Nghi vấn Sữa Núi Tản Ba Vì có dấu hiệu kém chất lượng


(CHG) Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là sữa học đường, đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và cộng đồng. Tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, việc trường Tiểu học Tân Lập B và trường Mầm non Tân Lập B sử dụng sản phẩm sữa mang thương hiệu Núi Tản Ba Vì làm bữa ăn phụ cho học sinh, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng đang gây lo ngại lớn đối với nhiều phụ huynh nơi đây.

Nghi vấn sữa kém chất lượng
Hai ngày vừa qua, ngày 23 và ngày 24/9/2024, nhiều phụ huynh của hai trường: Tiểu học Tân Lập B và Mầm non Tân Lập B thông tin tới Quỹ Chống hàng giả về việc nhà trường sử dụng sản phẩm sữa “lạ” làm bữa ăn phụ cho học sinh. Điều đáng nói, trong quá trình học sinh sử dụng sản phẩm, rất vô tình phụ huynh phát hiện ra sự khác biệt của thương hiệu, cũng như nghi vấn về chất lượng của sản phẩm. Quỹ Chống hàng giả đã bàn giao thông tin tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).


Buổi trao đổi thông tin giữa nhóm phụ huynh trường Tiểu học Tân Lập B và trường Mầm non Tân Lập B.

Gặp gỡ nhóm phụ huynh vào buổi chiều ngày 24/9/2024, tại một địa điểm hẹn trước, anh N.V.T, phụ huynh có hai con đang theo học tại trường Mầm non Tân Lập B và trường Tiểu học Tân Lập B vô cùng bức xúc: “Đầu năm học mới, trường tiểu học Tân Lập B tổ chức họp với các đại diện hội cha mẹ phụ huynh của trường và triển khai việc bổ sung bữa phụ là sữa cho các con. Khi một số đại diện hội phụ huynh thắc mắc về việc tên hãng sữa cụ thể, phía Ban giám hiệu mới cho biết, đây là sữa Ba Vì...



Sản phẩm Sữa Núi Tản Bà Vì tại buổi trao đổi thông tin giữa nhà trường, phụ huynh và doanh nghiệp (hình ảnh do nhóm phụ huynh cung cấp).

Chúng tôi rất an tâm khi nghĩ rằng con mình đang được sử dụng sản phẩm Sữa Ba Vì, do Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì sản xuất (một thương hiệu lớn, uy tín, lâu năm, luôn đem đến cho người dùng những sản phẩm chất lượng và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường). Tuy nhiên, khi một học sinh vô tình không sử dụng sản phẩm sữa trên lớp, mà mang về nhà, phụ huynh lúc này mới phát hiện bữa ăn phụ của các con sản phẩm Sữa Núi Tản Ba Vì. Quan sát chai sữa, vị phụ huynh này thấy sản phẩm có dấu hiệu kết tủa. Nghi ngờ về sản phẩm có dấu hiệu kém chất lượng, người này đã thắc mắc đến ban phụ huynh.


Đại diện của Công ty Cổ phần Sữa Núi Tản Ba Vì trong buổi làm việc với đại điện phụ huynh và nhà trường.

Ngày 18/09/2024, đại diện cha mẹ học sinh làm việc cùng nhà trường và đơn vị sản xuất sữa- Công ty Cổ phần Sữa Núi Tản Ba Vì. Trong buổi làm việc, phía Công ty cho rằng sản phẩm của mình đầy đủ thủ tục, pháp lý, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm để lưu hành trên thị trường.
Thực tế, ngay tại buổi làm việc, một số sản phẩm sữa mà phía nhà máy mang đến để phụ huynh dùng thử xuất hiện dị vật và kết tủa phía bên trong sản phẩm. Khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề trên, người đại diện Công ty, cho rằng dị vật đó có thể bị bay vào trong quá trình mở hộp. Hai hộp có dấu hiệu kết tủa, đại diện cha mẹ học sinh yêu cầu niêm phong, đi kiểm nghiệm về tính an toàn của sản phẩm, đại diện phía nhà máy cho rằng: như thế sẽ không đảm bảo tính minh bạch. Bởi trong quá trình mang đi kiểm nghiệm, sản phẩm sữa không được bảo quản đúng cách sẽ dẫn tới biến đổi chất lượng”.
Trường học có vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức cũng như bảo vệ sức khỏe học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động, học tập tại trường. Đối với các trường tổ chức học bán trú, trách nhiệm của nhà trường không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy mà còn bao gồm việc cung cấp thực phẩm an toàn cho học sinh. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tổ chức học bán trú cần thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn và kiểm tra chất lượng thực phẩm, đặc biệt là sữa, trước khi cung cấp cho học sinh.
Chính quyền xã nói gì về vụ việc

Trụ sở UBND xã Tân Lập.

Nhằm đưa thông tin khách quan, đa chiều về vụ việc, chiều ngày 24/9/2024, phóng viên Tạp chí CHG có buổi trao đổi với ông Lê Tuấn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Sau khi kiểm chứng nội dung này, UBND với tư cách là quản lý nhà nước trên địa bàn đã có buổi làm việc với các ban giám hiệu nhà trường. Yêu cầu các nhà trường báo cáo nội dung thông tin liên quan đến vấn đề nguồn cung cấp thực phẩm vào bữa ăn của các cháu.
Trước khi vào năm học mới, các nhà trường đã tổ chức họp với phụ huynh học sinh, các ban đại diện cha mẹ học sinh của các khối, để thống nhất thực đơn của bữa ăn và nguồn cung cấp của các đơn vị theo như danh mục UBND huyện cho phép”.
Với nội dung liên quan đến thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội Facebock về việc nghi vấn một số học sinh sau khi sử dụng sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần Sữa Núi Tản Ba Vì gặp vấn đề về tiêu hóa, ông Hồng cho rằng: “Sau khi nhận thông tin báo cáo, đối với nhà trường đã tiếp tục theo dõi. Nguồn thông tin cho rằng sữa các cháu sử dụng bị ngộ độc... Thực ra đến thời điểm này chúng tôi đã giao cho cơ quan Công an và các trưởng đoàn thể kiểm tra xác minh... Tới đây Phòng Giáo dục sẽ có câu trả lời thỏa đáng tới các đơn vị”.
Ông Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập khẳng định: Các trường đã thống nhất với cha mẹ phụ huynh về đơn vị cung cấp theo như danh mục UBND huyện cho phép. Trong khi đó, đại diện phía cha mẹ học sinh lại cho rằng: Phía nhà trường mập mờ, không thông tin chi tiết, cụ thể về đơn vị sản xuất, cung cấp sữa cho học sinh, thương hiệu sữa mà học sinh đang sử dụng gần giống với thương hiệu của một Công ty sữa rất nổi tiếng tại Việt Nam, điều đó nhằm mục đích gì?


Trường Mầm non Tân Lập B và Trường tiểu học Tân Lập B.

