Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn


Bài báo nghiên cứu "Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn" do Đỗ Huyền Linh (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết này phân tích một số vấn đề về lý luận và thực tiễn của Học viện Ngân hàng - một trường đại học công lập đã tự chủ về hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân lực của IQA là hai yếu tố quan trọng để xây dựng thành công hệ thống này.

Từ khóa: bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, quản trị đại học, tự chủ đại học, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

1. Đặt vấn đề

Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học đang là mối quan tâm của toàn xã hội và cùng với tự chủ đại học, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học đang trở thành xu hướng tất yếu. Theo Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA) của các cơ sở giáo dục đại học được xác định là một trụ cột tất yếu trong chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2025”. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học đã và đang nỗ lực hoàn thành IQA như là một công cụ đặc biệt để nâng cao chất lượng giáo dục. Ở góc độ trường đại học công lập, bảo đảm chất lượng giáo dục (BĐCLGD) là điều kiện để trường đại học được quyền tự chủ. BĐCLGD cũng là một công cụ hữu hiệu cho nhà quản lý và đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm cải tiến chất lượng và không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của trường đại học trong bối cảnh những yêu cầu đối với giáo dục đại học ngày càng khắt khe và thay đổi liên tục. Bài viết chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đã trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong BĐCLGD của Học viện Ngân hàng như xây dựng văn hóa chất lượng, đạt được các chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục và các số liệu ấn tượng về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.[1]

2. Một số vấn đề lý luận về bảo đảm chất lượng và hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong

Khác với kiểm soát chất lượng, BĐCLGD được hiểu thống nhất là quá trình xảy ra trước và trong suốt quá trình đào tạo, mục đích của nó là phòng ngừa mọi sai sót có thể xảy ra từ những bước đầu tiên. Chính vì vậy, bảo đảm chất lượng tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng thệ thống quy trình hướng dẫn, các công cụ giám sát chất lượng và những tiêu chuẩn đo lường nghiêm ngặt trong từng bước của quá trình đào tạo. Theo Harvey (2004), “Bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học là tập hợp các chính sách, thủ tục, hệ thống và thực hành trong và ngoài tổ chức được thiết kế để đạt được, duy trì và nâng cao chất lượng”[2].        

Theo Từ điển Các thuật ngữ cơ bản và định nghĩa bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng (UNESCO, 2007), bảo đảm chất lượng là: “Một thuật ngữ đề cập đến một quá trình đánh giá liên tục, không ngừng (đánh giá, giám sát, đảm bảo duy trì và cải thiện) chất lượng của hệ thống, tổ chức hoặc chương trình giáo dục đại học. Là một cơ chế quản lý, đảm bảo chất lượng tập trung vào cả trách nhiệm giải trình và cải tiến, cung cấp thông tin và đánh giá (không phải xếp hạng) thông qua một quy trình nhất quán và được thống nhất cũng như các tiêu chí được thiết lập rõ ràng.”[3]. Theo đó, bảo đảm chất lượng bên trong hay hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong là “các hoạt động nội bộ nhằm giám sát và cải thiện chất lượng giáo dục đại học” được phân biệt với bảo đảm chất lượng bên ngoài.[4]

Luật Giáo dục đại học quy định về BĐCLGD đại học như sau: “BĐCLGD đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.”[5]

Các nghiên cứu và quy định pháp luật hiện nay về cơ bản thống nhất những đặc điểm chính của bảo đảm chất lượng giáo dục là: thứ nhất, bảo đảm chất lượng (BĐCL) tập trung vào quy trình, để từ đó khẳng định với cả những đối tượng bên trong và bên ngoài cơ sở giáo dục (CSGD) rằng CSGD đó có đầy đủ các quy trình để tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thứ hai, BĐCL tập trung vào chức năng giải trình và cải tiến chất lượng liên tục của CSGD; thứ ba, BĐCL là một quá trình liên tục và thống nhất dựa trên các tiêu chí đánh giá và phản hồi của các bên liên quan.[6]

 Để thiết lập, thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng, mỗi CSGD cần xây dựng cho mình một hệ thống bảo đảm chất lượng, thường được gọi là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (Internal Quality Assuarance) để phân biệt với bảo đảm chất lượng bên ngoài (External Quality Assuarance). Theo đó, bảo đảm chất lượng bên trong là “các chính sách và cơ chế được thực hiện trong trường đại học hoặc chương trình đào tạo để đảm bảo rằng nó được thực hiện các mục đích riêng của mình và đáp ứng các tiêu chuẩn áp dụng cho giáo dục đại học nói chung hoặc các tiêu chuẩn nghề nghiệp”.[7]

Tựu chung, trong phạm vi bài báo này, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được hiểu là tổng thể các chính sách, quy định, quy trình và hoạt động thực tiễn của một CSGDĐH nhằm giám sát và cải thiện chất lượng của CSGDĐH đó.

3. Những yêu cầu đối với cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam

3.1. Yêu cầu của Luật Giáo dục đại học

Về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA), Luật Giáo dục đại học (2012) quy định về trách nhiệm của CSGD đại học trong việc BĐCLGD, theo đó phải thành lập tổ chức chuyên trách về BĐCLGD. Luật Giáo dục đại học (2018) tiếp tục có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống IQA CSGDĐH phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của CSGD bao gồm: “1. Xây dựng và phát triển hệ thống IQA CSGDĐH phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của CSGDĐH; 2. Xây dựng chính sách, kế hoạch BĐCLGD đại học; 3. Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định CSGDĐH.”[8]

Những quy định này đã yêu cầu CSGDĐH xây dựng hệ thống IQA có những nhiệm vụ, bao gồm: (i) Xây dựng hệ thống IQA phù hợp; (ii) Vận hành hệ thống, thực thi các chính sách, kế hoạch chất lượng; (iii) Thực hiện tự đánh giá hiệu quả hoạt động, cải tiến liên tục và đánh giá ngoài theo đúng quy định. Theo Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Đức Chính (2022), Luật thực hiện một cách xuất sắc vai trò định hướng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng hệ thống IQA CSGD trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng.

3.2. Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt chương trình: “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2025”

Ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/QĐ - TTg phê duyệt chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2025".

Quyết định số 78/QĐ-TTg đã làm rõ hơn khái niệm hệ thống IQA với các cấu phần: “Mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình BĐCL và hệ thống thông tin BĐCL được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn chất lượng trong nước và nước ngoài". Tựu chung, Quyết định số 78/QĐ-TTg đã xác định rõ các cấu phần cần có của hệ thống IQA bao gồm 4 nhóm, đó là:

(i) Mục tiêu, chính sách, kế hoạch chất lượng có chức năng định hướng cho toàn bộ hoạt động của CGSD;

(ii) Các quy trình BĐCL dựa trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng, có chức năng hướng dẫn và kiểm soát từng công việc trong từng lĩnh vực: chiến lược, hệ thống, chức năng và kết quả hoạt động để đạt các yêu cầu của bộ chuẩn chất lượng;

(iii) Hệ thống thông tin BĐCL có chức năng thông tin về hoạt động của toàn bộ hệ thống, đảm bảo hệ thống được vận hành thông suốt, đảm bảo mọi dữ liệu về BĐCL luôn sẵn sàng phục vụ cho toàn bộ các hoạt động ra quyết định;

(iv) Các nguồn lực khác bao gồm nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, tài chính và các phương tiện kỹ thuật khác, có chức năng hỗ trợ trong quá trình vận hành hệ thống.

3.3. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017

Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD được quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 bao gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí có vai trò là một công cụ trong quản trị đại học để CSGD tự đánh giá toàn bộ hoạt động của mình, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động. Trong đó, tiêu chuẩn 9 bao gồm 6 tiêu chí đã đưa ra hệ thống những tiêu chuẩn quy định về cơ cấu tổ chức và nhân sự hệ thống IQA của CSGDĐH. Để việc thực hiện đánh giá CSGDĐH phù hợp với thực tiễn và thống nhất giữa các tổ chức KĐCLGD, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 1668/QLCL-KĐCLGD về việc hướng dẫn đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGDĐH, kèm theo Bảng hướng dẫn đánh giá về việc hướng dẫn đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGDĐH. Bảng hướng dẫn trên đã cơ bản chỉ ra mốc chuẩn tham chiếu để đánh giá hệ thống IQA CSGDĐH đạt được mức 4/7 - đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chí.

Có thể khái quát 2 nhóm yêu cầu đối với cơ cấu tổ chức và nhân sự trong hệ thống IQA của CSGDĐH từ Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT và Công văn số 1668/QLCL-KĐCLGD, như sau:

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức CSGD cần có hệ thống quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, trong đó có xác định cụ thể trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và vai trò của từng đơn vị, cá nhân trong hệ thống IQA CSGDĐH. Căn cứ vào Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGDĐH (BTC) và Bảng hướng dẫn đánh giá về việc hướng dẫn đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGDĐH (Bảng hướng dẫn), những yêu cầu đối với hệ thống quy định về đội ngũ nhân sự trong hệ thống IQA, bao gồm:

(i) Có hệ thống IQA bao gồm trung tâm/bộ phận chuyên trách về BĐCL và mạng lưới BĐCL tại các bộ phận/đơn vị trực thuộc của CSGD;

(ii) Có hệ thống quy định về chức năng nhiệm vụ của trung tâm/bộ phận chuyên

trách về BĐCL, trong đó chỉ rõ sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống BĐCL

bên trong;

(iii) Có hệ thống văn bản quy định về các hoạt động BĐCL và các hướng dẫn thực hiện để hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý;

(iv) Có bản mô tả chi tiết nhiệm vụ của từng cá nhân trong hệ thống IQA và thiết lập bộ chỉ số đo lường khối lượng công việc của từng cá nhân trong hệ thống BĐCL (danh sách trích ngang và nhiệm vụ của cán bộ trung tâm/bộ phận chuyên trách về BĐCL, các cán bộ được các đơn vị phân công làm công tác BĐCL của các đơn vị).

Thứ hai, CSGD cần có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu của BTC về trình độ

chuyên môn về BĐCL. Đội ngũ nhân sự trong đơn vị chuyên trách về BĐCLGD phải có người được đào tạo/bồi dưỡng về BĐCL và kiểm định chất lượng, có văn bằng hoặc chứng chỉ, giấy chứng nhận tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến công tác BĐCL. Bên cạnh đó, CSGD cần xây dựng kế hoạch chiến lược BĐCL, trong đó có việc thúc đẩy công tác BĐCL và tập huấn nâng cao năng lực BĐCLGD, có các chính sách ưu tiên cho các hoạt động BĐCL theo kế hoạch chiến lược. CSGD cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân sự; có chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo, tập huấn về BĐCL; có ngân sách ấn định đầu tư cho hoạt động đào tạo về BĐCL.

4. Bài học kinh nghiệm về cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng

Học viện Ngân hàng (HVNH) đã hình thành một hệ thống văn bản đáp ứng yêu cầu để đội ngũ nhân sự trong hệ thống IQA vận hành hệ thống này thực hiện chức năng BĐCL và cải tiến chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Hệ thống văn bản này, bao gồm: chiến lược BĐCLGD các giai đoạn (trong đó có chiến lược về phát triển hệ thống IQA về cơ cấu tổ chức và nhân lực); kế hoạch BĐCLGD các năm học; các quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống IQA, quy chế BĐCLGD, quy định về các công cụ BĐCLGD như khảo sát ý kiến các bên liên quan, đối sánh; quy trình tự đánh giá, đánh giá ngoài, sổ tay BĐCLGD.

Về cơ cấu tổ chức, hệ thống IQA của Nhà trường xây dựng dựa trên quy định của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD bao gồm 2 cấp:

Cấp Học viện bao gồm:

(i) Ban chỉ đạo công tác bảo đảm chất lượng có nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát, kiểm tra tất cả các hoạt động liên quan đến công tác bảo đảm chất lượng tại trường, đảm bảo đúng các quy định hiện hành. 

(ii)  Ban giám đốc trong đó có 1 PGĐ phụ trách trực tiếp về hoạt động BĐCLGD.

(iii) Hội đồng BĐCLGD cấp trường với nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc HVNH chủ trương, chính sách, kế hoạch và việc tổ chức triển khai thực hiện công tác BĐCL giáo dục theo các quy định hiện hành của nhà nước và của HVNH.

(iv) Đơn vị chuyên trách về BĐCL

Cấp Khoa, các đơn vị thuộc, trực thuộc bao gồm: các tổ BĐCLGD có tổng cộng 73 thành viên là cán bộ, giảng viên tại các đơn vị thuộc, trực thuộc trường với chức năng là đầu mối về ĐBCL tại các đơn vị. Mỗi tổ BĐCLGD bao gồm từ 2 đến 5 thành viên là trưởng hoặc phó đơn vị và chuyên viên thuộc đơn vị đó.

Vai trò, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của hệ thống IQA được thể chế hóa trong các văn bản quản lý điều hành của nhà trường và các văn bản quy định về hoạt động BĐCLGD. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống IQA nhà trường được quy định trong Quyết định về Quy chế bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học của trường. Quyết định này quy định 9 nguyên tắc BĐCLGD, hệ thống BĐCLGD bên trong; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, bộ phận, cá nhân tham gia công tác BĐCLGD kể trên. Song song với đó các quy định về cơ cấu tổ chức chung của nhà trường, các văn bản quy định các công cụ của hệ thống IQA như quy định về hệ thống thông tin về BĐCL, khảo sát sự hài lòng của các bên liên quan, đối sánh và so chuẩn, sổ tay bảo đảm chất lượng.

Về thành phần, các đơn vị, bộ phận BĐCL các cấp trong hệ thống IQA có sự tham gia của các thành phần chủ chốt trong trường, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tham mưu các vấn đề từ tất cả các lĩnh vực của nhà trường, xây dựng chính sách, kế hoạch, chiến lược và triển khai công tác BĐCLGD. Ban chỉ đạo công tác BĐCLGD bao gồm bí thư đảng ủy - chủ tịch hội đồng trường, ban giám đốc, trưởng phòng đào tạo và trưởng phòng chuyên trách về BĐCL. Ban giám đốc bao gồm 1 Phó Giám đốc phụ trách và 2 Phó Giám đốc, trong đó có 1 Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp hoạt động BĐCLGD. Hội đồng BĐCLGD bao gồm 27 thành viên, trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc phụ trách nhà trường; Phó Chủ tịch thường trực là Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách hoạt động BĐCL của trường; ủy viên thường trực Hội đồng là lãnh đạo Phòng chuyên trách về BĐCL; các thành viên khác đều là trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc trường. Phòng chuyên trách về BĐCL với chức năng nhiệm vụ được xác định cụ thể là triển khai các công tác khảo thí và BĐCLGD. Phòng có 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và  và 5 cán bộ chuyên trách; có 3 cán bộ được phân công triển khai các hoạt động BĐCLGD. Trường có 28 Tổ ĐBCL của các đơn vị thuộc, trực thuộc trường, có tổng số 73 cán bộ thuộc các Tổ BĐCL. Mỗi tổ BĐCL có một tổ trưởng là lãnh đạo đơn vị, một thư ký là chuyên viên thuộc đơn vị.

Để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân sự hệ thống IQA, HVNH ban hành hệ thống tiêu chí KPIs, trong đó có điểm đánh giá các tiêu chí liên quan đến hoạt động BĐCLGD và có chính sách khuyến khích cho các cá nhân tham gia các hoạt động BĐCLGD. Việc giám sát, đánh giá các hoạt động BĐCLGD được thực hiện và báo cáo định kỳ trong giao ban công tác tháng. Tuy nhiên, quy định về KPIs chưa thể thực hiện nhiệm vụ triệt để là đánh giá tình trạng thực hiện công việc dựa trên các mục tiêu đã đặt ra và phản ánh hiệu quả hoạt động của các tổ chức, bộ phận chức năng hay cá nhân. Một trong những rào cản rất lớn là hệ thống dữ liệu phục vụ công tác BĐCL chưa được hoàn chỉnh và các quy định cứng của pháp luật về chế độ lương, thưởng của cán bộ, giảng viên đại học công lập. Để giải quyết vấn đề này, sau khi tự chủ, HVNH đang tiến hành một cuộc rà soát vị trí việc làm và hoàn thiện hệ thống thông tin BĐCL thông qua các quy trình phù hợp và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, các quy định thể hiện rõ yêu cầu về chất lượng, thời gian và khối lượng công việc của các thành viên trong Tổ BĐCLGD tương ứng với hoạt động BĐCLGD và xác định khối lượng công việc mà các thành viên Tổ BĐCLGD dành cho hoạt động BĐCLGD so với tổng khối lượng công việc tổng thể của từng thành viên và tách biệt với những nhiệm vụ khác cũng đang được hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực chung cho toàn hệ thống IQA.

