Đánh giá những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư tại thành phố Hải Phòng


Đề tài Đánh giá những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư tại thành phố Hải Phòng do ThS. Phạm Thị Ngọc Mai (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá những kết quả Hải Phòng đạt được năm 2023 và đưa ra giải pháp nhằm duy trì thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài vào Hải Phòng. Theo đó, trong năm 2023, Hải Phòng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét, toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt là những con số về thu hút nguồn đầu tư và đề xuất các giải pháp duy trì thu hút vốn đầu tư ở các năm tiếp theo.

Từ khóa: thu hút vốn đầu tư, vốn nước ngoài, môi trường, đầu tư kinh doanh, thành phố Hải Phòng.

1. Đặt vấn đề

Năm 2023, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố năm 2023 ước tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng 12,7%-13%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, với sự đầu tư đồng bộ các tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối vùng được hoàn thiện đã tạo ra không gian, môi trường thân thiện, đảm bảo sự phát triển của kinh tế - xã hội của Thành phố. Các hoạt động đầu tư đô thị, dự án nhà ở được đẩy mạnh, nhất là các dự án nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy các hoạt động khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cung cấp, khai thác cảng biển, nâng cấp đô thị đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy, Hải Phòng đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp được lấp đầy với tỷ lệ trên 90%. Điều này có được từ quan điểm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi - yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư vào thành phố.

2. Thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng

Về số vốn thu hút trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 của Hải Phòng, , thành phố đã thu hút, tổng vốn huy động đạt 319,05 nghìn tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ; tổng dư nợ cho vay ước đạt 196,25 nghìn tỷ đồng, tăng 8,22% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, thành phố đã cấp đăng ký thành lập mới cho 3.496 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 28,79 nghìn tỷ đồng, tăng 8,54% về số doanh nghiệp và tăng 5,04% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Theo Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng có 933 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3.402,7 triệu USD, trong đó: vốn đăng ký cấp mới có 110 dự án đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 1.435 triệu USD (trong đó: cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế 69 dự án, đạt 1.357,4 triệu USD, chiếm 94,59%; cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế 41 dự án đạt 77,6 triệu USD, chiếm 5,41%). Vốn đăng ký điều chỉnh có 51 dự án, với số vốn tăng là 1.946,3 triệu USD (trong đó: trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 40 dự án, vốn đầu tư tăng là 1.878,2 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 11 dự án, vốn đầu tư tăng là 68,1 triệu USD). Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 31 lượt dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 21,4 triệu USD (trong đó: trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 3 lượt nhà đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 9,2 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 28 lượt nhà đầu tư, vốn đầu tư đăng ký 12,2 triệu USD). Đến cuối năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố đạt 3,5 tỷ USD, tăng 68,27% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Thành phố thu hút đầu tư trong nước đạt 104 nghìn tỷ đồng, tăng 208,72% so với năm 2022. Hải Phòng đã thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, tổ chức thành công Hội nghị của thường trực Thành ủy đối thoại với doanh nghiệp với sự tham gia của khoảng 600 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân giúp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Tính đến hết ngày 20/10/2023, kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân đạt 11.421,784 tỷ đồng đạt 52,15% kế hoạch thành phố giao, 85,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 721,303 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53,08%; vốn cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân là 10.700,481 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53,01%.

Về môi trường đầu tư kinh doanh

Theo báo cáo CPI của VCCI năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp vị trí thứ 2 với 90,09 điểm; Chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS xếp vị trí thứ 10 với 83,88 điểm; Chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp trong nhóm cao nhất gồm 15 tỉnh, thành phố với 43,603 điểm.

Thành phố đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi qua mạng chiếm tỷ lệ 100% hồ sơ; 100% doanh nghiệp khai thuế điện tử, trên 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và thực hiện hoàn thuế điện tử cho 100% doanh nghiệp; đã triển khai thành công hóa đơn điện tử đối với 21.689 tổ chức, doanh nghiệp và 1.055 hộ, các nhân kinh doanh trên địa bàn Thành phố, 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong kê khai thuế; 99,65% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử, thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh từ 1-3 giây; doanh nghiệp kê khai thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua giao dịch điện tử đạt 98,57%. Công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đang được triển khai. Thực hiện theo lộ trình của Tổng cục Thuế, đến nay, tại Cục thuế thành phố Hải Phòng đã có 564 doanh nghiệp và 426 hộ kinh doanh đăng ký thành công hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến được chú trọng với hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả. Trong năm 2023, thành phố tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc. Phát triển quan hệ đối tác, thu hút tăng nguồn vốn FDI thông qua xúc tiến, mở động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp như: Chương trình kết nối Hải Phòng - Hồng Kông; Chương trình kết nối Hải Phòng - Hiệp hội doanh nghiệp Ả Rập Xê Út; Hội nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; tổ chức các đoàn doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gặp gỡ nhằm trao đổi và thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế: Tập đoàn Equinor (Nauy); Công ty TNHH ITOCHU Việt Nam (Nhật Bản); Tập đoàn DEME (Bỉ); Công ty TNHH Overflow tại Việt Nam (Hàn Quốc); Công ty CT Strategies tại Việt Nam ( Hoa Kỳ); Đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc; Phái đoàn cấp cao Tập đoàn BP (Anh); Tập đoàn giáo dục KinderWorld (Singapore); Đoàn công tác CT Strategies và LQ Jonton; đoàn Phó thị trưởng thành phố Trạm Giang (Trung Quốc);…

Cùng với đó, Hải Phòng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. Khởi công các dự án đầu tư xây dựng: (i)Nút giao khác mức tại ngã tư đường Tông Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; (ii) Đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VISIP và phát triển đô thị vùng lân cận; (iii) Cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352; (iv) Dự án xây dựng cầu Máy Chai từ mương Cầu Tre (Ngô Quyền) nối sang đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên); (v) Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Đại Thắng (đoạn đường từ Phạm Văn Đồng đến tuyến kết nối với đường vào khu tái định cư), thuộc phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh. Đồng thời tham gia ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban vùng và diễn đàn liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp Trục cao tốc phía Đông.

Để có được kết quả trên, thành phố Hải Phòng đã triển khai đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư quảng bá về môi trường đầu tư của địa phương này. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường vốn đầu tư FDI trên thế giới bị xáo động, TP. Hải Phòng đã chủ trương “biến nguy thành cơ”, sớm xây dựng chiến lược nắm bắt, đón nhận dòng chuyển dịch vốn từ các nước về Việt Nam. Chính vì vậy, Hải Phòng đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Với mục tiêu đề ra của năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, bất ổn, việc thu hút đầu tư nước ngoài từ 2 - 2,5 tỷ USD, đòi hỏi thành phố Hải Phòng cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

3. Giải pháp duy trì mức vốn đầu tư vào thành phố Hải Phòng

Một là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế hiệu quả kinh tế xã hội; chủ động đề xuất phối hợp với Bộ Giao thông và Vận tải, các cơ quan chấp thuận cải tạo nâng cấp các tuyến đường đi qua địa bàn thành phố; các đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối thẳng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với khu bến cảng Đình Vũ - Nam Đồ Sơn và lạch Huyện. Tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển giai đoạn qua địa phận Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ga Càng hàng không quốc tế Cát Bi.

Hai là, Thành phố cần nhanh chóng triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh xây dựng các dự án nhà ở công nhân. Nghiên cứu đề xuất thành lập khu thương mại tự do trong khu kinh tế biển ven biển phía Nam Hải Phong. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistic mới. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistic đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn với thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 03-NQ/Tu ngày 6/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bốn là, Hải Phòng cần xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Năm là, cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời; giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, cùng cố niềm tin trong nhân dân. Đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Sáu là, tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, điều hành hiệu quả dự toán ngân sách nhà nước để năm 2024, bảo đảm Thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố giao, tạo nguồn lực phát triển thành phố.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2023), Thành phố Hải phòng - Điểm sáng trong thu hút đầu tư năm 2023, Tạp chí Con số Sự kiện, tháng 12/2023.
  2. VCCI (2022), Báo cáo PCI 2022.
  3. UBND TP. Hải Phòng (2023), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023; Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Evaluating Hai Phong’s achievements in investment attraction

Master. Pham Thi Ngoc Mai

Faculty of Finance, Banking, and Insurance

University of Economic and Technical Industries

Abstract:

This paper evaluated the achieved results of Hai Phong in 2023 and proposed solutions to help the city maintain its investment attraction, especially foreign capital. In 2023, along with the companionship and support of the business community, Hai Phong drastically deployed many flexible solutions to attract investment. The city gained positive results in all fields, especially in terms of investment values and sources.

Keywords: attracting investment, foreign capital, environment, business investment, Hai Phong.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Lê Thị Diễm Phương (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bài nghiên cứu "Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Đan Mạch và Việt Nam hợp tác phát triển sản phẩm nông nghiệp định hướng xanh

(CHG) - Ngày 16/5, phái đoàn cấp cao của Đan Mạch do ông Jacob Jensen - Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 14 -16/5/2024, để cùng trao đổi các vấn đề hợp tác trong phát triển những sản phẩm nông nghiệp định hướng xanh và bền vững.

Xem chi tiết
Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế

Đề tài Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế do ThS. Trần Thảo Vy (Giảng viên Khoa Nông nghiệp - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam

Đề tài Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam do TS. Đặng Thị Bích Ngọc (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3