Khi TikToker thành “người dẫn đường” cho hàng hóa vi phạm


(CHG) Thời gian qua, người tiêu dùng thông tin tới Quỹ Chống hàng giả về tài khoản TikTok: “Quyền Leo Review” và tài khoản Quyền Leo Daily có tích xanh thường xuyên livestream (hoặc các video quảng cáo ngắn) giới thiệu sản phẩm: yến sào, yến hũ ăn liền, thời trang, đồ gia dụng, sản phẩm công nghệ... có dấu hiệu vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa, nhiều sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.

Ông Lã Thế Quyền và bà Nguyễn Lan Anh (thường gọi là Leo, ảnh cắt từ phiên livestream và video quảng cáo sản phẩm).

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đã trở thành “sàn diễn” cho không ít cá nhân lợi dụng danh tiếng để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là những hệ lụy khó lường, trong đó hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng hóa vi phạm các quy định về việc ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại và nhập lậu.

Trên nền tảng mạng xã hội TikTok, tài khoản "Quyền Leo Review" và tài khoản "Quyền Leo Daily" có số lượt người theo dõi và người thích rất "khủng".

Điển hình của vấn nạn trên là trường hợp của hai tài khoản TikTok có tên “Quyền Leo Review”, có hơn 620 nghìn lượt người theo dõi và hơn 6,4 triệu lượt thích và tài khoản “Quyền Leo Daily” có hơn 4,6 triệu người theo dõi, hơn 108 triệu lượt thích. Được biết chủ sở hữu của hai kênh TikTok trên là Lã Quốc Quyền, sinh năm 1995 và Nguyễn Lan Anh, thường gọi là Leo, sinh năm 1992, cặp đôi nổi tiếng với phiên livestream lên tới hàng trăm tỷ.
Những sản phẩm được tài khoản này quảng bá không chỉ gây tò mò về chất lượng, mà còn khiến người tiêu dùng bức xúc bởi hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật hiện hành về thương mại trong việc ghi nhãn hàng hóa, khiến người tiêu dùng không thể truy xuất về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Tai nghe không giây Bluetooth mang thương hiệu Coojodoa J126 được ông Lã Quốc Quyền thường xuyên livestream quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn goocs xuất xứ, dấu hiệu của gian lận thương mại.

Chị N.T.H, một khách hàng đặt mua sản phẩm tai nghe không dây Bluetooth mang thương hiệu Coojodoa J206 trong một phiên livestream bán hàng của nhà Quyền Leo băn khoăn: “Sau khi nhận hàng từ đơn vị chuyển phát, tôi đã vô cùng “lóng ngóng” vì không biết sử dụng sản phẩm như thế nào cho đúng. Trên nhãn vỏ hộp không có bất kỳ thông tin nào về hàng hóa bằng tiếng Việt. Tôi nghi ngờ sản phẩm này có dấu hiệu của hành vi gian lận thương mại, thậm chí có thể là sản phẩm nhập lậu (hoặc hàng hóa gia công kém chất lượng). Tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc”.
Quan sát vỏ hộp của tai nghe không dây Bluetooth, phóng viên nhận thấy những dòng chữ nước ngoài dường như đã góp phần tôn vinh vẻ hiện đại của sản phẩm. Tuy vậy, điều chị H. băn khoăn dường như đã có lời giải. Sản phẩm trên không thể hiện thông tin tiếng Việt (nhãn phụ) nào: Tên sản phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Năm sản xuất; Thông số kỹ thuật; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Với sản phẩm công nghệ thông tin được tân trang làm mới... theo quy định của pháp luật.


“Thảm điện xông ngải cứu Đông y Model BT-EM 01” thiếu tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và không có chứng nhận hợp quy ghi trên nhãn sản phẩm.

Một sản phẩm khác là “Thảm điện xông ngải cứu Đông y Model BT-EM 01” cũng được TikToker này quảng bá với lời giới thiệu: “xông ngải cứu hỗ trợ cho người đau nhức xương khớp, vai gáy, đả thông kinh mạch, tốt cho sức khỏe...”. Tuy nhiên, sản phẩm trên đã mang tới cho người tiêu dùng cảm giác thất vọng, thậm chí có phần bức xúc. Ngoài việc thiếu tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, sản phẩm trên còn không thể hiện chứng nhận hợp quy của sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cho rằng sản phẩm trên rất nhàu nhĩ, bẩn, cũ, có đốm mốc... Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng của sản phẩm, cũng như tính an toàn về sức khỏe người tiêu dùng trong quá trình sử dụng, thậm chí là rủi ro cháy nổ nếu sản phẩm hoạt động không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Vi phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hóa

Luật sư Nguyễn Trí Thắng , giám đốc Công ty Luật TNHH Nam Hà và Cộng sự tại buổi trả lời phỏng vấn phóng viên của Tạp chí CHG.

Trao đổi với Luật sư Nguyễn Tri Thắng, giám đốc Công ty Luật TNHH Nam Hà và Cộng sự về vấn đề trên, ông Thắng cho rằng: “Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung về việc ghi nhãn hàng hóa, mọi sản phẩm lưu thông tại thị trường Việt Nam đều phải có nhãn gốc bằng tiếng Việt (hoặc nhãn phụ tiếng Việt đi kèm), ghi rõ tên hàng hóa, thông tin nhà sản xuất, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và thành phần cấu tạo. Riêng với hàng hóa nhập khẩu, theo Thông tư 05/2019/TT-BKHCN, nhãn phụ phải được dán trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Do đó, việc sản phẩm do Quyền Leo Review rao bán không có nhãn phụ tiếng Việt là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, thể hiện việc không tuân thủ quy định bắt buộc về ghi nhãn hàng hóa và có dấu hiệu hàng hóa nhập lậu hoặc không qua kiểm định chất lượng”.

Sản phẩm "Yến tinh chế vụn" của Thế giới yến sào Nguyễn Thúy, một brand song hành cùng nhà Quyền Leo có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.

“Ngoài ra, nếu sản phẩm không có tem hợp quy (CR) hoặc không được kiểm định bởi cơ quan chuyên môn như Bộ Khoa học và Công nghệ, thì việc quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng lại càng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng, nhất là với các thiết bị điện, sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người như thảm điện, tai nghe, máy massage…
Sự mập mờ về thông tin sản phẩm, thiếu nhãn phụ, không rõ xuất xứ đang đặt ra nghi vấn về tính hợp pháp của hàng hóa mà TikToker Quyền Leo Review đang bán. Rất có thể đây là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, được nhập về từ thị trường Trung Quốc hoặc các nguồn không chính thống để tránh né kiểm định, trốn thuế và hạ giá thành.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị phạt từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, thậm chí bị tịch thu hàng hóa và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc quảng bá, giới thiệu và livestream bán các sản phẩm như vậy là tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại, làm méo mó thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính và đặc biệt đe dọa quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng”, Luật sư Nguyễn Tri Thắng cho biết thêm.
Trách nhiệm của người livestream bán hàng

Sản phẩm yến hũ đã qua chế biến mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy trên nhãn ghi nước yến sào (35%) bỗng dưng được thay thế bằng sản phẩm "Yến tinh chế vụn" (?)

Sau khi tiếp nhận bàn giao thông tin từ Quỹ Chống hàng giả, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và gian lận thương mại (CHG) đã cử phóng viên trao đổi với ông Lã Thế Quyền. Qua số điện thoại 0982399xxx, một người được cho là trợ lý của ông Quyền cho rằng: “Tất cả các sản phẩm mà bên em đang livestream đều là sản phẩm của brand (thương hiệu) chứ bên em không tự sản xuất”.
Tạm hiểu về câu trả lời từ phía người đại diện của ông Quyền: họ chỉ là người giới thiệu sản phẩm, không trực tiếp bán hàng, hoặc họ chỉ làm tiếp thị liên kết (affiliate), như vậy họ vô can? Không, họ không thể vô can. Bởi: "Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, mọi cá nhân khi quảng bá sản phẩm đến công chúng đều phải chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra hậu quả do hàng hóa vi phạm. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng được quy định cụ thể tại điều 22 của luật này.
Cụ thể, nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba (bao gồm cả người có ảnh hưởng, người nổi tiếng, KOLs, v.v.), thì bên thứ ba này có trách nhiệm: Đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin; Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, mọi cá nhân khi quảng bá sản phẩm đến công chúng đều phải chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra hậu quả do hàng hóa vi phạm, trừ khi chứng minh đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra thông tin theo quy định của pháp luật”, ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả chia sẻ.
Trường hợp của tài khoản TikTok “Quyền Leo Review” và tài khoản “Quyền Leo Daily” là minh chứng rõ ràng cho việc một bộ phận không nhỏ KOL đang vô trách nhiệm trong hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp tay cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm nhãn mác, thậm chí hàng hóa gian lận thương mại.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý với các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội. Đồng thời, các nền tảng như TikTok cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm duyệt nội dung, kiểm soát nhà bán hàng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để loại bỏ triệt để tình trạng bán hàng vi phạm pháp luật.
Nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt, thị trường tiêu dùng sẽ tiếp tục bị xâm hại, còn người tiêu dùng sẽ luôn là nạn nhân trong một “ma trận” hàng hóa trôi nổi được tô vẽ bởi những lời lẽ có cánh từ các TikToker kiếm tiền bất chấp. Khi đó rất có thể những TikToker này sẽ trở thành những người “người dẫn đường” cho hàng hóa vi phạm.
 
 
 
 
 

Còn lại: 1000 ký tự
Hộp thư ngày 22/8/2023: Phản ánh liên quan Ngân hàng Quốc Dân, Điện lực Hà Tĩnh, BV Tràng An

Hộp thư ngày 22/8/2023 nhận thông tin phản ánh liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc Dân, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) và nhiều đơn vị khác.

Xem chi tiết
Hộp thư ngày 8/8/2023: Phản ánh về Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái

Hộp thư ngày 8/8/2023 nhận thông tin phản ánh liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Công Thương Yên Bái và nhiều đơn vị khác.

Xem chi tiết
​Giả trạm phát sóng điện lực lừa đảo thanh toán tiền điện

(CHG) Theo thông tin từ Điện lực miền Trung (CPCCC), đơn vị vừa phát hiện thêm trường hợp đối tượng vận hành một trạm thu phát sóng giả (BTS giả), gửi tin nhắn mạo danh EVNCPC đến người dân đề nghị “thanh toán tiền điện”.

Xem chi tiết
​Triệt phá đường dây cho vay lãi nặng do người nước ngoài điều hành, thu lời bất chính trên 8.000 tỷ đồng

(CHG) Quá trình điều tra ban đầu xác định tổng số tiền các đối tượng phạm tội thông qua các công ty trung gian thanh toán tổ chức cho vay lãi nặng tính đến thời điểm bắt giữ là 18.895 tỷ; thu lợi bất chính số tiền trên 8.000 tỷ đồng; tổ chức "rửa tiền" và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam trên 5.000 tỷ đồng.

Xem chi tiết
​Hướng dẫn nạn nhân cầm “sổ đỏ” để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng

(CHG) Mới đây, Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn trình báo của một người dân bị lừa đảo với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3