(CHG) Năm 2023 được giới chuyên gia dự báo kinh tế gặp nhiều thách thức. Trước những dự báo này, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nhà nước cần có những chính sách đột phá giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển....
Cùng với chính sách vĩ mô, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đột phá chính sách để phục hồi và phát triển.
Doanh nghiệp kỳ vọng đột phá chính sách
Giới chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2023 những yếu tố tác động từ bên ngoài, khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Trước thực tế này, thời gian tới cùng với chính sách vĩ mô ổn định, giới doanh nghiệp kỳ vọng nhà nước sẽ có những đột phá trong chỉ đạo, điều hành để giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ làm việc luân phiên... Nhiều doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay đối với các khoản vay trung và dài hạn, song song chính sách hạ lãi suất tiền vay...
Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tân Việt Hưng Thủ đô cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách đột phá nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.
Theo bà Hiền, doanh nghiệp muốn phát triển hoặc mở rộng hoạt động phải dựa vào nguồn vốn, nhưng hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp là khó khăn. Trong 1-2 năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện tại xung đột trên thế giới cũng ảnh hưởng đến giá cả xăng dầu và hoạt động logistics... doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn có được những cơ chế chính sách phù hợp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bứt phá hơn nữa".
Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có một chính sách vĩ mô ổn định để phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết: "Đối với doanh nghiệp để phát triển bền vững thì yếu tố quan trọng nhất là chính sách tầm vĩ mô; nguồn nhân lực, cũng như về nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp với mục đích của họ là tạo việc làm cho lao động, muốn tạo ra những sản phẩm rất tốt cho xã hội và đóng góp vào ngân sách… Để phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vấn đề quan trọng là chính sách vĩ mô ổn định, chính sách tài chính, tiền tệ, tài khóa ổn định thì doanh nghiệp khi đấy mới tập trung vào phát triển nội lực của mình".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đương đầu với những thách thức trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp cần có những nhận diện đúng, trúng các yếu tố bất lợi để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, đồng thời doanh nghiệp cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương nghiên cứu cơ chế, nhằm giảm các loại chi phí không chính thức. Song song đó, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính là rất cần thiết, đây sẽ là tiền đề tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Doanh nhân cần quan tâm nhiều hơn tới đạo đức kinh doanh
Bên cạnh chính sách vĩ mô, cùng những cơ chế phù hợp “tiếp sức” kịp thời giúp doanh nghiệp vượt “bão” phục hồi và phát triển, nhiều người cũng cho rằng, giới doanh nhân cần quan tâm nhiều hơn tới văn hóa doanh nghiệp và đạo đức trong kinh doanh...
Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.
Nhìn lại những vụ việc như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.... nhiều chuyên ý kiến cùng chuyên gia kinh tế không khỏi sót sa, khi các doanh nhân nổi tiếng đã bất chấp các quy định pháp lý và giá trị đạo đức nhằm gia tăng lợi ích bằng mọi giá, để rồi vướng vòng lao lý, đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn khó...
Chia sẻ suy nghĩ về văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA cho rằng, văn hóa của mỗi DN phải được định vị và xuất phát từ người đứng đầu. Người chủ DN khi đã ở vị thế của một doanh nhân trong kinh doanh nhất định phải phải tôn trọng những giá trị đạo đức đặc biệt. Yếu tố con người trong mỗi DN là vô cùng quan trọng và chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính người lãnh đạo với 6 chữ Vàng: Trí - Dũng - Nhân - Công - Tâm - Chính. “Đó là bộ quy tắc ứng xử bên trong và bên ngoài. Từ định hướng đó đặt ra những hướng đi, những hành động của mỗi tổ chức, mỗi con người trong tổ chức đó”, bà Thúy tâm niệm.
Cũng theo bà Thúy, tinh thần của mỗi DN cần phải được xác định từ tôn chỉ mục đích, phương châm hoạt động từ người lãnh đạo là phục vụ xã hội, trao những giá trị đó, giúp cho DN có những sản phẩm thực sự hữu ích để giúp cộng đồng DN cùng phát triển. Cùng với đó, doanh nhân, DN cần tích lũy từ kinh nghiệm của những người đi trước và muốn xây dựng được văn hóa DN, phải xây dựng được quy trình trong tổ chức của mình với sự hỗ trợ của công nghệ để rút ngắn được quá trình xây dựng và phát triển văn hóa DN.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Bình Dương khẳng định, văn hoá DN không phải là đạo đức. Văn hoá của một DN được hình thành bởi các giá trị cốt lõi từ người lãnh đạo các DN cùng với chiến lược, định hướng, thói quen và đạo đức được chi phối bởi những người xung quanh. Còn đạo đức có phạm trù khác, có thể đạo đức sẽ một phần chi phối trong văn hoá. DN hướng đến cộng đồng, làm việc thiện, việc tốt mới là đạo đức.
“Có những việc buộc doanh nhân phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là được lợi nhiều nhưng cộng đồng được ít thì có thể sẽ làm hoặc không làm. Nhưng người kinh doanh có đạo đức sẽ biết cân bằng lợi ích giữa DN với cộng đồng và những người có trách nhiệm xã hội đồng nghĩa với kinh doanh có đạo đức. Đây là xu thế sẽ phải làm, vì kinh doanh không có trách nhiệm, không có đạo đức sẽ bị cộng đồng xa lánh, đối tác, bạn hàng ít hợp tác”, ông Huân chia sẻ.
Ông Huân nhận định, Doanh nhân phải xác định sứ mệnh của mình, trách nhiệm của doanh nhân đối với những người không thuộc DN của mình, bản thân mình, gia đình vợ con mình, cán bộ nhân viên của mình. Khi doanh nhân có được sứ mệnh đó thì sẽ có được ý tưởng và trách nhiệm xã hội rất rõ ràng. Khát vọng, tầm nhìn và trách nhiệm nếu gắn kết được với nhau mới xác định được giá trị văn hoá của doanh nhân, con người có tính cách như thế nào thì DN có nét văn hoá như vậy.
“Đạo đức phải được lồng ghép vào trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân. Bản thân khi kinh doanh, các doanh nhân phải tính đến sinh lời cho DN và xã hội, làm ra được nhiều của cải vật chất cho cuộc sống. Nhưng nếu doanh nhân chỉ luôn suy nghĩ về đạo đức trong kinh doanh sẽ làm mất đi tính cạnh tranh và tính “chiến đấu” của mỗi DN”, ông Huân thừa nhận.
Doanh nhân nào cũng mong muốn phát triển, nhưng đi kèm là bền vững, sự phát triển của doanh nhân, DN phải gắn với sự phát triển của đất nước. Là người đứng đầu DN, bản thân mỗi doanh nhân đã có khát vọng được làm giàu và kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Nếu doanh nhân nào có tầm nhìn xa sẽ tính đến sự gắn kết của bản thân với lợi ích của cộng đồng, coi đây là con đường dài giúp DN phát triển bền vững.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Đi xa đông người có thể chậm nhưng chắc và với đội ngũ doanh nhân cũng vậy, cùng với khát vọng chung là làm giàu, trong số đó sẽ có những doanh nhân có đạo đức, có tầm nhìn xa, nhạy bén và có trách nhiệm với xã hội họ sẽ đến đích với kết quả hoàn mỹ và trọn vẹn hơn.
7
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết