Khi thương mại điện tử lên ngôi, KOL, KOC lên sóng
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 20%. Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt trên 25 tỷ USD và được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phổ cập của internet, thiết bị di động và xu hướng tiêu dùng trực tuyến ngày càng rõ nét.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các KOL, KOC trở nên nổi bật khi trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Họ không chỉ đơn thuần là người quảng bá sản phẩm, mà còn là người định hướng hành vi tiêu dùng, tạo dựng niềm tin và thúc đẩy quyết định mua hàng. Một bài review chân thực, một buổi livestream chia sẻ trải nghiệm cá nhân, hay đơn giản là một câu chuyện chia sẻ về sản phẩm được đăng tải trên mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của một nhãn hàng.
Thuật ngữ “KOL sạch, được dùng để chỉ những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhưng hoạt động dựa trên sự trung thực, minh bạch, có đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ pháp luật, cũng song hành xuất hiện. Họ không quảng bá bừa bãi, không tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu... và luôn đặt uy tín với người theo dõi lên hàng đầu.
Ngược lại, thị trường cũng chứng kiến không ít KOL “bẩn”, những người sẵn sàng quảng bá cho bất kỳ sản phẩm nào miễn là có thù lao. Không ít trong số đó từng bị phanh phui khi quảng bá mỹ phẩm chứa corticoid, thực phẩm chức năng không phép, hàng giả, hàng nhập lậu... thậm chí là cả lừa đảo tài chính.
Sự khác biệt giữa KOL “sạch” và “bẩn” không chỉ nằm ở đạo đức mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lành mạnh của thị trường thương mại điện tử. Trong khi KOL “bẩn” là mối đe dọa tiềm ẩn với niềm tin của người tiêu dùng, thì KOL “sạch” lại là người bảo vệ niềm tin đó, nền tảng căn cốt cho mọi giao dịch online.
Niềm tin, thứ quý giá nhất trong thương mại điện tử
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử chính là sự vắng mặt của yếu tố trải nghiệm trực tiếp. Người tiêu dùng không thể sờ, ngửi, thử sản phẩm trước khi mua. Vì vậy, họ buộc phải đặt niềm tin vào các đánh giá, hình ảnh, lời giới thiệu, mà trong đó, tiếng nói của các KOL, KOC giữ vai trò cực kỳ quan trọng.
Khi một KOL “sạch” chia sẻ về sản phẩm, người tiêu dùng có thể yên tâm hơn vì biết rằng trải nghiệm đó là thật, không bị “mua chuộc” bằng hợp đồng quảng cáo. Điều này càng trở nên quý giá trong bối cảnh thị trường tràn ngập quảng cáo trá hình, “review thuê”, “livestream bẩn”.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp lớn đang chuyển hướng hợp tác lâu dài với những KOL, KOC có hồ sơ trong sạch, phong cách trung thực, thậm chí sẵn sàng chỉ ra điểm chưa tốt của sản phẩm. Những cá nhân như vậy không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm mà còn giúp nâng tầm thương hiệu một cách bền vững.
Trên thực tế, không khó để tìm thấy những gương mặt KOL “sạch” đang hoạt động tích cực trên thị trường. Đó có thể là một beauty blogger (người làm công việc chia sẻ bí quyết làm đẹp của mình) chỉ nhận hợp tác với thương hiệu có giấy phép rõ ràng, có kiểm nghiệm sản phẩm từ cơ quan chức năng. Đó cũng có thể là một food reviewer từ chối quảng bá quán ăn mất vệ sinh, dù được trả tiền cao. Đó là những bà mẹ bỉm sữa làm KOC, luôn nói thật về chất lượng tã bỉm, sữa bột, không vì phần trăm hoa hồng mà đánh đổi sự tin tưởng của cộng đồng.
Họ là hình mẫu không chỉ vì đạo đức nghề nghiệp mà còn bởi tầm ảnh hưởng thực sự, xuất phát từ sự chân thành. Nhiều người trong số đó thậm chí còn chủ động từ chối lời mời hợp tác từ các thương hiệu có dấu hiệu mập mờ pháp lý hoặc từng bị phản ánh tiêu cực.
KOL “sạch” thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng
Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi hợp tác với những KOL có trách nhiệm. Sự hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng “sạch” buộc doanh nghiệp phải minh bạch hơn trong quy trình sản xuất, chứng từ sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Bởi lẽ, nếu không “sạch”, sản phẩm rất dễ bị từ chối ngay từ vòng tiếp cận KOL.
Đặc biệt, khi những KOL này đưa ra góp ý chân thật, như bao bì chưa thân thiện, hương liệu quá nồng hay tác dụng không như cam kết, doanh nghiệp có cơ hội điều chỉnh để hoàn thiện sản phẩm, từ đó phát triển bền vững hơn.
Hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến quảng cáo, thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng đang từng bước hoàn thiện, trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Luật Quảng cáo 2012 (sửa đổi), Nghị định 70/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử...
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống nhất định khi chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động quảng bá của KOL, KOC như: nghĩa vụ kiểm chứng sản phẩm, trách nhiệm pháp lý khi quảng cáo sai sự thật, quy định minh bạch hợp tác thương mại.
Để bảo vệ các KOL “sạch” và làm trong lành môi trường thương mại điện tử, cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn: ví dụ như yêu cầu các bài quảng bá phải ghi rõ đây là nội dung hợp tác thương mại, yêu cầu đăng ký với Bộ Công Thương với các tài khoản có lượng theo dõi lớn và hoạt động quảng bá thường xuyên, chế tài nghiêm khắc với hành vi tiếp tay cho hàng giả, hàng cấm.
Bên cạnh đó, vai trò của người có tầm ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở việc thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm, mà còn là người định hình phong cách tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm, có chọn lọc. Một beauty blogger không nên chỉ nói “mua ngay vì rẻ” mà cần phân tích vì sao sản phẩm đáng mua, thành phần có lợi, có hại gì, có phù hợp trong quá trình sử dụng.
Tương tự, một reviewer sản phẩm gia dụng cần nhấn mạnh các tiêu chuẩn an toàn, xuất xứ, công suất thực tế thay vì chỉ tập trung vào chiết khấu. Đó là cách để nâng cao dân trí tiêu dùng trong kỷ nguyên số, một sứ mệnh quan trọng mà các KOL “sạch” đang từng bước thực hiện.
Trong thế giới số hóa, nơi mọi thông tin đều có thể được chia sẻ chỉ bằng một cái chạm, những người có tầm ảnh hưởng “sạch” đang giữ vai trò như người gác cổng cho niềm tin của người tiêu dùng và sự minh bạch của thị trường.
Họ là nhân tố không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển bền vững của thương mại điện tử, nơi mà giá trị lớn nhất không phải là giảm giá, mà là niềm tin. Doanh nghiệp cần họ. Người tiêu dùng tin họ. Pháp luật cần bảo vệ họ.
Cùng với đó, xã hội cần họ như những người dẫn đường cho một nền văn hóa tiêu dùng văn minh, trung thực và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
(CHG) - Ngành bán lẻ Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu mở rộng của các thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, báo cáo của Savills cho rằng, hiện các thương hiệu mới vào thị trường Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng phù hợp. nhất là tại các trung tâm thương mại (TTTM).
Xem chi tiết(CHG) - Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 (theo Luật số 43/2024/QH15) với nhiều thay đổi, hứa hẹn sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản (BĐS). Trong đó, việc thay đổi về mức thuế áp dụng cũng đang nhận được nhiều quan tâm rất lớn từ các chuyên gia kinh tế.
Xem chi tiết(CHG) - Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 quý đầu năm 2024 tại Việt Nam tập trung vào các địa phương có lợi thế về hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính và năng động trong hoạt động xúc tiến đầu tư như Bắc Ninh, Tp.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội…
Xem chi tiết(CHG) - Chuyên gia Savills Việt Nam đánh giá nhà ở giá phải chăng sẽ là phân khúc tiềm năng cho các chủ đầu tư hiện nay với nguồn cầu cao, đi kèm với đó là hệ thống hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện và các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn từ Chính phủ.
Xem chi tiết(CHG) - Mới đây, trong buổi gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch tập đoàn Vingroup - Ông Phạm Nhật Vượng, đã có nhiều đại diện các hãng xe vận tải cho rằng, vì mục tiêu lớn sẽ sẵn sàng hủy cọc xe xăng để mua xe điện Vinfast.
Xem chi tiết