(CHG) Những tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực đều sụt giảm. Khó khăn mà doanh nghiệp (DN) XK đang gặp phải là thiếu vốn, thiếu đơn hàng, rào cản kỹ thuật từ các thị trường. Mong muốn lớn nhất lúc này của DN là sự chung tay hỗ trợ từ các bộ, ngành cùng những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường XK.
Đơn hàng của ngành dệt may những tháng đầu năm sụt giảm mạnh.
Gọng kìm vốn-lãi suất
Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước khoảng 210,78 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng XK nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm do thiếu đơn hàng. Các hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương phản ánh tình hình tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường XK chính rất thấp. Trong đó, đơn hàng các mặt hàng XK chính đều giảm từ 20 - 50% so cùng kỳ, dẫn đến kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực cũng giảm.
Tại Bến Tre, đa số các DN XK chủ lực của tỉnh (dừa, thủy hải sản, dệt may, da giầy, túi xách, điện tử) chưa có các đơn hàng lớn cho cả năm hoặc bị giảm đơn hàng. Khách hàng nước ngoài đề xuất giá mua rất thấp. Các DN gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, trong khi đó lượng hàng tồn kho của các khách hàng nhập khẩu lớn của các DN tỉnh ở hai thị trường lớn là châu Âu và châu Mỹ còn nhiều.
Thiếu đơn hàng là tình trạng chung của phần lớn DN hiện nay. Hiện, nhóm hàng công nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì tình hình suy giảm nhu cầu chung của các nước trên thế giới. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước đó. Hiện nay, lượng đơn hàng của DN rất khiêm tốn và nhiều DN phải nỗ lực duy trì sản xuất để có đủ việc làm chứ không có lợi nhuận.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, XK thủy sản giảm 27,5%. Mức suy giảm này tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo XK thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay, bởi các thị trường XK chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
"Nếu đến quý III/2023, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, chúng tôi lo ngại nguồn nguyên liệu không còn. Nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các DN chế biến, XK không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, không mua nguyên liệu đúng giá cho nông, ngư dân. Chưa kể, các ngành XK chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất dưới 3% (khoảng 2,1 - 2,3%) thì giờ đã tăng lên trên 4%.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân sản xuất, XK giảm so cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường XK, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường XK chính là Mỹ, EU như dệt may, da giầy, gỗ, thủy sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, các ngành hàng có thị trường XK chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá XK không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các DN sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển cũng tăng cao.
Tìm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn từ thị trường, vốn, đơn hàng, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Thành Công kiến nghị, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường XK thông qua Tham tán thương mại, trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, cần có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động. Gói vay này áp dụng cho những DN có phương án trả nợ tốt, chấp hành đúng, đã hoàn trả xong khoản vay vừa rồi và lần này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn bởi dịch Covid-19.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam cũng cho rằng, trong ngắn hạn ngành da giầy - túi xách sẽ khó phục hồi nhưng cần có chính sách "nuôi" để đón phục hồi. Bên cạnh đó, cần cắt giảm chi phí cho DN như lãi suất ngân hàng, chi phí logistics, hành chính...
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tất cả đều đang ngồi trên một con thuyền và chúng ta phải xác định là phải cứu DN, không thể để mất đơn hàng vì mất đơn hàng là mất thị trường, DN không thể tồn tại. Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội và DN cần tiếp tục nghiên cứu khai thác thị trường mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Song song đó, DN phải chú trọng khai thác thị trường truyền thống, thị trường nội địa...
Để hỗ trợ DN XK, Bộ Công Thương tập trung triển khai các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống, vừa đa dạng hóa thị trường XK. Hiện, Bộ đã và đang tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại để tạo hỗ trợ kết nối cho hoạt động XK. Xúc tiến thương mại được tổ chức với chất lượng sâu hơn, hướng tới việc mở thị trường XK ngay từ thị trường nội địa. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… có thể ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng DN và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp./.
Nguồn: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/giai-bai-toan-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-i692079/
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết