(CHG) Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022 - 2023. Theo đó, giá đường nội địa Việt Nam vẫn tăng đáng kể, nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách chống bán phá giá.
Ngành mía đường có những cơ hội vượt qua khó khăn khi giá đường tăng cao.
Sản lượng mía đường tăng
Số liệu thống kê cho biết, diện tích mía sản xuất trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến đạt khoảng 151.300ha, tăng 3% so với cùng kỳ; sản lượng mía đưa vào ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường được sản xuất đạt gần 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Hiện nay, giá đường thế giới tăng lên mức kỷ lục trong hơn 10 năm, theo giải thích của các chuyên gia thuộc lĩnh vực này, nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt là nguyên nhân khiến giá đường trên thị trường thế giới tăng lên mức cao nhất, kể từ năm 2012.
Trong tháng này, giá đường thế giới tăng vọt lên hơn 24,5 cent Mỹ mỗi pound (1 pound = 453,5g) - cao nhất kể từ năm 2012. Kể từ giữa tháng 4/2023, những người trồng mía có thể định giá đường năm 2023 của họ ở mức 756AUD/tấn và giá đường của năm 2024 ở mức 651AUD/tấn. Thậm chí, họ còn đang cân nhắc mức giá hấp dẫn cho các năm 2025 và 2026.
Giới phân tích dự báo năm 2023, doanh nghiệp ngành mía đường sẽ có sự phục hồi, lấy lại vị thế nhờ các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế sẽ thúc đẩy nhu cầu với đường sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: Giá đường thế giới tăng không do cung cầu, hiện nay vẫn đang trong tình trạng thừa cung. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ngoài yếu tố cung cầu, do các dự báo trước đây tại một số quốc gia sản xuất đường cao hơn so với con số thực tế hiện nay, nên việc thừa cung giảm đi.
Thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định, do hiện nay có một lượng đường rất lớn đang nằm trên thị trường là đường nhập lậu, xuất xứ từ Thái Lan. Khi giá đường quốc tế lên thì giá đường nhập lậu cũng tăng theo, sẽ khiến cho lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đường nhập lậu thu hẹp. Cộng thêm với việc trong khoảng 1 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng kiểm soát đường nhập lậu ráo riết. Những yếu tố này làm cho đường giá rẻ trong nước giảm xuống. Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng 2 - 3 tuần gần đây, các nhà máy đường trong nước mới bắt đầu bán được đường sản xuất từ mía.
Theo chuyên gia Tradingeconomics, giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) và đường trắng theo ISO đều đạt mức kỷ lục trong tháng 12/2022, với trung bình lần lượt 18,93US cents/lb và 540,76USD/tấn. Theo đà tăng của thế giới, giá đường nội địa Việt Nam diễn biến tăng trong năm 2022 năm cao hơn 8 - 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giai đoạn từ tháng 1 - 10/2022, giá đường trung bình là 18,5US cents/lb. Đà tăng mạnh của giá đường trong tháng đầu năm 2023 đã mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp mía đường.
Trước đó, FAO đưa ra dự báo đến năm 2029, giá đường trung bình đạt 21,3 cents/lb, nhưng thực tế diễn ra trong tháng 1/2023 đã vượt qua con số này.
So với giá đường các thị trường trong khu vực gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), giá đường Việt Nam đã tiệm cận đường Indonesia và Trung Quốc, tuy nhiên, chỉ bằng nửa giá đường Philippines và cao hơn đường Thái Lan trước thuế chống bán phá giá khoảng 25%.
Sau khi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Ước tính, giá đường nhập khẩu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%. Do đó, mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước. Niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường có nhiều dự báo tích cực. Giá mía được kỳ vọng tăng 50.000 - 80.000 đồng/tấn.
Tổng cung đường năm 2022 ước tính đạt là 2,8 triệu tấn, trong khi tổng cầu chỉ khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn. Tỷ trọng đường nội địa vẫn hạn chế ở mức 27%, đường nhập lậu gia tăng mạnh mẽ trong 2022, chủ yếu từ Thái Lan được vận chuyển gián tiếp vào nội địa qua Lào và Campuchia.
Dù nguồn cung dư thừa trong năm qua, giá đường nội địa Việt Nam vẫn tăng giá đáng kể nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách chống bán phá giá. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, năm 2023 ngành mía đường Việt Nam sẽ lấy lại vị thế nhờ sự phục hồi của giá đường và biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Giá đường nhập khẩu từ Thái Lan và có nguồn gốc Thái Lan (Lào, Campuchia) sau khi áp thuế chống bán phá giá, ước tính khoảng 22.000 đồng/kg, cao hơn giá đường Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan từ 10 - 15%.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá đường có thể chịu áp lực do nguồn cung tạm thời đang dư thừa từ tồn kho năm 2022, xấp xỉ 6 triệu tấn; tiềm năng Chính phủ gia tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu để bổ sung đường trong năm 2023.
Cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa
Ngày 19/4, Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong tháng 3 đa số các nhà máy đã hoàn thành vụ mía 2022 - 2023, còn lại một vài nhà máy tiếp tục sản xuất sang tháng 4/2023.
Theo đó, sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được hơn 7,1 triệu tấn mía và sản xuất được 713,343 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021 - 2022, sản lượng mía ép đạt 119% và sản lượng đường đạt 113%.
Đồng thời, theo dữ liệu của tradingeconomics.com về theo dõi giá đường qua các năm, với diễn biến giá đường trong tháng 3, giá đường thô thế giới trong tháng 3 tiếp tục ở mức cao nhất trong sáu năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá đường sản xuất từ mía trong nước như đường cát trắng vào khoảng 18.200 - 18.400 đồng/kg, đường tinh luyện từ 19.400 - 20.000 đồng/kg, đường vàng 18.200 đồng/kg trong khi đường nhập lậu là 17.200 đồng/kg.
Như vậy, trong tháng 3 so với các nước sản xuất mía đường trong khối ATIGA thì giá đường nội địa của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực. Đặc biệt giá đường nội địa Việt Nam chưa bằng 50% so với giá đường tại Philippines (39.000 đồng/kg).
Sắp tới, dự báo thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung do sức cầu chỉ mới bắt đầu tăng do mùa nắng nóng. Đồng thời, giá đường quốc tế tăng sẽ làm cho giá đường trong nước có thể sẽ tăng theo, nếu chúng ta kiểm soát được hoạt động nhập lậu mặt hàng đường.
Cụ thể, tháng 3/2023, giá đường kính trắng tại Quảng Tây (Trung Quốc) phổ biến mức 21.213 đồng/kg, còn tại Manila (Philippines), giá đường kính trắng bình quân ở mức 39.025 đồng/kg; tại Java (Indonesia) giá đường kính trắng bình quân ở mức 20.306 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường kính trắng tháng 3/2023 tại Việt Nam hiện đang phổ biến ở mức 17.400 - 18.300 đồng/kg.
Cả nước hiện còn khoảng 25 nhà máy đường đang hoạt động. Giá đường tăng, doanh nghiệp nâng giá mía lên, cộng với sản lượng sản xuất tăng các nhà máy “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, mong muốn là như vậy, nhưng việc thực hiện điều đó không dễ.
Trong chuỗi mía - đường này, nếu giá đường thấp quá thì rất khó cho các nhà máy. Chính vì vậy, triển vọng của ngành mía đường nội địa hiện nay vẫn còn có nhiều thách thức. Bởi phải kiểm soát được tình trạng đường nhập lậu, đồng thời phải nâng cao hiệu quả của công cụ phòng vệ thương mại. Chỉ làm được điều đó, ngành đường mới có thể sống được một cách công bằng, so với các nước khác./.
(Còn tiếp)
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết