa đảo “vẽ” ra, nạn nhân đã chuyển đến 800 triệu đồng để thực hiện lệnh mua bán, rồi bị chiếm đoạt.
Từ tháng 10/2022 tới nay, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện gần 20 app và website có dấu hiệu giả mạo để giao dịch chứng khoán, hầu hết đều có máy chủ ở nước ngoài do các đối tượng người nước ngoài quản lý. Người dân tới trình báo với cơ quan chức năng về việc bị chiếm đoạt những số tiền rất lớn ngày càng nhiều, cá biệt có những nạn nhân mất cả chục tỉ đồng.
Trung tá Đào Mạnh Hà, Đội trưởng Đội An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội cho biết: “Khi các nhà đầu tư yêu cầu đánh các lệnh để rút tiền ra, các đối tượng này tìm mọi cách để trì hoãn việc trả tiền cho nhà đầu tư, đưa ra rất nhiều lý do là lỗi tài khoản hoặc lý do khác phải đóng các loại phí, thuế. Khi đối tượng không còn cơ hội yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền, là đánh sập các cái tài khoản ở các app trên không gian mạng để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”.
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cá nhân nhận được đường dẫn website, app giao dịch sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng trên mạng xã hội (chưa xác định được nhân thân) để giao dịch mua bán chứng khoán với mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư, sau đó chiếm đoạt tiền.
Việc huy động vốn này được thực hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Nếu tham gia vào những loại hình này, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Phương thức hoạt động mà các đối tượng thường thực hiện là hướng dẫn, đề nghị cá nhân truy cập vào các đường link lừa đảo để thực hiện các dịch vụ chuyển tiền nhiều ngân hàng. Sau khi cá nhân truy cập vào đường link sẽ mở ra giao diện giống với giao diện của các tổ chức, các công ty chứng khoán để mua bán các mã chứng khoán.
Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định, nhà đầu tư không rút được tiền từ tài khoản đã đăng ký trên giao diện giao dịch chứng khoán giả mạo và bị mất tiền.
(Còn tiếp)
5
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết