Xuất khẩu hành, tỏi tăng 360% nhưng chưa thoát cảnh “được mùa rớt giá”


(CHG) Hành, tỏi là nông sản có sản lượng lớn của nhiều địa phương. Để không còn tình trạng “được mùa rớt giá”, các địa phương cần thay đổi tư duy theo hướng “bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng”. 
Chế biến hành tím xuất khẩu. Ảnh: ST
Đầu ra bấp bênh, giá cả trồi sụt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu thống kê cho thấy, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn xuất đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17,26 triệu USD (chưa kể của Đài Loan (Trung Quốc) thêm 6,6 triệu USD). So với kim ngạch chỉ 86.185USD năm 2021, xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2022 tăng đột biến 19,935%. Ngoài ra, xuất khẩu hành, tỏi sang Lào tăng 459%, sang Anh, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia tăng lần lượt là 93,4%, 67,6% và 53,8%... so với năm 2021.
Đánh giá về tiềm năng của hành, tỏi Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Thời điểm tháng 2, 3 các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp này vẫn được duy trì. Điều này dẫn tới công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hành chỉ đạt 240 tấn, con số rất khiêm tốn so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm.
Tóm tắt tình hình sản xuất hành tại Việt Nam, đại diện Cục Trồng trọt cho biết tổng diện tích sản xuất hành đạt khoảng 14 - 15 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh (Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...). Trong đó, diện tích trồng hành tím tại Hải Dương đạt 5.700 ha, sản lượng 110 nghìn tấn, tại Sóc Trăng là 6.500ha với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn. Qua số liệu, có thể thấy tổng diện tích trồng hành tím ở phía Nam là khoảng 7.000ha tập trung thu hoạch chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, gây áp lực cho bảo quản sau thu hoạch.
Tuy có sản lượng cao nhưng sản xuất hành hiện nay vẫn manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ và vấn đề sâu bệnh.
Là tỉnh có sản lượng củ hành tím lớn nhất nước, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết củ hành tím là cây trồng đặc sản của tỉnh, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua củ hành tím Vĩnh Châu gặp những khó khăn ở khâu sản xuất, tiêu thụ do thời vụ bố trí chưa hợp lý, một số thời điểm xuống giống tập trung dẫn đến “bí” đầu ra.
Do vậy, có năm giá củ hành lên cao 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng cũng có khi rớt giá chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Đặc biệt, có năm không có thương lái thu mua như niên vụ 2014 - 2015 và niên vụ 2020 - 2021.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin thêm, hiện vẫn còn tình trạng nông dân sản xuất riêng lẻ chưa hình thành hợp tác trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Đặc biệt, nông dân còn mang nặng tâm lý chờ giá, dù giá thỏa thuận với doanh nghiệp đã hợp lý nhưng vẫn không bán, khi giá giảm mạnh thì dẫn đến tình trạng tồn đọng. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ các đối tác; quảng bá và sử dụng nhãn hiệu hàng hóa chưa phát huy được hiệu quả; lượng hành nhiều vào mùa vụ chính nên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch; chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước...
Sản xuất tập trung, theo tín hiệu thị trường
Đứng ở góc độ là doanh nghiệp chuyên thu mua hành tím tại Sóc Trăng, nói về những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hành tím hiện nay, đại diện Công ty TNHH Hành tím Huy Khánh chia sẻ, thời vụ hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có lệch so với Indonesia nhưng lại gần như trùng với lịch thời vụ bên phía Thái Lan nên gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu do phải chịu cạnh tranh lớn từ Thái Lan.
Mặt khác, các tiêu chuẩn để xuất khẩu hành ra các nước rất cao, nhưng với quá trình sản xuất hiện nay bà con nông dân địa phương vẫn sản xuất theo quy trình truyền thống nên khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực còn rất hạn chế.
Đồng thời, khi xuất khẩu hành sang các thị trường khó tính như Mỹ hay Nhật Bản, các thị trường này đều đòi hỏi các giấy chứng nhận về các tiêu chuẩn trong sản xuất như Global Gap hay GMP…
Tuy nhiên, những chứng nhận trên đối với các vùng trồng hành tại Sóc Trăng đa phần vẫn chưa có.
Theo ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam, hành tím Việt Nam có đặc trưng riêng và đa số được xuất đi các nước là để phục vụ cộng đồng người Việt ở nước sở tại. Còn để xâm nhập vào các thị trường tiêu thụ gia vị nhiều thì khó cạnh tranh do giá cao.
“Củ hành của Trung Quốc, Ấn Độ thường rẻ hơn Việt Nam khoảng 50%. Hơn nữa, về mẫu mã, loại hành 1 củ được thế giới ưa chuộng nhiều do dễ bóc vỏ và chế biến, trong khi Việt Nam lại trồng loại hành 1 củ nhưng có nhiều tép, khó làm sạch vỏ và khi tách ra thì lại quá nhỏ”, ông Quốc phân tích.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, hành tím Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chúng ta nhập từ các nước về rất nhiều, gây áp lực cho tiêu thụ nội địa. Về giá, giá hành của họ luôn rẻ hơn của Việt Nam, cụ thể hành Ấn Độ củ tròn từ 3cm trở lên giá chỉ 250USD/tấn, trong khi của Việt Nam là 25.000 – 30.000 đồng/kg, mà còn nguyên bó, chưa cắt rời. Do vậy, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như có đầu ra ổn định cho hành tím, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, cần phải có sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân trực tiếp sản xuất hành tím với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng thí điểm các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm thuận tiện cho việc liên kết vùng tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm hành tím địa phương.
Liên quan các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ rau củ nói chung và hành, hẹ, tỏi nói riêng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, cần có những vùng sản xuất tập trung, định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường với những quy trình an toàn, chất lượng. Theo đó, để phát triển thị trường, nhà sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng. Do đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm và tiếp cận kênh phân phối trong và ngoài nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm đáp ứng yêu cầu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và tận dụng ưu đãi từ các FTA.
 

Ông Phạm Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ: Tiềm năng lớn xuất khẩu hành sang thị trường Mỹ

Quy mô thị trường hành, hẹ thế giới năm 2023 là khoảng 42 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 70 tỷ USD trong những năm tới. Đối với thị trường Mỹ, với hơn 300 triệu dân, sức tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng nông sản trong đó có rau gia vị.
Về khó khăn khi tiếp cận thị trường này, hệ thống quy định, tiêu chuẩn của Mỹ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật rất cao, đặc biệt là đối với thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, thuận lợi ở đây là với hành chế biến xuất khẩu sang thị trường này sẽ không phải qua rào cản kiểm dịch thực vật và phân tích nguy cơ dịch hại và có thể sử dụng ở nhiều hình thức khác nhau thông qua hệ thống phân phối.
Một vấn đề khác là khoảng cách địa lý, gây khó khăn cho vấn đề logistic và vấn đề bảo quản hành. Khi tiến vào thị trường Mỹ, hành, hẹ Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với sản phảm của các nước khác thư Thái Lan, Trung Quốc, Mexico vốn có lợi thế về chi phí vận chuyển, hệ thống phân phối và thương hiệu.
Để tiến vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất hành Việt Nam cần chứng minh điểm mạnh của mình về giá cả, chất lượng, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu, thiếu tính liên kết, chưa đủ khả năng đáp ứng được đơn hàng lớn.
Theo đó, cần tận dụng lợi thế các kênh phân phối để tiếp cận thị trường khi hành, hẹ được dùng cho nhiều mục đích tại Mỹ như sử dụng làm thực phẩm, gia vị bột khô, gia vị làm bánh, chuỗi nhà hàng ăn nhanh...
Ngoài những khó khăn thì hành, hẹ Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như cộng đồng cư dân gốc Á hay cộng đồng Việt kiều tại Mỹ đang dần lớn mạnh tại các thành phố lớn, tạo điều kiện để liên kết phân phối tại chuỗi trung tâm thương mại gốc Á; quan hệ Việt Nam và Mỹ đang ngày càng phát triển với nhiều cuộc tiếp xúc cấp bộ, ngành, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại. Để thúc đẩy hành, hẹ Việt Nam sang thị trường Mỹ, ông Huy đề xuất cần đa dạng hóa sản phẩm, hình thức sản phẩm để kéo dài thời gian bảo quản, tiếp cận các chuỗi siêu thị lớn của Mỹ.
Các thương vụ, bộ, ngành cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, trực tuyến vào hội chợ nông sản. Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế khi Mỹ và Việt Nam có đường bay thẳng để phát triển hệ thống logistic, tối ưu hóa hạ tầng và kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường tính liên kết với doanh nghiệp Việt kiều.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA): Sớm xây dựng dữ liệu về ngành hàng nông nghiệp để kết nối tiêu thụ
Hành tím và hành lá là mặt hàng mà các đơn vị chế biến lương thực thực phẩm sử dụng rất nhiều. Cụ thể, riêng mặt hàng mì ăn liền, tại TP. HCM, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất ra trên 7 tỷ gói, nên cần rất nhiều mặt hàng hành, rau sấy khô để làm gói gia vị. Các diễn đàn kết nối tiêu thụ rất hữu ích, giúp gắn kết vùng nguyên liệu với đơn vị thu mua, liên kết nhà sản xuất, nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ.
Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện số hóa, nên sớm xây dựng dữ liệu dùng chung trong sản xuất nông nghiệp theo từng nhóm hàng, để tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Để giải quyết vấn đề dội hàng rớt giá, các thành viên FFA đang đầu tư kho lạnh tại vùng sản xuất để lưu trữ, bảo quản một số mặt hàng gia vị như hành tím, hành lá, ớt... có thể bảo quản được 3 - 4 tháng, giúp giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ.
 
Ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Group: Xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường
Chúng tôi mong muốn tăng cường tiêu thụ hành, tỏi trong hệ thống siêu thị của Central Group.
Hành, tỏi là sản phẩm nằm trong mỗi bữa cơm của người Việt. Tuy nhiên, cần phân loại sản phẩm theo chất lượng để có thể đưa các sản phẩm chất lượng phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, khách mua trong siêu thị cần có mẫu mã đẹp và có thể là các thương hiệu uy tín. Sóc Trăng là địa phương đứng đầu về sản xuất hành tím, nên tỉnh cần nhấn mạnh thêm thương hiệu của nông sản này, nêu được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Trong tương lai, các sản phẩm gia vị như hành, tỏi, ớt rất có tiềm năng để xuất khẩu đi các thị trường quốc tế, vì vậy, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, chúng ta cần quan tâm đến mẫu mã, đóng gói, thương hiệu để có thể chiếm lĩnh được thị trường quốc tế. 
 

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-hanh-toi-tang-360-nhung-chua-thoat-canh-duoc-mua-rot-gia-172607.html

Còn lại: 1000 ký tự
Tiền Giang: Xử phạt hơn 100 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 Công ty buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và không có bản tự công bố sản phẩm, với số tiền xử phạt, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Xem chi tiết
Thanh Hóa: Phát hiện đường dây sản xuất nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan

(CHG) Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan.

Xem chi tiết
Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành giám sát tiêu huỷ hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá tang vật vi phạm bị tiêu hủy hơn 56 triệu đồng.

Xem chi tiết
Gia Lai: Xử phạt 06 cơ sở vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai kiểm tra, xử phạt hành chính 06 cơ sở kinh doanh dược vi phạm theo quy định của pháp luật, với số tiền 47 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Xử phạt 02 hộ kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra, phạt hiện 02 hộ kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm và buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xử phạt với số tiền gần 200 triệu động.

Xem chi tiết
2
2
2
3