Hàng chục cửa hàng xăng dầu chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh


(CHG) Kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong số nhiều vi phạm về kinh doanh xăng dầu thì hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang có chiều hướng gia tăng và là hành vi có thể dẫn đến vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
Ông N.V.H, một thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình chia sẻ rất thẳng thắn: “Thời điểm vừa qua, chưa bao giờ kinh doanh xăng dầu lại chịu áp lực đến vậy. Thực tế, chúng tôi bán hàng hoàn toàn không có bất kỳ lợi nhuận nào, thậm chí còn lỗ rất nhiều.
Ngoài áp lực trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm dòng tiền để duy trì hoạt động, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, chúng tôi cũng vô tình bị áp lực rất lớn từ phía các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép có trên địa bàn. Những cửa hàng này không tham gia cung cấp xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng vào những dịp cao điểm. Thế nhưng, ngày bình thường họ lại cạnh tranh quyết liệt, thậm chí không lành mạnh với chúng tôi. Họ tăng khuyến mại cho các nhà xe, doanh nghiệp vận tải cao hơn chúng tôi (khi làm khuyến mại, chúng tôi đăng ký với cơ quan chức năng là 300 đồng/lít thì họ khuyến mại cho các nhà xe, doanh nghiệp lên tới 700 đồng/lít, nhưng họ chỉ ngầm hiểu với nhau, không treo biển).

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng dầu Nam Hải, thuộc Công ty TNHH Loan Nghĩa vi phạm niêm yết giá bán lẻ xăng dầu; thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề trên chính là phía các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép có thể sử dụng nguồn hàng trôi nổi trên thị trường, hàng “không”, một thuật ngữ trong giới kinh doanh xăng dầu - Hàng không có hóa đơn, chứng từ - Họ không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu thì làm sao cơ quan thuế có thể áp lên cột bơm của họ được.
Nếu lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, họ thường lấy lý do là trạm cung cấp xăng dầu nội bộ, nên phía cơ quan chức năng thường không làm gì được. Nhận thấy việc kinh doanh bất lợi, họ nghỉ bán hàng. Người tiêu dùng sẽ đổ dồn về cửa hàng kinh doanh xăng dầu của chúng tôi, khi đó doanh nghiệp phải “gồng” khoản lỗ bất thường”.
Trên thực tế, việc không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu “cục bộ” là áp lực rất lớn đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, khi tồn tại những cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép, vô hình chung tạo nên nghịch lý cạnh tranh giữa doanh nghiệp chân chính với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh, làm ảnh hưởng tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp, gây mất ổn định trong kinh doanh xăng dầu, góp phần làm cho chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.
La liệt cây xăng không phép

 Sở Công thương tỉnh Thái Bình.

Khảo sát thực tế của phóng viên Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại tại tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tồn tại nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa được cấp phép. Điển hình như cửa hàng kinh doanh xăng dầu Tiến Lợi thuộc Công ty TNHH xăng dầu Thảo Nghĩa, tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải; cửa hàng kinh doanh xăng dầu Nam Hải thuộc Công ty TNHH xăng dầu Loan Nghĩa, huyện Tiền Hải; trung tâm cấp phát nhiên liệu thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phiệt Học, tại lô 25 đường Trần Thủ Độ, tổ 2 xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình... Mặc dù chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên những cửa hàng trên vẫn ngang nhiên công khai hoạt động từ nhiều năm nay.

Trung tâm cấp phát nhiên liệu (nội bộ), thuộc Công ty Thương mại và Dịch vụ Phiệt Học nhiều lần bán xăng dầu cho người tiêu dùng khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên của Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thái Bình. Tại buổi làm việc, ông Hoàng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn 46 cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó, có 4 cửa hàng hoạt động nội bộ, 14 cửa hàng không đủ điều kiện sẽ phải trả lại nguyên trạng ban đầu, còn lại 28 cửa hàng đủ điều kiện (tuy nhiên phải theo quy chuẩn Thông tư 15 ngày 30/6/2020 của Bộ Công thương) các cửa hàng này phải đảm bảo quy chuẩn đó thì phía Sở mới thống nhất, đề xuất với UBND tỉnh để cửa hàng được hoàn thiện thủ tục. Phòng và Sở nắm rõ, nắm sát từ địa chỉ, địa điểm, quy mô, diện tích, trang thiết bị của 46 cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa đủ điều kiện. Một số cửa hàng là do quá khứ để lại, còn lại một số là xây mới, tự phát trong những năm qua... Chúng tôi đã có tham mưu cho cấp trên về sự việc”.
Ông Hoàng cho biết thêm: “Về vấn đề vai trò trách nhiệm của Sở Công thương trong việc để các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép vẫn ngang nhiên tồn tại, những hệ lụy như: Có thể dẫn đến vấn đề gian lận thương mại, cũng như thất thu ngân sách Nhà nước và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp? Phía Sở Công thương là đơn vị cuối cùng để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho cửa hàng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên cũng không thể nắm bắt hết được. Trách nhiệm này một phần cũng thuộc về một số sở ban ngành liên quan, cũng như của cấp huyện và cấp xã, nơi có cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép trên địa bàn”.
Đồng thời, ông Hoàng thừa nhận: “Để tồn tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép như thế, chắc chắn có việc cạnh tranh không lành mạnh diễn ra giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động theo đúng quy định, và các doanh nghiệp “biến tướng”, thậm chí có thể gây thất thu ngân sách nhà nước. Những cửa hàng trên vì không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, nên các hợp đồng cung ứng xăng dầu với thương nhân phân phối là sai quy tắc.

Mặc dù khẳng định sẽ không bao giờ mua xăng dầu ở những cửa hàng không có phép. Tuy nhiên, ngay chính ông Hoàng cũng không thể nhận biết được: Cửa hàng nào có phép, cửa hàng nào không.

Với vai trò là quản lý cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, cấp cho đại lý, cấp cho tổng đại lý trên địa bàn tỉnh, cũng như phát hiện, tham mưu cho UBND tỉnh, có lẽ phía Sở Công thương nên tham mưu, đề xuất cũng như tuyên truyền đối với người tiêu dùng trong tỉnh về việc đang tồn tại 46 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép, để người dân tránh, không mua xăng dầu tại đây.
Phạt để tồn tại hay...?
Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, ngày 03/09/2014 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung tại nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021) quy định về kinh doanh xăng dầu: Cửa hàng hoạt động kinh doanh xăng dầu phải đủ các điều kiện bán lẻ xăng dầu thì mới được phép hoạt động, và duy trì các điều kiện đã được thẩm định trong suốt thời gian kinh doanh.
Thực tế, qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Thái Bình, chúng tôi thấy việc xử phạt hành vi vi phạm đối với 46 cửa hàng kinh doanh xăng dầu khi chưa đủ điều kiện kinh doanh chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tồn tại. Điều này làm cho dư luận dấy lên nghi ngờ có sự bao che từ phía lực lượng chức năng. Cụ thể, quá trình tiếp xúc với những loại cây xăng chưa có giấy phép, đã có cuộc điện thoại của một một vị cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho phóng viên rằng: “Đấy là cây xăng của cô em, người nhà...”.

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Tiến Lợi, thuộc Công ty xăng dầu Thảo Nghĩa, kinh doanh không phép, ngang nhiên treo biển mang thương hiệu PV OIL, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là đại lý xăng dầu của Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Thái Bình - PV OIL.

Được biết, hiện nay công tác quản lý Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Thái Bình đã được tăng cường cả về quy mô lẫn chất lượng. Bởi vậy thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, việc đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã không diễn ra.
Tuy nhiên, việc tồn tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không phép có thể dẫn tới nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Dẫn chứng của vấn đề trên, ngày 31/01 2023, lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng dầu Nam Hải, thuộc Công ty TNHH Loan Nghĩa (xã Nam Hải, huyện Tiền Hải) vi phạm về việc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể là không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định (gian lận về giá bán); thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Việc kinh doanh bán lẻ xăng dầu khi chưa được cấp phép tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cũng như có thể diễn ra hành vi gian lận thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thậm chí còn có khả năng kinh doanh nguồn xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đến người tiêu dùng… Đây là vấn đề đang cần được cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... đối với hoạt động của hàng loạt cửa hàng xăng dầu chưa được cấp phép. Đồng thời, cần sớm có giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, giúp các doanh nghiệp có thể hoàn thiện được hồ sơ, thủ tục pháp lý, để đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm tạo thuận lợi về sự quản lý nhà nước, cũng như tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh xăng dầu ở Thái Bình.

Còn lại: 1000 ký tự
An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

Xem chi tiết
Cà Mau: Xử phạt hơn 270 triệu đồng vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định xử phạt hơn 270 triệu đồng vi phạm về kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ CHANEL tại Việt Nam.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Phạt tiền 140 triệu đồng về hành vi vi phạm nhãn hàng hóa.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật, trên nhãn có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, phạt tiền 140 triệu đồng.

Xem chi tiết
Tiền Giang: Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang thực hiện kiểm tra, phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính là không thể hiện đầy đủ tên cơ sở kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Xem chi tiết
Bến Tre: Kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre thực hiện kiểm tra, phát hiện kinh doanh buôn bán dược phẩm nhưng không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở theo quy định pháp luật, kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
2
2
2
3