Năng lực chuyên môn về BĐCLGD của HVNH hiện tại đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn, có cán bộ có thẻ Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục, chứng chỉ AUNQA Tier 1,  và các chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện tầm nhìn của HVNH “Đạt chuẩn kiểm định quốc tế vào năm 2030, trở thành đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại gắn liền với chuyển đổi số trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động cộng đồng, trở thành đại học thông minh vào năm 2045” và với vị thế hiện tại của HVNH là một trong những trường đại học hàng đầu, trường đã xây dựng một kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao năng lực về BĐCL cho nhân sự hệ thống IQA thông qua việc cử đội ngũ nhân sự này tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn về BĐCL với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, các đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo về BĐCL cũng được khuyến khích triển khai.

Trong 5 năm trở lại đây, HVNH triển khai các khóa tập huấn ngắn hạn với các trung tâm KĐCLGD cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về BĐCL với các nội dung: Hướng dẫn xây dựng bản mô tả CTĐT phục vụ cho hoạt động KĐCL, tổng quan phát triển và tổ chức CTĐT theo chuẩn đầu ra, KĐCL chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo, Rà soát, cải tiến CTĐT bậc cử nhân, Nâng cao năng lực ĐBCL CSGD đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của BGDĐT. Các cuộc tập huấn về BĐCL giáo dục là một phần trong chiến lược BĐCLGD 5 năm của trường và là một trong các trụ cột nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Ở cấp độ các đơn vị, trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo năng lực chuyên môn về BĐCLGD phân loại theo nhu cầu, độ tuổi, vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ. Các khóa tập huấn về BĐCL được khảo sát, đánh giá để các đơn vị đầu mối về tập huấn năng lực BĐCLGD nắm bắt mức độ phù hợp, tính hiệu quả và nhu cầu về đào tạo năng lực BĐCL của đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, HVNH xây dựng khung tiêu chí về năng lực bảo đảm chất lượng cụ thể cho các thành viên thực hiện công tác bảo đảm chất lượng và triển khai thi sát hạch năng lực chuyên môn đối với các cán bộ hành chính định kỳ.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trường đại học là cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo đa ngành ở các bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Trường có truyền thống nhiều năm và đã tự chủ từ năm 2023 với quy mô hơn 16.000 sinh viên.

[2] Harvey L. (2004-14). Analytic quality glossary, Quality Research International. Avaiable at: http://www.qualityresearchinternational.com/glossary/.

[3] UNESCO (2007). Quality Assurance and Accreditation: A Glossary of Basic Terms and Definitions

[4]UNESCO (2007). Quality Assurance and Accreditation: A Glossary of Basic Terms and Definitions

[5] Điều 49, Luật Giáo dục Đại học (2012)

[6] Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Đức Chính (2022). Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học. Tài liệu phục vụ hoạt động bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, tr201.

[7] Martin, M. & Stella A. (2007). External quality assurance in higher education: Making choices. Paris: UNESCO,tr 33

[8] Điều 50, Luật Giáo dục đại học (2018).

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Hoàn thiện lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam qua tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

CHG - Lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam hiện nay là thành quả của tiến trình đổi mới, đồng thời phản ánh quỹ đạo “tiến hóa tất yếu” của mô hình kinh tế thị trường đương đại. Thông qua tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những luận giải, bổ sung nhiều quan điểm mới, góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Xem chi tiết
Thực trạng áp dụng pháp luật về M&A ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài nghiên cứu "Thực trạng áp dụng pháp luật về M&A ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" do ThS. PHẠM NGỌC ANH (Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Chuyển đổi số trong kinh doanh: cơ hội, thách thức và mô hình đề xuất

Đề tài Chuyển đổi số trong kinh doanh: cơ hội, thách thức và mô hình đề xuất do TS. Nguyễn Nhật Tân (Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM) thực hiện.

Xem chi tiết
Năng lượng tái tạo và định hướng phát triển cho Việt Nam

Đề tài Năng lượng tái tạo và định hướng phát triển cho Việt Nam do TS. Nguyễn Thanh Huyền (Phó trưởng Khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số, Đại học Đại Nam) - TS. Ngô Thị Quyên (Trưởng bộ môn Tài chính Ngân hàng - Khoa Kinh tế quản lý, Đại học Thăng Long) thực hiện.

Xem chi tiết
Khám phá các nhân tố thúc đẩy hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên ngành Kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Đề tài Khám phá các nhân tố thúc đẩy hành vi chia sẻ tri thức trong sinh viên ngành Kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Thị Hồng Nguyệt - ThS. Nguyễn Thị Bích Duyên - ThS. Lê Quang Huề (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3