Chiều cùng ngày, phóng viên Tạp chí CHG đã đến đặt lịch làm việc với trường Mầm non Tân Lập B và trường Tiểu học Tân Lập B. Tuy nhiên, bảo vệ của cả hai trường đều cho biết: “Hiệu trưởng đi vắng”. Phóng viên đã thực hiện nhiều cuộc gọi tới số máy của cả hai bà hiệu trưởng, thế nhưng chỉ có những tiếng đổ chuông dài, mà không ai trong hai bà nhấc máy.
Thiết nghĩ, để xảy ra vấn đề trên, cả hai trường cần khẩn trương xem xét lại quy trình kiểm tra chất lượng sữa đầu vào của đơn vị cung cấp liệu đạt tiêu chuẩn an toàn? Cũng như công khai thông tin về nhà cung cấp sữa, hợp đồng và quy trình kiểm định chất lượng để phụ huynh có thể dễ dàng theo dõi và giám sát.
Tiếp tục tổ chức buổi họp với phụ huynh để trao đổi thông tin, thẳng thắn nhìn nhận đánh giá đúng bản chất của sự việc, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp và phản ánh của phụ huynh về chất lượng thực phẩm.
Chính quyền và nhà trường cần rốt ráo hơn nữa trong quá trình lý vụ việc
Trao đổi với chuyên gia về dinh dưỡng, bà Phạm Thị Hương về việc sử dụng sữa kém chất lượng đối với trẻ nhỏ, bà Hương cho biết:  “Chất lượng sữa kém không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tức thời mà còn có những tác động lâu dài đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ em uống phải sữa không đủ chất dinh dưỡng có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và không đạt được các chỉ số về chiều cao, cân nặng.
Ngoài ra, việc sử dụng sữa không an toàn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, dị ứng, hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Trong một số trường hợp, trẻ em có thể bị ngộ độc thực phẩm, gây ra hậu quả nặng nề cho sức khỏe và tâm lý”.
Tình trạng sử dụng sữa có dấu hiệu không đảm bảo tại trường Tiểu học Tân Lập B và trường Mầm non Tân Lập B cần được giải quyết một cách khẩn trương và triệt để. Các bên liên quan, bao gồm nhà trường, UBND xã Tân Lập, UBND huyện Đan Phượng và Phòng Giáo dục huyện Đan Phượng, cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, tạo dựng niềm tin cho phụ huynh và nâng cao chất lượng giáo dục trong khu vực. Việc bảo vệ sức khỏe học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Trong đó, UBND xã Tân Lập đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hoạt động giáo dục và đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Chính quyền địa phương cần có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra định kỳ các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đảm bảo rằng thực phẩm cung cấp cho học sinh đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu không đảm bảo chất lượng sữa, UBND xã cần có những biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh, đồng thời thông báo kịp thời đến phụ huynh và các cơ quan chức năng. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và nhà trường là rất cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe học sinh.
Đối với UBND huyện Đan Phượng và Phòng Giáo dục huyện Đan Phượng, cần phải có trách nhiệm lớn trong việc quy hoạch và kiểm soát hoạt động giáo dục trên địa bàn. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Huyện cần có những chỉ đạo cụ thể, đưa ra các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng sữa và thực phẩm trong trường học.
Đồng thời, các cơ quan này cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nhà cung cấp thực phẩm cho trường học. Rốt ráo hơn nữa trong việc niêm phong mẫu tại nhà trường, mang đi kiểm nghiệm và xử lý thật nghiêm nếu phát hiện sai phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh và tạo dựng niềm tin cho phụ huynh.
Việc bữa ăn phụ sử dụng sữa cho học sinh là đúng đắn, chương trình sữa học đường là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không kịp thời khắc phục các dấu hiệu kém chất lượng hiện tại, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội vàng để nâng cao sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai. Các cơ quan chức năng, nhà cung cấp và cộng đồng cần chung tay vào cuộc để đảm bảo rằng mỗi hộp sữa đến tay trẻ em đều mang lại giá trị dinh dưỡng và an toàn tuyệt đối. Sự chung sức của toàn xã hội sẽ tạo ra một môi trường học đường tốt hơn, nơi trẻ em có thể phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Còn lại: 1000 ký tự
Đồng Tháp: Kiểm tra xử lý phạt tiền, tịch thu và buộc tiêu hủy tang vật gần 1.750 triệu đồng.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra phát hiện 49 vụ vi phạm kinh doanh thông qua trang mạng xã hội, đã xử lý phạt tiền, tịch thu và buộc tiêu hủy tang vật gần 1.750 triệu đồng lĩnh vực thương mại điện tử.

Xem chi tiết
Tây Ninh: Xử phạt một cá nhân 40 triệu đồng vì buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu

(CHG) Ngày 21/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 – Cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết, đã tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân có hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu với số tiền xử phạt 40 triệu đồng.

Xem chi tiết
Ninh Thuận: Tạm giữ 48 xe đạp điện không hoá đơn chứng từ hợp pháp

(CHG) Ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận cho biết đang tạm giữ 48 xe đạp điện không hoá đơn chứng từ hợp pháp để tiếp tục xử lý theo quy định.

Xem chi tiết
Bình Thuận: Tạm giữ hơn 1,4 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc

(CHG) Ngày 13/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Bình Thuận cho biết, vừa phối hợp với một số đơn vị chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh, phát hiện và thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Xem chi tiết
Hai đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Bình Thuận bị xử phạt 60 triệu đồng

(CHG) Ngày 13/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai đơn vị kinh doanh xăng dầu do vi phạm về điều kiện trong hoạt động kinh doanh.

Xem chi tiết
2
2
2
3