Dùng niềm tin để làm "content"
Trong thế giới ảo nhưng tác động thật, một video được gắn mác "review chân thật", “đã dùng và thấy hiệu quả”, “mẹ bỉm sữa nào cũng nên biết”, “bác sĩ khuyên dùng”... có thể lập tức tạo nên cơn sốt mua hàng. Người xem (vốn tin vào hình ảnh của một người nổi tiếng, gần gũi, thậm chí là thần tượng) dễ dàng tin rằng họ đang được chia sẻ một sản phẩm tốt, đáng để trải nghiệm.
Tuy nhiên, đằng sau những đoạn clip chỉnh sửa kỹ lưỡng, những lời lẽ có vẻ chân thành ấy, không ít trường hợp chỉ đơn thuần là chiêu trò PR trá hình. Họ không hề sử dụng sản phẩm, không có kiến thức chuyên môn, thậm chí biết rõ sản phẩm kém chất lượng hoặc chưa được kiểm chứng an toàn, nhưng vẫn nhận tiền để “gật đầu” quảng bá.
Một sản phẩm được nhiều người nổi tiếng "nổ" quảng cáo.
Điển hình là trường hợp của hot Tiktoker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog, hoa hậu Thuỳ Tiên… những người có lượng theo dõi “khủng”, những người này đã tốn không ít giấy mực của cơ quan báo chí, cũng như đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra về hành vi lừa dối người tiêu dùng và sản xuất hàng giả (riêng với hoa hậu Thùy Tiên bị cấm xuất cảnh để điều tra).
Ngoài việc những nhân vật đã nêu ở trên, thời gian qua rất nhiều nhân vật được cho là hot TikToker nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội quảng cáo lố về sản phẩm, hoặc xây dựng lên những câu chuyện có thể tác động tới tâm lý người tiêu dùng bằng những video clip ngắn đầy cảm động và lòng trắc ẩn đối với người xem. Những TikToker này chỉ đóng vai trò dẫn chuyện, còn vai trò kể chuyện là người tiêu dùng.
Những video được đăng tải trên một tài khoản TikTok đã lấy đi nhiều nước mắt của người xem, trong đó chủ kênh chỉ là người dẫn chuyện.
Những video đó thường thấm đẫm nước mắt, hay vô cùng rung cảm về lòng biết ơn của người tiêu dùng nào đó đối với một nhân vật, hoặc một sản phẩm có công dụng thần kỳ giúp rất nhiều bệnh nhân giành giật thành công sự sống trước lưỡi hái của tử thần (bệnh ung thư).
Lấy làm lạ, nhân viên tư vấn của một nhãn hàng nọ còn khẳng định (qua số điện thoại 09079697xx ghi trên nhãn hàng hóa) một sản phẩm có thể hỗ trợ cho rất nhiều loại bệnh, thậm chí về mặt logic những bệnh này không liên quan tới nhau: bệnh trĩ, viêm xoang, dạ dày, ung bướu, ngăn chặn tiểu đường...
Thực tế, sản phẩm trên chỉ là một dạng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Từ "influencer" đến "kẻ lừa đảo mềm"
Cách đây vài năm, thuật ngữ "influencer" (người có tầm ảnh hưởng) bắt đầu trở nên phổ biến trong giới marketing. Những người này thường được doanh nghiệp mời hợp tác để quảng bá sản phẩm, nhờ sức ảnh hưởng và sự tin tưởng của cộng đồng người theo dõi. Tuy nhiên, khi việc trở thành “influencer” quá dễ dàng (chỉ cần vài chục ngàn lượt theo dõi trên nền tảng mạng xã hội và khả năng hoạt ngôn, cũng như có chút hiểu biết về kỹ năng quay, dựng clip), thì vai trò đó cũng dần bị biến tướng.
Nhiều người sẵn sàng “nhắm mắt đưa chân”, nhận hợp đồng quảng cáo, miễn có tiền, bất kể sản phẩm đó là gì, chất lượng ra sao, có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Từ kem trộn, thuốc giảm cân cấp tốc, nước uống giảm mỡ thần kỳ, đến các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, tất cả đều có thể trở thành "content triệu view", miễn sao đánh trúng tâm lý người xem.
Nguy hiểm hơn, nhiều clip được lồng ghép rất khéo léo, khiến người tiêu dùng tưởng là trải nghiệm thật. Có người còn “diễn” cả cảnh bác sĩ tư vấn, đưa ra giấy xét nghiệm máu, hình ảnh “trước và sau sử dụng”... để tăng độ tin cậy. Thực tế, tất cả chỉ là kịch bản được dựng lên nhằm lừa đảo niềm tin.
Khi những “content” kiểu này xuất hiện tràn lan, người thiệt đầu tiên chính là người tiêu dùng. Tin vào những lời quảng cáo "có cánh", không ít người bỏ ra hàng trăm ngàn đến cả triệu đồng để mua sản phẩm, với hy vọng cải thiện sức khỏe, sắc đẹp, hoặc chất lượng sống cho bản thân, gia đình. Nhưng kết quả thường là “tiền mất tật mang”.
Trong nhiều trường hợp, người dùng gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm do sản phẩm không đạt chất lượng, không rõ thành phần hoặc chứa hóa chất độc hại. Một số người thậm chí còn phải nhập viện vì dị ứng hoặc ngộ độc. Điều đáng buồn là khi gặp sự cố, các “hot TikToker”, “YouTuber triệu view” thường im lặng, gỡ video, khóa bình luận hoặc... chặn luôn người dùng. Trách nhiệm bị phủi sạch, còn hậu quả thì người tiêu dùng tự gánh lấy.
Không chỉ ảnh hưởng cá nhân, tình trạng này còn gây nhiễu loạn thị trường, làm mất uy tín chung của những người làm nội dung chân chính. Những người làm việc tử tế, có tâm, đầu tư công sức để kiểm chứng sản phẩm, chia sẻ thông tin hữu ích – lại bị vạ lây, bị người xem nghi ngờ, mất lòng tin.
Trách nhiệm không chỉ là của pháp luật
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam không thiếu các quy định liên quan đến quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm. Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, hay gần đây là Nghị định 38/2021/NĐ-CP đều quy định rõ ràng về hành vi bị cấm, điều kiện quảng cáo, mức xử phạt...
Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy việc kiểm soát và xử lý các vi phạm trên nền tảng mạng xã hội còn rất hạn chế. Lý do là vì môi trường số thay đổi liên tục, nội dung có thể đăng lên rồi xóa trong vài phút, tài khoản có thể chuyển đổi, ẩn danh hoặc khóa hẳn sau khi trục lợi xong. Ngoài ra, việc chứng minh mối liên hệ giữa influencer và doanh nghiệp quảng bá cũng gặp khó khăn do thiếu chứng từ, hợp đồng công khai.
Chỉ khi nào sự việc bị phát giác rộng rãi, báo chí vào cuộc, cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ – thì lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. Nhưng phần lớn thiệt hại đã xảy ra, niềm tin người dùng cũng đã bị tổn thương sâu sắc.
Không thể phủ nhận rằng pháp luật cần mạnh tay hơn với các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là trong môi trường mạng. Tuy nhiên, vai trò của cộng đồng, bao gồm cả người tiêu dùng và chính những người làm nội dung vô cùng quan trọng.
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả đưa ra lời khuyên: “Người dùng cần tỉnh táo, biết chọn lọc thông tin, không nên tin mù quáng vào những lời giới thiệu “trên mây”. Hãy kiểm chứng thông tin qua nhiều nguồn, ưu tiên sản phẩm có kiểm định rõ ràng, được cơ quan y tế chứng nhận.
Còn các influencer, dù là lớn hay nhỏ, cũng cần tự đặt ra đạo đức nghề nghiệp cho mình. Bởi lẽ, khi bạn có tầm ảnh hưởng, mỗi lời nói, mỗi hình ảnh bạn chia sẻ đều có thể tác động đến hàng ngàn, hàng triệu người. Nếu chỉ vì một hợp đồng vài chục triệu mà đánh đổi lòng tin thì cái giá phải trả sau đó có thể còn lớn hơn rất nhiều: danh tiếng sụp đổ, mất hết người theo dõi, thậm chí là trách nhiệm pháp lý”.
"Content is king"- nội dung là vua, nhưng không phải mọi nội dung đều đáng được tôn vinh. Khi nội dung trở thành công cụ để lừa đảo, để trục lợi trên sự cả tin của người tiêu dùng thì đó không còn là sáng tạo, mà là hành vi tiếp tay cho sự bất lương.
Chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, nơi nội dung tử tế được tôn trọng và lan tỏa, nơi người làm nội dung phải chịu trách nhiệm với từng lời mình nói. Đừng lấy niềm tin người tiêu dùng để làm “chiêu trò content”. Bởi niềm tin một khi mất đi thì không nền tảng nào, không view nào có thể mua lại được.
(CHG) Trong số các dự án TKV dự kiến đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 2026-2030, đáng chú ý có dự án Tổ hợp bauxite - alumin Nhân Cơ tại Đắk Nông, Nhà máy sản xuất Amoniac tại Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II.
Xem chi tiết(CHG) Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024 diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 20/11 đến 24/11/2024) tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, là hoạt động xúc tiến thương mại ý nghĩa, thiết thực thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024). Quy tụ 260 gian hàng của 130 đơn vị đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước
Xem chi tiết(CHG) - Vietnam Airlines triển khai chương trình ưu đãi đồng giá vé Tết Ất Tỵ 2025 chỉ từ 666.000 đồng/chiều cho hạng Phổ thông và 1.868.000 đồng/chiều cho hạng Thương gia (các mức giá đã bao gồm thuế, phí).
Xem chi tiết(CHG) - Mục tiêu của Thaco trong năm 2024, sẽ xuất khẩu đạt giá trị gần 140 triệu USD thông qua đơn hàng từ các doanh nghiệp FDI.
Xem chi tiết(CHG) - Mới đây Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký kết bản hợp tác với Safran Seats về việc cung ứng vật tư phụ tùng máy bay, bố trí lại cấu hình ghế máy bay và cài đặt hệ thống kết nối internet trên không.
Xem chi tiết