(CHG) Hiện nay tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn có chiều hướng phức tạp. Đường nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới Tây Nam để vào thị trường trong nước tiêu thụ. Để đẩy lùi vấn nạn trên, rất cần sự kiên quyết triển khai Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng mặt hàng đường cát.
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện ra kho chứa đường không rõ nguồn gốc.
Nhiều kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu đường cát
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm như TP. HCM, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước… vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Vì vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn.
Trước tình hình gia tăng hoạt động buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam những năm gần đây đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số lượng vụ việc ngày càng nhiều, các cơ quan chức năng tại các tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch đấu tranh đối với loại hoạt động buôn lậu mặt hàng này. Kết quả đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm nhiều vụ việc liên quan đến đường nhập lậu tại nhiều địa bàn trên cả nước.
Một số vụ việc điển hình như ngày 18/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An trong lúc tuần tra, kiểm soát địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Hưng Nguyên phát hiện xe ô tô tải BKS 37H-035.33 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa trái phép. Tổ công tác đã yêu cầu dừng xe, kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 4,5 tấn đường cát, xuất xứ Thái Lan với tổng giá trị gần 68 triệu đồng. Đối tượng vận chuyển đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa và thừa nhận, số đường cát trên là hàng hóa nhập lậu.
Đáng chú ý, chỉ trong 1 ngày mà nhiều tỉnh phía Nam đã liên tục phát hiện, tịch thu hàng tấn đường cát trắng không rõ nguồn gốc. Cụ thể như tại Bình Thuận tịch thu 480kg đường cát trắng, tại TP. HCM 530 bao đường tinh luyện các loại với tổng trọng lượng 26,5 tấn... Theo đó, đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra trên địa bàn xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đoàn kiểm tra phát hiện tại một hộ kinh doanh đang bày bán 480kg đường cát trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hộ kinh doanh khai nhận đã mua trôi nổi trên thị trường để bán lại.
Cùng ngày, thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. HCM, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp bắt giữ số lượng lớn đường cát có dấu hiệu vi phạm tại một hộ kinh doanh trên địa bàn. Đội đang xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Tại điểm chứa trữ hàng hóa của hộ kinh doanh này, lực lượng liên ngành phát hiện 530 bao đường tinh luyện các loại với tổng trọng lượng 26,5 tấn. Toàn bộ hàng hóa còn nguyên bao bì chưa qua sử dụng. Thông tin trên bao bì không thể hiện ngày sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng Thái Lan nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính gần 500 triệu đồng.
Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của sản phẩm. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã được Đội Quản lý thị trường số 3 tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng TP. HCM đã kiểm tra và phát hiện ra nhiều tấn đường nhập lậu.
Tính từ ngày 1/1 - 15/3/2023, các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan Quảng Trị đã phát hiện, xử lý 37 vụ/34 đối tượng vi phạm hành chính về mặt hàng đường kính không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan, thu giữ 105,7 tấn, trị giá hàng vi phạm ước gần 1,4 tỷ đồng.
Không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, thậm chí bố trí cả “đội ngũ chim lợn” hỗ trợ... là những thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường kính trên tuyến biên giới Sê Pôn và tuyến đường 9 (Quảng Trị) sử dụng để đối phó lực lượng chức năng. Tuy nhiên các lực lượng luôn có biện pháp linh hoạt để phá án.
Chung tay đẩy lùi vấn nạn đường lậu
Để ngăn chặn tình trạng đường cát nhập lậu ở khu vực biên giới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Nguyễn Văn Cẩn đã đưa ra các hướng giải pháp cụ thể, theo đó yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Cơ sở pháp lý là Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định “việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Để tổ chức thực hiện quy định nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/1/2011 hướng dẫn triển khai việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra nội dung truy xuất nguồn gốc của cơ sở sản xuất kinh doanh theo Thông tư số 45/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa ra các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Xem xét đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường vào lĩnh vực kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất thực phẩm đối với mặt hàng đường, phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Kiên quyết xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương liên quan thống nhất cách xử lý các phương tiện vận chuyển đường nhập lậu. Trước mắt tạm giữ phương tiện theo Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Sau đó, nếu xác định là vi phạm, sẽ tịch thu hàng hóa theo Điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP; tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm.
Ông Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an) dự báo: Khi kiểm soát chặt chẽ mặt hàng đường theo đường chính ngạch, mặt hàng này có nguy cơ thẩm lậu qua đường tiểu ngạch. Do vậy, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát gắt gao đối với mặt hàng đường thẩm lậu vào Việt Nam, nhất là các tỉnh biên giới. Các lực lượng chức năng cần chung tay để triển khai kiên quyết những kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong đó có đường cát.
Như vậy, mặc dù đã triển khai Kế hoạch 92/KH-BCĐ 389 ngày 13/9/2022 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có chú trọng mặt hàng đường cát, nhưng thời gian tới đây các cơ quan chức năng tại các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, để cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn đường cát nhập lậu, góp phần bảo vệ ngành mía đường Việt Nam đang khó khăn vươn lên sau đại dịch./.
Việc nhập lậu đường cát qua biên giới là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy theo số lượng, giá trị của số đường cát được mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép qua biên giới mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính thì căn cứ Nghị định 128/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 98/2020/NÐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về xử lý hình sự thì căn cứ các Ðiều 188, Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý theo quy định. |
17
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết