(CHG) Sau Tết Nguyên đán, sầu riêng được bán ngay tại vườn cũng tăng theo từng ngày, thậm chí cao nhất từ trước đến nay. Nhưng liệu câu chuyện "rớt giá" hay “giải cứu” với trái sầu riêng có còn diễn ra khi mà loại cây trái này đang được người dân đầu tư quá "nóng"?
Những trái sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch.
Vào ngày 17/9/2022, tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra “Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc”. Đây là chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Sau Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, cùng với danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt, trái sầu riêng Việt Nam đã chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Thông tin từ một số nhà vườn trồng sầu riêng tại Cần Thơ, Tiền Giang... hiện giá sầu riêng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ghi nhận tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), giá sầu riêng Ri6 thời điểm ngày 27/1 đã tăng vọt lên mức từ 105.000 - 125.000 đồng/kg, sầu riêng Thái giá 145.000 - 165.000 đồng/kg, thậm chí một số nơi thu mua đến 200.000 đồng/kg, trong khi trước đó thông thường giá sầu riêng cao nhất tại vườn cũng chỉ 80.000-100.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá sầu riêng thời điểm này tăng cao là do khu vực miền Tây chưa tới chính vụ thu hoạch, sản lượng khan hiếm, trong khi thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên giá sầu riêng tăng vọt lên mức giá cao.
Đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát cho biết, mỗi tháng, công ty xuất 1.000 tấn sầu riêng Việt Nam theo đơn đặt hàng của đối tác. Còn một công ty chuyên mua sầu riêng tại tỉnh Bình Phước cho hay, lần đầu xuất 1 container sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục nhận đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng Việt Nam. Dù vùng trồng chưa đáp ứng đủ lượng hàng, công ty sẽ thu gom nhiều nơi khác đạt chất lượng, nhằm có hàng để giữ đầu mối xuất khẩu.
Là một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho hay, Công ty và Tập đoàn Sunwah (Hong Kong - Trung Quốc) đã ký kết xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường này. Dự kiến năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu là 90.000 tấn, tương đương khoảng 4.500 container.
Giá sầu riêng tăng liên tục đang làm cho nhà vườn vui mừng, nhưng hiện tượng này cũng đang là nỗi lo của các nhà quản lý, bởi diễn biến thị trường nêu trên đang tiềm ẩn nguy cơ nhiều người nông dân kéo nhau trồng cây sầu riêng. Thực tế tại xã Mỹ Hoà (thị xã Bình Minh) tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra tình trạng người dân chặt bỏ cây bưởi Năm Roi (đặc sản vùng) sang trồng sầu riêng. Điều đó sẽ khiến cho sản lượng sầu riêng tăng, nhưng kéo theo nguy cơ có thể mất đi đặc sản bưởi Năm Roi đã có thương hiệu, và được xây dựng trong thời gian dài vừa qua.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2021, cả nước có khoảng 85.000 hecta cây sầu riêng, tập trung tại Tây Nguyên (35.000 hecta), Đông Nam Bộ (20.000 hecta) và ĐBSCL (30.000 hecta). Năm 2022, ước tính diện tích trồng loại cây ăn trái này đã tăng thêm từ 7.000 – 10.000 hecta.
Tại TP Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng tăng từ năm 2015 đến nay, đưa diện tích trồng loại cây này từ 537 hecta lên 2.478 hecta, tập trung tại các huyện: Phong Điền (1.731 hecta), Thới Lai (333 hecta) và Ô Môn (233 hecta). Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng được người dân đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên ồ ạt trồng từ năm 2014.
Trước diễn biến nêu trên, ngày 23/2/2023, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có công văn đề nghị sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Nam về việc chỉ đạo phát triển cây sầu riêng theo đúng định hướng, quy hoạch.
Theo Cục Trồng trọt, ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển “nóng”, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp, phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng…
Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu sẽ gây hậu quả dư thừa, “dội chợ”.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng… cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hoá quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi, trong đó lưu ý với cây sầu riêng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng, công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng; phố biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; liên kết các doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Liệu câu chuyện "giải cứu" có còn diễn ra khi trái cây miền Tây được người dân đầu tư "nóng"?
Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó tập trung quan tâm vấn đề: Định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.
Hiện tượng cam sành "rớt giá" thê thảm trong những ngày vừa qua tại Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như hàng loạt mặt hàng hạt tiêu, cà phê, thanh long, dưa hấu, cao su, cá tra… đã từng phải rớt giá thê thảm do dư thừa, dội chợ vẫn là những bài học “nhãn tiền” đối với việc phát triển “nóng”, “xé rào” quy hoạch phát triển nông sản ở các địa phương.
Để tránh cho bà con nông dân không rơi vào thảm họa “ế hàng”, rớt giá… góp phần nâng được vị thế hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, giúp sức cho người nông dân làm giàu được từ các sản phẩm nông nghiệp, rất cần có sự quản lý chặt chẽ và kiên quyết của các cấp chính quyền địa phương trong việc phát triển nông sản theo đúng định hướng, đúng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Được như vậy, hàng hóa nông sản mới có vị thế trên thương trường, thoát được cảnh trông chờ vào sự “giải cứu” như đã và đang xảy ra./.
5
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết