(CHG) Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà là một trong những đơn vị chuyên kinh doanh các loại hàng hoá là đặc sản, đồ lưu niệm dành cho khách du lịch trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi sự phong phú, đa dạng về hàng hóa, mà còn thu hút lượng lớn khách hàng bởi giá của các sản phẩm được cho là rất “phải chăng”. Vì thế, không ít người tiêu dùng băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, cũng như có chút “gờn gợn” về chất lượng của sản phẩm đang bày bán tại các Trung tâm mang thương hiệu Hương Đà.
Vấn nạn hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu nhập lậu, hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại và “hàng hiệu” giá siêu rẻ... tại các siêu thị, các trung tâm kinh doanh đồ lưu niệm dành cho khách du lịch nổi lên như một hiện tượng xấu, đáng lên án, cần loại bỏ. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói (du lịch), cũng như để lại cái nhìn thiếu thiện cảm của du khách trong nước và quốc tế. Hệ lụy của vấn đề trên chắc hẳn sẽ rất khó lường(!)
Anh T.V.B, khách du lịch đang đi nghỉ dưỡng cùng gia đình tại Đà Nẵng chia sẻ một số cảm nhận: “Đà Nẵng thay đổi nhiều quá! Những tuyến phố được quy hoạch và xây dựng khang trang, nhiều điểm du lịch mới được khai thác. Tôi có cảm giác ngành du lịch của Đà Nẵng như một nàng “công chúa đang ngủ”, được đánh thức bởi những chính sách đúng đắn. Vì vậy, nơi đây luôn là lựa chọn của nhiều du khách.
Trung tâm mua sắm đặc sạn Hương Đà tại Ngã ba Võ Văn Kiệt - Hồ Nghinh, Thành phố Đà Nẵng.
Trong thời gian lưu trú tại đây, tôi thấy hầu hết nhà hàng, khách sạn, khu dịch vụ du lịch tại đây đều có bảng niêm yết giá cả. Tuy nhiên, có một điều mà Đà Nẵng cần chấn chỉnh gấp đó chính là việc một số siêu thị, một số trung tâm kinh doanh đồ lưu niệm lớn (mà tôi đã mua hàng) như: siêu thị Star Mart 24h; Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà… đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước mỗi ngày lại đang có hiện tượng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu...”.
Anh B. bức xúc chia sẻ thêm: “Tôi có mua một số đồ lưu niệm để làm quà cho người thân (trong đó có một số sản phẩm là vây cá mập, bào ngư, … và một số sản phẩm khác), trên nhãn có ghi “đặc sản cao cấp của biển Đà Nẵng” tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà". Tuy nhiên, kiểm tra thông tin các sản phẩm, tôi nhận thấy một số sản phẩm mình mua tại đây có dấu hiệu không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ: không có cơ sở chế biến; không có công bố chất lượng; không có có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... Tìm hiểu thông tin qua người dân bản địa và một số đơn vị chế biến Thủy sản tại đây họ cho tôi biết: “Chưa bao giờ nghe thấy ở Đà Nẵng có đơn vị chế biến vây cá mập nào”. Nếu điều đó là đúng, sẽ gây tổn thất không nhỏ tới người tiêu dùng tới tôi và gia đình (bởi những sản phẩm trên rất đắt) và thông qua báo chí tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ thông tin trên”.
Bức xúc của anh B. Không hẳn là thiếu cơ sở. Bởi sau khi khảo sát tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà, địa chỉ: Ngã ba Võ Văn Kiệt và Hồ Nghinh; Số 4 Duy Tân, Hải Châu; 333 Hoàng Văn Thái, Liên Chiểu (theo nội dung bàn giao từ Quỹ Chống hàng giả), phóng viên nhận thấy các địa điểm kinh doanh của đơn vị này vô cùng đắc địa. Với mặt tiền rộng, bề thế, nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo, cùng nguồn hàng hóa bày bán tại đây rất phong phú và đa dạng, cho nên nơi đây luôn là điểm đến mua sắm của du khách trong và ngoài nước.
Trái với sự hào nhoáng của một siêu thị nhộn nhịp người ra, vào mua sắm, đúng như hoang mang của anh T.V.B, bên trong siêu thị này la liệt hàng hóa trưng bày trên giá kệ như: Bánh kẹo, các mặt hàng đặc sản của vùng miền… một số sản phẩm hàng hóa có chữ nước ngoài, thế nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt.
Hàng hóa có logo và tên thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Prada, Miu Miu,... có giá rẻ "giật mình" tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà.
Tại quầy kinh doanh phụ kiện thời trang của Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà, nhiều sản phẩm như: Mũ, túi xách, dép và các mặt hàng về đồ lưu niệm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong việc ghi nhãn hàng hóa. Phần lớn các sản phẩm thời trang (có chất liệu là bông, vải sợi) không có dấu hợp quy hàng hóa theo quy định của pháp luật. Nhiều hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Prada, Miu Miu... có giá rẻ “giật mình”.
Sản phẩm đồ chơi được bán cho người tiêu dùng và khách tham quan du lịch tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà.
Đặc biệt nguy hại, tại đây bày bán các loại sản phẩm hàng hóa là đồ chơi dành cho trẻ em, thế nhưng dường như hoàn toàn thiếu thông tin cần thiết về hàng hóa như: thành phần, công dụng, đơn vị sản xuất, năm sản xuất, thông tin cảnh báo... điều đó gây không ít khó khăn cho người chọn mua, sử dụng sản phẩm, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì đối tượng sử dụng là trẻ nhỏ.
Các sản phẩm hàng hóa coi là “sơn hào- hải vị” bày bán tại Trung Tâm mua sắm đặc sản Hương Đà.
Ngoài những hàng hóa kể trên, Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà dành hẳn một số giá kệ dành cho các loại hàng hóa mà từ xưa tới nay luôn được coi là “sơn hào- hải vị”, dành cho những khách du lịch “thượng lưu”: Bào Ngư; Vây Cá Mập; Sá Sùng khô; Tổ Yến; Bong Bóng Cá Đường… được “gắn mác” là hàng đặc sản thượng hạng, sản vật cao cấp của địa phương và có giá vô cùng đắt đỏ.
Chia sẻ thông tin về nguồn gốc sản phẩm “Vây cước cá mập”, một nhân viên tư vấn bán hàng ở đây cho hay: “Vây cước cá mập là sản phẩm của Hạ Long, vì ở đây (Đà Nẵng) không có cá mập” (!)
Cần làm rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm Vây cá mập và một số sản phẩm "sơn hào, hải vị" khác đang được bày bán tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà.
Trái ngược với sự tư vấn bán hàng của nhân viên kinh doanh, trên nhãn của sản phẩm Vây cá mập nguyên chiếc đang bày bán tại đây trên nhãn hàng hóa có ghi: “Đặc sản cao cấp của biển Đà Nẵng”, cùng với đó là nhiều hàng hóa gần như “trắng” thông tin, hoặc không có tên đơn vị sản xuất- chế biến, cũng như công bố về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng của sản phẩm. Điều đó là một phần minh chứng cho những thắc mắc của người tiêu dùng về các đặc sản được cho là “sơn hào- hải vị” đang bày bán tại đây.
Nhằm truyền tải những thắc mắc của người tiêu dùng tới về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm hàng hoá bày bán tại Trung tâm mua sắm đặc sản Hương Đà ngày 19/4/2024, phóng viên Tạp chí điện tử CHG đã gửi những thông tin trên tới đơn vị. Tuy nhiên đến nay, hơn 3 tháng phía đơn vị trên vẫn chưa có phản hồi những thắc mắc của khách hàng.
Có thể nói, việc Trung tâm mua sắm Hương Đà, đơn vị chuyên kinh doanh các hàng hóa tiêu dùng là đồ lưu niệm, đặc sản vùng miền, đặc sản địa phương dành cho khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau khi Tạp chí điện tử CHG truyền tải những thắc mắc do người tiêu dùng gửi gắm, đến nay, sau hơn 3 tháng phía đơn vị trên vẫn “bặt vô âm tín”. Phải chăng, Trung tâm mua sắm Hương Đà chưa thực sự đặt quyền lợi của người tiêu dùng song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp(?)
Đà Nẵng là thành phố du lịch, năm 2023, du lịch Đà Nẵng đã gặt hái được “mùa vàng”, với đón gần 7,4 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế. Để ngành du lịch phát triển và tăng trưởng ổn định, thiết nghĩ ngoài việc đưa ra những chủ chương, chính sách đúng đắn, phía các cấp chính quyền của thành phố cần chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng một Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng.
Một trung tâm mua sắm lớn dành cho khách du lịch, hoạt động nhiều năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kinh doanh nhiều sản phẩm hàng hoá có dấu hiệu vi phạm, vi phạm, chỉ cách Cục Quản lý thị trường có vài Km mà cơ quan này lại không hay(?)
Vậy cơ quan chức năng nào sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ tổ chức, cá nhân nào sẽ đảm bảo?
Trao đổi với ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả về vấn đề trên, ông Hoan cho biết: “Bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi trái pháp luật. Những hành vi này không những ảnh hưởng đến uy tín người bán mà trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng, những sản phẩm hàng hóa khác. Vì vậy, hiện nay, pháp luật cũng có những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi này. Theo đó, tuỳ theo tính chất và mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 - 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 - 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Từ những quy định trên có thể thấy cá nhân khi có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm”. |
7
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết